Tủ sách talawas 26.6.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngá»c dịch
6.
Khoảng năm giờ chiều, tôi vừa kết thúc bài nói chuyện tại Hội đồng Slav và bắt đầu trả lời các câu hỏi của cử toạ thì có người đến nói thầm vào tai rằng phải dừng ngay lập tức, có một việc quan trọng không thể trì hoãn được. Không chỉ chúng tôi, những người Nam Tư ở đây, mà cả các cán bộ Liên Xô cũng cho là buổi nói chuyện hôm nay có ý nghĩa cực kì quan trọng. Chính trợ lí của Molotov tên là Lozovski đứng ra giới thiệu tôi với cử toạ là những người đã được lựa chọn từ trước. Vấn đề Nam Tư đã trở thành đề tài thảo luận không thể trì hoãn của các nước đồng minh chống phát xít.
Tôi nói lời xin lỗi, hay có ai đó đã xin lỗi giúp, rồi người ta kéo tôi và tướng Terdich ra ngoài; họ cho chúng tôi lên một chiếc xe ô tô trông rất cũ kĩ. Ô tô chuyển bánh, chỉ đến lúc đó, một viên đại tá an ninh mới thông báo rằng đồng chí Stalin sẽ tiếp hai chúng tôi. Lúc đó, phái đoàn của chúng tôi đã được chuyển đến sống trong khu nhà nghỉ ở ngoại ô Moskva, tôi nghĩ là quay lại lấy tặng phẩm cho Stalin thì sẽ muộn vì phải đi khá xa. Nhưng lực lượng an ninh quả là không hổ danh, tặng phẩm đã nằm sẵn trong xe, ngay bên cạnh viên đại tá. Thế là mọi chuyện đều ổn, ngay cả trang phục: khoảng mươi ngày trước đây, chúng tôi đã được mặc những bộ trang phục mới, may ngay trong các xưởng ở Liên Xô. Chỉ cần không được mất bình tĩnh, phải chú ý lắng nghe viên đại tá và đừng có hỏi nhiều.
Tôi đã quen không hỏi nhiều. Nhưng hồi hộp thì không thể nén được, nó xuất phát từ những vùng sâu thẳm nhất của tâm hồn tôi, chính tôi cũng cảm thấy mặt mình tái đi, chính tôi cũng cảm thấy niềm vui đang dâng trào, tựa hồ như một sự lo âu khiếp hãi.
Nhưng còn gì vinh quang và hồi hộp hơn đối với một người cộng sản đến đây từ mặt trận, đến đây từ bão táp của cách mạng?
Được Stalin tiếp có nghĩa là chủ nghĩa anh hùng và những hi sinh của những chiến sĩ du kích và của dân tộc chúng tôi đã được long trọng công nhận. Đối với những người đã trải qua tù ngục, đã trải qua những cuộc chém giết, đã vượt qua những đổ vỡ về tinh thần, đã trải qua những cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài của chủ nghĩa cộng sản thì Stalin còn là một cái gì đó cao hơn lãnh tụ của phong trào. Ông là hiện thân của lí tưởng; trong tâm trí của những người cộng sản, ông chính là lí tưởng trong sáng nhất, nghĩa là không thể nào sai lầm được. Stalin chính là cuộc đấu tranh trong hiện tại và tình bằng hữu trong tương lai của nhân loại. Tôi biết rằng hoàn toàn vô tình tôi là người cộng sản Nam Tư đầu tiên được ông tiếp. Tôi cảm thấy cực kì vinh dự và tự hào vì tôi có thể kể lại cuộc gặp gỡ này cho các đồng chí của mình và thông báo một số điều gì đó cho các chiến sĩ Nam Tư.
Bỗng nhiên, tất cả những cảm nhận tiêu cực về Liên Xô, tất cả những hiểu lầm giữa chúng tôi và các nhà lãnh đạo Liên Xô đã mất hết ý nghĩa và giá trị, dường như những điều ấy chưa từng xảy ra bao giờ vậy. Trước vẻ đẹp và sự kì vĩ của những tình cảm đang dâng trào trong tâm hồn tôi, tất cả những điều xấu xa đều biến mất, không để lại chút dấu vết nào. So với cuộc đấu tranh vĩ đại hiện nay, số phận của cá nhân tôi thì có nghĩa lí gì; so với sự toàn thắng của lí tưởng trong một ngày không xa, sự hiểu lầm của chúng tôi thì có nghĩa lí gì?
Nên biết rằng lúc đó, tôi tin những người Trotskist, những người theo phái Bukharin và tất cả những người chống đảng khác đều là những tên gián điệp và phá hoại cả và vì vậy, các biện pháp dã man là có thể chấp nhận được, có thể chấp nhận được với tất cả những người gọi là kẻ thù của giai cấp nữa. Nếu tôi có nhận thấy một số người có điều gì đó chưa nói hết trong các vụ thanh trừng hồi những năm ba mươi ở Liên Xô thì tôi lại cho rằng đấy là những sai lầm không đáng kể, là vết thương bắt buộc phải có trên cơ thể nếu ta muốn loại bỏ hoàn toàn mụn nhọt, như Dimitrov đã nói với Tito và sau này Tito đã kể cho chúng tôi. Vì vậy, tôi coi những hành động dã man của Stalin là các biện pháp cách mạng cần thiết, làm cho cá nhân và vai trò lịch sử của ông càng tăng lên chứ không giảm, đúng như bộ máy tuyên truyền của ông muốn. Đến tận hôm nay, tôi cũng không thể nói được rằng tôi sẽ làm gì nếu lúc ấy tôi biết được sự thật về các vụ án và các vụ thanh trừng đó. Tôi chỉ có thể nói một cách chắc chắn rằng tôi sẽ bị khủng hoảng tinh thần nhưng vẫn là một người cộng sản, vẫn tin vào chủ nghĩa cộng sản hoàn thiện hơn là cái đang có trong thực tế. Vì đối với tư tưởng cộng sản, mục đích quan trọng hơn phương tiện; để đạt mục đích, người ta có thể làm tất cả. Ngoài ra, đối với tôi và những người mong ước bỏ lại quá khứ hàng trăm năm nô lệ và lạc hậu, những người mơ ước vượt qua hiện thực trong cái đất nước đầy tuyệt vọng và tranh chấp như đất nước tôi thì chủ nghĩa cộng sản là hệ tư tưởng bao trùm nhất, thông minh nhất.
Tôi còn chưa thật sẵn sàng về mặt tâm lí thì xe đã đến trước cổng Điện Kremli rồi. Một sĩ quan khác đã đứng đợi sẵn, xe tiếp tục lăn bánh trên những con đường lạnh lẽo, không một biểu hiện nào của sự sống ngoài mấy cái cây nhỏ tí chưa kịp ra lá. Người sĩ quan chỉ cho chúng tôi xem chiếc Đại Hồng chung và Vua pháo, hai biểu tượng vô nghĩa của nước Nga vì súng thì chưa bắn lần nào còn chuông cũng chưa từng được gõ bao giờ. Bên trái vẫn còn tháp chuông nhà thờ Ivan Đại đế, sau đó là một dãy đại bác và chẳng mấy chốc chúng tôi đã đứng trước cổng một toà nhà khá dài tuy không cao lắm - đây là kiểu nhà được xây giữa thế kỉ XIX để làm văn phòng hoặc bệnh viện. Ở đây lại có một sĩ quan khác đứng đợi để đưa chúng tôi vào sâu bên trong. Chúng tôi cởi áo khoác, chải đầu trước một cái gương ngay dưới chân cầu thang bên dưới tầng hầm và bước vào thang máy, thang máy đưa chúng tôi lên một hành lang dài, trải thảm đỏ trên tầng một.
Mỗi khúc quanh lại có một sĩ quan mặc trang phục màu xanh của lực lượng bảo vệ nội bộ giậm chân chào, trông họ còn rất trẻ, điển trai và đứng im phăng phắc. Từ đây trở đi, mọi thứ đều sạch đến không ngờ, sạch đến nỗi không thể tưởng tượng là ở đây lại có người sống và làm việc: trên mặt thảm không có một sợi tóc, các tay nắm cánh cửa bằng đồng cũng không một tì vết nào.
Cuối cùng, người ta dẫn chúng tôi vào một văn phòng không rộng lắm, tướng Zhukov đã đợi sẵn. Một nhân viên thấp, béo, đầu hói, đã có tuổi mời chúng tôi ngồi, còn ông ta thì chậm chạp đứng dậy và đi vào phòng bên cạnh.
Tất cả diễn ra nhanh một cách bất ngờ: người nhân viên kia quay lại ngay và thông báo rằng có thể vào được. Tôi nghĩ: chắc phải qua chừng ba phòng nữa, may ra mới gặp được Stalin nhưng vừa mở cửa, tôi đã trông thấy ông đang bước ra từ một căn phòng nhỏ kế bên, có thể nhìn thấy một quả địa cầu rất lớn trong căn phòng đó. Molotov trông trắng trẻo, béo tốt, vận một bộ quần áo màu xanh thẫm cắt rất khéo theo lối châu Âu đứng cạnh một chiếc bàn họp dài.
Stalin đứng ở giữa phòng, tôi bước lại trước tiên và tự giới thiệu. Terdich cũng làm như thế, sau khi giới thiệu chức tước, Terdich giậm chân chào theo lối nhà binh, chủ nhà đáp lễ một cách khá tức cười, ông nói: Stalin.
Chúng tôi bắt tay Molotov rồi cùng an toạ. Stalin ngồi ngay đầu bàn, bên phải là Molotov, tôi ngồi bên trái rồi đến Terdich và tướng Zhukov.
Phòng này không lớn nhưng khá dài, không có món đồ trang trí đắt tiền nào. Phía trên một chiếc bàn viết nhỏ có ảnh của Lenin, còn trên tường, bên trên chiếc bàn họp, có treo chân dung của Suvorov và Kutudov, lồng trong những chiếc khung gỗ chạm trổ, giống hệt nhau y như những bức ảnh tô màu trong những gia đình nông dân vậy.
Chủ nhân là người trông giản dị nhất. Ông mặc bộ quân phục nguyên soái và đi một đôi ủng mềm, chỉ đeo một chiếc Huân chương Anh hùng lao động bên ngực trái. Cử chỉ của ông rất tự nhiên, không có một biểu hiện kiểu cách nào. Đây không phải là Stalin vĩ đại ta vẫn thấy trên các bức ảnh hay các thước phim tài liệu với những bước đi và điệu bộ được làm một chậm lại một cách cố ý. Không lúc nào ông ngồi yên, khi thì ông nhồi thuốc vào tẩu để hút, khi thì lại lấy một chiếc bút chì màu xanh viết cái chữ quan trọng nhất của đề tài câu chuyện, rồi khi cuộc nói chuyện sắp kết thúc thì lấy bút gạch chéo lên chữ đó, đầu khi thì quay sang phải, lúc sang trái, thân người vặn vẹo liên tục.
Một điều nữa làm tôi ngạc nhiên: ông là một người nhỏ con, không đẹp, lưng ngắn, ngực không nở, còn chân tay thì quá dài, vai và cánh tay trái dường như không cử động tự nhiên được. Bụng ông to vừa phải, tóc thưa nhưng chưa hói. Da mặt ông trắng, hai gò má đỏ hồng, sau này tôi mới biết rằng đấy là màu đặc trưng cho những người ngồi suốt ngày trong văn phòng. Răng ông đen, mọc không đều và cong vào bên trong. Ngay bộ râu cũng không dày như tôi tưởng. Nhưng dù sao, khuôn mặt ông không gây mất cảm tình: có một cái gì đó dân dã, chu đáo, đôi mắt sắc màu nâu vừa có vẻ nghiêm khắc, vừa có vẻ láu cá.
Cách nói chuyện của ông cũng làm tôi ngạc nhiên: rõ ràng ông không phải là người Nga. Nhưng vốn từ tiếng Nga của ông khá phong phú, ông sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ làm cho câu chuyện sinh động và uyển chuyển. Sau này, tôi mới biết rằng Stalin nắm rất vững văn học Nga và chỉ văn học Nga mà thôi. Ngoài ra, ông chỉ thông thạo môn lịch sử chính trị.
Có một điều tôi không bất ngờ: Stalin có khả năng khôi hài, một kiểu khôi hài tự tin và thô tục nhưng không phải không sâu sắc và tinh tế. Ông phản ứng nhanh, dứt khoát, không chần chừ; theo tôi, ông không phải là người thích nói dai, mặc dù ông vẫn để cho người đối thoại nói hết ý mình. Thái độ của ông với Molotov khá đặc biệt, có lẽ Stalin coi Molotov là cộng sự gần gũi nhất. Sau này, tôi mới biết rằng Molotov là ủy viên bộ chính trị duy nhất được Stalin kêu là “cậu”, điều này mang nhiều ý nghĩa nếu ta biết rằng người Nga có thói quen gọi ngay cả những người tương đối gần gũi là “ông”.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc Stalin hỏi cảm tưởng của chúng tôi về Liên Xô. Tôi đáp:
“Chúng tôi rất phấn khởi ạ!”
Stalin nói ngay:
“Chúng tôi lại chưa được phấn khởi mặc dù đã làm hết sức mình để nước Nga ngày một tốt hơn.”
Tôi nhớ như in là Stalin nói Nga chứ không phải Liên Xô. Điều đó có nghĩa là ông không chỉ kích động lòng yêu nước của dân Nga mà còn say mê, đồng hoá mình với nó nữa.
Tôi không thể suy nghĩ tiếp về chuyện này vì Stalin đã chuyển sang quan hệ với chính phủ hoàng gia lưu vong, ông hỏi Molotov:
“Thế chúng ta không phỉnh được người Anh để họ công nhận Tito là người duy nhất đang chiến đấu chống quân Đức trên thực tế à?”
Molotov cười khẩy, đầy vẻ chế nhạo và tự đắc.
“Không, không lừa họ được đâu, họ biết rất rõ các quan hệ ở Nam Tư hiện nay.”
Cách tiếp cận thẳng thừng, không hề úp mở, tôi chưa từng gặp trong các cơ quan Xô Viết chứ chưa nói đến luận điệu của các cơ quan tuyên truyền, làm cho tôi vô cùng phấn khích. Tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm, hơn thế nữa, cảm thấy như đang ở bên cạnh một người cũng có thái độ đối với thực tiễn giống như tôi, chứ không có thái độ vờ vịt. Dĩ nhiên, khỏi cần phải nói rằng Stalin chỉ có thái độ như thế khi ở giữa những người cộng sản trung thành và ủng hộ đường lối của ông.
Mặc dù Stalin không hứa sẽ coi Hội đồng dân tộc là chính phủ lâm thời của Nam Tư nhưng rõ ràng là ông rất quan tâm đến việc củng cố sức mạnh cho Hội đồng này. Xu hướng cuộc thảo luận cũng như quan điểm của Stalin rõ ràng đến nỗi tôi không cần trực tiếp đưa vấn đề đó ra thảo luận nữa. Có thể thấy rằng chính phủ Liên Xô sẽ công nhận ngay lập tức nếu họ cho rằng thời cơ đã đến và các sự kiện sẽ không diễn ra theo hướng có thoả hiệp tạm thời giữa Liên Xô và Anh, đúng hơn là giữa Hội đồng dân tộc và chính phủ hoàng gia lưu vong.
Như vậy là vấn đề còn bỏ ngỏ, cần phải chờ đợi và tiếp tục tìm giải pháp.
Nhưng vấn đề giúp đỡ các chiến sĩ đang chiến đấu ở Nam Tư được Stalin giải quyết dứt điểm.
Khi tôi nói đến việc vay hai trăm ngàn dollar thì ông bảo rằng đây là chuyện nhỏ, không có tác dụng nhiều nhưng hứa sẽ giao ngay số tiền đó cho chúng tôi. Khi tôi nói rằng sau giải phóng, chúng tôi sẽ trả nợ, cũng như sẽ hoàn lại vũ khí cũng như các vật tư khác thì ông đã phát bực mà bảo:
“Các đồng chí chế giễu tôi đấy à, các đồng chí thì đổ máu, còn tôi lại đi đòi tiền vũ khí ư! Tôi không phải con buôn, chúng tôi không phải là những người buôn bán, các đồng chí đang chiến đấu vì một sự nghiệp giống như chúng tôi. Chúng tôi có trách nhiệm chia sẻ với các đồng chí những gì mình có. Nhưng giúp thế nào đây?”
Chúng tôi quyết định sẽ đề nghị các đồng minh phương Tây cho lập căn cứ không quân Liên Xô trên đất Ý để cung cấp viện trợ cho du kích Nam Tư.
“Chúng ta sẽ thử đề nghị”, Stalin nói, “rồi sẽ thấy thái độ của phương Tây cũng như việc họ đã sẵn sàng giúp đỡ Tito hay chưa”.
Xin nói thêm, căn cứ này gồm mười máy bay vận tải, nếu tôi nhớ không lầm, đã được thành lập ngay sau đó.
“Nhưng máy bay thì chẳng được mấy”, Stalin tiếp tục, “Không thể dùng máy bay tiếp tế cho một quân đoàn được, mà các đồng chí đã là quân đoàn rồi. Cần có tầu thuỷ. Nhưng chúng tôi lại không có tầu, hạm đội Hắc Hải của chúng tôi đã bị tiêu diệt rồi”.
Tường Zhukov nói chen vào:
“Chúng ta có tầu ở Viễn Đông, có thể đưa sang các cảng ở Hắc Hải để vận chuyển vũ khí và các thứ cần thiết khác”.
Stalin lập tức ngắt lời một cách dứt khoát và lỗ mãng, ông đã trở thành một con người khác, không còn vẻ điềm tĩnh gần như đùa cợt nữa:
“Anh nghĩ gì thế nhỉ? Anh có thực tế không? Ở phương Đông cũng đang có chiến sự, một kẻ nào đó có thể không cho tầu đi hoặc đánh đắm hết. Nhảm nhí! Tầu thi phải mua rồi. Vấn đề là mua của ai? Bây giờ làm gì có tầu. Mua của Thổ Nhĩ Kì à? Thổ có ít tầu, mà họ không bán cho ta đâu. Ai Cập? Đúng, có thể mua của Ai Cập. Ai Cập sẽ bán, họ bán tất, tầu bè họ cũng bán thôi”.
Vâng, đây mới là con người thật của Stalin, một người không chấp nhận bất kì sự phản đối nào. Tôi cũng đã quen với cách ứng xử như vậy ngay trong đảng của mình, chính tôi cũng có xu hướng như thế khi phải dứt khoát quyết định thái độ hoặc đưa ra quyết định cuối cùng.
Tướng Zhukov không nói gì thêm, chỉ thấy ông ghi rất nhanh các chỉ thị của Stalin.
Nhưng việc mua và cung cấp viện trợ bằng tầu biển đã không được triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tiến triển của các chiến dịch trên mặt trận phía Đông, chẳng bao lâu sau Hồng quân đã tiến sát biên giới và có thể viện trợ cho Nam Tư bằng đường bộ. Tôi cho rằng lúc đó Stalin quả thật đã muốn giúp đỡ chúng tôi.
Thực chất buổi thảo luận là như thế.
Đồng thời Stalin còn muốn biết quan điểm của tôi về một vài chính trị gia Nam Tư. Ông hỏi tôi nghĩ thế nào về Milan Gavrilovich, lãnh tụ của các điền chủ Serbia và cũng là đại sứ đầu tiên của Nam Tư ở Moskva. Tôi nói: “Một người ranh mãnh”.
Stalin bình luận, dường như để nói với chính mình:
“Đúng thế, có những nhà chính trị coi sự khôn vặt là điều quan trọng nhất. Nhưng tôi có cảm giác Gavrilovich không phải là người dốt.”
Tôi nói thêm:
“Ông ta là nhà chính trị thiển cận, mặc dù không thể nói là dốt.”
Stalin lại hỏi vua Peter đệ nhị của Nam Tư kết hôn với ai. Khi tôi nói rằng lấy công chúa Hi Lạp thì ông nhận xét một cách khôi hài như sau:
“Này, Vyacheslav Mikhailovich, nếu tôi hay anh lấy một công chúa ngoại quốc nào đó thì có thể có lợi đấy nhỉ?”
Molotov cũng cười, không thành tiếng và dè dặt.
Tôi chuyển các tặng phẩm cho Stalin, bây giờ trông chúng có vẻ đơn giản và nghèo nàn quá. Nhưng ông không tỏ vẻ coi thường. Khi nhìn thấy đôi dép da đi trong nhà, ông thốt lên:
“Dép da!” Stalin nhắc khẩu súng trường lên, mở và đóng khoá nòng, nâng lên hạ xuống rồi bảo:
“Súng của chúng tôi nhẹ hơn.”
Cuộc nói chuyện còn tiếp tục chừng một tiếng đồng hồ nữa.
Khi chúng tôi ra khỏi Điện Kremli thì đã trời xẩm tối, viên sĩ quan đi cùng có thể cũng lây niềm vui của chúng tôi, anh ta tỏ ra rất vui vẻ và hết sức chiều chuộng chúng tôi, có thể nói chúng tôi muốn gì được nấy.
Mùa này, Bắc cực quang chiếu đến tận Moskva, tất cả đều phủ một màu tím, tất cả đều như rạo rực, xốn xang, đất trời như thăng hoa, dường như trở nên đẹp hơn cái thế giới mà chúng tôi đã sống cho đến bây giờ.
Tâm trạng của tôi lúc đó là như thế đấy.
Bản tiếng Việt © 2006 talawas
|