trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
27.11.2002
Nguyá»…n Quang A
Mô hình Kornai về các hệ thống kinh tế
 
Tác phẩm Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán và Con đường dẫn đến kinh tế thị trường của Kornai János, nhà kinh tế học người Hung, giáo sư Harvard (Mỹ), đều do Nguyễn Quang A dịch, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội, vừa ra mắt đã lập tức được coi là những cuốn sách quan trọng nhất năm 2002 ở Việt Nam. Để bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận với hơn 1000 trang sách ấy, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của dịch giả Nguyễn Quang A sau đây.
Talawas
Kornai János đưa ra một mô hình đơn giản mô tả các hệ thống kinh tế, trước tiên là cho hệ thống xã hội chủ nghĩa. Mô hình lí thuyết được sử dụng để phân tích so sách giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nó cũng được dùng như một công cụ hữu hiệu để xem xét các quá trình chuyển đổi hệ thống. Tổng quan này giới thiệu ngắn gọn mô hình cơ bản. Từ mô hình cơ bản này ta dẫn ra các mô hình cho hệ thống xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa. Một vài nhận xét cũng được đề cập. Nội dung trình bày ở đây lấy phần lớn từ "Kornai 2000" và một phần từ "Kornai 1992".

J. Kornai trình bày một mô hình đơn giản nhưng hữu hiệu cho các hệ thống kinh tế.

1. Mô hình



Hình 1. Mô hình tổng quát
Ðường mũi tên liền nét chỉ hướng tác động nhân quả chính.
Ðường mũi tên đứt nét chỉ tác động phản hồi.

Một mô hình lí thuyết là một kết cấu trừu tượng về trí tuệ để mô tả những nét chủ yếu của một hệ thống thực đang được khảo sát. Hệ thống thực tế cần mô hình hoá ở đây là một hệ thống kinh tế của một nước hay một nhóm nước nhất định trong một giai đoạn nhất định. Các hệ thống như vậy là vô cùng phức tạp, và mô hình mô tả nó chắc chắn phải bỏ qua rất nhiều chi tiết và chỉ nêu những nét đặc trưng chính và/hoặc chức năng chính của hệ thống. Ðáng nhắc tới là, một mặt tư duy của con người có mức độ ảnh hưởng khác nhau lên một hệ vật lí (từ không hề có ảnh hưởng gì lên một hệ cơ học cổ điển đến có một số ảnh hưởng lên một hệ lượng tử); mặt khác suy nghĩ của những người sống- những người tham gia trong các hệ thống xã hội- ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống. G. Soros [Soros 1987, 1998] gọi hệ thống như vậy- hệ thống mà tư duy của những thành phần (người) tham gia có tác động lên bản thân hệ thống- là "hệ thống phản thân" ("reflexive system").
Cho trước một thước đo về sự phù hợp hay các tiêu chuẩn về độ chính xác, có thể có nhiều mô hình mô tả tốt hệ thống đang được khảo sát. Ta ưa dùng mô hình đơn giản nhất trong số các mô hình như vậy. Mô hình trình bày ở đây có lẽ là một mô hình cô đọng nhất theo nghĩa này. Mô hình chung được nêu trong Hình 1.
Mô hình gồm năm khối, được đánh số từ 1 đến 5, và tất cả các tương tác có thể giữa chúng. Chiều tác động nhân quả chính được mô tả bằng các mũi tên liền, các phản tác động được mô tả bằng các mũi tên đứt.
Bỏ qua tất cả các phản tác động, chỉ chú ý đến chiều tác động chính của tính nhân quả (xoá hết các mũi tên đứt) ta sẽ nhận được mô hình Kornai giản lược như nêu trong Hình 2 [Kornai 1992].
Trong mô hình độ dày của mũi tên cho ta cảm giác ở một mức độ nào đó về cường độ tương đối của tác động. Ta có thể thấy mỗi tầng nông hơn chủ yếu bị tác động bởi tầng sâu hơn sát đó (khối ở sát ngay phiá trái) và cũng bởi tất cả các tầng sâu hơn khác. Bỏ qua tất cả các tác động của các tầng sâu hơn, trừ tầng sâu hơn sát kề (khối ở sát ngay phiá trái) ta nhận được mô hình Kornai đơn giản nhất như trong Hình 3 [Kornai 2000].



Hình 2. Mô hình giản lược nêu bật hướng tác động nhân quả

Khối 1 là tầng sâu nhất của hệ thống, nó mô tả cơ cấu quyền lực chính trị, tư tưởng chính thống và thái độ của nó đối với các hình thức sở hữu. Khối này chứa "chương trình gen" của hệ thống, chương trình xác định tất cả các đặc tính cơ bản nhất của cơ thể sống này, cùng với các thứ khác kể cả sức khoẻ và bệnh tật của nó cũng như các đặc trưng tổng quát của các quá trình sinh, tăng trưởng, suy thoái và chết của nó. "Chương trình gen", thái độ của cơ cấu quyền lực với hình thức sở hữu xác định hình thức sở hữu ưu thế của hệ thống trong khối 2. Hình thức sở hữu chiếm ưu thế và cơ cấu quyền lực tạo ra cơ chế điều phối áp đảo của hệ thống, khối 3, như là một hệ quả. Các khối 1, 2, và 3 là các thành tố quan trọng nhất của mô hình. Dùng ẩn dụ của một hệ tin học ta có thể nói rằng, phần vô hình của hệ thống, được ba khối này mô tả (ý thức hệ, chương trình gen, các luật, các quy chế, v. v.), tạo thành phần mềm hệ điều hành, đó là phần quan trọng nhất của toàn hệ thống. Theo thuật ngữ và khái niệm của các hệ thống công nghệ thông tin thì chúng xứng đáng được coi là phần mềm hệ điều hành. Cơ chế điều phối ưu thế, khối 3, cùng với khối 2 và khối 1 ảnh hưởng đến những quyền lợi, động cơ và các ứng xử của những người tham gia (dân cư, xí nghiệp, các cơ quan chính phủ,...), và những đặc trưng mang tính đặc thù hệ thống này được mô tả trong khối 4. Khối 5, tầng nông nhất của hệ thống, mô tả những tính đều đặn đặc thù hệ thống và các hiện tượng kinh tế cố hữu như là kết quả của các tương tác của các tầng sâu hơn (các khối 4, 3, 2, và 1). Do cầu toàn nên mô hình đầy đủ cũng chỉ ra tất cả các phản tác động có thể có giữa các khối, tức là tác động ngược lại của các tầng nông hơn tới tầng sâu hơn (các mũi tên đứt).
Dùng mô hình tổng quát Kornai trình bày một mô tả rất sâu và súc tích về hệ thống kinh tế của một nhóm gồm 26 nước đã được biết đến như các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỉ 20 [Kornai 1992]. Sau đó đã tỏ ra rằng mô hình cũng có thể sử dụng để mô tả hệ thống tư bản chủ nghĩa và một dải rộng các hệ thống quá độ.



Hình 3. Mô hình đơn giản nhất

2. Phân loại các hệ thống kinh tế

Mô hình tổng quát cho ta một công cụ rất hữu hiệu để phân loại các hệ thống kinh tế. Bằng cách xác định đặc trưng chính của các khối, giữ lại hay bỏ qua một số mối quan hệ, mô hình tổng quát tạo ra hàng loạt các mô hình hệ thống kinh tế khác nhau có thể dùng để mô tả các hệ thống kinh tế hiện thực khác nhau. Mục này mô tả ngắn gọn hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển, hệ thống tư bản chủ nghĩa và một dạng của hệ thống chủ nghĩa xã hội cải cách dùng mô hình Kornai tổng quát. Mỗi hệ thống được trình bày bằng cách xác định những nét đặc trưng của mỗi khối trong mô hình mô tả hệ thống đó. Thay cho việc điền vào 5 khối của mỗi mô hình, chúng ta liệt kê các khối đó như các cột của Bảng 1 để tiện so sánh.


Bảng 1. Mô hình Kornai cho các hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa
Ðặc trưng chính Các mô hình
Hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển Hệ thống xã hội chủ nghĩa cải cách Hệ thống tư bản chủ nghĩa
1. Cơ cấu quyền lực và thái độ đối với hình thức sở hữu Quyền lực không chia sẻ của Ðảng Marxist-Leninist. Ưu ái với sở hữu công cộng và thù ghét sở hữu tư nhân Quyền lực không chia sẻ của Ðảng Marxist-Leninist. Tự do hoá chính trị có mức độ. Ưu ái với sở hữu công cộng và chấp nhận (hay ủng hộ) sở hữu tư nhân. Quyền lực chính trị thân thiện với sở hữu tư nhân và thị trường.
2. Hình thức sở hữu chiếm ưu thế Hình thức sở hữu nhà nước và tựa-nhà nước chiếm ưu thế. Sở hữu tư nhân hầu như tan biến Hình thức sở hữu nhà nước và tựa-nhà nước chiếm ưu thế. Sở hữu tư nhân được chấp nhận và có vị trí quan trọng. Sự phục sinh của khu vực tư nhân Sở hữu tư nhân chiếm địa vị ưu thế
3. Cơ chế điều phối chiếm ưu thế Ðiều phối quan liêu chiếm ưu thế Ðiều phối thị trường với sự can thiệp hành chính quan liêu mạnh; Tự quản Ðiều phối thị trường chiếm ưu thế
4. Ðộng cơ, mối quan tâm, lợi ích và ứng xử mang tính đặc thù hệ thống của các thành viên tham gia Ràng buộc ngân sách mềm; Ðáp ứng yếu với giá cả; Mặc cả kế hoạch; Chạy theo số lượng; Chủ nghĩa gia trưởng; . . . Ràng buộc ngân sách cứng hay nhẹ ở khu vực tư nhân. Ràng buộc ngân sách mềm hay nhẹ trong khu vực công cộng; Phản ứng có mức độ đối với giá cả (vẫn bị méo mó); . . . Ràng buộc ngân sách cứng; Phản ứng mạnh với giá cả.
5. Các hiện tượng kinh tế cố hữu và sự đều đặn đặc thù hệ thống Thiếu hụt kinh niên; Thị trường của người bán; Thiếu lao động; Thất nghiệp có chỗ làm; Tăng trưởng ép buộc; . . . Thiếu hụt nhẹ hay được loại bỏ; Thị trường của người bán trong một số lĩnh vực; Thất nghiệp có chỗ làm và thất nghiệp mở; . . . Không có thiếu hụt kinh niên; Thị trường của người mua; Thất nghiệp kinh niên; Biến động theo chu kì kinh doanh; ..



2.1 Hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển

Kornai dùng cách tiếp cận thực chứng để nghiên cứu các hệ thống. Hệ thống xã hội chủ nghĩa mà ông khảo sát là một nhómi gồm 26 nước trong một giai đoạn lịch sử khi mà các Ðảng Cộng sản đã nắm và duy trì quyền lực trong giai đoạn đó, và họ tự gọi mình là "các nước xã hội chủ nghĩa". Lập luận suy diễn được dùng để rút ra các đặc trưng của các khối 2 và 3; tức là xuất phát từ giả thiết là Ðảng cộng sản nắm quyền với hệ tư tưởng và quyền lực không chia sẻ của nó, thì "chương trình gen" này sẽ tạo ra sự áp đảo của sở hữu công cộng, xoá bỏ khu vực tư nhân, phát triển cơ chế điều phối quan liêu [Kornai 1992]. Ba khối này tạo thành hệ điều hành (operating system) của toàn hệ thống. Và các động cơ, mối quan tâm lợi ích cũng như ứng xử của những thành phần tham gia (người và tổ chức) trong hệ thống (ràng buộc ngân sách mềm; phản ứng yếu ớt với giá cả; mặc cả kế hoạch; chạy theo số lượng; chủ nghĩa gia trưởng, v. v.) là những hệ quả trực tiếp của chương trình hệ điều hành này. Tất cả những thứ này (khối 1,2,3,4) gây ra các hiện tượng kinh tế cố hữu và sự đều đặn mang tính đặc thù hệ thống (như thiếu hụt kinh niên, thiếu lao động, thất nghiệp có chỗ làm, tăng trưởng ép buộc, v.v.). Ðáng lưu ý là hệ thống này là một hệ thống nhất quán, tức là hệ thống không tự mâu thuẫn. Có sự cố kết, nhất quán trong hệ thống cổ điển, các thành phần của nó cần lẫn nhau và tăng cường lẫn nhau, có ái lực (sức hút) giữa các thành tố của nó. Nói cách khác hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển là một hệ thống ổn định và có thể tồn tại trong thời gian dài. Hệ thống hoạt động tốt theo các tiêu chuẩn riêng của nó. Tuy vậy, hệ thống này không hiệu quả theo nhiều nghĩa. Không có quá trình tiến hoá tự nhiên và tự phát nào dẫn tới hệ thống này; nó phải được áp đặt một cách nhân tạo (bằng một cuộc cách mạng) lên cho xã hội. Nhưng một khi quyền lực đã được xác lập và củng cố, nó tự phát triển.

2.2 Hệ thống tư bản chủ nghĩa

Cũng với cách lập luận đó, nếu cơ cấu quyền lực là thân thiện với sở hữu tư nhân và thị trường, thì hình thức sở hữu tư nhân và cơ chế thị trường sẽ phát triển một cách tự phát trở thành hình thức sở hữu và cơ chế điều phối chiếm ưu thế. Những thứ này tạo thành phần mềm điều hành hệ thống và xác định các ứng xử đặc thù hệ thống cũng như lợi ích và động cơ của những thành viên tham gia (ràng buộc ngân sách cứng, đáp ứng mạnh mẽ với giá cả, v.v.). Và tất cả những thứ này tạo ra những sự đều đặn đặc thù hệ thống và các hiện tượng kinh tế cố hữu (không có thiếu hụt kinh niên; thị trường của người mua; thất nghiệp kinh niên; biến động trong chu kì kinh doanh). Loại hệ thống này cũng có tính nhất quán: các thành tố của nó khớp với nhau và có ái lực giữa chúng. Nói cách khác hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng là một hệ thống ổn định. Ðáng lưu ý, có lẽ bất ngờ với nhiều người, là ta không thấy từ "dân chủ" trong khối 1. Dân chủ là điều đáng mong muốn, song Dân chủ không phải là một điều kiện cần >/I>đối với hoạt động của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Nó cũng có thể hoạt động dưới chế độ độc tài, miễn là cơ cấu quyền lực là thân thiện với sở hữu tư nhân và thị trường (tôn trọng tự do kinh doanh và tự do thoả thuận). Nếu quyền lực chính trị ủng hộ sở hữu tư nhân và thị trường thì điều đó sẽ giúp cho sự phát triển của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng ngay cả điều này cũng chẳng phải là điều kiện cần thiết. Yêu cầu tối thiểu là nó tự kiềm chế khỏi sự thù địch thẳng thừng với sở hữu tư nhân và thị trường. Nó không được tiến hành tịch thu hàng loạt hoặc huỷ hoại sở hữu tư nhân. Nó không được đưa ra những quy chế gây tác hại một cách nghiêm trọng, rộng rãi và có hệ thống đối với lợi ích kinh tế của các tầng lớp hữu sản. Nó không được ngăn cấm điều phối thị trường một cách lâu dài ở hầu hết nền kinh tế. Lời hoa mĩ chẳng có mấy giá trị ở đây (Hitler chẳng đã chửi bới chế độ tài phiệt đó sao?), cái chính là ứng xử thực tế của giới nắm quyền.
Hành văn của khối 2 trong mô hình hệ thống tư bản chủ nghĩa nhắc tới sự chiếm ưu thế của sở hữu tư nhân. Chẳng cần coi điều này một cách tuyệt đối. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận cũng có vai trò. Là đủ khi nói rằng các tổ chức phi tư nhân không đóng vai trò ưu thế.
Tương tự, hành văn của khối 3 nhắc tới sự chiếm ưu thế của điều phối thị trường. Cũng thế, điều này không loại trừ các cơ chế điều phối khác (như điều phối quan liêu, đạo đức, gia đình, tự quản); tuy vậy nét đặc trưng căn bản của cơ chế điều phối tư bản chủ nghĩa là điều phối kinh tế thông qua thị trường, thông qua điều chỉnh lẫn nhau một cách phân tán của cung, cầu, số lượng và giá cả.
Khối 4 và 5 dẫn chiếu tới sự đều đặn và những hiện tượng kinh tế cố hữu mang tính đặc thù hệ thống.

2.3 Hệ thống cải cách

Một hệ thống được gọi là ổn định nếu nó có cơ chế nội tại để tự kéo quỹ đạo của mình về trạng thái bình thường (được đặc trưng bởi các tính chất căn bản có tính cố hữu) khi có các tác động làm trệch khỏi quỹ đạo đó. Ðiều kiện cần để một hệ thống ổn định là nó phải nhất quán, nền tảng của nó không tự mâu thuẫn.
Một mặt, như đã nhắc tới ở trên, hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển và hệ thống tư bản chủ nghĩa là các hệ thống ổn định theo nghĩa của các hệ thống động học. Mặt khác, các hệ thống cải cách, như hệ thống được mô tả trong Bảng 1, là các hệ thống có tính quá độ, không ổn định. Hệ thống cải cách không nhất quán, có những mâu thuẫn, xung đột nội tại, và buộc phải quay trở lại hệ thống ban đầu hoặc chuyển thành hệ thống khác. Thời gian chuyển đổi quá độ có thể là ngắn ở mức vài tháng hay có thể kéo dài vài thập kỉ. Nếu chúng ta xem xét các hệ thống được khảo sát ở đây như trạng thái của một hệ thống động học lớn hơn với đơn vị thời gian tính bằng năm, ta có thể nói rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển là một trạng thái ổn định cục bộ (local stable state), hệ thống tư bản chủ nghĩa là một trạng thái ổn định toàn cục (global stable state)
của hệ thống động học lớn hơn này. Nếu đơn vị thời gian được tính bằng thập niên hay thế kỉ thì hệ thống lớn chỉ có một trạng thái ổn định duy nhất. Ta sẽ chỉ xem xét cải cách xã hội chủ nghĩa một cách ngắn gọn.
Những người nắm quyền trong nhiều nước xã hội chủ nghĩa sớm muộn cũng nhận ra tính phi hiệu quả của hệ thống chủ nghĩa xã hội cổ điển. Nhiều thử nghiệm cải cách đã xuất hiện lúc này lúc nọ ở các nước xã hội chủ nghĩa khác nhau với độ sâu khác nhau (mức sâu nhất là khối 1, mức nông nhất là khối 5) và với mức độ triệt để khác nhau. Một thí dụ về hệ thống cải cách được minh hoạ bởi mô hình trong cột 3 của Bảng 1. Kornai [Kornai 1992, chương 16 đến chương 24] trình bày toàn diện, thấu đáo và phân tích sâu sắc về quá trình cải cách xã hội chủ nghĩa. Những cải cách xã hội chủ nghĩa, như chủ nghĩa xã hội thị trường chẳng hạn, không tạo ra một hệ thống ổn định, nó có góp phần tạo ra các tiền đề khác nhau cho chuyển đổi hệ thống song chúng không phải là sự chuyển đổi hệ thống.

2.4 Các phiên bản, những biến dạng

Ta đã thấy cả hai hệ thống, ở dạng thuần khiết của chúng, đều là các hệ thống ổn định và có thể hoạt động theo các tiêu chuẩn riêng của chúng. Cũng như trong phần mềm hệ điều hành, và các phần mềm khác, mỗi loại phần mềm có rất nhiều phiên bản (version) khác nhau, hai mô hình lí thuyết này cũng có các version khác nhau mô tả các hệ thống hiện tồn khác nhau. Các phiên bản này cũng chính là các biến dạng khác nhau của cùng một loài nếu dùng cách nói sinh học.
Chẳng có hai nước xã hội chủ nghĩa nào có những sự tương đồng hoàn toàn chính xác như nhau một cách chi tiết, nhưng những nét đặc trưng chính thì được nêu trong cột hai của Bảng 1. Một số đặc trưng, hay cường độ của chúng thay đổi từ thời kì này qua thời kì khác. Chắc chắn là hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trong thời kì Stalin và Khruschev là khác nhau, chúng cũng khác xã hội chủ nghĩa Hungary thời Kádár János hay chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan thời Gomulka, Gierek và Jaruzelski.
Ðiều tương tự cũng xảy ra trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Vai trò ưu thế, chủ đạo của khu vực tư nhân không loại bỏ sự tồn tại của khu vực nhà nước, và trong khía cạnh này có sự khác biệt lớn lao giữa Hoa Kì (có khu vực nhà nước rất nhỏ) và áo [Austria] (có khu vực nhà nước lớn). Cũng tương tự, điều phối thị trường chiếm ưu thế không có nghĩa là không có sự can thiệp quan liêu, thí dụ sự khác biệt về khía cạnh này giữa Vương quốc Anh (ít can thiệp quan liêu) với Pháp và Thuỵ Ðiển (có can thiệp quan liêu mạnh với tái phân phối) là khá lớn. Tuy vậy chúng đều là các biến thể, các phiên bản khác nhau của cùng một hệ thống với các đặc tính cơ bản nêu trong Bảng 1.


3. Thay đổi hệ thống

Mục này nêu một vài điểm đặc trưng của việc chuyển từ hệ thống này sang hệ thống khác. Mọi chuyển đổi hệ thống như vậy được Kornai gọi là cách mạng theo nghĩa phi giá trị (value free). Biến chuyển này có thể phân tích bằng cách dùng các mô hình này. Quá trình thay đổi bắt đầu khi xã hội dịch chuyển khỏi các đặc trưng chủ yếu của hệ thống cho trước nêu trong các khối 1, 2 và 3, và chấm dứt khi xã hội đạt cấu hình mới của các khối 1, 2 và 3 đặc trưng cho hệ thống mới. Nói cách khác, ta nói rằng hệ thống đã chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới nếu tất cả các đặc trưng chính nêu trong mô hình của hệ thống cũ đã chuyển một cách phù hợp theo mô hình mới và các đặc trưng này đã được củng cố.

3.1 Chuyển đổi từ hệ thống tư bản chủ nghĩa sang hệ thống xã hội chủ nghĩa

Chuyển đổi sang hệ thống xã hội chủ nghĩa diễn ra ở các nước có điều kiện và bối cảnh rất khác nhau. Chỉ có Liên Xô là nước duy nhất tự mình thông qua biến đổi cách mạng chuyển từ hệ thống tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa. Hầu hết các nước khác chuyển đổi chủ yếu bằng nội lực với sự trợ giúp có mức độ từ bên ngoài. Sự chuyển đổi của các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu lại được tiến hành một cách hoàn toàn khác, hệ thống mới được áp đặt từ bên ngoài với sự hiện diện của quân đội Liên Xô. Tuy vậy, ngay sau khi cơ cấu quyền lực được thiết lập, sự phát triển của tất cả các nước này lại rất giống nhau. Sự chuyển đổi sang hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển không xuất phát một cách tự phát từ các lực lượng nội tại, căn nguyên của nền kinh tế. Thay vào đó, hệ thống được áp đặt lên xã hội một cách nhân tạo. Ðảng Cộng sản lên nắm quyền với hệ tư tưởng và quyền lực không chia sẻ (khối 1) có tầm nhìn thấu đáo về loại xã hội, về nền kinh tế và văn hoá mà nó muốn tạo ra: một hệ thống xoá bỏ sở hữu tư nhân và thị trường, thay chúng bằng sở hữu nhà nước và kế hoạch hoá. "Chương trình gen" được thực thi và tất cả các tính năng của hệ thống phát triển một cách tự phát bởi chính chúng. Hệ thống tự hoàn tất và loại bỏ mọi định chế và tổ chức không tương hợp với nó. Hầu hết tài sản của các tầng lớp hữu sản bị tịch thu và biến thành tài sản nhà nước. Tập thể hoá hàng loạt xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp và tạo nên khu vực hợp tác xã tựa-nhà nước hay khu vực nhà nước. Khu vực tư nhân bị loại bỏ (khối 2). Ðiều phối quan liêu (kế hoạch hoá tập trung, kiểm soát hành chính) phát triển (khối 3). Chuyển đổi hệ thống hoàn tất khi các quá trình mô tả trong ba khối này xảy ra và kết quả được củng cố. Quá trình chuyển đổi này kéo dài trong một vài năm. Sau đó hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển phát triển với các tính chất đặc thù (khối 4,5). Mô tả sâu sắc và súc tích về sự hình thành củng cố và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển có thể thấy trong [Kornai 1992, chương 1 đến chương 15].

3.2 Chuyển đổi từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa

Hai mươi mốt trong số 26 nước xã hội chủ nghĩa, được nhắc tới ở trên, đã chuyển đổi dứt khoát thành tư bản chủ nghĩa. Trong năm nước còn lại Trung Quốc và Việt Nam đã bỏ qua chủ nghĩa xã hội cổ điển trên dưới 20 năm (Trung Quốc từ 1978, Việt Nam từ 1986). Triều Tiên và Cu Ba là hai nước duy nhất còn ở trong chủ nghĩa xã hội cổ điển vào cuối thế kỉ 20, nhưng những sự kiện chính trị giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể báo hiệu những chuyển biến đáng kể. Giữa 2002 Triều Tiên cũng bắt đầu buộc phải có những cải cách nhất định (xoá bỏ chế độ tem phiếu chẳng hạn) do những khó khăn chồng chất về kinh tế (nạn đói xảy ra liên tiếp trong mấy năm qua). Tình hình Cu Ba trong thời gian qua cũng tương tự, và đã có những dấu hiệu mở cửa. Lào có những thay đổi gần như Việt Nam. Sự chuyển đổi là khác nhau ở các khía cạnh: thời điểm bắt đầu dịch chuyển, sự dịch chuyển xảy ra đầu tiên ở đâu, và sự thay đổi gây ra các tác động tương hỗ nào. Kornai cho rằng dường như xuất hiện ba kiểu chuyển đổi.
Như chúng ta đã thấy, cơ cấu quyền lực ở một nước tư bản chủ nghĩa không loại trừ khả năng cai trị của các nhà độc tài (Hàn Quốc, Ðài Loan, Philippine, Chile chỉ là một vài thí dụ lịch sử vừa qua). Trong chuyển đổI loại 1, hệ thống được thay thế bằng sự cai trị độc tài chống cộng. Ðó là điều đã xảy ra năm 1919 ở Hungary khi Cộng hoà Xô Viết Hungary do Kun Béla lãnh đạo bị thất bại, và sau đó là một thời kì khủng bố trắng chống cộng. Hệ thống xã hội chủ nghĩa phôi thai, bán-thành công, chưa chín muồi của Allende ở Chile bị đảo chính quân sự của Pinochet lật đổ, người đã áp đặt chế độ độc tài trong thời gian dài. Cũng tương tự, sự rút khỏi Afganistan của Liên Xô đã mở đường cho chế độ độc tài thần quyền, chống cộng cai trị hết sức hà khắc.
Loại 2 được minh hoạ bằng chuyển đổi của nhiều nước Ðông Âu đã trải qua "cuộc cách mạng nhung". Không hề có thời kì khủng bố chống cộng. Thay vào đó, một hệ thống dân chủ hình thành từ chế độ chính trị cũ. Các nước này hoặc đã phát triển các định chế dân chủ, hoặc đã có các bước để làm như vậy. Trong nhiều nước, những người cộng sản trước kia đã trở thành những người dân chủ xã hội và đóng vai trò tích cực trong đời sống chính trị, không hiếm khi các tổ chức mới của họ (các đảng xã hội, dân chủ) đã thắng cử và nắm quyền (như ở Hungary trong nhiệm kì thứ hai và nhiệm kì này kể từ 1990). Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia của các nước này nguyên là những người cộng sản. Ða số các quan chức của thời xã hội chủ nghĩa tiếp tục là quan chức hay lãnh đạo kinh tế của hệ thống mới. Họ vẫn giữ được quyền lực chính trị, kinh tế và văn hoá và tham gia tích cực vào đời sống xã hội, tất nhiên quyền lực đó không còn là độc quyền mà là một bộ phận của nền dân chủ mới.
Trung quốc (và có lẽ cả Việt Nam và Lào?) có thể đại diện cho chuyển đổi thuộc loại 3. Ðảng cộng sản tự thân chuyển biến từ bên trong, thông qua một sự thay đổi đột ngột từ thái độ chống tư bản kịch liệt sang thái độ thân-tư bản chủ nghĩa một cách ngấm ngầm, và càng ngày càng công khai hơn. Có sự thâm nhập đan xen giữa đảng cộng sản ở trung ương và nhất là ở cấp địa phương với tầng lớp lãnh đạo kinh doanh tư nhân. Khá phổ biến là một quan chức đảng tham gia kinh doanh trong khi vẫn giữ chức vụ trong đảng. Hoặc thường xuyên hơn là, lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước, hoặc thậm chí người chủ-giám đốc của doanh nghiệp tư nhân, là bí thư của tổ chức đảng. Khi mà sự đan xen này không xảy ra một cách chính thức, thì vợ, anh em, con cái của họ có thể làm như vậy, hoặc tham gia làm kinh tế tư nhân núp bóng người khác, tổ chức khác; và như thế quyền lực chính trị và thương mại thực ra được giữ trong nội bộ gia đình hay gia đình mở rộng. Con đường này có thể dẫn đến một đảng cầm quyền vẫn tiếp tục là cộng sản, nhưng trên thực tế lại thân thiện với sở hữu tư nhân và cơ chế thị trường. Nếu lí thuyết ba đại diện của ông Giang Trạch Dân được chấp nhận thành cương lĩnh trong đại hội tháng 11 này của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, thì đó sẽ là một sự thay đổi căn bản theo hướng này, kể cả về mặt lí luận. Ðiều này có thể dẫn đến một tiến trình khả dĩ để cho mầm mống của nền dân chủ xuất hiện.

4. Tính hiệu quả và Dân chủ

4.1 Tính hiệu quả

Cho đến điểm này chưa có thảo luận về tính hiệu quả kinh tế. Hiệu quả có thể đo lường bằng một tập các chỉ số. Một số đo của tính hiệu quả là năng suất lao động. Thay cho việc đi vào chi tiết chúng ta chỉ nhắc tới một vài khẳng định có thể rút ra từ mô hình lí thuyết và được xác nhận bởi các số liệu thống kê thực tế.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa là phi hiệu quả về mặt kinh tế
Có thể chỉ ra về mặt lí thuyết rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển là phi hiệu quả về mặt kinh tế . V. I. Lenin viết vào năm 1918, ngay khi thiết lập hệ thống xã hội chủ nghĩa, rằng cuộc đua giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa rốt cuộc sẽ được quyết định bằng việc hệ thống nào có thể đảm bảo năng suất cao hơn và ông tin rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ thắng[Lenin 1918, [1969] p. 248]). Ðiểm mấu chốt thực tế của bước ngoặt 1989-1990 chính là hệ thống xã hội chủ nghĩa đã thua trong cuộc đua này. Khẳng định này được xác nhận một cách rõ ràng bằng các số liệu thống kê so sánh về kết quả kinh tế của hai hệ thống (xem thí dụ [Kornai 2000, pp. 38-39], [Kornai 1992], hoặc so sánh kết quả kinh tế của các nước có các điều kiện xuất phát tương tự nhau như giữa Ðông Ðức và Tây Ðức, Ðại Hàn và CHÐCN Triều Tiên, Ðài Loan và Trung Hoa lục địa).

Là thành viên của hệ thống tư bản chủ nghĩa là một điều kiện cần nhưng không là điều kiện đủ cho hiệu quả kinh tế.
Ðiều kiện cần của khẳng định này có thể thấy một cách rõ ràng từ khẳng định lí thuyết được thực tế xác nhận nêu ở a) kể trên và sự thực là tất cả các nền kinh tế hiệu quả đều là các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhưng cũng có rất nhiều nền kinh tế tư bản chủ nghĩa kém hiệu quả và nhiều nước đi theo chủ nghĩa tư bản vẫn ở trong tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Ðiều này xác minh vế thứ hai của khẳng định: tư bản chủ nghĩa không phải là điều kiện đủ cho hiệu quả kinh tế.

Tuy chuyển sang hệ thống tư bản chủ nghĩa không đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế, nó cho cơ hội để đạt hiệu quả cũng như những ưu việt khác của tư bản chủ nghĩa. Phát triển công nghệ nhanh hơn, bởi vì hệ thống tư bản chủ nghĩa có thiên hướng nhiều hơn để tiến hành đổi mới công nghệ. Chủ nghĩa tư bản và tinh thần kinh doanh dọn đường cho công việc kinh doanh và tạo ra những kích thích, khuyến khích trong nền kinh tế. Nó sử dụng những nguồn lực con người và vật lí một cách hiệu quả hơn hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ðiều này có nghĩa rằng, ở tầm dài hạn, nó phát triển nhanh hơn và tăng sản xuất và năng suất lao động nhanh hơn, và chính vì thế làm tăng phúc lợi vật chất cho con người nhanh hơn. Làm sao để tận dụng được các cơ hội đó lại là vấn đề khác, song nếu không có cả cơ hội nữa thì thật là thảm hoạ.

4.2 Dân chủ

Chủ nghĩa tư bản là một điều kiện cần của dân chủ. Cũng như lí giải các khái niệm trước, chúng ta tránh đưa ra một định nghĩa chuẩn tắc về dân chủ. Khởi điểm sẽ không phải là cái chúng ta "mong đợi" ở dân chủ; tức là những cái đặc trưng mà một chế độ có để đáng gọi là dân chủ cần có. Thay vào đó, chúng ta muốn đưa ra một định nghĩa thực chứng, mô tả, giải thích về dân chủ. Nó phải dựa trên cơ sở chắt lọc từ những đặc tính chung của các nước được biết đến một cách rộng rãi là các nước dân chủ.ii Dân chủ là một sự kết hợp của các tổ chức chính trị, các định chế, các chuẩn mực xã hội và các dạng mẫu ứng xử được thừa nhận mà chúng tạo thành các điều kiện hoạt động cho xã hội. Cần nhấn mạnh là dân chủ không chỉ có nghĩa là bỏ phiếu, bầu cử, hay nguyên tắc đa số. Dân chủ đòi hỏi các quyền lợi, quyền tự do phải được bảo vệ, các quyền hợp pháp phải được tôn trọng, thảo luận tư do phải được đảm bảo và thông tin được phát tán mà không bị kiểm duyệt [Amartya Sen 2001], với sự tham gia tích cực của và rộng rãi của công dân [J. Stiglitz 2001]. Chúng ta liệt kê bốn điều kiện tối thiểu cho một nền dân chủ khả dĩ; ngay thứ tự liệt kê chúng cũng quan trọng.

Chính phủ có thể bị giải tán, và việc giải tán được tiến hành một cách văn minh. Ðối với chúng ta, những người sống trong các nước hậu xã hội chủ nghĩa, hiểu rất rõ việc hạ bệ các nhân vật cầm quyền hay nhóm cầm quyền một cách phi văn minh là thế nào; họ bị hạ sát, là nạn nhân của một cuộc đảo chính, bị tử hình hay cầm tù sau khi bị hạ bệ, bị lật đổ bởi một cuộc khởi nghĩa, v.v và v.v.
Các nền dân chủ sử dụng thủ tục bầu cử để hạ bệ một cách văn minh. Thủ tục này được kiểm soát bởi các luật bổ sung bởi các quy ước. Thủ tục bầu cử phản ánh ở mức độ nào đó sự đồng tình hay bất đồng tình chính trị. Chúng ta tránh nhấn mạnh bằng cách nói rằng dân chủ phản ảnh "ý nguyện của đa số" hay "ý nguyện của dân", bởi vì sự truyền dẫn từ những ưa thích của công dân tới thành phần của quốc hội và chính phủ theo thủ tục bầu cử không phải là không có ma sát và méo mó.iii
Trong một nền dân chủ, không một quyền lực chính trị nào hay ý thức hệ chính trị nào có độc quyền được đảm bảo bởi sức mạnh của nhà nước. Quá trình chính trị dựa trên cơ sở cạnh tranh, tranh đua: các đảng, các phong trào và các nhóm chính trị giành giật với nhau vì lá phiếu và sự ủng hộ chính trị khác. Do đó, tất cả các nền dân chủ đều hoạt động như một hệ thống đa đảng.
Dân chủ không chỉ đơn thuần ban hành các quyền tự do chính trị, nó đảm bảo chúng trong thực tiễn. Nhà nước không thể cản trở bằng vũ lực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hay tự do hội họp và lập hội.

Dùng một tiêu chuẩn đơn giản và dễ kiểm chứng, dân chủ có thể được coi là đã được củng cố ở mức độ nhất định khi đã có bầu cử tự do ít nhất hai lần, tạo một cơ hội thật sự cho việc hạ bệ chính phủ. Tiêu chuẩn đó phân loại rõ ràng, thí dụ, rằng các chế độ chính trị hiện hành ở Cộng hoà Czeck, Hungary và Ba Lan là dân chủ.
Không có nước nào với một nền dân chủ chính trị, trước đây cũng như ngày nay, mà sở hữu tư nhân và điều phối thị trường lại không chiếm ưu thế trong nền kinh tế của nó. Tuy vậy, sở hữu tư nhân và thị trường không phải là điều kiện đủ để tạo ra nền dân chủ. Như đã nhắc tới ở trên, đã có và vẫn còn nhiều nước có chế độ chính trị phi dân chủ, chuyên quyền, thậm chí độc tài mà sở hữu tư nhân và cơ chế thị trường chiếm ưu thế trong nền kinh tế. Sự kết hợp này chắc hẳn có thể tồn tại được ở tầm ngắn hạn, và thậm chí cả ở tầm trung hạn.
Liệu một nền kinh tế thị trường trên cơ sở sở hữu tư nhân có trợ giúp cho sự xuất hiện của một nền dân chủ chính trị ở tầm dài hạn? Có nhiều thí dụ lịch sử trong đó tiếng nói và những lợi ích của thị trường tư bản chủ nghĩa dường như đã giúp tạo ra sự chuyển đổi dân chủ, bao gồm các chế độ độc tài ở Nam Âu và ở nhiều nước Viễn Ðông và Mĩ Latin. Tuy vậy, khi những tính toán kinh tế lượng được tính một cách có hệ thống để phân tích mối quan hệ giữa dân chủ, các định chế thị trường và tăng trưởng, với số lượng các nước được xem xét là lớn và số liệu mẫu ở tầm dài hạn, thì kết quả vẫn chưa thuyết phục (thí dụ, Barro, 1991, 1996a, b; Tavares and Wacziarg, 1996). Giả thiết chẳng được xác nhận một cách rõ ràng cũng chẳng bị bác bỏ một cách hoàn toàn. Cần thêm kinh nghiệm lịch sử, bao gồm cả lịch sử vừa qua và trong thời gian tới của chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa, sẽ cung cấp thêm các bằng chứng để giải quyết giả thiết này.
Mặt khác, có những căn cứ [xem M. Pei 2001 và trích dẫn ở đó] ủng hộ lập luận cho rằng sự thịnh vượng kinh tế có tác động đáng kể đến sự bền vững của nền dân chủ chứ không phải đến sự xuất hiện của nền dân chủ. Nói cách khác các nước dân chủ nghèo hơn có nền dân chủ mỏng manh hơn so với các nước dân chủ thịnh vượng hơn. Theo đó, tuổi thọ trung bình của một nền dân chủ là 8 năm khi GDP trên đầu người -tính theo sức mua (PPP)- là 1.000 USD; là 26 năm khi GDP trên đầu người ở khoảng 2.001 đến 3.000 USD; khi thu nhập bình quân trên đầu người vượt qua ngưỡng 6.000 USD thì nền dân chủ là bất tử. Các bằng chứng thống kê cho thấy chế độ chuyên chế vẫn có thể tồn tại dai dẳng trên cả những ngưỡng giàu có này.
Giá trị của dân chủ có thể phán xét theo hai cách. Thứ nhất là xem xét giá trị phương tiện của dân chủ. Người ta đôi khi lập luận rằng dân chủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi vật chất. Thí dụ, Olson (1996, p.18) lập luận rằng sự hoạt động trôi chảy của sở hữu tư nhân và cơ chế thị trường được lợi từ sự an toàn và sự tin cậy của một nhà nước lập hiến, ngược lại với sự cai trị độc tài chuyên chế, khi mà tính thất thường, đồng bóng của nhà độc tài làm cho các sự kiện càng khó phán đoán hơn. Hay nghiên cứu dữ liệu tăng trưởng của 115 quốc gia từ 1960 đến 1980 của Scully [xem M. Pei 2001 và trích dẫn ở đó] cho thấy rằng các nước có mức cởi mở chính trị cao thì đạt được tỉ lệ tăng trưởng bình quân đầu người thực tế hàng năm là 2,53%, so với 1,41% ở các nước có hệ thống chính trị khép kín hơn. Nói cách khác, các nước dân chủ tăng trưởng nhanh hơn 80% so với các nước ít dân chủ hơn. Phân tích số liệu của 159 nước M. Pei thấy tác động quan trọng của thu nhập đầu người tới dân chủ, tăng thêm 1.000 USD thu nhập (tính theo sức mua tương đương: PPP) làm cho mức dân chủ tăng 0,287 trong thang 12 điểm. Trong khi tác động này là có vẻ hợp lí, nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện, như được Offe (1991) thảo luận. Tuân thủ các quy tắc dân chủ có thể làm cho việc đưa ra các chính sách đáng mong mỏi trở nên khó khăn hơn. Có các chế độ chuyên quyền có tính hiệu quả cao, như Ðài Loan, Ðại Hàn trong các thập niên đầu sau Chiến tranh thế giới thứ 2 hay Singapore ngày nay, và có các nền dân chủ ì ạch, như ấn Ðộ trong hầu hết thời kì sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Nhà đầu tư có thể ưa sự ổn định của một nền dân chủ đã được củng cố hay sự ổn định bất luận xuất hiện trong chế độ dân chủ hay chuyên chế.
Một mặt, tuy vậy có khả năng là sự luân chuyển thông tin mau lẹ trong xã hội hiện đại sẽ tạo khả năng cho một sự liên hệ mạnh hơn giữa dân chủ và tăng trưởng. Trong thời đại của máy tính, máy photocopy, máy fax và Internet, sự cấm đoán của chế độ độc tài ngăn cản sự phổ biến, truyền bá những sáng chế, đổi mới và thông tin kinh doanh, điều đó làm cản trở sự tham gia vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu. Chẳng sớm thì muộn, cách mạng kĩ thuật bao gồm công nghệ thông tin sẽ tạo áp lực lên các nước vẫn theo đuổi chính sách chính trị hạn chế truyền thông, thông tin sẽ hoặc buộc phải dỡ bỏ các rào cản đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp, và như vậy sẽ thúc đẩy dân chủ; hoặc các nước này sẽ tụt hậu thảm hại một cách không thể tránh khỏi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Mặt khác, tuy có một số chế độ chuyên chế có hiệu quả kinh tế như nêu trên, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các chế độ chuyên chế ưu việt hơn so với các chế độ dân chủ về tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, bài học của cuộc khủng hoảng tài chính 1997 cho thấy rõ sự thiếu dân chủ ở các nước công nghiệp mới ở Châu á đã là một nguyên nhân quan trọng của khủng hoảng. Có nhiều nghiên cứu mới đây về quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng [xem Dân chủ, Kinh tế thị trường và Phát triển Ngân hàng Thế giới 2001].
A. Sen [2001] cho rằng dân chủ có ba đóng góp tích cực nổi bật. Thứ nhất dân chủ làm giàu cuộc sống cá nhân do có quyền tự do chính trị, một phần cốt lõi của nhân quyền; thứ hai, dân chủ đảm bảo các kích thích chính trị cho các nhà cầm quyền nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân; và thứ ba, thông qua đối thoại và tranh luận công khai dân chủ giúp hình thành những giá trị cũng như những ưu tiên. Ông lưu ý rằng trong lịch sử nạn đói khủng khiếp trên thế giới, chưa bao giờ xảy ra nạn đói đáng kể ở bất kì một nước dân chủ với một nền báo chí tương đối tự do, ngược lại với nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ở Xu đăng, Etiôpi, Xômali, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, hay nạn đói thời 1958-1961 ở Trung Quốc cướp đi sinh mạng của gần 30 triệu người.
Chính vì vậy, lập luận căn bản ủng hộ dân chủ nằm ở giá trị nội tại của nó đảm bảo quyền tự do chính trị và ngăn chặn chế độ độc tài. Ðiều này có một giá trị thật to lớn.
Cũng có những người khác đánh giá theo các thang giá trị khác có thể phán xét khác đi. Những kẻ coi rẻ dân chủ - bởi vì nó chưa từng là quan trọng đối với họ, hoặc họ đã quên cảm giác ra sao khi phải sống trong cảnh bị tước đoạt quyền tự do chính trị, dưới một chính thể độc tài áp đặt quy tắc bằng vũ lực - chẳng bao giờ được thuyết phục và nhận thức được về sự thích đáng phi thường này của đức hạnh dân chủ. Ngay cả những người rất coi trọng dân chủ cũng cần thấy rằng chỉ riêng sự thực của chuyển đổi hệ thống không đảm bảo cho dân chủ. Sự dịch chuyển sang chủ nghĩa tư bản đơn giản chỉ tạo ra một trong các điều kiện cần thiết cho dân chủ.

Tài liệu Tham khảo

Barro, Robert. 1991. "Economic Growth in a Cross-section of Countries". Quarterly Journal of Economics. 106:2, pp. 407-43.
Barro, Robert. 1996a. "Democracy and Growth". Jornal of Economic Growth. 1:1, pp. 1-27.
Barro, Robert. 1996b. Determinants of Democracy. Mimeo, Cambridge: Havard University
Dahl, Robert A. 1971. Polyarchy. Participation and Opposition. New Haven and London: Yale Univerity Press, pp. 1-16
Hayek, Friederich A. 1960. The Constitution of Liberty. London: Routledge, and Chicago University Press.
Hayek, Friederich A. 1989. Order - With or Without Design. London: Center for Research into Communist Economies.
Huntington, Samual P. 1991. The Third Wave. Democratization in the Twentieth Century. Norman and London: University of Oklahoma Press.
Kornai, J. 1992. The Socialist System. The Political Economy of Communism. Princeton: Princeton University Press, and Oxford: Oxford University Press. Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán. Hà nội: Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin 2002.
Kornai, J. 2000. "What the Change of System From Socialism to Capitalism Does and Does Not Mean" Journal of Economic Perspectives. Vol. 14, No.1, Winter 2000.
Lenin, V.I. [1918] 1969. "Immediate Tasks of the Soviet Government". in: Collected Works, vol. 27. Moscow: Progress, pp. 235-77.
Linblom, Charles E. 1977. Politics and Markets. The World's Political-Economic Systems. New York: Basic Books, pp. 131-43.
Ngân hàng Thế giới: The World Bank: Dân chủ, Kinh tế thị trường và Phát triển. do Farrukh I. và Jong-Il You chủ biên. Hà nội, the World Bank. 2002
Offe, Claus. 1991. "Capitalism by Democratic Design? Democratic Theory Facing the Triple Transition in East Central Europe". Social Research. 58:4, pp. 893-902.
Pei, Mixin. 2002. "Thiết chế Chính trị, Dân chủ và Phát triển" trong Dân chủ, Kinh tế thị trường và Phát triển. do Farrukh I. và Jong-Il You chủ biên pp. 51-75. Hà nội, the World Bank. 2002
Schumpeter, Joseph A. 1947. Capitalism, Socialism, and Democracy. New York: Harper.
Sen, Amartya. 2000. Development as Freedom. New York: Anchor Books. Phát triển là Quyền Tự do. Hà nội: Nhà xuất bản Thống kê-2002.
Sen, Amartya. 2002. "Dân chủ và Công Bằng Xã hội" trong Dân chủ, Kinh tế thị trường và Phát triển. do Farrukh I. và Jong-Il You chủ biên pp. 29-49. Hà nội, the World Bank. 2002
Soros, G. 1987. The Alchemy of Finance. New York: Simon & Schuster.
Soros, G. 1998. The Crisis of Global Capitalism. PublicationAffair.
Stiglitz, J. "Tham gia và Phát triển" trong Dân chủ, Kinh tế thị trường và Phát triển. do Farrukh I. và Jong-Il You chủ biên pp. 77-101. Hà nội, the World Bank. 2002.
Tavares, J. and Romain Wacziarg. 1996. How Democracy Fosters Growth. Mimeo, Havard University.

© Talawas 2002


[1] 1) Liên xô 1917, 2) Mông cổ 1921, 3) Anbani 1944, 4) Nam tư 1945, 5) Bungary 1947, 6) Tiệp kắc 1948, 7) Hungary 1948, 8) Ba lan 1948, 9) Rumani 1948, 10) Bắc Triều Tiên 1948-, 11) Trung quốc 1948-, 12) Ðông Ðức 1949, 13) Việt nam 1954-, 14) Cuba 1959-, 15) Công gô 1963, 16) Somali 1969, 17) Nam Yêmen 1969, 18) Bênin 1972-, 19) Etiôpi 1974, 20) Angola 1975, 21) Kampuchia 1975, 22) Lào 1975-, 23) Môzambic 1975, 24) Afganistan 1978, 25) Nicaragoa 1979, 26) Zimbabuê 1980. Số năm kèm theo tên nước là năm lên nắm quyền. Trong số này chỉ còn Cuba, Bắc Triều Tiên là thực sự vẫn theo hệ thống cổ điển, Trung quốc, Lào và Việt nam vẫn gọi mình là xã hội chủ nghĩa nhưng không còn là chủ nghĩa xã hội cổ điển, tất cả các nước khác đã chuyển đổi sang hệ thống tư bản chủ nghĩa.

[2] Không có sự đồng thuận về lí giải khái niệm dân chủ trong lí thuyết chính trị. Quan điểm trình bày ở đây được nhiều lí thuyết chính trị chia sẻ. Công trình cổ điển của Schumpeter- Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ: Capitalism, Socialism and Democracy (1947, ch. 2 và tr. 269) là đặc biệt tiên phong. Theo mô tả súc tích của Hungtington (1991, pp. 5-7), các tiếp cận này xuất phát từ "các định nghĩa mang tính kinh nghiệm, mô tả, thể chế và thủ tục", ngược lại với các lí thuyết khác áp dụng định nghĩa không tưởng, duy tâm về dân chủ. Những lí giải "kinh nghiệm-mô tả" như vậy cũng được sử dụng trong các công trình nổi tiếng của Dahl (1971) và Linblom (1977), tất nhiên các tác giả khác nhau không phân loại các đặc tính chính theo một cách hệt như nhau.

[3] Như Samuel Huntington (1991, pp.9-10) viết, "Các cuộc bẩu cử, công khai, tự do, và thẳng thắn . . . [có thể tạo ra các chính phủ] không hiệu quả, tham nhũng, thiển cận, vô trách nhiệm, bị các lợi ích riêng chi phối, và bất lực trong việc đưa ra các chính sách mà lợi ích công động đòi hỏi. Những tính chất này có thể làm cho các chính phủ như vậy là không đáng mong muốn song không làm chúng thành phi dân chủ."