trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
12.9.2005
Bùi Vĩnh Phúc
Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy
 1   2 
 
Nhưng Thanh Tâm Tuyền không để cho những tù ngục của mệt mỏi, dửng dưng ấy giam giữ ông. Ông bám vào tình yêu, vào sự lãng mạn của mình. Đó là chiếc chìa khóa giúp ông mở tung những cánh cửa của chán nản, của tuyệt vọng, của mệt mỏi, của sự đồng phục trong đời sống, của những sắt thép gỗ đá và những mệnh lệnh liên tiếp được dựng lên, tung ra để cầm nắm, để giam giữ tâm-ý-thể con người. Khuôn mặt tình yêu có trong sáng hay buồn bã, đôi mắt tình yêu có rạng rỡ hay thảm sầu, chàng thi sĩ vẫn tìm ra ở đó những phúc âm của đời mình.

(...)
Hãy ngửa khuôn cổ tròn như một cành hoa trắng,
anh đeo vào đây vòng ca ngợi
Hãy chìm mắt xuống những lớp nhớ nhung
như biển lớn anh đang dâng
Hãy đặt bàn tay mười ngón lửa
sưởi lên môi anh từng lạnh giá bởi những lời đã thốt
Anh sẽ hôn em, thời khắc hạnh phúc vẫn mong manh

(...)
Bởi con chim vẫn giam trong lồng ngực vừa được bay nên bay
mau hơn ánh sáng, anh nhìn được mắt em tuyệt vời tận muôn nghìn quá khứ.
Bởi con chim đã bay kịp thời-gian nên chậm lại, anh nhìn
thấu hồn em trong suốt những mai sau.
Bởi con chim còn xòe cánh liệng tròn, anh thâu nhận hết em qua vô vàn hình ảnh

(“Liên-đêm-mặt trời tìm thấy”)

(...)

Anh đưa tiễn em, gửi theo những giấc mộng giấu kín hết đời. Em
lên đường và anh chỉ còn chân tay tẻ nhạt vô duyên như xứ sở
tang thương vì bom đạn.

(“Chiều trên phi trường”)

Trong tình yêu riêng của mình, Thanh Tâm Tuyền đã sống và chết trong đời sống như thế, đã hạnh phúc và đớn đau như thế, nhưng người thi sĩ ấy không để tình yêu che mờ hết những rung động khác trong con người chàng. Thanh Tâm Tuyền đòi hỏi tự do. Tự do trong mọi thể thái của nó. Người thi sĩ ấy đã làm thơ, và thơ của ông trước tiên là một sự phá bỏ những xiềng xích cũ. Sự cân đối, mực thước, cùng nhịp điệu, lối gieo vần của những thể thơ cũ có lẽ đã cản trở Thanh Tâm Tuyền trong cách diễn đạt những tư tưởng vỡ bờ, những lề lối suy nghĩ nằm ngoài khuôn phép của ông. Thanh Tâm Tuyền muốn cho hơi thở mình được tự do, tư tưởng mình được phóng khoát, nên ông đã đẩy thơ tự do của ông, thời ấy, vào những con đường hết sức mới lạ. Dĩ nhiên là Thanh Tâm Tuyền không thể thoát khỏi ảnh hưởng của những trào lưu Tây Phương đang ghi những dấu ấn trên tâm thức của thanh niên thời đó. Nhưng việc ông can đảm đưa vào thi ca chúng ta thời ấy những thể mới, ý mới như ông đã làm cũng đã cho chúng ta thấy tính cách khai phá của ông.

Trên đường đi tìm một tự do hằng khao khát, Thanh Tâm Tuyền, như bất cứ ai chọn cuộc lên đường đầy thử thách để tìm một dải đất mới cho mình, đã có những lúc phẫn nộ. Có những phẫn nộ chính đáng, trong đó có những mầm hạt cho một hạnh phúc ước mơ sau này. Có những phẫn nộ vô lý, vô cớ, không dựa trên một lý do chính đáng nào cả. Nhưng thật sự ra thì phẫn nộ, phản kháng là yếu tính của con người nghệ sĩ, của kẻ sáng tạo. Tôi thấy, ở một mức độ nào đó, sự phản kháng của Thanh Tâm Tuyền có một số nét gần gũi với cung cách phản kháng của Albert Camus.

Trong Con người phản kháng (L'homme révolté), và trước đó, thể hiện trong Kẻ xa lạ (L'étranger), Camus đã trình bày ý nghĩa của cung cách phản kháng này. Nhiều người và nhiều nhà phê bình đã không hiểu rõ ý nghĩa phản kháng trong các tác phẩm của Camus nên đã đưa ra những bàn cãi và phê bình đi ra ngoài những điều ông muốn nói, và bởi thế, đã thất bại trong việc đánh giá các tác phẩm của ông. Bây giờ, sau khi những bàn cãi sôi nổi đã lắng xuống, Albert Camus đã chết, và tác phẩm của ông đã được xếp vào loại những tác phẩm chứa đựng những giá trị thâm sâu và nhân bản nhất của con người [1] , người ta mới nhìn kỹ hơn những ý nghĩa mà Camus đã mang đến cùng với từ “phản kháng” trong văn chương ông. Camus đã không dùng từ này theo nghĩa vẫn được chấp nhận. Sự phản kháng của ông không trực tiếp để chống lại cái khát vọng có tính cách lãng mạn để thăng hoa và tiêu diệt những giới hạn ràng buộc con người. Sự phản kháng này nhắm thẳng vào tất cả những âm mưu, những sức cản làm giảm bớt đi cái khả năng của con người trong việc nắm bắt những cơ hội để sống hạnh phúc trong vòng những giới hạn ấy. Những kẻ thù mà Camus vạch mặt và không ngừng chiến đấu để chống lại là tất cả những sức mạnh làm đông cứng, mô-mi-hoá con người, cho dù bất cứ những sức mạnh này ở dưới dạng nào - tinh thần, cá nhân, hay định chế - bắt nguồn từ sự vô cảm, mơ ngủ, hay từ những mạng lưới chằng chịt của các ý thức hệ, xanh hay đỏ, của thời đại này nhằm trói buộc và cầm bắt tâm-ý-thể con người. [2]

Hãy đọc lại Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest để thấy sự phản kháng này của Thanh Tâm Tuyền. Hay là đọc bài sau đây:

Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
lưỡi lê thấu phổi
tim còn nhẩy đập
nhịp ba nhịp ba nhịp ba
tình yêu tự do mãi mãi

(...).

núi cao uốn cây rừng
nhịp ba nhịp ba nhịp ba
tình yêu tự do mãi mãi
đất nước ào ào vỗ nhịp
triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sài gòn
ôm nhau nức nở

(...).

nhịp ba
tình yêu
tự do
mãi mãi
tình yêu tự do mãi mãi
tình yêu tự do mãi mãi
tình yêu tự do
mãi mãi anh ơi

(“Nhịp ba”)

Hoặc sự phản kháng của Thanh Tâm Tuyền trước những bất hạnh, những bất công, những bất túc của lương tâm con người. Trong lời phản kháng này, ta vẫn còn nghe ra một niềm hy vọng.

Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng
Những dòng nước mắt

Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hồn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lời rừng mãi trống không

(...).
Vì Blues không xanh vì điệu Blues đen
Trên màu da nức nở
Trong hộp đêm
Bắt đầu chảy máu thầm kín khóc cổ họng mình
Ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa thiêng

(...).

thế giới va chạm những loài kim réo gọi
Thời gian mềm
không gặp thời gian
Không gian quay thành những vòng kỷ niệm
Rồi một buổi nào Blues hiện về xanh

(„Đen“)

Và sau đây là một cơn phẫn nộ vô cớ. Nào ai có biết tôi phẫn nộ gì. Cuộc đời này lúc nào cũng chật hẹp, tù túng, người nhìn người hau háu những móng vuốt giơ ra. Tôi phẫn nộ với tất cả mọi thứ đảo lộn hay đã được sắp xếp để đặt vào thế giới này. Hãy hét lên cho nguôi giận.

Tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng trên bờ sông
nước đen sâu thao thức
tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi... [3]

(„Phục sinh“)

Ngôn ngữ của Thanh Tâm Tuyền mạnh và chắc; nhịp điệu sắc gọn ở những bài mang ý phẫn nộ. Trong những bài nói chuyện yêu đương chan chứa, những hình ảnh dịu được đưa vào đã giúp điều chỉnh giọng thơ. Chính Thanh Tâm Tuyền cũng có nói xa gần đến điều này khi bảo thơ tự do “không gieo vần lối đồng âm đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối hợp của một toàn thể không khuôn trong một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi thơ khác” [4] . Ngoài ra, cũng trong đoạn trình bày về thơ tự do, cũng như về thái độ, cung cách làm thơ của mình, như Võ Phiến đã dẫn trong Văn học Miền Nam, Tổng quan (Văn nghệ 1986), trong tập Liên-đêm-mặt trời tìm thấy, Thanh Tâm Tuyền cũng nhắc đến một thứ nhịp điệu gọi là nhịp điệu của hình ảnh, một thứ nhịp điệu khác là nhịp điệu của ý tưởng, cả hai thứ này là sự thể hiện của nhịp điệu của ý thức.

Tôi nghĩ là Thanh Tâm Tuyền cũng đã khá hào hứng khi nói về những bài thơ cũng như những khám phá của mình - mặc dù nhiều điều trong những suy nghĩ của ông rất đáng cho chúng ta lưu ý. Nhưng, thật sự, như tôi đã nhận xét ở trên, trong những bài có chủ ý rõ là nói về tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa, Thanh Tâm Tuyền vẫn dùng những nhịp gãy, nhịp trắc trở, những dấu nhấn khác thường so với những thể thơ cũ. Nhưng những hình ảnh rất đẹp và lạ và mới trong những bài thơ này đã làm cho cả bài thơ mềm đi và bay lên như một tiếng chim vào cửa sổ trời mở rộng.

Đọc kỹ, thật sự, ở một số bài, người ta vẫn thấy Thanh Tâm Tuyền còn sử dụng những vần hoặc nhịp điệu của thơ cũ. Những bài này không nhiều, nhưng vẫn có. Và vẫn rất đáng yêu. Hãy đọc lại năm câu thơ này:

Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lả.

(„Bao giờ“)

Vần vẫn còn đấy, mặc dù nhịp điệu có được làm cho sai khác đi. Đoạn thơ sau đây cũng thế. Vần vẫn còn đó, nhưng nhịp điệu đã được chuyển hoá đi làm cho khác lạ, tạo nên những syncopes như trong âm nhạc. Những âm được sử dụng cũng là những âm chõi, cùng với những nhịp nhấn khác lạ, làm cho bài thơ toát ra một cảm giác buồn bực, dồn nét, bứt rứt. Tất cả những điều đó dọi phóng thành một cảnh buồn, chiếu mãi trong tâm thức người đọc. Những cảnh này được tạo nên bằng những bức ảnh đen trắng hoặc có màu xám xịt. Tiếng lóc cóc của vó ngựa trên đường về huyệt mộ và tiếng kèn harmonica nổi bật lên trong bối cảnh này.

Khi đêm chạy trở lui
Người nào thổi harmonica
Tôi đến bằng mọi cách
Tiếng kèn khóc oà

Mưa bẩn sân ga
Toa tầu hạng ba
Chuyến xe hàng ốm yếu
Thổ mộ con ngựa già

Đường mòn đưa đến huyệt
Đứa trẻ con thổi harmonica
Trong hoàng hôn tóc rối
Tiếng kèn khóa oà...

(“Sầu khúc”)


*


Tôi đã yêu thơ, đã làm thơ, và đã đọc thơ của nhiều người. Càng đọc nhiều tôi lại càng yêu nhiều. Càng yêu nhiều, tôi lại cứ muốn đọc mãi. Thơ làm cho ta yêu cuộc sống hơn, thiết tha với sự sống hơn. Nếu thơ không làm được những điều đó, không gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm đó, thơ không đạt đến cứu cánh của nó nữa.

Thơ Thanh Tâm Tuyền cho tôi nhiều cảm xúc. Mỗi lần trở lại với thơ ông, tôi đều tìm ra một nét gì mà tôi đã chưa hề thấy trước đó. Bởi những ý tưởng, những hình ảnh Thanh Tâm Tuyền sử dụng thường không nằm trong những ước lệ của tiếng nói hay của lối suy tư hàng ngày, ta thường không nhìn ra được hết cái chân diện mục của chúng. Gần gũi với trường phái thơ siêu thực của Pháp, những hình ảnh mà Thanh Tâm Tuyền sử dụng trong thơ ông cũng, phần nào, có tác dụng của những đường nét trong những bức tranh siêu thực của các hoạ sĩ thế kỷ 20. Dù sao, nếu nhìn dưới khía cạnh hội họa, tôi nghĩ chúng ta đều thấy rằng những “bức tranh cất tiếng” [5] của Thanh Tâm Tuyền có nhiều nét gần gũi với các bức tranh của những họa sĩ siêu thực lớp sau như Max Ernst, René Magritte, Salvador Dali, Pierre Roy... hơn là với những họa sĩ siêu thực lớp trước như Jean (Hans) Arp [6] . Nói về tính chất siêu thực trong văn chương, cũng như trong các thể thái khác, có lẽ không ai có thẩm quyền hơn André Breton. Ông định nghĩa: tính cách siêu thực là cái tính cách tự động thuần túy xét trên mặt tâm linh, qua đó, nó được diễn tả ra hết sức rõ ràng - bằng chữ viết, hoặc bằng bất cứ một thể thái nào khác - cái tiến trình tư duy thật sự của con người. Đây là tiếng nói của bất cứ một hình thái thẩm mỹ hay đạo đức nào. Được sáng tạo ra từ những thúc đẩy ở ngoài phạm vi luận lý và lấy chất liệu từ tiềm thức và từ những thị kiến nghệ thuật, các thi sĩ hoặc họa sĩ thuộc trường phái siêu thực đã sáng tạo nên những tác phẩm xuất phát từ những mơ mộng thuần túy của họ về một thế giới mà họ mong ước đạt tới. Tác phẩm của họ không còn nằm trong phạm trù thực tại mà đã bước chân sang một biên địa khác, có những lý tưởng, những ước mơ, và ngay cả những ảo vọng nữa. Đây là những con chim vô hình đập cánh và bay vào cõi vô biên, để rơi lại những tiếng hót vương vất trong cõi trần gian.

Thơ Thanh Tâm Tuyền, ở một số khía cạnh, đã bay nghiêng về những vùng không gian đó. Còn ông, trong chốn trần gian tăm tối và đầy lệ thảm kia, nơi tất cả những tiếng nói bình thường của con người đang bị bóp nghẹt hay bóp méo, nơi những trái tim không còn được tiếp tục nhẩy đập những nhịp yêu thương cũ, ông sẽ ra sao?

Những câu thơ tiên tri ngày nào có trở về trong đời sống kẻ thi sĩ?

Những giấc ngủ xiềng xích
Cuộc lưu đày thêm xa
Tôi trốn về lẩn lút
Đất đai không tìm ra
Đâu cũng toàn quỷ sứ
Riễu cợt tôi ngây ngô

Cớ sao nhà ngươi khóc
Muốn làm người là điên
Con người thì cô độc
Không phép thuật nhiệm mầu

Tôi khóc mặc tôi khóc
Bầy quỷ nhảy xung quanh
Tôi khóc hoài tôi khóc
Và chúng nó phát điên

Chúng tước lấy tiếng nói
Giam tôi trong bóng tối.
Tôi khóc không ra lời
Và tôi đi lang thang
Tôi đi tìm tiếng nói
Cho cổ họng của tôi

(...)..

Tôi nhìn người tuyệt vọng
Tôi nhìn người khẩn cầu
Linh hồn tôi rách nát
Lời nói còn ở đâu ....

(“Liên-đêm-mặt trời tìm thấy”)


*


Thanh Tâm Tuyền, ngay trong những ngày xưa, thời ông còn được tự do làm thơ hạnh-phúc-yêu-thương-phẫn-nộ, đã cho thấy ông là một con người đã từng nếm nhiều trái-cây-đau-khổ. Tôi nghĩ là ông đã đọc nhiều, đi nhiều, thấy nhiều, cảm nhiều, mơ mộng nhiều, suy nghĩ nhiều, nhớ thương nhiều... Ông đã sống nhiều và ông đã trải đời sống mình ra thơ. Con người ấy, nhìn ở một góc cạnh nào đó, có những lúc ngạo mạn, vô lý, rừng rú, nhưng cũng có những lúc sôi nổi, thiết tha, đắm đuối, dịu dàng.

Để tóm kết bài viết này, tôi muốn ghi lại những dòng chữ sau đây của Rainer Maria Rilke. Người thi sĩ Đức tài hoa và tha thiết ấy đã nói những lời hết sức thật và sống động về thơ, về sự làm thơ:

Người ta phải chờ đợi và gom góp những cảm xúc và sự dịu ngọt của cả đời dài, có khi cả một đời người, tới lúc đó, ở cuối cuộc gom góp đó, người ta mới có thể viết được mươi câu thơ hay. Bởi lẽ, thơ, không phải như người ta tưởng chỉ là những cảm xúc giản dị, mà nó chính là kinh nghiệm.

Để có thể viết được một câu thơ, người ta phải thấy bao nhiêu là thành phố, bao nhiêu là người là vật, người ta phải hiểu biết về loài vật, người ta phải cảm được sự sung sướng của con chim bay và biết được những cánh hoa nhỏ bé đã mở mắt chào đón bình minh như thế nào. Người ta phải có khả năng nhớ lại những con đường ở những xứ sở xa xôi mà người ta đã đi qua, những gặp gỡ bất ngờ và những chia tay xa tắp trong trí nhớ. Người ta phải có khả năng nhớ lại được những ngày niên thiếu với những dấu vết khó giải thích, nhớ lại những bậc sinh thành mà người ta đã làm cho đau khổ khi những bậc sinh thành này mang đến cho người ta niềm vui mà người ta không thèm đón bắt, nhớ lại những cơn đau yếu hết sức kỳ lạ bắt đầu bằng một số những thay đổi sâu xa và trầm trọng, nhớ lại những ngày người ta ẩn kín, im lặng trong phòng, nhớ lại những buổi sáng bên bờ biển, những biển hồ sông rạch, nhớ lại những buổi tối lang thang đã bay qua đời người ta rồi bay tuốt lên trời cao với những vì sao (...). Người ta phải có những kỷ niệm về những đêm yêu đương, không đêm nào giống một đêm nào, có những hồi tưởng về những tiếng la hét của phụ nữ trong khi sinh đẻ, và về những người đàn bà nhẹ hẫng, tái nhợt, nằm thiêm thiếp trên giường với em bé ở bên. Nhưng người ta cũng cần phải có kinh nghiệm ở bên cạnh một người đang chết, người ta cần phải có kinh nghiệm ngồi bên cạnh một người đã chết rồi trong một căn phòng có cửa sổ mở tung ra những cơn ồn ào từng chập. Nhưng chỉ có hồi niệm không vẫn chưa đủ. Người ta phải có khả năng để quên chúng đi khi chúng trở nên quá nhiều, quá đầy trong óc người ta, và người ta phải có lòng nhẫn nại để chờ cho đến khi chúng quay trở lại. Bởi vì đấy chưa phải là hồi niệm đâu. Chúng chỉ là hồi niệm khi chúng biến thành máu chảy trong trái tim, trong thân thể người ta, khi chúng trở thành cái nhìn và những điệu bộ, không tên tuổi và không còn có thể tách thoát, phân biệt khỏi chính chúng ta. Chỉ tới lúc đó người ta mới có thể bất ngờ, trong một thời khắc hiếm hoi nào đó, viết ra chữ đầu tiên của một câu thơ đang bắt đầu ngoi lên từ trong những vùng âm u mờ mờ sương đục của hồi niệm và chảy tràn ra ngoài. [7]

Thanh Tâm Tuyền đã dâng hiến cho đời nhiều dòng thơ rất đẹp, những câu thơ đau khổ và phẫn nộ, hạnh phúc và thương yêu của ông làm cho ta chảy nước mắt. Nhưng nếu Thanh Tâm Tuyền chỉ có được mươi câu thơ hay, ông cũng xứng đáng cho ta yêu mến và cảm phục, bởi lẽ ông đã sống, đã tân toan trong đời sống, đã chịu đựng và gìn giữ tất cả để trở nên một thi sĩ.

Hãy choàng vào cổ thi sĩ một vòng hoa và hãy để chàng ngồi giữa chúng ta trong cuộc đời này.

Thi sĩ, hãy cho ta khóc bằng mắt anh những cuộc tình duyên và những đời người khốn khổ!

1986



[1]Trong một tiểu luận tựa đề là “Camus in America”, Serge Doubrovsky đã cho rằng Camus là một nhà văn vĩ đại của nước Mỹ. Và mặc dù Camus đương nhiên là một nhà văn lớn của Pháp, nhìn dưới khía cạnh quần chúng, ông vĩ đại hơn nữa trong lòng người Mỹ. Trường hợp đặc biệt và độc nhất của Camus được tạo ra do một sự liên đới cảm nhận và chia sẻ giữa Camus, tác phẩm của ông và quần chúng Mỹ. Cái chết đột ngột của Camus làm chấn động bất cứ một con người nào có suy tư. Chưa nói đến phản ứng của giới văn học, có nhiều người bình thường đã nước mắt đầm đìa khi nghe tin Camus chết; có những người khác thề nhịn ăn trong nhiều ngày. Trên nước Mỹ, nơi văn chương chỉ được coi là một hoạt động có tính cách phụ thuộc, cái chết của Hemingway và Faulkner không để lại những giọt nước mắt. Chưa nói là một tác giả ngoại quốc, một nhà văn nổi tiếng của Mỹ chết đi cũng không gây xúc động gì lắm trong lòng quần chúng Mỹ cho bằng cái chết của một tay chơi football hồi hưu. Trường hợp Camus là trường hợp đặc biệt và độc nhất (“Camus in America”. Trích N.R.F., XCVIII (01/02/1961), 292-296, Ellen Conroy Kennedy dịch ra Anh văn).
[2]Xem Germaine Brée, Introduction to Camus, Prentice Hall, Inc. 1962.
[3]Thật sự, Thanh Tâm Tuyền không phải là người đầu tiên tự gọi tên mình một cách đau khổ trong thơ. Trước đó, một nhà thơ khác cũng đã tự gọi tên mình một cách thống khổ như thế. Xem Federico García Lorca, “Thơ ở New York”, “Đất và trăng”.

Quiero llorar porque me da la gana
como lloran los ninos del último banco
porque yo no soy un poeta, ni un hombre, ni una hoja
pero sí un pulso herido (...)
Quiero llorar diciendo mi nombre,
Federico García Lorca, a la orilla de este lago...

(Tôi muốn khóc bởi vì tôi muốn khóc
như những đứa trẻ con khóc buồn trên những tay ghế dựa của những
kẻ ngẩn ngơ
bởi vì tôi không là thi sĩ, cũng chẳng là con người, chẳng là cánh lá
nhưng chỉ là cái nẩy bật chảy máu của một vết thương (...)
Tôi muốn khóc và gọi tên tôi
Federico García Lorca, bên bờ hồ này... )

[4]Xem Liên-đêm-mặt trời tìm thấy, 1964.
[5]Chữ của Plutarch (diễn lại ý của Simonides): “Painting is mute poetry, and poetry a speaking picture”, Irving Babbitt, The New Laokoon, Boston and New York, 1910.
[6]Những họa sĩ siêu thực đầu tiên, trong nỗ lực diễn tả những kinh nghiệm nội tâm, ở bên ngoài ý thức, đã đi theo con đường sử dụng các kỹ thuật của tâm lý học hiện đại. Sơn hay mực được vẩy đổ trên vải vẽ không có một mục đích để tạo một hình thể rõ rệt nào trong óc người sáng tạo. Những mảnh giấy nhỏ cũng được xé ra và thả xuống mặt tranh, tạo nên những sự kết hợp bất ngờ. Nhà nghệ sĩ siêu thực hy vọng rằng những sự kết hợp bất ngờ đó có thể là chìa khoá mở toang cánh cửa tiềm thức của họ. Những họa sĩ siêu thực lớp sau phát triển tính cách siêu thực theo một kỹ thuật khác. Họ diễn tả lại cái thế giới của những giấc mộng mà họ có qua nỗ lực thực hiện những bức tranh tiến đến độ chính xác và rõ ràng như sự chính xác, rõ nét của một tấm ảnh chụp. Mặc dù có vẻ đứng ở một cực bên kia với những họa sĩ siêu thực đầu tiên trong kỹ thuật sáng tạo, những họa sĩ siêu thực lớp sau này cũng nhấn mạnh rằng hình ảnh trong tranh của họ là những hình ảnh tự phát, tự sinh, và có những liên hệ trực tiếp với những kinh nghiệm vô thức của thế giới nội tâm họ.
[7]Rainer Maria Rilke, The Notebooks of Malte Laurids Brigge, M.D. Herter Norton dịch ra Anh văn (W.W. Norton & Company, Inc., 1949).