trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
4.5.2005
Lê Trần Huy Phú
Gay: bẩm sinh, tâm-sinh lý, và trách nhiệm
 
Cái tựa đề ‘Gay’ không phải do bẩm sinh trên VnExpress đập vào mắt tôi với sự ngạc nhiên. Hàng tít được chọn làm chủ đề của bài viết cũng gây shock không kém: “Nhiều người nghĩ mình là ‘gay’, cứ ôm khư khư cái ý tưởng ấy rồi đi tìm người ủng hộ. Sau đó, họ tự gắn lên mình cái mác gay và nhất quyết không chịu giao tiếp, quan hệ tình cảm với phụ nữ. Thế là họ tự chối bỏ các cơ hội để sống bình thường như bao người đàn ông khác.”

Đó là bài viết được gửi đến VnExpress với tiêu đề gốc là “Tôi cũng là ‘Gay’, cho nên tôi không có ý định phê phán lối sống ‘Gay’”. So với tiêu đề này, tựa đề được đặt lại và hàng tít chủ đề là đúng hơn với nội dung bài viết.

Bài được viết dưới hình thức lời tâm sự của một người trong cuộc, cho những người trong cuộc. Tuy nhiên, nó đã không được post ở một website của những người trong cuộc, vốn không thiếu vào lúc này, mà ở một trong những tờ báo mạng Việt ngữ có lượng người truy cập vào hàng top. Cùng với điều là tác giả của nó, NHĐ, khẳng định mình là gay, ảnh hưởng của bài viết vì thế sẽ không nhỏ. Đó là nguyên nhân khiến tôi phải phản hồi. Một nguyên nhân khác là bài viết của NHĐ, cho dù khẳng định rằng không phê phán, nhưng đã vô tình (?) chứa đựng một số luận điểm chính yếu nhất của những thế lực bài gay ở nước ngoài. Vì thế, đây sẽ là một phản hồi mở rộng đối với những vấn đề được nêu.


1. Bẩm sinh và môi trường, tự nhiên và chọn lựa

Sau khi đọc nhiều sách báo, nghe chuyên gia tâm lý và y khoa phân tích, chiêm nghiệm bản thân, nhìn ra những bạn gay xung quanh, NHĐ khẳng định bản chất ĐTLA không phải là do bẩm sinh, mà do môi trường sống tác động vào tâm lý.

Tôi xin nói ngay rằng, thứ nhất, với kết luận như vậy, những sách báo mà NHĐ đọc không phải là những sách báo được cập nhật thông tin, và những chuyên gia mà bạn nghe (nếu họ trực tiếp đi đến nhận định như thế) cũng như vậy. Người ta không cập nhật thông tin có thể vì “vô tư”, cứ trình bày vấn đề theo dòng chủ lưu trước nay trong việc nhận định về luyến ái đồng giới, mà cũng có thể vì định kiến có ý thức hay không có ý thức đã ăn sâu vào suy nghĩ và “nhận thức khoa học”.

Thứ hai, cả NHĐ, cả tôi, cả sách báo, cả các chuyên gia tâm lý và y khoa, cả các nhà chính trị, cả các cao nhân tôn giáo, và cả bất kỳ ai khác, đều không có thẩm quyền khoa học để “quyết định” đồng tính luyến ái là “bệnh lý” hay không, là bẩm sinh hay không. Thẩm quyền đó thuộc về các nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu vấn đề dưới nhiều khía cạnh của nó. Những thông tin về các kết luận và nghiên cứu này, trong thời đại giao lưu thông tin, hoàn toàn không phải là thiếu, chỉ có điều là người ta có dám thẳng thắn tiếp nhận nó hay không và hành xử tiếp theo như thế nào từ thông tin đó. Phớt lờ từ động cơ không ác ý, chỉ vì nguyên nhân tình hình nhận thức chung của xã hội chưa cho phép (?), là một khả năng; mà cố tình phớt lờ vì định kiến và bài đồng tính luyến ái cũng là một khả năng.

Thẩm quyền đó đã được thực thi bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association, APA) vào năm 1973, và Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) vào năm 1992, khi bình thường hóa khía cạnh y học cho người đồng tính luyến ái bằng việc loại bỏ tư cách một căn bệnh đối với khuynh hướng tình cảm và tính dục này.

Thẩm quyền đó cũng được các khoa học gia khác thực hiện bằng nhiều công trình nghiên cứu độc lập, mà tôi đã tổng kết trong Thư ngỏ gửi bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Úy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội. Ở đây xin nhắc lại một nghiên cứu quan trọng đã được nói đến, mà cùng với nó, một nghiên cứu được tôi đề cập tiếp theo, đã gần như khẳng định hoàn toàn tính bẩm sinh của đồng tính luyến ái:

Ngày 12.10.2004, nhóm các nhà di truyền học tại University of Padova, Ý, do Andrea Camperio-Ciani dẫn đầu, đã tìm ra cơ chế giải thích cho điều được gọi là “Nghịch lý Darwin” của tính dục đồng giới: đàn ông đồng tính luyến ái sinh sản ít hơn đàn ông dị tính luyến ái, tại sao tính dục đồng giới vẫn luôn được duy trì, đời này sang đời khác? Nghiên cứu của nhóm Camperio-Ciani chứng minh tác di truyền của đặc điểm đồng tính bên “dòng máu” phía người mẹ có ảnh hưởng lên (những) người con trai, và chính những người cô/ dì, chị/ em gái của họ là những “vật mang”, tiếp tục truyền tác nhân di truyền đồng tính cho (các) thế hệ sau.

Đến ngày 27.01.2005, hầu như tất cả các trang báo khoa học và một số hãng truyền thông lớn đều truyền đi tin về thông báo khoa học được phát hành từ University of Illinois tại Chicago về sự liên quan của gene với thiên hướng tính dục ở nam giới. Dưới đây là trích từ tin của Medical News Today:

Trong một nghiên cứu chưa từng có trước đây, việc truy lục trong toàn bộ bộ gene người nhằm tìm các nhân tố quyết định về mặt di truyền đối với thiên hướng tính dục của nam giới, nhà nghiên cứu tại University of Illinois ở Chicago (UIC) đã nhận diện vài vùng mà sự hiện diện của chúng có tác dụng khiến một người đàn ông là dị tính hay là gay.

Brian Mustanski tại UIC, cùng làm việc với các đồng sự tại Học viện Y tế Quốc gia đã phát hiện các chuỗi DNA mà sự hiện diện của chúng được liên kết với thiên hướng tính dục, trên ba nhiễm sắc thể khác nhau trong nhân tế bào của nam giới.

Mustanski, nhà tâm lý thuộc khoa tâm thần học thuộc UIC, và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nói: “Không chỉ là một gay gene, thiên hướng tính dục là một đặc trưng phức hợp, vì thế không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta phát hiện vài vùng DNA liên quan đến sự thể hiện thiên hướng này. Dự đoán tốt nhất của chúng tôi là có những hệ đa gene có sự tương tác tiềm tàng với môi trường, giải thích cho những khác biệt trong thiên hướng tính dục. Nghiên cứu của chúng tôi giúp thiết lập [quan điểm] rằng các gene đóng vai trò quan trọng việc xác định một người đàn ông là gay hay dị tính luyến ái”. [1]
Với hai công trình khoa học vừa rồi, vệc tôi tiếp tục diễn giải về chuyện gay có bẩm sinh hay không ở đây là không cần thiết nữa [2] . Tuy nhiên, nói thêm về những lập luận của NHĐ có lẽ là không thừa:

  1. Hoàn cảnh sống đặc biệt và khác thường khiến ai đó trở thành đồng tính luyến ái, hay chính cái thiên hướng tình cảm giới tính tiềm ẩn đó khiến những đứa trẻ này, đến một lứa tuổi nhất định phải rơi những hoàn cảnh khác thường? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời. Phần nam giới còn lại, không còn ai có hoàn cảnh đặc biệt và khác thường nữa hay sao? Câu trả lời sẽ là không. Vậy mà trong khi đa số chúng ta không nhiều thì ít đều có những hoàn cảnh đặc biệt và khác thường nhất định, thì chỉ có thiểu số là đồng tính luyến ái.

  2. Trẻ sống nội tâm có xu hướng thành gay hơn trẻ hướng ngoại? Bản thân tôi cũng có nhận xét nhiều người đồng tính luyến ái có xu hướng nội, nhưng nội tâm dẫn đến đồng tính luyến ái hay đồng tính luyến ái ẩn chứa sẵn tính nội tâm, hoặc khiến phát sinh một mức độ nội tâm nào đó, lại cũng là một câu hỏi chưa thể trả lời. Hơn nữa, vấn đề hướng nội và hướng ngoại ở lớp trẻ ngày nay đòi hỏi một tiếp cận mới, khác với những gì cha anh đã quan niệm.

  3. Cho rằng do sự tưởng tượng là vô hạn, nên khi gặp điều kiện thuận lợi, một đứa trẻ sẽ buông thả mình theo “kịch bản” đã được tưởng tượng trước đó và thành gay, là một nhận định cực kỳ phi lý. Tại sao đứa trẻ ấy lại có thể tưởng tượng trước được mình là gay trong khi xung quanh là đầy ắp những điều kiện để - nếu mà có chuyện tưởng tượng trước ấy - tưởng tượng trước mình thích người khác phái?

  4. Ở Việt Nam, do “nam nữ thọ thọ bất tương thân”, trẻ trai thích chơi với nhau, và đó là điều kiện tốt để trở thành gay nếu sẽ có “điều ấy xảy ra từ một người nam khác”. Đúng vậy chăng? Ở Phương Tây, nam nữ không thọ thọ bất tương thân từ lâu lắm rồi, quan hệ tình dục sớm và không tiết chế, cha mẹ không hề cấm cản mà thậm chí còn tư vấn cho con trong chuyện tình cảm, tình dục (khác giới) mới lớn, vậy sao tình cảm đồng giới lại “rầm rộ” đến vậy?

  5. Nếu nói đồng tính luyến ái chỉ là do môi trường sống tác động vào tâm lý, thì có những môi trường lý tưởng hơn nhiều, hiện thực hơn nhiều để trở thành gay, so với cái môi trường đặc biệt và khác thường mà NHĐ đề cập đến một cách mơ hồ đó: môi trường sống chung toàn nam giới của quân đội, trại cảnh sát, ký túc xá sinh viên, chủng viện, v.v… Trai tráng giáp mặt nhau hàng giờ, ngủ chung, tắm chung, va chạm, dòm ngó trực tiếp thân thể nhau, giỡn tục…, vậy thì tất cả, hoặc chí ít là đa số ở đây đều trở nên đồng tính cả à?

Đưa ra những lập luận trên không có nghĩa là tôi bác bỏ vai trò của môi trường đối với luyến ái đồng giới. Trừ chuyện tưởng tượng trước là gay của một đứa trẻ, những giả định mà NHĐ hay tôi nêu ra đều có khả năng là môi trường sống để một số người cụ thể “trở thành” đồng tính luyến ái. Ngoài ra còn phải kể đến môi trường văn hóa và xã hội.

Từ những khả năng xuất phát từ môi trường, các thế lực chống luyến ái đồng giới đã cực đoan hóa vấn đề, xem môi trường sống, môi trường văn hóa và xã hội là yếu tố quyết định và duy nhất định hình khuynh hướng tính dục đồng giới, cố tình phớt lờ những nhận định có thẩm quyền khoa học của hầu hết các công trình nghiên cứu, rằng đó là sự kết hợp giữa yếu tố sinh học và xã hội. Từ đây mà họ chống việc giảng dạy và thông tin khoan dung về tính dục trong nhà trường và xã hội. Họ muốn triệt hạ những điều kiện xã hội cho sự tồn tại của cộng đồng thiểu số có tình cảm đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới: không những kịch liệt chống lại sự bình đẳng cuối cùng ở hôn nhân, họ chống ngay từ những bình đẳng tối thiểu nhất: chống lại những dự luật cấm kỳ thị về công việc, chỗ ở… Họ ra sức bôi nhọ hình ảnh xã hội của người đồng tính luyến ái thông qua việc phóng đại, quy kết toàn thể, từ những hành vi tình dục hay xã hội nào đó của một bộ phận gay, mà nếu xét ra hầu hết trong số đó cũng chỉ là những hành vi vẫn thường xuyên có ở nhóm đa số tính dục còn lại…

Vấn đề là ở chỗ vị trí, vai trò của môi trường là vị trí nào, vai trò nào.

Trong quan hệ với yếu tố sinh học - vốn giữ vai trò quyết định, chi phối cuối cùng từ trong “bản thể” tồn tại sống của một bộ phận nam/ nữ giới, dưới dạng khả năng; môi trường chỉ ở vào vị trí thứ sinh trong việc định hình hiện thực trong tồn tại xã hội của người đồng tính luyến ái. Vị trí chủ sinh vẫn thuộc về yếu tố sinh học, giữ vai trò định hình hiện thực trong tồn tại sinh học của họ. Nếu so với “điều kiện cần và đủ” trong các khoa học tự nhiên, thì môi trường không phải là loại điều kiện kép nhất thiết này, mà chỉ là “điều kiện đủ”, và chỉ “đủ” trong khuôn khổ hiện thực hóa tồn tại xã hội ở mỗi con người đồng tính mà thôi.

Trong môi trường văn hóa và xã hội phóng khoáng, khoan dung và thừa nhận đối với luyến ái đồng giới, thì người đồng tính ái có cơ may nhận diện bản sắc tính dục của mình rõ ràng hơn, giảm đi những xung đột nguy hại về tâm lý, công khai lộ diện với tình cảm giới tính của mình, nhận được sự bảo vệ ở những mức độ khác nhau của luật pháp… Ở “môi trường vi mô”, tức các quan hệ cụ thể của một người, sự hiện thực hóa xã hội này biểu hiện ở vai trò như một chất xúc tác, giúp đẩy nhanh hay kìm hãm việc định hình tính đồng giới nơi người đó.

Trong một môi trường văn hóa bảo thủ (do truyền thống, tôn giáo cực đoan, phi dân chủ…), tất cả những điều vừa nói diễn ra theo hướng âm, và nhóm thiểu số tính dục không tồn tại về mặt xã hội dưới những cấp độ khác nhau: cấm đoán tình cảm và tình dục đồng giới, người đồng tính luyến ái không tồn tại bình thường trong xã hội, không có sự thừa nhận công khai của chính quyền và xã hội đối với nhóm thiểu số này dù họ đã tồn tại bán công khai, hoặc họ cũng chỉ là một “thế giới ngầm” vất vưởng nào đó… Nhưng không tồn tại về mặt xã hội do môi trường văn hóa và xã hội, không có nghĩa là họ không tồn tại về mặt sinh học. Ngay cả ở những xã hội hà khắc cực đoan nhất, như chế độ Đức quốc xã từng dùng bạo lực để diệt trừ người đồng tính luyến ái, chung với các đối tượng bị thanh lọc khác, hay như ở một số xã hội Hồi giáo hiện nay…, thì những thực thể sinh học đồng tính luyến ái - những thực thể có chung bản chất người với những kẻ muốn loại bỏ sự tồn tại xã hội của họ, cũng không vì thế - tức vì những mệnh lệnh hay quyết định độc đoán trên danh nghĩa luật pháp - mà bị tiệt trừ.

Những người bác bỏ hoàn toàn tồn tại sinh học và tồn tại xã hội của luyến ái đồng giới còn cho rằng người đồng tính luyến ái là đồng tính luyến ái chỉ vì họ lựa chọn cho mình một lối sống như vậy. Những người chống đối thỏa hiệp hơn thì tỏ ra phần nào “khoan dung”, không hoàn toàn bác bỏ yếu tố sinh học hay xã hội của luyến ái đồng giới, nhưng cũng nói đến sự lựa chọn khuynh hướng tình dục ở mỗi con người là điều quyết định. Và sự lựa chọn đó có thể thay đổi và phải thay đổi - theo ý họ.

Có đúng là đồng tính luyến ái có sự lựa chọn không? Có.

Trong môi trường “cổ súy” cho đồng tính luyến ái (thông qua thông tin khoan dung, luật hóa chống kỳ thị xuất phát từ phái tính, các quyền bình đẳng cho người đồng tính luyến ái…) nhưng người dị tính vẫn đa số, đó là do chọn lựa. Trong môi trường tự do tình dục khác phái nhưng các trẻ trai trở thành người đồng tính công khai vẫn không hề thuyên giảm, đó là do lựa chọn. Trong môi trường sống chung toàn nam nhưng người vẫn dị tính, người thì đồng tính, đó là do chọn lựa… Có thể nói như thế đế đáp lại những lập luận của tôi ở trên. Đúng như thế, trong từng trường hợp môi trường như vậy, ở mỗi con người thuộc môi trường như vậy, “trở thành” đồng tính luyến ai hay không cũng do sự lựa chọn của riêng mình.

Người ta nhận ra mình có tình cảm với người cùng phái và có thể lựa chọn giữa việc chấp nhận hay không chấp nhận nó ở bản thân mình. Người ta có thể lựa chọn chấp nhận dưới hình thức thụ động và phòng thủ, với hình thức chủ động và tiến công hơn. Người ta có thể lựa chọn giữa việc đương đầu với những gian nan cuộc cuộc sống và quan hệ xã hội để sống với tình cảm thật của mình, hay chạy trốn nó để lựa chọn danh thơm “đạo đức” và những cơ may khác. Người ta có thể lựa chọn giữa việc tiếp tục sống với tình cảm cùng phái hay ly khai với nó sau một thời gian “hưởng thụ”, để trở về với “chính đạo”. Người ta có thể lựa chọn giữa việc có ở lại mãi với “chính đạo” hay quay về tái hưởng thụ sau khi đã khoác được cho mình chiếc áo “chính đạo”, v.v…

Ở đây, một lần nữa, vấn đề là lựa chọn đóng vai trò gì, và lựa chọn như thế nào trong thiên hướng tình cảm giới tính.

Lựa chọn của con người có thể là lựa chọn tự do, mà cũng có thể là lựa chọn không tự do. Nhưng dù là lựa chọn gì đi nữa, nó cũng không thể vượt quá một cái nền tối hậu mà trong đó nó tồn tại, mà trên đó nó được định hình, khi nó là sản phẩm tự nhiên hay lịch sử của cái nền đó.

Trên cái nền lịch sử, khi những người đồng tính luyến ái tồn tại trong thời đại hà khắc và độc đoán, vốn dùng luật pháp hay tòa án tôn giáo để hủy diệt tồn tại xã hội của họ, thì với tư cách là sản phẩm lịch sử, sản phẩm xã hội của nó, họ sẽ không dám lựa chọn khuynh hướng tình cảm thật của mình. Ở một thời đại mà sự khoan dung và hà khắc đan xen nhau giữa các xã hội hay trong cùng một xã hội, với tư cách sản phẩm lịch sử của nó, người đồng tính ái có thể có những lựa chọn khác nhau tùy vào đó và tùy vào bản thân. Bằng lựa chọn người ta có thể tự do định đoạt lấy những gì liên quan đến mình, theo ý mình, miễn không xâm phạm đến tự do và quyền chính đáng tương ứng của người khác. Nhưng người ta cũng có thể phải lựa chọn một cách không tự do, phải tự gông mình vào cái gông mà người khác gông lên mình, bằng định kiến xã hội.

Nhưng một khi nền tảng tự nhiên của thiên hướng tính dục là nằm trong cơ chế di truyền, cơ chế thần kinh của cơ thể, có lựa chọn gì thì lựa, một người không mang bất kỳ tác nhân sinh học nào liên quan đến gay hay bi(sexual), người đó, dù có thể vì lý do nào đó có lúc có quan hệ đồng giới, thì cũng sẽ không mãi mãi ở trong trạng thái đó được. Ngược lại, một người mà trong mình có sẵn những yếu tố này, thì dù xã hội có gây sức ép bằng những giá trị “đạo đức” hay pháp luật độc đoán, dù những người gay hay bi nào đó có lựa chọn tự nguyện hay lựa chọn bắt buộc để chối bỏ bản sắc tính dục tự nhiên của mình, thì về mặt tồn tại tự nhiên, họ cũng không vì thế mà mất đi thiên hướng tự nhiên đó. Nó chỉ nằm ở vấn đề về môi trường, trong quan hệ xã hội, và bằng một quyết định chọn lựa nào đó.

Một lần nữa, cũng như môi trường, và trong bối cảnh của môi trường, lựa chọn chỉ giữ vai trò phái sinh so với vai trò chủ sinh của yếu tố tự nhiên trong việc định hình thiên hướng tình cảm giới tính. Lựa chọn chỉ là lựa chọn về mặt xã hội, trong bối cảnh tồn tại về mặt xã hội, chứ không thể là lựa chọn về mặt tự nhiên và tồn tại một cách bẩm sinh.

Nếu chỉ có lựa chọn mà không phải là tính quyết định nơi tự nhiên, không có một người dị tính nào lại điên rồ để tự biến mình - thông qua chọn lựa - thành người đồng tính hay lưỡng tính, khi mà điều đó gắn liền với đầy dẫy những bất trắc trong quan hệ xã hội và uẩn ức về mặt tâm lý trước sức ép đó. Nếu chỉ có lựa chọn mà không phải là tự nhiên, không một người đồng tính luyến ái nào lại điên rồ đến mức không lựa chọn việc thoát khỏi tình cảnh “ngang trái” xã hội và hệ lụy “đạo đức” của mình. Và nếu chỉ có lựa chọn mà không phải tồn tại một cơ chế tự nhiên-bẩm sinh liên quan đến đồng tính luyến ái, thì khi đó không có cả đến khái niệm này lẫn khái niệm dị tính luyến ái, vì tất cả chỉ nhất nhất thuần nhất một thiên hướng tính dục thì cần gì đến khái niệm đối lập của nó.

Chắc hẳn là mỗi một người đồng tính luyến ái, trước định kiến xã hội, đều có ít nhất một lần phải đối mặt với chọn lựa, cho dù là có ý thức về điều đó hay không. Đó là vào lúc mà họ rơi vào trạng thái đồng tính lệch kỷ (ego-dystonic homosexuality), được Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ định nghĩa là tình trạng của “những người mà quan tâm tính dục nguyên thủy của họ hướng về người cùng giới, nhưng hoặc bất an, hoặc xung đột, hoặc muốn thay đổi thiên hướng tính dục đó.”

Với tinh thần bất khoan dung người ta sẽ, bằng cách này hay cách khác, trên bình diện xã hội, buộc người đồng tính luyến ái phải “chọn lựa” theo cách chọn lựa mà định kiến xã hội đã chọn sẵn cho họ. Cùng với những biện phát xuất phát từ quan điểm “môi trường”, những người này đưa ra những biện phát xuất từ quan điểm “lựa chọn”. Họ xem luyến ái đồng giới chỉ là một lối sống lệch lạc được chọn lựa. Họ đưa ra liệu pháp để chữa trị “chứng bệnh” đồng tính như là một chọn lựa thay thế cho chọn lựa lệch lạc đó, “hoán cải” đồng tính trở thành dị tính. Cũng chính Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, bằng thẩm quyền khoa học của mình, đã lại một lần nữa đi đầu, đưa ra tiếng nói quyết định, bác bỏ sự “lựa chọn” này

Trở lại với một nhận định mang tính kết luận của NHĐ ở nội dung “không bẩm sinh”. Người đồng tính luyến ái không phải “đổ lỗi” cho bản chất bẩm sinh để rồi khước từ “cuộc sống của một người đàn ông bình thường” cho mình, như NHĐ nói; mà chính những người bảo thủ và định kiến của xã hội đã khước từ điều bẩm sinh trong họ, khước từ sự lựa chọn tự nhiên của họ, và khước từ xem cuộc sống của họ là cuộc sống bình thường. Với quan niệm rằng người đồng tính luyến ái là người bất bình thường - điều vốn đã bị các tổ chức khoa học có thẩm quyền bác bỏ từ lâu - ngay từ đầu, ngay từ trong gốc, tác giả của bài viết đang được đề cập trên VnExpress đã thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn xưa cũ và bảo thủ, hoặc của những người chủ trương bài gay, hoặc của những người thiếu hiểu biết nhưng thừa định kiến, dù là do quan niệm chung của xã hội hoặc của những gay “đồng tính lệch kỷ” cứ mãi sống trong sự tự ti.


2. Tâm lý và sinh lý

Bằng nhận thức kinh nghiệm, tôi cũng đồng ý với sự phân chia cơ bản đã được người khác nói đến, là trong số những người đồng tính luyến ái có male-gay và female-gay, male-lesbian và female-lesbian. Rồi bốn “loại hình” này lại có sự phân chia gắn với hình thể hay tính cách. Cơ chế nào để định hình sự khác biệt này là điều vẫn chưa được khám phá.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng như bao khía cạnh khác, do sự “đặc biệt” ở người đồng tính luyến ái, có những điều họ “được” tập chú vào và trở thành đặc biệt, trong khi những điều tương tự đó ở người dị tính thì được coi như bình thường và không biến thành cái tổng thể. Ở đây cũng vậy. Người dị tính ái có những người có khuôn mặt mang nét nữ tính hay không, có người có bộ khung hình thể như nữ giới (mảnh khảnh, vai hẹp, tướng đi…) hay không? Có. Người dị tính ái có người giữ vị thế yếu hơn trong quan hệ nam - nữ, gia đình hay không, có người mang “tính đàn bà” hay không? Có. Thế nhưng ta không thấy có sự phân chia thành male-straight và female-straight. Ngay từ đây đã là cái gốc bất bình đẳng trong việc “phân loại“ rồi.

Thứ nhất, qui kết những đặc điểm hình thể hay tâm lý, tính nết của một bộ phận người đồng tính, hơn nữa là những nét được cho là “đàn bà”, thiếu nam tính, là “chụp mũ tâm lý”. Cụ thể, trong bài của NHĐ đã triển khai rằng do không có phụ nữ bên cạnh, người nam đồng tính ái sẽ mất đi “bản tính ga lăng, xốc vác, tinh thần trách nhiệm, tính khí mạnh mẽ, chở che và đùm bọc cho người khác”. Đó sẽ là sự xuyên tạc quá trắng trợn nếu xem như đặc trưng tính cách của người đồng tính ái. Một người có phụ nữ bên cạnh, tức dị tính ái, thì đương nhiên có sự quan tâm, xông xáo, trách nhiệm, mạnh mẽ, cao thượng, chính trực, nhân ái ư? Sai lầm. Những ai chỉ biết sống cho riêng mình, không có trách nhiệm với bất cứ ai, thờ ơ trước các vấn đề xã hội, hèn yếu, dựa dẫm, thấp hèn, tị hiềm, ngu xuẩn…, thì đương nhiên có ở bản tính và từ môi trường giáo dục, xã hội của họ, dù người đó là dị tính hay đồng tính, dù là nam hay nữ.

Thứ hai, tôi hoàn toàn đồng ý rằng người gay không được đánh mất bản ngã (giới tính) của mình, không được quên mình là đàn ông, vì quả thật một bộ phận gay thích thể hiện, cư xử, xưng hô kiểu “chị em”. Nhưng ở bộ phận này, có nhóm là do không thoả mãn với giới tính của mình, có nhóm thể hiện điều đó như một sự phản kháng vô thức trước áp lực xã hội, có nhóm lại là nạn nhân của chính sự “dán nhãn” nữ tính mà cách nhìn bảo thủ, sai lầm đã dán lên họ. Thế nhưng bản thân việc cho rằng nam giới (dị tính) gắn với những nét tâm lý, tính cách tốt, “nam tính”, những điều mà được cho là không có ở gay và phụ nữ, đã là cách nhìn đứng trên lập trường gia trưởng, “nam hệ” đầy lạc hậu, và đã là biểu hiện của cách nhìn bài gay.

Thứ ba, tình yêu có ngôn ngữ của riêng nó, không thể xét đoán bằng logic và bằng cái đầu lạnh. Một khi đã là tình yêu, tại sao lại không cho phép người đồng tính ái cư xử với nhau bằng chính những cung bậc sinh động của tình yêu. Phụ nữ và gay thì mới “giận hờn, đau khổ, cô đơn, khóc lóc, van nài tình yêu, ghen tuông...” (và được xem là không tốt), còn đàn ông dị tính thì hoàn toàn không như thế à? Mỗi người yêu theo mỗi cách khác nhau. Mỗi người thể hiện giận hờn hay ghen tuông theo những cách khác nhau, dù nam hay nữ. Người đồng tính hay dị tính, mỗi người có cách riêng của mình, nhưng đều vậy. Và nếu cho rằng nam giới không thể hiện tình yêu của mình như thế, thì có lẽ tình yêu chỉ còn trơ lại là tình bạn và tình dục mà thôi.

Về vấn đề sinh lý, thứ nhất, tâm lý thay đổi dẫn đến sinh lý thay đổi, điều này đúng, nhưng đó là một đặc tính bệnh học chung có ở mọi người, và sinh lý ở đây là được hiểu theo nghĩa y-sinh học. Tuy nhiên, nói “sinh lý”, trong ngôn ngữ thường ngày của người Việt, còn thường được ám chỉ đến quan hệ tình dục. Khi nói quan hệ tâm lý - sinh lý ở người đồng tính luyến ái có lẽ người ta cũng muốn nói đến chuyện đó.

Do vậy, thứ hai, cho rằng từ chỗ “hoang tưởng là gay” dẫn đến thay đổi tâm lý, và kết quả là sinh lý biến đổi, chính là lại một lần nữa phớt lờ yếu tố sinh học nơi người đồng tính luyến ái, vốn giữ vai trò quyết định; lại viện dẫn đến cái “tưởng tượng” mơ hồ nào đó. Trừ trường hợp “gay (do) tình thế”, “gay (do) môi trường”, chiều đi từ tâm lý đến sinh lý không phải là chiều quyết định ở người đồng tính luyến ái, mà bản thân hai yếu tố này đã hợp nhất làm một: tâm-sinh lý, và nếu có chiều tác động nào đó, thì chiều đi từ sinh lý đến tâm lý phải là chiều đi trước, do tính qui định tự nhiên.

Thứ ba, NHĐ có nói đến “sự hấp dẫn vô cùng của thế giới gay” mà người đồng tính luyến ái không “can đảm từ bỏ nó dễ dàng”. Một là, đời sống của người đồng tính luyến ái là hấp dẫn vô cùng hay gian khó vô cùng trước định kiến xã hội để mà chọn lựa? Hai là, phải chăng sự hấp dẫn này được ám chỉ đến đời sống tình dục của người đồng tính luyến ái, mà trong đó quả là có rất nhiều người hết sức phóng túng: sống bằng tình dục mà không có tình yêu, nhiều bạn tình cùng lúc, thay đổi bạn tình nhanh chóng, và những hành vi tình dục khác nữa? Nếu vậy, xin lưu ý một lần nữa rằng, ngoài chuyện không có hệ quả sinh sản, mọi thái độ và hành vi tình dục như vừa nói đều hoàn toàn có ở người dị tính ái, nhưng người ta lại thích xuề xòa, không khái quát lên thành đặc trưng của tính dục dị giới, trong khi đó mới là lực lượng chủ lực của tính dục xã hội. Ba là, khi tiếp cận đến người đồng tính luyến ái, người ta thường chỉ có thể quan sát “đại trà” những người gay sống trong cộng đồng, tức những người công khai hay bán công khai giao du trong “thế giới gay”, mà không, hay rất khó đến với những người nằm ngoài cộng đồng, vốn là tảng băng chìm so với thành phần kia. Cho nên không thể qui kết những hành vi tình cảm, tình dục được cho là không tốt nào đó của bộ phận này lên thành đặc trưng của luyến ái đồng giới. Điều đó là “chụp mũ về sinh lý”, là hoàn toàn bất công.


3. Sinh tồn và gia đình, trách nhiệm và ý nghĩa cuộc đời

Từ sinh lý - tình dục, vấn đề được đẩy đến mặt xã hội liên quan trực tiếp đến nó: sinh tồn và gia đình.

Đúng là xã hội loài người, lịch sử xã hội loài người, cũng như mọi động vật, cây cỏ khác luôn tiếp nối, trước hết chính là từ sinh sản, duy trì nòi giống. Đúng là là chức năng của giống đực là truyền giống. Nhưng phải chăng truyền giống là lý do tuyệt đối và nhất thiết mà nam giới (đồng tính ái) dứt khoát phải thực hiện để duy trì sinh tồn và sống cuộc đời có ý nghĩa?

Trong một cuộc tranh luận tại BBC, tôi từng thấy có câu hỏi rằng: Where same sex marriage starts is where human race ends? Câu hỏi này cũng tương tự như ý kiến cho rằng đồng tính luyến ái làm suy yếu và kết thúc giống nòi. Tôi cũng thấy có lời đáp rằng: làm một phép tính xác suất đơn giản nhất cũng có câu trả lời, điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào 100% nam giới và 100% nữ giới ở tất cả các dân tộc và cùng trong một thời điểm đều có tình cảm đồng giới; mà cho dù có “kịch bản” như vậy xảy ra thì nhân loại lúc đó cũng biết tự điều tiết bằng những biện pháp khác nhau để có sự liên tục thế hệ. Ý kiến của cả hai phía đều có vẻ gì đó đơn giản, nhưng thực tế cả câu hỏi “lạnh gáy” và đầy sức nặng đó, cũng như sự tính toán thẳng thắn đáp lại nó, lại phản ánh những thực tế rất hiển nhiên.

Với những người bài gay, họ sử dụng đạo lý sinh tồn như một vũ khí tối hậu, động viên được tình cảm dòng giống để chống luyến ái đồng giới, với lý lẽ hiển nhiên không thể sai về sự bất diệt của loài. Chỉ có điều nó ẩn chứa một sự áp đặt mà không cần nhiều tinh ý cũng nhận ra: áp đặt một nguy cơ không bao giờ xảy ra đối với loài người, một nguy cơ được cho là xuất phát từ người đồng tính ái.

Nguy cơ diệt vong của loài người thì có đó, và nhiều nữa là khác: vũ khí hạt nhân, môi trường sống, dịch bệnh toàn cầu, chiến tranh hay biến đổi sinh học từ ngoài không gian đem vào, va chạm trong vũ trụ, v.v… Những nguy cơ này xem ra còn hiện thực hơn nhiều so với nguy cơ đến từ luyến ái đồng giới, vì một lẽ rất đơn giản, họ chỉ là nhóm thiểu số trong xã hội. Trong lịch sử, hiện nay, và cả mai sau, họ luôn và chỉ luôn là những người thiểu số, nên không thể bị qui trách nhiệm cho sự mai một của dân số. Trên lý thuyết là vậy, còn trên thực tế thì sao? Mỉa mai thay cho ý tưởng về sự tận diệt của con người nếu thừa nhận sự bình đẳng hoàn toàn của luyến ái đồng giới, khi mà đồng tính luyến ái thời nào cũng có, đâu đâu cũng có, nhưng số đầu người trên hành tinh này chỉ có luôn tăng lên chứ không hề giảm sút, cho dù thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh diễn ra liên miên từ khi có loài người đến nay, là những điều mà đã, đang và sẽ còn tàn sát trên diện rộng, tức thời, và với số lượng lớn đối với những con người hiện hữu, chứ không phải là từ một thiểu số người đồng tính luyến ái, vì sống thật với tình cảm của mình mà làm “mất” đi một lượng nhân khẩu vốn chỉ còn trong giả định nào đó.

Ở đây sẽ nảy sinh vấn đề về đạo lý sinh tồn được những người bài gay xem như đạo lý tối hậu: phải chăng đó chính là đạo lý tối hậu của con người trong đời sống xã hội, của việc hành xử xã hội đối với các thiên hướng tính dục?

Xét trong quan hệ loài của loài người với các loài khác trên mặt đất và trong vũ trụ, xét trong toàn bộ tiến trình của loài người từ khi khai sinh cho đến chừng nào mà nó cùng tồn tại, thì sinh tồn là điều kiện tiên quyết, có sinh tồn thì mới có lịch sử, có xã hội, có sự khác biệt giữa loài người với loài khác. Con người có tồn tại với một phạm vi rộng lớn khi so với toàn bộ các loài, so với toàn thể vũ trụ, so với toàn thể lịch sử như vậy không? Có, nhưng chỉ “có” theo nghĩa con người trừu tượng, con người khái niệm, con người khái quát hóa, chứ không phải ở những con người hiện thực, cụ thể. Điều đó có nghĩa là loài người thì trực tiếp gắn với vấn đề sinh tồn, còn con người (cụ thể) thì trực tiếp gắn với xã hội và các quan hệ.

Và còn một điều nữa, sinh tồn phải chăng là một đạo lý hay trước hết chỉ là một vấn đề tự nhiên, tuần tự của sự phát triển giống loài? Loài vật không hề có một đạo lý nào, nó không cần gì đến đạo lý sinh tồn nhưng vẫn tự nhiên tồn tại hết đời này sang đời khác (trừ khi bị tiệt chủng bởi tự nhiên hay bởi con người) mà không hề có một bộ phận thú dị tính này đòi hỏi nhóm thú đồng tính kia phải tôn trọng đạo lý sinh tồn. Người ta có thể nói con người khác con vật. Đúng. Nhưng đạo lý sinh tồn được đặt ra và xem như quyết định khi mà loài người chưa bao giờ, và đang không hề, đứng trước một nguy cơ tuyệt chủng (ngược lại, đang bành trướng ngoài khả năng đáp ứng cho chính sự bành trướng đó thì có) để áp đặt đạo lý đó lên một bộ phận người, liệu có đúng với đạo lý và hợp lý hay không? Vấn đề của con người xã hội (mà không phải là con người giống loài) là ở cái đạo lý hành xử giữa con người với nhau, chứ không phải ở cái đạo lý mà vốn tự nhiên chẳng có gì tổn hại đến nó, mà nó cũng chẳng tác động đến ai (ngoài chuyện nó được dùng để tác động lên luyến ái đồng giới).

Chính do điều cốt yếu nằm ở đạo lý của con người với nhau chứ không phải ở đạo lý sinh tồn, mà trong các học thuyết xã hội và học thuyết chính trị, cái đạo lý tối hậu được nói đến - tức một nguyên tắc hành xử xã hội gốc làm nền tảng nào đó mà các nguyên tắc khác có thể qui chiếu vào để xét tính chân thật và đúng sai - không hề là đạo lý sinh tồn. Các học thuyết xã hội và chính trị - cái phản ánh phần lý tính của đời sống tinh thần con người - dù có bất đồng với nhau về nền tảng hành xử xã hội: nền tảng đó nằm ở các quyền tự do, ở bình đẳng, hay ở lợi ích…, nhưng tất cả đều chẳng màng đến cái chuyện sinh tồn làm gì cả. Giá trị đạo lý tối hậu mà nhân loại tìm kiếm bấy lâu nay vẫn nằm ở tự do, bình đẳng, bác ái, chứ không phải ở sinh tồn.

Do vậy, nói đến trách nhiệm của con người xã hội, trước hết đó chính là trách nhiệm trước tự do, bình đẳng, bác ái, chứ không phải trách nhiệm trước sinh tồn, vì nó chẳng có ai xâm phạm, vì nó vẫn tự nhiên tiến triển mà chẳng hề có nguy cơ gì về mặt truyền giống.

Trách nhiệm là một khái niệm rộng lớn. Thực tế đó là những hệ trách nhiệm khác nhau: trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm đối với gia đình, trách nhiệm đối với công việc, trách nhiệm đối với bạn bè, trách nhiệm đối với tổ chức, trách nhiệm đối với người yêu, v.v… Trong các hệ, có loại là trách nhiệm đạo lý, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm tôn giáo…, có loại là trách nhiệm bắt buộc, có loại là trách nhiệm tự nguyện…

Ngoài những trách nhiệm pháp lý cơ bản và tối hậu mà mọi công dân đều phải tuân thủ và thực hiện, các loại trách nhiệm khác thì có những người thực hiện (tự nguyện hay bắt buộc) nhưng cũng có những người không thực hiện. Ngay cả trong các trách nhiệm pháp lý cũng không phải nhất nhất ai ai cũng thực hiện khi bối cảnh không nhất thiết bắt buộc như vậy (chẳng hạn nghĩa vụ quân sự/ quân dịch). Không phải có bao nhiêu trách nhiệm trên đời này thì tất cả mọi người, không trừ một ai, đều thực hiện không thiếu một thứ gì. Tùy thuộc vào sự phân công xã hội, một số người này thực hiện những trách nhiệm này mà không thực hiện những trách nhiệm khác, trong khi ở số người khác thì ngược lại. Và cũng như vậy khi xét tùy vào bối cảnh lịch sử, xã hội, tùy vào thời điểm.

Ở những bối cảnh khác nhau đó, giá trị của những trách nhiệm cũng khác nhau, thay đổi vị trí cho nhau. Khi lịch sử loài người ở vào một giai đoạn sắp tuyệt chủng giả định nào đó, sinh tồn sẽ là loại trách nhiệm xã hội-giống loài hàng đầu, và sinh sản nhiều sẽ là giá trị đạo lý và đạo đức cao nhất [3] . Nhưng nếu trong một xã hội-giống loài mà chưa bao giờ biết đến sự sụt giảm nhân khẩu, lấy sinh tồn ra là trách nhiệm tối hậu để đè bẹp quyền tồn tại xã hội - một tồn tại vốn có cơ sở từ tồn tại sinh học -của bộ phận người có thiên hướng tính dục thiểu số, thì thật sự là sự lẫn lộn - có lẽ là cố tình - về tính lịch sử và vai trò của các loại trách nhiệm khác nhau trong từng bối cảnh lịch sử.

Hơn nữa, chúng ta đang sống trong thời đại của xã hội công dân, mà không phải là một xã hội giống loài hay xã hội tôn giáo, nên cái trách nhiệm đáng được nói đến trước tiên là trách nhiệm công dân, chứ không phải trách nhiệm sinh tồn của lịch sử tự nhiên hay trách nhiệm tôn giáo.

Người ta cũng có thể lập luận rằng anh đã được sinh ra để sinh tồn được nối tiếp, thì anh phải có trách nhiệm làm tiếp nối sinh tồn. Nghe có vẻ là hợp lý. Nhưng nó không thể hợp lý như ta đã thấy ở tương quan giữa trách nhiệm với sinh tồn và hiện thực. Nó cũng không thể là hợp lý vì lập luận kiểu “đổi chác” như vậy là cách quan niệm cứng nhắc, phi thực tế. Tại sao anh hưởng được lợi ích từ sản xuất hàng hóa và từ tri thức xuất phát từ người khác nhưng anh lại không tự sản xuất ra hàng hóa hay tự tạo ra thêm tri thức để đáp lại? Tại sao có những người đấu tranh cho tự do và công bằng xã hội mà anh được hưởng, còn anh thì an phận lo chỉ cho bản thân mình, mà lại không trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh đó để tiếp nối? Rất đơn giản, sự phân công lao động vừa tự nhiên vừa ngẫu nhiên, cũng như thiên hướng và khả năng hoạt động xã hội ở mỗi người là khác nhau, nhưng đều đặt mỗi người vào vai trò là những tác nhân đóng góp gián tiếp, ở những mức độ nhất định, vào những phạm vi khác bên ngoài trách nhiệm mà mình không can dự vào. Cũng như vậy, nếu người đồng tính luyến ái không trực tiếp sinh sản không có nghĩa là họ không đóng góp vào sinh tồn của con người. Cái sinh tồn đó không phải chỉ là việc sinh sản, mà là sự sinh tồn tổng hợp từ sản xuất hàng hóa và tạo ra tri thức, cái sinh tồn của môi trường sống, cái sinh tồn của môi trường xã hội với tự do và bình đẳng… Trong cái sinhtồn đó thì chính họ, những người đồng tính luyến ái, cũng đang hàng ngày hàng giờ sát cánh cùng người dị tính luyến ái đem lại cho toàn thể xã hội, và chính người dị tính luyến ái cũng hưởng thành quả sinh tồn từ họ.

Tác giả NHĐ gần như diễn đạt rằng cuộc sống của người gay có ý nghĩa gì nếu không thực hiện trọng trách duy trì nòi giống, rằng anh ta viết ra để “tự nhắc nhở mình phải sống đúng đắn và phải hiểu được cái gì là quan trọng nhất trong cuộc đời này”. Nếu những điều này nhằm phê phán một bộ phận gay chỉ biết sống vì tình dục và những quan hệ tình cảm, tình dục không đúng đắn (theo nghĩa nào đó) thì điều đó đúng. Nhưng nếu xem cuộc sống của người đồng tính luyến ái là không đúng đắn, không hiểu được cái gì quan trọng nhất trên đời, không có ý nghĩa vì không sinh sản, điều đó là sai.

Ý nghĩa của cuộc đời này liệu chỉ là sinh sản thôi sao? Chúng ta, cả người dị tính ái và đồng tính ái, không còn những gì ý nghĩa hơn để theo đuổi ngoài sinh sản sao? Ý nghĩa của cuộc đời nhiều khi rất phức tạp, mà lắm lúc cũng rất đơn giản so với chuyện chỉ tôn vinh sinh sản lên làm cái tối hậu. Ý nghĩa của cuộc đời không chỉ có một, nó tùy thuộc ở mỗi người, vào mổi giai đoạn. “Cái quan trọng nhất của cuộc đời này” cũng vậy. Có người xem quan trọng nhất là đấu tranh cho công bằng, cho việc khai sáng nhận thức xã hội. Họ có thể hy sinh danh vọng, tiền tài để theo đuổi nó, vì nó là điều quan trọng đối với họ, và nó làm nên ý nghĩa cuộc đời họ. Nhưng cũng có người đơn giản xem gia đình của riêng mình là quan trọng nhất, họ làm tất cả vì hạnh phúc và thịnh vượng của gia đình, không màng đến các vấn đề xã hội, hay thậm chí bất chấp tất cả. Có những người xem cha mẹ là quan trọng nhất trên đời, hy sinh cuộc sống êm ấm với vợ con (trong trường hợp có xung đột hay phần trái khuấy thuộc về người lớn tuổi), vì với họ ý nghĩa là ở sự hiếu thảo. Và cũng có người đấu tranh cả đời cho tình yêu đồng giới của mình, vượt qua mọi vấn đề, vượt qua thời gian [4] , chỉ để có được sự thừa nhận xã hội, vì với họ tình yêu của họ - một tình yêu của những gian nan trước định kiến và phân biệt đối xử từ xã hội - là cái quan trọng nhất, và ý nghĩa cuộc đời họ chính là đấu tranh cho điều đó…

Do vậy, không thể đơn giản khi là người dị tính ái và có sinh sản thì anh sống có ý nghĩa và biết cái gì là quan trọng nhất trên đời. Cũng không thể đơn giản khi đã là người đồng tính ái và không sinh sản thì anh sống không ý nghĩa và không biết trên đời đâu là cái quan trọng nhất. Cuộc đời này còn có biết bao nhiêu điều cao đẹp, có thể cao cả mà cũng có thể bình dị, để làm nên chính cuộc đời đó và ý nghĩa của nó, không thể đương nhiên dán cái dãn tối tăm để bôi đen cuộc sống và ý nghĩa cuộc sống của người đồng tính luyến ái được, khi họ vẫn ngày ngày hoà nhập chung trong mọi công việc của xã hội, góp phần làm thăng tiến cho cuộc sống xã hội đó.

Tuy nhiên, đúng là chúng ta dù có bôn ba, phấn đấu như thế nào và cho ai, thì rốt lại vẫn cần đến một nơi để chia sẻ cho nhau về cuộc đời này. Đó chính là nơi chốn của tình yêu và mái ấm của riêng mình. Và trong vấn đề này, vào cuối bài NHĐ nói rằng “dường như người gay nào rồi cũng phải tiếp tục đi tìm, cứ luôn miệng than vãn cô đơn, và không biết chàng trai nào thật sự mãi mãi là người tình của mình” và “bao giờ sẽ dừng chân và tìm thấy được sự êm ấm trong tâm hồn đây?”.

Tại các diễn đàn gay Việt, vấn đề “true love” đều ít nhất một lần được đặt ra. Cũng như vậy là sự xung đột nội tâm trước thiên hướng tình cảm của bản thân với cái nhìn của xã hội và quan hệ với gia đình. Câu hỏi có nên lập gia đình dị tính cũng được nêu lên…

Tôi đồng ý rằng đời sống tình dục một một bộ phận gay, đặc biệt là các gay sống trong cộng đồng, là đáng chê trách. Chính đời sống tình dục đó là một nguyên nhân khiến họ mãi đi tìm một “true love” mà không thấy. Nhưng cũng nhận thấy rằng tình cảnh xã hội của người gay đã đóng một phần không nhỏ vào đó. Không được xã hội thừa nhận, hiểu sai về chính bản sắc tính dục của mình (bệnh, không bình thường, không có quyền tồn tại xã hội…) khiến họ ngay từ trong gốc của suy nghĩ đã định hình một quan niệm tạm bợ về tình cảm, tình yêu. Yêu hay không yêu, thật lòng hay không thật lòng cũng không đi đến đâu. Không được thừa nhận, không được tự do công khai bản sắc tính dục của mình, họ nhận ra nhau và đến với nhau trong khó khăn, nhưng rồi lại không dám “ăn đời ở kiếp” với nhau (cũng vốn do không được thừa nhận), còn lại với họ chỉ là những “tình yêu” chóng đến chóng đi mà thực chất tình dục là chủ yếu. Một số tranh thủ tuổi thanh xuân để sống hết mình bằng những cuộc tình chóng vánh và tình dục, để rồi sau đó “an phận” với vợ con cho xong tránh nhiệm. Nhưng rồi đó chỉ là sự an phận tạm thời, thiên hướng tính dục trong họ không thể mất đi, những cuộc tình (dục) đồng giới chóng vánh khác lại diễn ra… Nhưng bên cạnh số lẳng lặng thỏa mãn với tình dục bằng sự ngụy trang hay không ngụy trang dị tính ái, thì cũng không ít những người trăn trở cho tình yêu đồng giới, một số khác thì sau thời gian sống “hết mình” sẽ là khoảng lặng trong tầm hồn để suy nghĩ lại về tình yêu, vì trong họ vẫn luôn mong muốn về một tình yêu chân thực…

Một vài tờ báo trong nước gần đây có nói đến những trường hợp phụ nữ có chồng có quan hệ tình cảm hay tình dục với người đồng giới. Người ta có thể lên án những gã trai đã dụ dỗ chồng người khác, người ta có thể lên án những ông chồng ham của (quá) lạ, không biết an phận với đời sống dị tính của mình; nhưng đến bao giờ người ta sẽ biết lên án rằng chính mình, những người mà bằng định kiến thiếu hiểu biết và sự bất khoan dung, đã không cho những ông chồng, những gã trai đó được sống thật với họ, khiến họ buộc phải thuận theo định kiến và bất khoan dung đó, sống cuộc sống “bình thường” để rồi lén lút “bất bình thường” và khổ đau vì “bất bình thường”? Thật mâu thuẫn, người ta phê phán người đồng tính ái không chịu sống “bình thường” bằng việc phải lập gia đình dị tính, nhưng khi phát hiện có vấn đề người ta lại lên án rằng đã đồng tính ái mà còn có vợ con để làm khổ người khác. [5]

Tình yêu là điều không thể thiếu trên đời này. Cuộc sống không có tình yêu là cuộc sống vô vị cho dù có nhiều vị khác đắp vào từ công việc hay hoài bão chăng mữa. Nhưng tại sao cứ nhất nhất rằng tình yêu phải là tình yêu dị giới, khi mà những người đồng giới cũng biết sống yêu thương nhau, sống vì nhau, cho nhau, và không thể thiếu nhau? Áp đặt một tình yêu khác giới lên họ không phải là đang áp đặt một sự giả dối thiếu tình người, tiềm ẩn đầy những bất trắc về tâm lý sao?

Gia đình là điều không thể thiếu trên đời này. Cuộc sống không có một mái ấm riêng là cuộc sống bất định, cho dù cuộc sống đó có được lấp đầy bằng các quan hệ hay mục đích tốt đẹp khác. Nhưng tại sao lại tuyệt đối buộc rằng gia đình là gia đình dị giới khi mà những người đồng giới cũng khát khao cùng nhau đi hết cuộc đời, phó thác và cùng chia sẻ mọi vấn đề của cuộc sống cho nhau? Áp đặt một gia đình dị giới lên họ không phải là xô đẩy họ vào một cuộc sống gia đình giả tạo, không thỏa mãn cho cả hai, lừa dối, không chung thủy, tiềm ẩn những đổ vỡ và hậu quả cho chính vợ con và người thân xung quanh sao?

Bằng cách tiếp cận độc đoán, phi thực tế và bất chấp cơ sở tự nhiên, người ta đặt tình yêu và gia đình trong quan hệ tuyệt đối với chuyện truyền giống. Nhưng nếu bằng sự tiếp cận nhận đạo, thừa nhận hiện thực tự nhiên và hiện thực xã hội của các thiên hướng tính dục khác nhau, thay vì áp đặt, là việc đem lại cho các nhóm tính dục thiểu số đầy đủ quyền tồn tại xã hội của họ, đem lại cho họ tình yêu và gia đình của riêng họ mà họ đáng ra phải được hưởng.


4. Lời kết: “hoang tưởng” của người gay và thiên chức của các định chế xã hội

Cuối cùng xin trở lại với hàng tít làm chủ đề bài viết của NHĐ.

Có phải người đồng tính luyến ái cứ khư khư ôm lấy cái ý tưởng mình là gay để chối bỏ cuộc sống của “đàn ông bình thường” không? Thiết nghĩ qua những gì trình bày ở trên đã đủ để trả lời.

Với diễn đạt rằng họ lầm tưởng mình là gay (tức không hề có cơ sở sinh học và tồn tại thực tế trong xã hội) để tìm người ủng hộ, sẽ khíên dẫn đến sự phê phán đối với những tiếng nói chống định kiến và kỳ thị luyến ái đồng giới vốn đang có phần tăng lên ở trong nước: những người hoang tưởng, không chịu sống bình thường, thiếu trách nhiệm mà lại đi tìm sự hậu thuẫn cho những điều đó ư, còn những ai ủng hộ họ thì không phải chính là đang ủng hộ những điều sai trái đó ư?

Trong thời đại của lương tri, của tự do, bình đẳng và khoan dung này, cho dù vẫn còn nhiều định kiến và trắc trở ở nhiều nơi, nhưng việc tôn trọng và bảo vệ các nhóm thiểu số, trong đó có thiểu số tính dục đã là một tiêu chuẩn của đời sống xã hội, đời sống chính trị, và đời sống khoa học. Người đồng tính luyến ái ngày nay không hề đơn độc đi tìm kiếm ủng hộ. Các chính quyền khoan dung đang chủ động từng bước đem lại quyền lợi pháp lý đầy đủ cho họ, cho dù định kiến xã hội còn chưa thay đổi kịp. Đó chính là một phần trong thiên chức bảo vệ và đem lại bình đẳng cho mọi công dân của một nhà nước công bằng. Hẳn không ai bài gay đến mức cho rằng các nhà lãnh đạo, các chính trị gia hay chính quyền nào ủng hộ cho các quyền bình đẳng của luyến ái đồng giới chỉ vì chính họ là gay.

Khi các nhà trí thức lớn của thế giới ký và tuyên bố Hiến chương Nhân bản 2000, trong đó kêu gọi không phủ nhận luyến ái đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới, thì không phải vì họ yêu người cùng phái. Mấy chục ngàn nhà tâm thần học của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọitrực tiếp tham gia các tiến trình pháp lý ủng hộ người đồng tính luyến ái, không phải vì họ hoang tưởng tâm thần. Nữ hoàng Anh quốc, trong thông điệp trước Quốc hội vào tháng 11.2003, kêu gọi thực hiện cam kết phát triển sự bình đẳng và công bằng xã hội bằng việc hợp pháp hóa quan hệ đối ngẫu của các cặp đồng giới, không phải vì bà là lesbian hay bà có người thân đồng tính. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch hay Amnesty International… lên tiếng bảo vệ luyến ái đồng giới và bình đẳng hôn nhân không phải vì đây là những tổ chức của người đồng tính. Đệ tứ Quốc tế Cộng sản nhiều lần tỏ thái độ chống bài gay không phải vì những người cộng sản này tất cả đều là gay…

Trong nước, ca sĩ Phương Thanh hay đạo diễn Lê Hoàng công khai chống lại thái độ kỳ thị đồng tính luyến ái trong giới nghệ sĩ nói riêng và trong xã hội nói chung, không phải là cho bản thân họ [6] . Báo Người Lao Động đăng bài Tình yêu đồng giới tại châu Á không còn là chuyện không tưởng không phải vì đây là tờ báo của người đồng tính ái. Mạng VNN cũng có một tần suất cao so với các báo in và báo mạng khác trong việc đưa các thông tin về đồng tính luyến ái, với thái độ không định kiến hay kỳ thị, không phải vì mạng này ủng hộ sự hoang tưởng. talawas có hẳn một chuyên mục Đồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại không phải vì diễn đàn này phục vụ cho người viết và người đọc có tình cảm cùng giới…

Đó cũng chỉ là những minh họa gần đây nhất của tiến trình ủng hộ luyến ái đồng giới đang ngày càng tăng lên, như biểu hiện của sự thăng tiến một đời sống chính trị, xã hội và văn hóa mang nhân tính, công bằng và bình đẳng, hoàn toàn không hề là sự thăng tiến của những hoang tưởng.

Đó không hề là những hành động vu vơ, không ý nghĩa và vô ích. Đó chính là sự thăng tiến của lương tri, và xuất phát từ lương tri - lương tri khoa học, lương tri chính trị, lương tri đạo lý. Đó chính là việc hiện thực hóa thiên chức khoa học, thiên chức xã hội, thiên chức chính trị của các cá nhân và định chế xã hội - một thiên chức vốn năm trong chính lý do tồn tại của các định chế này.

Những ai, những định chế nào, một khi qua thông tin, đã nhận diện các khía cạnh khoa học, xã hội, pháp lý, văn hóa của vấn đề luyến ái đồng giới, nhưng vẫn cố tình xuyên tạc và hành xử bằng định kiến, thì chính là đã đánh mất lương tri và vứt bỏ thiên chức của mình.

© 2005 talawas


[1]Khi thông tin về sự kiện này, bản tin Không có gien nào là gien đồng tính! trên VNN đã vô tình dịch không đúng ý một câu quyết định từ bản tin Anh ngữ của BBC, khiến mâu thuẫn với toàn bộ nội dung sau đó và làm sai lạc hoàn toàn kết quả của công trình này. Còn dưới đây sẽ là nguyên bản tiếng Anh của đoạn tôi vừa trích (những chỗ in đậm là do tôi nhấn mạnh):
In the first-ever study combing the entire human genome for genetic determinants of male sexual orientation, a University of Illinois at Chicago researcher has identified several areas that appear to influence whether a man is heterosexual or gay.
UIC's Brian Mustanski, working with colleagues at the National Institutes of Health, found stretches of DNA that appeared to be linked to sexual orientation on three different chromosomes in the nucleus of cells of the human male.
"There is no one 'gay' gene," said Mustanski, a psychologist in the UIC department of psychiatry and lead author of the study. "Sexual orientation is a complex trait, so it's not surprising that we found several DNA regions involved in its expression."
"Our best guess is that multiple genes, potentially interacting with environmental influences, explain differences in sexual orientation."
"Our study helps to establish that genes play an important role in determining whether a man is gay or heterosexual"
[2]Tôi cũng xin cung cấp địa chỉ email của hai khoa học gia dẫn đầu hai công trình nghiên cứu này, để bất kỳ ai muốn liên hệ nhằm xác thực lần cuối, có thể thực hiện điều đó: camperio@ux1.unipd.it, và bmustanski@psych.uic.edu
[3]Nhưng ở bối cảnh của Trung Quốc ngày nay chẳng hạn, sinh đến con thứ hai đã là phạm pháp, là vô đạo đức rồi.
[4]Chẳng hạn trường hợp hai bà già “sắp xuống lỗ” Phyllis Lyon 79 tuổi và Del Martin 83 tuổi, đã chung sống 51 năm và cả đời đấu tranh để được nhìn nhận chính thức như những bạn đời của nhau, tươi cười hạnh phúc khi trở thành cặp đồng giới đầu tiên tại nước Mỹ được kết hôn vào ngày 12.02.2004 tại San Francisco, dù biết rằng sự “xé rào” của Thị trưởng Gavin Newsom không đem lại tính bền vững về pháp lý đối với hôn nhân của họ.
[5]Năm rồi, tại Mỹ có câu chuyện về gia đình dị giới và tình cảm đồng giới của nguyên Thống đốc bang New Jersey, James E. McGreevey, gây nhiều xôn xao.
[6]Vào dạo Phương Thanh và Lê Hoàng lên tiếng gần hai năm trước, thông tin trong nước về đồng tính luyến ái chủ yếu vẫn theo “truyền thống”, xem đây là bệnh.