trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
13.10.2008
Hồ Bạch Thảo
Mã Viện tại Giao Chỉ và vụ án chở trân châu, sừng tê giác về Trung Quốc
 
Người xưa dạy rằng: “Tin mù quáng vào sách, chẳng thà không có sách” (Tận tín thư bất như vô thư), ý khuyên nguời đọc sách phải biết biện biệt đúng sai, chớ nên nhất nhất tin vào sách. Xét phần liệt truyện về Mã Viện chép trong Hậu Hán thư cung cấp nhiều sử liệu phong phú và sống động, tuy nhiên ngòi bút của sử gia không khỏi có chỗ thiên kiến; bởi vậy sau khi cẩn trọng dịch phần liên quan đến Giao Chỉ, chúng tôi mạn phép bàn thêm vài ý kiến.

Phần trích dịch như sau:

Lại có người đàn bà đất Giao Chỉ tên là Chinh [Trưng] Trắc cùng với em là Chinh [Trưng] Nhị làm phản, đánh chiếm quận này. Các quận Cửu Chân [Thanh Hóa], Nhật Nam [từ Hà Tĩnh trở về nam] Hợp Phố [Quảng Ðông] đều hưởng ứng; chiếm nơi Lãnh ngoại [phía ngoài Ngũ Lãnh] hơn 65 thành trì; Trắc bèn lên làm Vương. Lúc đó [Thiên tử] ban tỷ thư phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân, dùng Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó, cùng Lâu thuyền Tướng quân Ðoàn Chí mang quân xuống phía Nam đánh Giao Chỉ. Khi quan quân đến Hợp Phố, Chí bị bệnh mất, chiếu thư sai Viện trực tiếp cầm cánh quân này.

Quân theo đường biển mà tiến, rồi men theo núi sẻ đường hơn ngàn dặm, vào năm [Kiến Vũ] thứ 18 [42 ] đến Lãng Bạc [Hồ Tây] giao chiến với giặc; đánh phá chém được mấy ngàn thủ cấp, hàng vạn người hàng. Viện truy kích Trắc tại Cấm Khê, đánh bại mấy lần, giặc tan bỏ chạy. Vào tháng Giêng năm sau, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị; gửi đầu về Lạc Dương. Viện được phong tước Tân tức hầu, ăn thực ấp 3000 hộ. Nhân giết trâu, lọc rượu khao thưởng quân sĩ; trong tiệc thung dung kể rằng:

“Em ta là Thiếu Du thường than phiền ta khẳng khái lo lập chí lớn, nên khuyên rằng: kẻ sĩ sống trên đời chỉ cần cơm áo no đủ, đi xe cửi ngựa, làm quan lại nơi địa phương, lo giữ phần mộ tổ tiên, được người làng khen hiếu thuận là đủ rồi; còn tham vọng nhiều, chỉ khổ thân mà thôi.

Khi ta ở Lãng Bạc, Tây Lý, giặc chưa diệt xong; dưới chân nước lụt, trên đầu mây mù giăng mắc, khí độc vần vũ, nhìn lên trời thấy chim diều hâu bay rồi đột nhiên rơi phịch xuống nước; nghĩ đến lời Thiếu Du nói, lúc ấy hoàn cảnh ta làm sao có được như vậy. Nay nhờ sức lực của Sĩ Ðại phu, được Thiên tử ban thưởng ấn vàng dây thao tía trước các ngươi, nên vừa mừng và cùng vừa thẹn.”

[Dứt lời] quan lại và quân sĩ đều tung hô vạn tuế.

Mã Viện lại đưa lâu thuyền lớn nhỏ hơn 2.000 chiếc, quân sĩ trên 20.000 người đánh dư đảng Trưng Trắc là bọn Ðô Dương từ [huyện] Vô Công đến Cư Phong [1] chém 5.000 tên; vùng Kiều Nam [2] đều bình định. Viện tâu rằng huyện Tây Ư [3] khoảng 3.200 hộ, có nơi xa cách huyện lỵ hơn 1000 dặm, xin chia làm 2 huyện Phong Khê và Vọng Hải, được chấp thuận. Viện đi đến đâu đều chia đất thành quận huyện, xây thành quách, thông ngòi rạch để lợi cho dân. Tâu rõ luật Việt và luật Hán, bác bỏ hơn 10 khoản. Dựa chế độ xưa [của nhà Hán], thân sức cho dân Việt rõ, để ràng buộc; từ đó dân Lạc Việt chấp hành theo Mã Tướng quân.

Vào mùa thu năm Kiến Vũ thứ 20 [44] mang quân về kinh sư, quân sĩ và quan lại trải qua chướng lệ chết bốn, năm phần mười. Ban cho Viện một cổ xe, triều kiến đứng vào hàng Cửu khanh.

Mã Viện thích ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay; tại Giao Chỉ lấy được trống đồng Lạc Việt, bèn cho đúc thành ngựa mẫu; lúc trở về dâng lên Thiên tử. Lại dâng biểu như sau:

“Phàm di chuyển trên trời không gì mau bằng rồng, dưới đất không vật gì bằng ngựa; ngựa là căn bản của giáp binh, đại dụng cho quốc gia. Khi thời bình sử dụng để phân biệt trên dưới, lúc biến dùng di chuyển xa gần. Xưa có ngựa Kỳ Ký một ngày rong ruổi một ngàn dặm, thấy Bá Nhạc [4] cất tiếng hý vang. Gần đây có Tử Dư đất Tây Hạ giỏi về tướng pháp ngựa, Dư truyền cho Nghi Thường Phụ cũng đất Tây Hạ, Thường Phụ truyền cho Ðinh Quân Ðô đất Mậu Lăng, Quân Ðô truyền cho Dương Tử A đất Thành Kỷ; thần Viện, từng thờ Tử A làm thầy để học về mã cốt pháp, khảo về cách đi và thể nghiệm ở miệng.

Thần ngu cho rằng nghe kể không bằng chính mắt được nhìn, xem cảnh không bằng quan sát hình. Nay muốn vẽ hình ngựa sống, nhưng không hoàn bị về cốt pháp, không thể truyền cho hậu thế. Thời Hiếu Vũ Hoàng đế, Ðông Môn Kinh giỏi tướng ngựa, đúc ngựa cốt pháp bằng đồng hiến lên, chiếu chỉ cho đặt ngoài cửa Lỗ Ban, nên cửa Lỗ Ban được gọi là Kim Mã môn. Thần cẩn thận noi theo phép họ Nghi bàn về miệng, phép họ Trung Bạch về miệng răng, phép họ Tạ về môi miệng, phép họ Ðinh về thân hình; nhắm hoàn bị cốt tướng pháp của các nhà. Ngựa cao 3 xích 5 thốn, chu vi 4 xích 5 thốn.”

Chiếu cho phép đặt tại dưới cửa Hoàn Ðức, để làm thể thức cho ngựa hay.



Buổi đầu Viện mang quân đánh đất Tuyển [5] [tại Hồ Nam], có hai đường tiến quân. Ðường thứ nhất noi theo núi Hồ thì gần, nhưng đường thủy hiểm trở; đường thứ hai đi đến huyện Sung, tuy bằng phẳng nhưng chuyển vận xa; nên nhà vua còn do dự. Lúc quân đến, Cảnh Thư muốn đi theo đường huyện Sung; Viện cho rằng đi xa khó vận lương, không bằng đi theo đường núi Hồ, chặn yết hầu quân giặc, thì giặc tại huyện Sung cũng tự tan rã. Viện đưa việc đó tâu lên, được Thiên tử chấp thuận.

Tháng 3 tiến vào núi Hồ, giặc từ cao điểm giữ cửa ải, nước chảy xiết, thuyền không tiến được. Chần chờ, quân sĩ bị dịch chết, Viện cũng bị bệnh, tình trạng khốn khó phải khoét sâu vào bờ sông làm nơi trú ẩn để tránh nóng nực. Giặc từ chổ hiểm quát tháo, Viện thường kiễng chân lên quan sát, quân tả hữu cho là hùng tráng, ai cũng cảm động chảy nước mắt. Cảnh Thư viết thư cho anh là Hiếu tự hầu Yểm rằng:

“Trước đây Thư dâng thư xin đánh vào huyện Sung, lương tuy khó vận chuyển nhưng quân có thể dùng được, quân sĩ mấy vạn muốn cùng phấn đấu. Nay theo ý kiến [Viện] quân tại núi Hồ tiến không được, bị chết, thực đáng thống hận. Buổi đầu khi đến Lâm Bang, giặc chưa kịp bố trí, nếu đánh ngay trong đêm có thể diệt sạch; Phục Ba dùng binh giống như dân buôn Tây Vức, đến nơi cho nghỉ ngơi; nay bị thất lợi, quân bị bệnh dịch, đúng như lời Thư tiên đoán.”

Yểm nhận được thư bèn tâu lên, Thiên tử sai Hổ bí Trung lang tướng Lương Tùng theo dịch trạm đến khiển trách Mã Viện và thay thế chỉ huy quân. Rồi Viện mất [năm 49], Tùng ôm mối bất bình, đặt điều vu hãm; Thiên tử giận tịch thu ấn Tân Tức hầu của Mã Viện.

Chuyện trước kia, khi Mã Viện tại Giao Chỉ, thường dùng hạt ý dĩ làm thuốc để thân thể được nhẹ nhàng, tiết dục, chống lại chướng khí. Nam phương hạt ý dĩ rất lớn, Viện muốn trồng loại này, tải một xe chở về. Lúc bấy giờ người ta cho rằng đất đai phương Nam có nhiều thứ trân quí, những người quyền thế đều ham chuộng; nhưng lúc Viện còn sống được sủng ái, nên không ai dám nói gì. Ðến khi Mã Viện mất, có người dâng thư lên vua sàm tấu rằng trước đây Viện chở về đều là trân châu và sừng tê giác có hoa văn. Mã Vũ cùng con Tăng Vũ hầu trình bày tội trạng khiến Thiên tử giận. Vợ con Mã Viện sợ hãi không dám đưa thi thể về chôn tại mồ mả đất nhà; đành tạm vùi tại mấy mẫu đất gai góc nơi phía tây thành; khách khứa bạn bè người quen cũ không ai dám phúng điếu. Nghiêm lệnh vợ con Viện có liên quan, bắt đến triều đình định tội.

Thiên tử ra khỏi thư phòng để xem án, trước sau có 6 lần kêu oan lời hết sức thảm thiết, mới được cho chôn cất lại.

Lại có Chu Bột, nguyên trước kia làm Thú lệnh đất Vân Dương, quen thân với anh em Mã Viện đến kinh khuyết dâng thư bênh vực, lời thư như sau:

“Thần nghe rằng đức kẻ vương giả, chính trị của thánh nhân không quên công của bề tôi; chọn con người ở một điểm tốt đẹp, không cần phải hoàn bị. Bởi vậy nên [Hán] Cao Tổ tha Khoái Thông [6] , lấy vương lễ chôn cất Ðiền Hoành [7] , nên các đại thần an tâm không còn nghi ngờ.”



“Phàm Ðại tướng rong ruổi nơi cõi ngoài, lời sàm tấu thường xẩy ra nơi triều nội; một chút sai lầm nhỏ thì ghi vào, nhưng công lớn thì không thèm kể. Bởi vậy Chương Hàm [8] sợ ghen ghét nên phải sang hàng Sở; tướng nước Yên [9] hạ được thành Liêu, mà không trở về! Nào phải cam tâm không nghĩ đến vua, mà chỉ vì những lời xảo ngôn gây ra như vậy.

Riêng [Mã] Viện phụng sự triều đình 22 năm, phía Bắc ra quân vùng quan ải sa mạc, phía Nam vượt biển sông, mạo hiểm nơi khí độc, rồi chết trong quân. Danh diệt, tước mất; nhưng trong nước không ai thấy sự sai lầm, không có lời hủy báng. Rồi như chuyện ba người [10] đưa lời sàm tấu, người nhà bị cô lập, chết không được chôn vào mồ, tiếng oan dấy đất, bà con sợ hãi; đã đành kẻ chết không được trình bày mà người sống cũng không được kháng cáo, thần cảm thấy thương xót!”

*


Qua liệt truyện đề cập ở phần trên, nhà viết sử Trung Quốc cố gắng bênh vực việc làm của Mã Viện; nếu phân tích kỹ các sự kiện, những câu hỏi sau đây cần được đặt ra:
  • Ý dĩ có phải là thần dược đáng cho Mã Viện chở một xe riêng, vượt qua hàng vạn dặm đường để đưa về quê không? Mặc dầu Thần Nông bản thảo kinh ghi rằng: “Ý dĩ vị ngọt, tính hàn, chủ hạ tỳ khí phong thấp, trừ tà khí tại gân cốt, dùng lâu thân thể nhẹ nhàng, vượng khí”, nhưng thực tế cho thấy quân sĩ của Mã Viện tại Giao Chỉ bị chết vì chướng khí đến bốn, năm phần mười; vậy tại sao vị thuốc ý dĩ kia không giúp cho quân lính Viện tiêu trừ lam chướng? Hơn nữa nếu ý dĩ là thần dược, thì vua chúa triều đình Trung Quốc cũng cần thứ đó; nhưng tên vị thuốc này không có trong danh sách các cống phẩm của 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
  • Nếu trên chiếc xe chỉ chở có ý dĩ mà thôi, thì tại sao Mã Viện không công khai cho quân lính và mọi người đều biết để đến nỗi bị tố cáo sau khi mất.
  • Hạt ý dĩ chỉ bằng hạt bắp, nếu chở một xe làm hạt giống (như trong Liệt truyện ghi) thì có thể cung cấp cho cả làng, mọi người đều biết và ca tụng. Cớ sao những vật để trong xe phong kín, để có sự nghi ngờ?
  • Ngay cả Chu Bột là người thân của anh em Mã Viện, trong bức thư dâng lên vua Hán Quang Vũ để bênh vực cho Mã Viện, cũng chỉ dám viết rằng “chọn con người ở một điểm tốt đẹp, không cần phải hoàn bị”, câu nói hàm ý rằng Mã Viện chưa hẳn là người trong sạch.
Với những ý kiến nêu trên, có thể kết luận rằng việc Mã Viện chở những đồ trân quí từ Giao Chỉ đưa về nhà không hẳn là oan.

Ngoài ra qua việc Mã Viện phá trống đồng nước ta, để đúc thành ngựa mẫu, rồi lúc trở về dâng lên vua Hán Quang Vũ:

援 好 騎,善 別 名 馬,於 交 址 得 駱 越 銅 鼓,乃 鑄 為 馬 式,還 上 之 ( Viện hiếu kỵ, thiện biệt danh mã, ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi chú vi thức, hoàn thượng chi.)

Cùng liên hệ đến việc Vương Thông, dưới thời nhà Minh cai trị, lấy chuông chùa để đúc súng; để hiểu rằng qua thời gian dài bị ngoại bang cai trị, rất nhiều bảo vật tại nước ta bị phá hủy hoặc lấy mất.

Cuối cùng là bài học cho những người tự ti, họ cho rằng thời xưa dân ta “ăn lông ở lỗ”, nhờ Trung Quốc mới được khai hóa. Xin đọc kỹ đoạn văn sau đây để biết rằng thuở đầu Công nguyên nước ta đã có luật, Mã Viện phân tích rồi tâu lên vua Quang Vũ để bác hơn 10 điều khoản luật nước ta không thích hợp với luật nhà Hán:

條 奏 越 律 與 漢 律 駁 者 十 餘 事 , 與 越 人 申 明 舊 制 以 約 束 之 (Ðiều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự, dữ Việt nhân thân minh cựu chế dĩ ước thúc chi: Phân tích và tâu lên luật Hán và luật Việt, bác hơn 10 điều; trình bày rõ chế độ cũ [của nhà Hán] để ước thúc.)

Những đoạn văn nêu trên đáng được dùng để tham khảo.

© 2008 talawas



[1]Hai huyện Cư Phong, Vô Công thuộc quận Cửu Chân, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
[2]Kiều Nam: Lĩnh Nam
[3]Tây Ư: thuộc quận Giao Chỉ
[4]Bá Nhạc: người thời Tần Mục Công, giỏi về tướng ngựa
[5]Tuyển: tại Thìn Châu, Trường Sa; nay thuộc tỉnh Hồ Nam
[6]Khoái Thông: quân sư thuyết Hàn Tín đánh nhà Hán. Sau khi Tín bị diệt, Thông đến trình diện nhưng không bị giết.
[7]Ðiền Hoành trước kia tự xưng Tề Vương, sau khi nhà Hán định thiên hạ, Hoành cùng 500 người giữ một hải đảo. Quân Hán Cao Tổ truy kích, Hoành tự sát, nhà Hán lấy vương lễ chôn cất.
[8]Chương Hàm là tướng nhà Tần, đang đánh nhau với Hạng Võ; bèn sai sứ về triều báo tin, nhưng Thừa tướng Triệu Cao không cho gặp. Sứ giả bèn quay trở lại báo, Hàm thấy không được sự tín nhiệm của triều đình, lại sợ bị Triệu Cao sàm tấu bèn hàng Hạng Võ.
[9]Tướng nước Yên hạ được thành Liêu, trong nước có lời sàm tấu. Tướng Yên sợ bị giết, bèn giữ thành không trở về.
[10]Ba người ý chỉ đông người, điển lấy từ Hàn Tử như sau: Bàng Cung cùng Ngụy Vương làm con tin tại Hàm Ðan. Cung bảo Ngụy Vương rằng: “Nay một người bảo trong chợ có cọp, Vương tin không?” Vương đáp: “Không.” - “Hai người nói trong chợ có cọp, Vương tin không?” - “Không.” - “Vậy 3 người nói, Vương tin không?” Vương đáp: “Quả nhân tin.” Cung nói: “Chợ vốn không có cọp, nhưng ba người nói thì hóa ra chợ có cọp. Nay từ Hàm Ðan đến nước Ngụy xa hơn chợ nhiều, số gian thần hủy báng tại triều lại nhiều hơn ba người, vậy Vương nên xét đến chỗ đó!”