trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
19.6.2008
Romain Rolland
Con gấu già bất hạnh
Ngân Xuyên dịch
 
Lời người dịch 1 - Đây là đoạn trích từ cuốn nhật ký của văn hào Pháp Romain Rolland viết trong chuyến thăm Liên Xô, tháng 6-7/1935. Toàn bộ nhật ký về chuyến đi này đã được dịch từ tiếng Pháp sáng tiếng Nga và đăng trên tạp chí Nga Voprosy Literatury (Những vấn đề văn học), các số 3, 4 và 5 năm 1989. Đầu đề là của người dịch.

Lời người dịch 2 - “Lời người dịch 1” viết đầu những năm chín mươi thế kỷ hai mươi khi đoạn dịch này được thực hiện. Nay nhân bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn bàn về di bút của nhà văn Nguyễn Khải (1930 - 2007), tôi lục lại bản dịch và làm thêm một phụ lục, gồm bài thơ “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên và bài cảm tác của Bùi Minh Quốc để bạn đọc có thêm tư liệu suy ngẫm.
Ngân Xuyên
Hình ảnh Gorky so với Stalin thật hết sức tương phản. Sự gắn bó gần gũi của họ trong đời sống xã hội và trong hoạt động lại là một câu đố mà tôi đang cố tìm lời giải đáp. Gorky đã quên hết tất cả, lao vào cuộc cách mạng Nga, và sau nhiều cú chao đảo, thất vọng và nổi loạn mà những mảnh vỡ của chúng tận mười hai năm sau còn vọng đến tôi qua những bức thư ông gửi, ông đã hoàn toàn hiến thân mình cho tư tưởng và sự nghiệp của chủ nghĩa Lenin-Stalin; ông đã mang vào đó tất cả niềm say mê của lòng nhiệt tình và tinh thần lạc quan hòa chung với lòng nhiệt tình của công nhân và của những người xây dựng các kế hoạch năm năm to lớn. Nhưng tôi cảm thấy rằng khúc thánh ca này là để cố át đi lamento (tiếng rên rỉ) phát ra từ sâu thẳm con người ông. Tôi thấy ở ông có một nỗi đau buồn giấu kín. Và nguyên nhân không chỉ là cái chết mới rồi của đứa con trai. Nỗi đau buồn đó là khung cảnh của gần như tất cả các tác phẩm của ông. Xét về bản tính ông là một người bi quan, hồi nhỏ ngay từ rất sớm ông đã thu nạp vào mình sự bần cùng và thất học của nhân loại. Là người có một thể chất cường tráng, dẻo dai đến kỳ lạ, ông đã chọn con đường của kẻ du thủ du thực - suốt đời hoài công chạy trốn thế giới và chạy trốn chính bản thân mình. Hiển nhiên việc đó chỉ càng mài sắc thêm tính nhạy cảm thần kinh của ông, nhạy cảm đến mức chỉ một chấn động nhỏ cũng đủ làm ông rơi nước mắt. Cuộc cách mạng đã đẩy ông vào cơn hoảng loạn đạo đức hoàn toàn. Thời gian đầu ông không chấp nhận nó. Tính chất tàn bạo tất yếu của cách mạng khiến ông bị choáng váng. Những ai gặp ông vào những năm đó (như Nalsen và một số người khác) đều có ấn tượng là cuộc sống của ông đã bị hủy hoại và ông đang nức nở trong cơn hấp hối. Lenin, người yêu mến ông, đã đích thân đưa ông xa lánh bãi chiến trường và cảnh đổ nát hoang tàn. Hồi đó ông đã tạm lánh đến Neapole (Italia), cái xứ sở tuyệt đẹp và thanh bình này đã trở nên như ma túy, thuốc phiện đối với ông. Có biết bao người đã cố công để dần dần (không phải ngay lập tức, mà phải qua một số bước) đưa Gorky trở lại Liên Xô? Vai trò “viên thư ký” Kriusov của ông ở đây là thế nào? Và thực ra anh ta – cái con người thầm lặng ấy, là ai? Anh ta đại diện cho cái gì? Anh ta có ảnh hưởng quá lớn đến mức khó thể nghĩ rằng ông chỉ phải chịu ơn một mình anh ta. Nhưng dù vai trò của anh ta có thế nào chăng nữa, sau cái chết của Lenin thì Gorky (cũng phải vài năm sau đó) cuối cùng đã nghe theo những lời khuyên nhủ, thuyết phục, ông đã bị mê hoặc bởi hình ảnh nước Nga mới mà từ bên kia Địa Trung Hải trên đất nước của Mussolini nhìn về thấy càng rực sáng hơn. Trở về lại nước Nga ông thấy nó đã có nhiều thay đổi. Đó không còn là nước Nga đang lên cơn sốt thời nội chiến. Đó đã là nước Nga của các pharaon. Và nhân dân vừa xây kim tự tháp cho các pharaon vừa ca hát. (Có thể ngày xưa khi xây kim tự tháp nhân dân cũng hát chăng? Ai biết được!). Con người nhạy cảm Gorky tràn đầy cảm xúc. Ngập trong biển hân hoan của nhân dân, trong những cơn sóng tình yêu của đất nước mình, được vây quanh bởi đội cận vệ của những bạn bè chính trị, những thành viên chính phủ Stalin, được khen tụng và được sự quan tâm chú ý của chính Stalin và các đồng chí danh tiếng khác, được trở thành ngay khi còn sống vị thánh chinh phục thành phố quê hương mình – nó được đổi tên để kỷ niệm ông, được cất nhắc tự do lên vai trò người chính ủy đặc mệnh của nền văn hóa Liên Xô, Gorky đã chếnh choáng say trước vòng quay của cuộc sống xã hội cuốn hút ông: con người cá nhân chủ nghĩa trước đây đã ngụp lặn vào dòng. Thậm chí có thể nói rằng ông cảm thấy dễ chịu khi thoát được cuộc sống độc lập khổ sở của mình và khi trở thành người lính trong đạo quân vĩ đại của Cộng Đồng. Một khi đã tin thì ông không tranh cãi nữa; ông trở thành vị chỉ huy trưởng của công trường, ông chịu trách nhiệm về nó, ông khích lệ và bảo ban công nhân.

Nhưng ông không lừa được tôi: nụ cười mệt mỏi của ông nói lên rằng “kẻ vô chính phủ” trước đây không chết – ông vẫn luyến tiếc cuộc đời lang thang của mình. Hơn thế, ông hoài công tìm cách nhìn thấy trong sự nghiệp mà ông tham gia chỉ có sự vĩ đại, vẻ đẹp, tính nhân đạo (dù điều đó thực sự là lớn lao) – ông không muốn nhìn, nhưng ông thấy những sai lầm và đau khổ, thậm chí cả tính phi nhân của sự nghiệp đó. (Số phận của mọi cuộc cách mạng đều là thế). Và ông đau khổ, chạy trốn việc chứng kiến cảnh tượng ấy, đôi mắt sợ hãi cầu khẩn lòng khoan dung của những người buộc ông phải nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng vô ích: những quang cảnh ảm đạm không bao giờ rời bỏ đáy sâu ý thức của một người như Gorky. Và đáy sâu ý thức của ông luôn luôn chứa đầy những nỗi đau và chủ nghĩa bi quan, dù ông không để lộ tình cảm của mình. Cũng như ông không để lộ những điều thâm tâm đang suy nghĩ. Cuộc sống của ông trôi qua trên bề mặt, chứ không phải dưới đáy sâu đại dương. Ông nói năng, cười đùa. Ông viết các tiểu thuyết mà không yêu các nhân vật của mình. Ông không chịu được sự cô đơn và chỉ cảm thấy hạnh phúc khi ở giữa bạn bè và thanh niên. Khi các đứa cháu đến chơi ông trở nên tươi tỉnh, vui vẻ. Thực chất ông là một con người yếu đuối, rất yếu đuối, mặc dù bên ngoài thì như một con gấu già và thường có những cơn giận bất thường. Gorky là người hiền hậu, dễ mến và dễ tin. Nếu như ông có tán thành những suy nghĩ và hành động dễ gây nên tình cảm căm tức, trả thù, hoặc giả thậm chí bản thân ông có làm những hành động đó và có những ý nghĩ đó, thì đấy cũng chỉ vì sự yếu đuối của riêng ông và vì ông không có khả năng kiềm chế được tính nhạy cảm quá mức của mình. Ông tự cho phép nhốt mình ở nhà riêng với một nhóm nhỏ bạn bè thân cận và phục tùng sự tận tụy quá mức của anh thư ký Kriusov, anh này đã thành công trong việc trung lập hóa ông. Bởi lẽ, mặc dù Kriusov có giúp đỡ được nhiều việc thật, nhưng tôi vẫn lấy làm tiếc phải thú nhận rằng vòng vây phong tỏa do anh ta tạo nên là đáng buồn. Kriusov là người duy nhất nắm giữ tất cả các mối quan hệ của Gorky với thế giới bên ngoài: thư từ, các cuộc đến thăm (đúng hơn, những đề nghị đến thăm Gorky) đều phải qua anh ta, chỉ một mình anh ta được quyền quyết định ai thì được, còn ai thì không được vào gặp Gorky (tiện đây nói thêm là Gorky không biết thứ ngoại ngữ nào nên hoàn toàn phải phụ thuộc vào người phiên dịch). Rồi trong thời gian tôi ở Moskva, Kriusov chuyển thư từ, ý kiến của tôi đến Stalin, Yagoda và những người khác, cũng như chuyển sự phúc đáp trở lại của họ, hết sức nhanh chóng! Rồi ý đồ không đúng chỗ của Kriusov bắt tôi đề tặng lên tấm ảnh cho Yagoda (bức ảnh này tất nhiên sẽ trở thành tài sản chung ngay!). Rồi sau khi tôi rời Moskva là sự im lặng đáng bực đáp lại tất cả các bức thư của tôi, nhất là đối với những yêu cầu cụ thể và khẩn cấp gửi đến Stalin - tất cả những sự kiện này buộc tôi phải nghĩ rằng anh ta có mối quan hệ bí mật với tổ chức Đảng trung ương. Không rơi vào cực đoan như các báo chí bạch vệ viết về Kriusov (điều này chính anh ta kể cho chúng tôi nghe), nhưng cần phải thừa nhận rằng Kriusov, người bạn chân thành của Gorky, người hết sức trung thành với ông, đã thu xếp cho ông theo sự xét đoán của mình và phù hợp với những chỉ thị của ban lãnh đạo Đảng. Hiển nhiên là anh ta cảm thấy những chỉ thị đó rất đúng đắn. Nhưng điều đáng bực là anh ta không để cho Gorky khả năng tự mình quyết định xem chúng thích hợp với ông đến mức nào. Và sự giám hộ này càng đáng bực hơn do chỗ Kriusov là một người hết sức hạn chế, cuồng tín, và quyết đoán (đặc biệt khi nói về văn học nghệ thuật tôi không nghe thấy ở anh ta một nhận xét tích cực nào về bất kỳ ai. Trong buổi tiếp các nhà văn – mà trách nhiệm có lẽ là Gorky cùng với tôi phải chịu – anh ta thực hiện vai trò một chủ nhà mến khách thật khó khăn. Anh ta luôn luôn không hài lòng: có lẽ là vì phải đóng một vai không xuôi). Kriusov đã nỗ lực không ít để tách Gorky ra xa bạn bè cầm bút và độc giả. Phải là người yếu đuối như Gorky thì mới chịu được sự giám hộ và sự kiểm tra từng phút một như vậy. Chúng giải thoát cho ông khỏi nhiều mối bận tâm, nhưng là bằng giá nào? Một cái vòng khóa môi con gấu già.

Con gấu già bất hạnh quàng nguyệt quế và khoác đầy mình những sự tôn kính, nhưng thâm tâm thờ ơ với tất cả những thứ lợi lộc đó, những thứ mà ông dám đánh đổi để lấy lại sự độc lập của kẻ lang thang ngày trước, trái tim ông mang một nỗi đau khổ, hoài niệm và tiếc nuối rất nặng nề; ông cố dập tắt tâm trạng bi quan cố hữu của mình bằng tinh thần say sưa cuồng nhiệt và lòng tin tưởng của quần chúng vây quanh đang lôi kéo ông theo, mà lẽ ra như mọi người nghĩ là ông phải lôi kéo họ! Tôi rất yêu ông, và tôi thấy thương ông. Ông rất cô độc, dù hầu như không bao giờ ở một mình! Tôi cảm thấy rằng nếu như chỉ có hai chúng tôi với nhau (và hàng rào ngôn ngữ bị xóa bỏ) thì ông sẽ ôm lấy tôi và im lặng nức nở hồi lâu.

(Ông hãy tha lỗi cho tôi, nếu như tôi nhầm!)

Tôi không nói ở đây về những điều mà ai cũng biết: về vai trò trọng đại và nặng nề của ông với tư cách giám thị trưởng (không có chân dung, nhưng không vì thế mà kém phần quyền uy) của văn học, khoa học và nghệ thuật, của giáo dục, xuất bản. Ông là người lãnh đạo và người kiểm duyệt văn hóa nói chung. Không một nhà văn nào có quyền lực như vậy, và Gorky đã chấp nhận nó. Trong các cuộc nghi lễ xã hội, vị trí của ông ngang hàng với các thành viên chính phủ. Ông là một trong những người hàng đầu ở nhà nước Xôviết. Địa vị cao này cùng những bổn phận gắn với nó đã quy định cuộc sống của ông. Con người xã hội lấn át con người riêng tư.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Nga, tạp chí Voprosy Literatury, 5/1989

*


Phụ lục

Chế Lan Viên
Bánh vẽ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm

(“Prométheé 86”, Văn học và Dư luận, 8-1991)


Bùi Minh Quốc
Cảm tác trong đêm Đà Lạt
(Đọc di cảo thơ Bánh vẽ của Chế Lan Viên)

Mấy thi sĩ thế kỷ này ngồi nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng
Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung

Anh ngồi nhắm lai rai, dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình
Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lía và ăn uống thật tình

Cốt một chỗ thôi để có ngày được nhai thứ thiệt
Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm
Thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan?

Tôi rùng mình đọc bài thơ “Bánh vẽ”
Mỗi chữ tạo lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hòa cùng đất mẹ
Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi

(Đà Lạt 13/9/1991)


© 2008 talawas