trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
4.6.2008
Vũ Đình Lưu
Sở trường và sở đoản của sự nhận định văn chương theo một cách nhìn xã hội học
 
Georg Lukacs đã khởi xướng ra một phương pháp nhận định văn nghệ căn cứ vào xã hội học mà bây giờ đại diện là Goldman. Người ta xếp loại phê bình này vào trong phạm vi tư tưởng ở biên giới Mác-xít. Màu sắc phê bình này cũng có thấy xuất hiện tại nước nhà tuy không rõ rệt lắm mà hầu như pha trộn với khuynh hướng phê bình cơ cấu của Saussure và Jakobson.

Then chốt của phương pháp là nguyên tắc: cơ cấu xã hội và cơ cấu văn nghệ tiến triển theo những chiều hướng song song với nhau và có những nét tương đồng. Nhận định tiểu thuyết, Lukacs cho rằng, trong tiểu thuyết cũng như ngoài đời đều kém hẳn giá trị chân thực, đời sống kém hẳn, nhân vật tiểu thuyết kém vừa. Nhân vật tiểu thuyết chỉ vì hơn một chút xíu đó mà bất đồng in, mà chống đối xã hội, sự chống đối ấy gây ra thảm kịch, thảm kịch được trình bày trong tiểu thuyết.

Bốn mươi năm sau Girard đưa thêm ý kiến: nhân vật tiểu thuyết chỉ là người theo một tác phong sa đoạ để tìm tòi những giá trị chân thực trong một xã hội sa đoạ. Nhân vật không đại diện cho những giá trị chân thực mà chỉ đại diện cho những giá trị ước định, bởi vậy nhân vật chỉ có thể tượng trưng cho những giá trị trung gian giữa chân và ngụy.

Goldmann cho rằng một nhân vật tiểu thuyết như thế không có tác phong của con người chân thực, truyện chép lại cái tác phong ấy chỉ là kể lại những tin tức lượm lặt để làm vui (hay làm buồn) mà không tác động đúng mức. Nhân vật sống thiếu thốn, hay chỉ sống cái hình thức “vong thân” của lương tâm mà thôi. Những giá trị chân thực chưa được ý thức rõ ràng, chưa được định hình để có thể xuất hiện ra hành động cụ thể.

Goldman đề ra một phương pháp nhận định mới. Ông phân biệt nội dung cuốn truyện và cơ cấu cuốn truyện. Cơ cấu có nghĩa toàn diện rộng rãi hơn nội dung. Cái nhìn cơ cấu là nhìn cách nào để làm xuất lộ những phép tắc tác động của sự vật, người ta không căn cứ vào những chất liệu xây dựng lên một cơ cấu nghệ thuật hiện thực, mà căn cứ vào chức vụ (vai trò) của những chất liệu ấy trong sự xây dựng cơ cấu. Cuốn truyện phản ảnh xã hội, nhưng nếu chỉ chú trọng đến nội dung thì chỉ nắm được những phản ảnh phai mờ không màu sắc thiếu linh động. Phải tìm ra những liên lạc tế nhị và linh động giữa cơ cấu cuốn truyện và cơ cấu xã hội phản ảnh trong cuốn truyện.

Phương pháp của ông là: đi từ những dữ kiện lẻ tẻ để thiết lập một nhóm sự kiện có mạch lạc và nhất trí, đặt nhóm sự kiện ấy vào trong một cơ cấu đồng tính chất nhưng rộng rãi hơn và cứ như thế tiến mãi lên. Tìm ra một nhóm sự kiện mạch lạc và nhất trí là tìm hiểu, tìm vị trí của nhóm sự kiện ấy trong một cơ cấu rộng rãi hơn là cắt nghĩa. Thí dụ: căn cứ vào phân tâm học, tâm lý học, xã hội học để tìm ra những nét chính của hai nhà văn Pascal và Racine. Đặt những nét chính ấy vào trong hình thức tư tưởng Jansénisme cực đoan vào hệ thống tư tưởng Jansénisme cực đoan. Như thế là cắt nghĩa Pascal và Racine; đặt tư tưởng Jansénisme cực đoan vào hệ thống tư tưởng Hégel toàn bộ là cắt nghĩa Jansénisme cực đoan. Cứ như thế mà đi xa mãi.

Phương pháp ấy ông gọi là “cơ cấu khởi nguyên” (structuralisme génétique). Cũng đi từ khái niệm cơ cấu có những chủ trương rằng văn chương phải lấy những chất liệu xã hội đó, tỉa tách ra từng mảnh rời rồi xếp lại theo đường lối khác để tạo ra một ý nghĩa nào đó, chứ không phải dựng lại, nguyên trạng cơ cấu xã hội. Người ta không chịu làm nghệ thuật như loài khỉ. Người ta chú trọng đến khía cạnh sáng tạo của văn phẩm: ý nghĩa mà nó muốn làm xuất hiện. Người ta không còn chú trọng đến sự tương đồng giữa cơ cấu xã hội và cơ cấu văn chương.

*


Theo Goldmann thì giữa cơ cấu xã hội và cơ cấu văn chương có những tương quan mật thiết, có thể nói rằng cùng một cơ cấu biểu hiện trên hai bình diện song song: xã hội và văn chương.

Ở thời đại chúng ta đời sống xã hội thiết lập trên ý thức sản xuất để cung phụng cho thị trường. Sự liên lạc giữa người và sự vật, giữa người và người phải qua một sự trung gian là giá trị đổi khác Người ta cứ việc nương theo luật cung cầu mà sản xuất, chỉ bận tâm đến mức lời thâu hoạch chứ ít khi bận tâm đến người tiêu thụ món hàng. Thành thử người khác đối với người sản xuất chỉ còn là đồ vật. Ở trong cái thế thương mại hoá tất cả, người khác đối với ta chỉ còn là một phương tiện để sử dụng mà mưu đồ công việc, chỉ được để ý tới trong phạm vi tham dự vào công việc của ta để giúp ta tiến hành công việc. Những liên lạc khác đều phụ thuộc vào liên lạc trao đổi dịch vụ hay trao đổi món hàng.

Những chất liệu của đời sống xã hội đó, nhà văn sẽ dùng nó để xây dựng tác phẩm, họ ý thức được sự biến chuyển của cơ cấu xã hội cho nên trong sự nghiệp văn chương của họ cũng có sự biến chuyển theo một hướng song song. Giai đoạn biến chuyển nào của bình diện xã hội thực tại cũng có những nét tương đồng với giai đoạn biến chuyển của bình diện văn chương.

Theo ông, xã hội Tây phương bị phân hoá. Sự phân hoá ấy xảy ra ở những xã hội sản xuất cho thị trường và khởi sự từ nhiều thế kỷ trước. Gần đây sự phân hoá thành hình cụ thể và diễn biến thành ba giai đoạn. Cơ cấu văn chương cũng biến chuyển theo.
  1. Đến đầu thế kỷ XIX kinh tế tự do còn để cho con người vẫn giữ vai trò chính trong đời sống, nhưng đã mất tương quan trực tiếp với cuộc đời, không ý thức được đúng mức cuộc đời.

    Sự sáng tác văn nghệ phù hợp với xã hội phân hoá chỉ có thể là bức họa con người không chân xác trong những tác phẩm từ Don Quichotte đến Stendhal và Flaubert, qua Goethe, có thể đến Proust và Dostoievsky.

  2. Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các hiệp hội, các độc quyền xuất hiện. Tư bản chẳng sang đế quốc. Do sự biến thiên ấy con người không còn là vật đáng kể trong cơ cấu kinh tế, con người bị một giá trị trung gian là giá trị đổi chác chi phối.

    Con người chỉ chú ý đến việc sản xuất món hàng để đổi chác cho nên đã thay thế những giá trị luân lý, đạo đức, tình cảm, thẩm mỹ bằng những giá trị trực dụng, hiệu lực, thành công, cạnh tranh.

  3. Trước Đệ nhị Thế chiến một vài năm, và nhất là từ sau trở đi, nhà nước bắt đầu can thiệp vào kinh tế và áp dụng những biện pháp điều hòa kinh tế. Bộ mặt xã hội biến hẳn, các đoàn thể và tổ chức thay dần cá nhân để hoạt động và lo liệu cho cá nhân từ sự làm ăn đến việc quan, hôn, tang tế. Thậm chí khi bệnh tật cũng phó mặc sinh mệnh của mình cho một tổ chức bệnh viện phức tạp. Mấy ông y sĩ truất hết quyền của người bệnh và thay thế họ trả lời trước Thượng Đế, tử thần, gia quyến của họ. Con người tan rã hoàn toàn, tổ chức này, đoàn thể nọ, xưởng máy, ti-vi, xe cộ, tóm lại đồ vật bây giờ ngự trị thế gian, chỉ huy con người, con người không còn có mặt nữa mà chỉ còn là những phần tử không quan trọng phụ thuộc vào các bánh xe của guồng máy xã hội vĩ đại. Người điều khiển cốt làm sao cho máy chạy đều hòa là được. Loài người bước sang giai đoạn thống trị của đồ vật với cơ cấu riêng, quy luật sinh hoạt riêng của nó.
Hai giai đoạn cuối cùng của sự phân hoá xã hội phù hợp với giai đoạn tan rã nhân vật trong văn chương. Đó là những tác phẩm quan trọng của Joyce, Kafka, Musil, Sartre (La Nausée), Camus (l’étranger). Những tác phẩm của Nathalie Sarraute là một bằng chứng chính yếu.

Chứng nhân nặng cân nhất của giai đoạn cuối cùng là Alain Robbe-Grillet với phong trào tiểu thuyết mới. Trong văn phẩm của ông nhân vật biến mất, thực thể người chỉ có thể thấy được khi nó biểu lộ qua thực thể đồ vật. Trong truyện La Jalousie của ông, người ta chỉ biết có anh chồng ghen vì có một cái ghế thứ ba. Trong Le Labyrinthe và phim L’année dernière à Marienbad, đồ vật dàn thành một mê lộ, con người trong ấy không còn biết mình ở đâu, làm gì, không hiểu gì về cuộc đời nữa. Chỉ có đồ vật nó sinh hoạt, con người rút vào hậu trường để chịu ảnh hưởng của nó.

Những tác phẩm sau này của Simone de Beauvoir như Une mort très douce, La force des choses, cũng có khía cạnh nói lên ách thống trị của tổ chức và đồ vật.

Tóm lại, cơ cấu xã hội với cơ cấu văn chương biến chuyển với những nét tương đồng: đúng hơn, người ta có thể nhìn hiện tượng đời sống xã hội như một hiện tượng phát hiện trên hai bình diện song song: xã hội và văn chương.

*


Đại ý, Goldman chủ trương tính chất tương đồng của cơ cấu xã hội và cơ cấu văn chương, một quan điểm mà ông cho là tiến bộ so với chủ trương Mác-xít, và những quan điểm của xã hội học cổ truyền: chỉ có sự sáng tác văn chương chân xác khi nào cơ cấu tinh thần của nghệ sĩ phù hợp với cơ cấu tinh thần của một đoàn thể có tính cách phổ biến. Thực ra trong xã hội không có một đoàn thể nào có một cơ cấu tinh thần coi như một toàn thể hoàn thiện và đắc thắng đang đêm ra làm gương mẫu để phổ biến cho đại chúng theo cả, dù quan niệm đoàn thể ấy là một nhóm người, một giai cấp hay một quốc gia. Quan điểm của nghệ sĩ lại thường là ý kiến đơn nhất và đặc dị của cá nhân, sự tìm tòi của nghệ sĩ là tìm tòi những giá trị không ai bảo vệ, xã hội có khuynh hướng nhận chìm mất.

Goldmann bác thuyết của Mác-xít với cái Karl Marx gọi là “ý thức tập thể”. Ý thức tập thể, theo Karl Marx phát sinh từ những tâm trạng chung cho những người cùng tham dự vào đời sống kinh tế, xã hội, chính trị v.v… Karl Marx đưa ra ý thức tập thể làm nền móng cho chủ thuyết vô sản lãnh đạo vì theo ông nền tảng cho một nền văn hoá mới. Nhưng ngoài thực tế, xã hội Tây phương đã biến chuyển ngược lại với dự tính của Karl Marx. Vô sản Tây phương đã hội nhập với toàn thể quốc gia trong nền văn hoá cố hữu của quốc gia đó. Văn nghệ ở Âu châu ngày nay là những công trình sáng tác văn hoá đúng nghĩa dính dáng gì đến một ý thức tập thể của một đoàn thể nào.

Bởi vậy cho nên Goldmann nói rằng tác phẩm chỉ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của ý thức tập thể. Nhờ có yếu tố đó mà các phần tử trong tập thể ý thức được những điều họ vẫn làm mà không hiểu ý nghĩa thế nào.

Ta hãy lấy một thí dụ, như tác phẩm Lạnh lùng của Nhất Linh. Thời ấy, trong một tập thể là những người theo học chữ Pháp đến một trình độ nào đó, hấp thụ văn hoá Tây phương, họ đều âm thầm khao khát một chế độ gia đình tự do, cởi mở, tôn trọng con người. Tác giả Lạnh lùng nhắm vào những khao khát cháy âm ỉ trong lòng mọi người, định hình cho ý nghĩa của một thực thể xã hội: thành kiến hủ bại bắt người đàn bà trẻ góa phải ở vậy suốt đời. Những khao khát trong lòng mọi người tác giả đã định hình cho nó để nó trở thành một đòi hỏi cụ thể, một ý niệm có mạch lạc, nhất trí: phải phá đổ chế độ cũ và đưa những ý niệm tự do nhân đạo vào chế độ gia đình. Rồi ý niệm đó lan rộng ra khắp các đoàn thể khác không được may mắn tiếp xúc với văn hoá Tây phương. Dù sao thì ta cũng phải biết đến vai trò của người định hình cho ý niệm đó, người đánh dấu chấm vào chữ i. Ý kiến cá nhân, ý kiến của mấy ông trong Tự Lực Văn Đoàn đã giữ ý tứ mọi người, làm cho họ ý thức được một tình trạng mà họ đang đi tới.

Xem như vậy thì cá nhân và đoàn thể đều có phần trong sự cấu tạo tác phẩm. Câu hỏi gay go đặt ra cho Goldmann là phải nhận định tác phẩm qua tác giả hay qua đoàn thể?

Ông lựa cách nhìn thứ hai, nhìn tác phẩm qua đoàn thể. Vai trò chủ động chính là đoàn thể chứ không phải tác giả.

Theo ông, nếu cho rằng cá nhân đóng vai trò chủ động chính trong sự sáng tác thì một phần lớn sự nghiệp của tác giả không thể cắt nghĩa được đích xác.

Tại sao vậy? Cơ cấu tâm lý là một thực thể quá phức tạp, không thể đem ra phân tích được nếu chỉ căn cứ vào chứng tích, nhất là khi tác giả đã chết hay ta không quen biết trực tiếp, ta chỉ căn cứ vào trực giác của ta để xét đoán tác giả. Nếu dùng phương pháp xã hội học (của ông) thì có thể lập được những liên lạc cần thiết giữa tác phẩm và đoàn thể xã hội mà tác giả sinh sống và hiểu được tác phẩm dễ dàng.

Trong xã hội, một người tham dự vào nhiều nhóm khác nhau như gia đình, nghề nghiệp, giai cấp, tôn giáo, quốc gia v.v… Tâm lý một người phức tạp, nhưng tâm lý một nhóm giản dị và nhất trí hơn nhiều, thí dụ trong một nhóm nghề nghiệp có những bận tâm rõ rệt là bênh vực quyền lợi nghề nghiệp, đồng ý trong phạm vi hành nghề v.v… Ý thức về giai cấp, quốc gia, tôn giáo v.v… hầu như bị dẹp đi, vì ý thức nghề nghiệp khẩn thiết hơn. Bởi vậy một đoàn thể có cơ cấu tâm lý nhất trí và giản dị, công việc soát xét dễ dàng hơn.

Đoàn thể tạo cho các phần tử trong đoàn thể những khuynh hướng tình cảm, lý trí và thực dụng để ứng phó với mọi người và với sự vật, cách nào có được nhất trí. Tuy nhiên sự nhất trí đó ít khi có vì mỗi phần tử còn dự vào nhiều đoàn thể khác, còn bị chi phối bởi những khuynh hướng khác (một người tham dự vào những đoàn thể gia đình, nghề nghiệp, ngao du, giai cấp, xóm ấp v.v…). Những khuynh hướng của đoàn thể hướng về một vài quan niệm nhân sinh quan, tạo ra những yếu tố để xây dựng nhân sinh quan. Công việc của nhà văn là tạo ra một thế giới tưởng tượng nhất trí và mạch lạc phù hợp với tình trạng mà đoàn thể đang đi tới.

Nhưng nếu đoàn thể nào có sự tham dự của nhà văn cũng tác động đến tình cảm và hành vi của họ thì tại sao chỉ có ảnh hưởng của một vài đoàn thể là thuận lợi cho sự sáng tạo văn nghệ? Như vậy phải định rõ những đoàn thể ấy để hướng về đó mà tìm tòi. Chính những kiệt tác chỉ cho ta biết: Kiệt tác bộc lộ một nhân sinh quan, nghĩa là một cơ cấu xã hội, cơ cấu ấy có thể khoáng triển ra thành một vũ trụ toàn diện cho mọi người theo. Nói thế nghĩa là cơ cấu ấy chỉ có thể là cơ cấu của những đoàn thể mà ý thức hướng về cách nhìn con người toàn diện. Và những đoàn thể nói đây không phải là những giai cấp xã hội, là thế hệ, gia đình, hàng xóm, quốc gia.

Chúng tôi không được rõ tác giả muốn hiểu đoàn thể là cái gì, nhưng sau này khi xem phần áp dụng của phương pháp, tác giả đem phân tích sự nghiệp văn chương của Malraux thì hình như ông hiểu đoàn thể đó là đoàn thể cách mạng, là nhóm người có ý thức tiến bộ v.v…

*


Một phương pháp chỉ chứng thực có giá trị của nó, khi đem áp dụng người ta thâu lượm được kết quả mong muốn. Chúng ta sẽ bàn đến sự kiện ấy sau khi nhận định cách áp dụng phương pháp của ông vào việc nghiên cứu Malraux.

Sau đây là giai đoạn đầu của sự phân tích, giai đoạn phân tích nội tại:

Những tác phẩm của Malraux biểu lộ sự tiến triển tư tưởng của ông qua nhiều giai đoạn:

- Sự tan rã các giá trị và sự sụp đổ uy tín các thần linh (Royaume Farfelu, Lunes en Papier, La Tentation de l’Occident).

- Sự cố gắng đem lại ý nghĩa cho cuộc đời trong lúc tất cả các giá trị đều qua cơn khủng hoảng trầm trọng (Les conquérant, La Voie Royale), ý nghĩa ấy ông tìm trong hành động, hành động, hành động để thoát sự ám ảnh cái chết, để làm cách mạng biến đổi một xã hội sa đoạ:

- Đến La Condition Humaine, ông cố gắng đặt cơ sở cho những giá trị bắt nguồn từ một ý thức cộng đồng, ý thức cộng đồng ấy là mối dây liên lạc thắt chặt mọi người làm cách mạng vào với nhau, xuất hiện trong tâm trí các đồng chí như một thực thể tinh thần sống động. Nó có sức mạnh lôi cuốn con người để con người đồng nhất hoá mình với cách mạng. Những con người cách mạng, sống với giá trị mới đó không thể bảo vệ những giá trị mình tin tưởng đồng thời bảo vệ tính mạng, vì họ phải đương đầu với những phản động lực ghê gớm. Những người làm cách mạng đã thất bại, cái họ cố gắng xây dựng là tổng hợp giá trị đời sống cá nhân với giá trị đời sống tập thể cách mạng cũng không thành. Họ thực hiện được chăng là khi cùng nhau lên đoạn đầu đài.

Từ giai đoạn sau tư tưởng của Malraux thể hiện trong hai cuốn Le Temps du Mépris L’Espoir, tiến triển theo chiều hướng tìm một phương thức sống động cộng đồng hội nhập được cá nhân vào đoàn thể, vào trong những hệ thống giá trị nhất trí và không mâu thuẫn nhau. Ông cố gắng thể hiện ý niệm huynh đệ mạnh dạn qua các nhân vật trong cuốn Le Temps du Mépris. Trong cuốn L’Espoir ông trình bày những ý niệm về vấn đề kỷ luật và tổ chức đè bẹp con người. Hai cuốn sách bổ túc lẫn nhau để phô diễn ý kiến của một người suy tư độc thoại cố gắng tìm sự hòa giải cá nhân với đoàn thể.

Bên Âu châu người ta cho Malraux là bộ óc mãnh liệt và tiêu biểu nhất của Tây Âu trong thời đại này. Tất cả những nét chính của đời sống đều có thể tìm thấy trong sự nghiệp văn chương của ông, ta có thể tìm trong ấy dòng lịch sử Tây Âu diễn biến mạch lạc và ăn khớp với sự tiến triển của tư tưởng của ông.

Tây Âu đi về đâu? Hẳn là người ta thấy rõ rệt, cách mạng không còn hy vọng bùng nổ, một trạng thái xã hội khác đã phát sinh. Quyền chỉ đặt vào tay một nhóm trí thức và chuyên gia, những người khác chỉ còn là những phương tiện để cho những nhóm ấy sử dụng. Sự chinh phục nguyên tử lực đã có ảnh hưởng quyết định đến chiến lược và chính sách bang giao quốc tế.

Sự sáng kiến những biện pháp điều hòa kinh tế Tây Âu giải quyết phần nào những khó khăn xã hội (Chính phủ can thiệp vào phần nào những hoạt động kinh tế, kinh tế thị trường của Tây Đức thành công rực rỡ). Đó là mấy nét chính của giai đoạn tiến triển mới đây của xã hội tư bản Tây Âu.

Điều đáng chú ý là những nét tiêu biểu cho tình trạng xã hội ấy trở nên rõ rệt và hiện ra như một vấn đề khẩn cấp và quan trọng bậc nhất. Những giá trị chân xác và phổ quát của con người đã chìm xuống dưới những giá trị trung gian. Con người bị nhận chìm, bị tan rã trong thập giá của đồ vật hiện ra như chúa tể thế gian, như đã nói lên một cách hùng hồn trong các văn phẩm của Nathalie Sarraute và A. Robbe-Grillet.

Goldmann đã lấy phần áp dụng minh chứng được lý thuyết và ông thành công như… kẻ đi săn biết chọn con mồi. Sự lựa chọn rất đích đáng vì những tác phẩm ông đưa ra phân tích đều có giá trị tiêu biểu thực sự, chỉ còn việc luồn vào quy mô phương pháp của ông cho khéo mà thôi.

Tuy nhiên khéo thì khéo, vẫn còn nhiều cái không luồn vào được công thức của ông, mà nó lại quan trọng quá không thể nào liệt vào ngoại lệ được.

Ta thử hỏi, trong lịch sử hiện đại Tây Âu, giai đoạn nào có phản ảnh trong Les Conquérants, La Condition Humaine? Đâu là những nét tương đồng (nét lớn đúng như ông nói chứ không phải nét nhỏ) giữa cơ cấu xã hội và cơ cấu văn chương? Trong hai cuốn truyện đó cơ cấu xã hội Trung Hoa, nơi xảy ra thảm kịch, chẳng có gì là tương đồng với cơ cấu xã hội Tây phương gần đây biến chuyển theo ba giai đoạn mô tả trong phần lý thuyết “cơ cấu khởi nguyên” đoạn trên. Đó là cơ cấu một xã hội ngộ nhận thoái hoá bị các cường quốc xúm nhau lại bắt nạt, chẳng ăn nhập gì với “tiến trình tam đoạn” của ông cả. Tây Âu không qua cơn thử thách đảo lộn kinh khủng ấy mà biến chuyển ôn hòa như đã nói trong đoạn trên, đoạn Goldmann nhận định tình hình Tây Âu. Cuộc đảo lộn ở Trung Hoa có những nguyên do phức tạp hơn mà sự phân tích của ông không cho thấy được. Cơ cấu xã hội Trung Hoa tiến triển theo tiến trình của nó, và sự băng hoại con người xuất hiện không phải vì một giá trị trung gian mà vì một giá trị huyền tượng, huyền tượng thiên đường trần gian. Vậy là trong thế giới tiểu thuyết của Malraux, ông đã chuyển cái cơ cấu xã hội Tây phương sang Đông phương để tìm ra nét tương đồng giữa hai cơ cấu xã hội và văn chương.

Ý thức tập thể cũng không phải cái gì “phát sinh từ những tâm trạng chung cho những người cùng tham dự vào đời sống kinh tế, xã hội, chính trị v.v…” của nước Trung Hoa thời ấy, họ ở xa ý thức cách mạng trong đầu óc mấy những lãnh đạo đến ngàn dặm. Tác phẩm của Malraux cũng không phải là yếu tố nhờ có nó mà các phần tử trong tập thể (nước Trung Hoa) ý thức được những điều họ vẫn làm mà không hiểu ý nghĩa thế nào như Goldmann đã nói, trái lại những điều họ vẫn làm họ hiểu ý nghĩa lắm, mà ý thức cách mạng đưa vào làm họ mù tịt, trở thành những người máy phản ứng thật đúng, nhưng đúng như máy mà thôi. Chỉ có thể nói rằng Malraux mượn khung cảnh Trung Hoa để viết cho độc giả Tây phương, nhắc nhở họ nhận định tình thế và phải làm cái gì. Nhưng muốn cho họ hiểu thêm bức thông điệp thì phương pháp “lập tương quan giữa cơ cấu xã hội và cơ cấu tác phẩm” quả là không hiệu nghiệm.

Tinh thần cách mạng, những giá trị cách mạng của Malraux mớm cho các nhân vật người Âu đội tên Trung Hoa để viết cho độc giả Tây phương, nhắc nhở họ nhận định tình thế và phải làm cái gì. Nhưng muốn cho họ hiểu thêm bức thông điệp thì phương pháp “lập tương quan giữa cơ cấu xã hội và cơ cấu tác phẩm” quả là không hiệu nghiệm.

Tinh thần cách mạng, những giá trị cách mạng của Malraux mớm cho các nhân vật người Âu đội tên Trung Hoa như Hong, Tchen, đâu có xuất phát từ xã hội Trung Hoa mà xuất phát từ ông tổ cách mạng là Lénine, khi ông theo Karl Marx mà chủ trương: nhu cầu của một dân tộc và cách mạng của một giai cấp xác định mục tiêu và cứu cánh của dân tộc ấy, phải căn cứ vào lập trường cách mạng để định đoạt lại hết thảy các giá trị, những quan niệm nhân, lễ, nghĩa, trí, tín vô giá trị.

Một cơ cấu La Condition Humaine xây dựng với những dân tộc lai căng chung quanh những giá trị đạo đức như thế, thử hỏi có sự tương đồng với một cơ cấu xã hội nào trên hành tinh này? Vì cả trong những nước xã hội chủ nghĩa, trật tự xã hội được duy trì nhờ những nền móng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của gia tài đạo đức nhân văn của riêng dân tộc. Thực ra người làm cách mạng cũng chấp nhận và tin tưởng những giá trị cố hữu của con người và dung hòa được đến đâu hay đến đấy với thuyết “lấy mục tiêu cách mạng để định đoạt lại giá trị nhân văn”.

Tuy nhiên đây chỉ là một cách đứng bên ngoài mà ngó, không chịu tìm hiểu Goldmann sâu xa hơn. Ông muốn tìm trong tư tưởng Malraux những nét phù hợp với sự tiến triển của lịch sử. Văn minh Tây phương tạo ra nhiều mâu thuẫn qua, đã xảy ra những sự xung đột, trong cuộc xung đột ấy có sự thử thách những phát kiến mới mẻ của loài người để tìm lối thoát; những phát kiến không thích hợp bị đào thải. Lịch sử vẫn tiến, nhưng tiến vào một ngõ mù mịt của tổ chức và kỹ thuật và chưa có lối thoát. Giai đoạn lịch sử trải qua những đảo lộn kinh khủng và thử thách những phát kiến mới mẻ phù hợp và giai đoạn tư tưởng của Malraux thực hiện La Condition Humaine.

Nhưng vẫn có chỗ không ăn khớp giữa tư tưởng và tiến trình lịch sử như sau: trung tâm xảy ra sự biến chuyển lịch sử như Goldmann đã nói là Tây Âu. Nơi thử thách phần nào những giá trị như Malraux quan niệm lại là nơi khác hoặc Nga Sô, hoặc một phần Á châu, la những nơi không làm gì có cơ cấu xã hội in hệt Tây Âu. Còn tại Tây Âu, hầu như những giá trị ấy bị đè bẹp, không kịp thành hình, những biến cố nhỏ và lẻ tẻ chưa tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử thể hiện những “giá trị cách mạng” đó. Ý kiến ở một nơi lại gây ra đảo lộn ở một nơi khác, có tình trạng lịch sử khác. Tại sao thế? Đó là vấn đề đặt ra.

Như vậy thì vấn đề không còn là lập một bảng đối chiếu sự tương đồng giữa cơ cấu xã hội và cơ cấu văn chương mà là tìm hiểu cái sinh khí sáng tạo và chinh phục giúp cho con người tìm ra giải pháp chấm dứt những mâu thuẫn, thoát nghịch cảnh, và đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.

Chúng tôi có cảm tưởng như văn minh Tây phương rất giàu sinh khí nhưng cũng rất nhiều cặn bã. Trong cái sinh khí ấy, tinh túy của nó đủ để loại trừ cặn bã, nhưng khi lan tràn đến các nước hậu tiến thì hầu như tinh túy mai một mà cặn bã kết tinh lại tiết ra độc tố, trong khi cơ cấu xã hội già nua không tiết ra được kháng tố. Những đảo lộn ở Tây Âu nơi thai nghén những phát kiến cải tạo xã hội, không quan trọng mấy, chỉ đáng kể là bệnh sốt rét vỡ da của người thiếu niên đang lớn. Tây Âu có thể sớm lập lại quân bình để bước sang giai đoạn tiến hoá khác và sẽ vượt được cuộc khủng hoảng gây nên vì sự ngự trị của đồ vật, cơ khí và kỹ thuật ngày nay chăng? Ta chỉ biết rằng sinh khí của Tây Âu bảo đảm cho sự lột xác của Tây Âu. Những đảo lộn trọng đại và dai dẳng chỉ xảy ra ở nơi khác, nơi nhận ảnh hưởng của Tây Âu như cái gì thừa thãi tràn đầy.

Nói như vậy có nghĩa rằng phải xét lại tất cả những khái niệm cách mạng, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, biện chứng hành động, lịch sử biện chứng, và phải nhận định những khái niệm ấy từ cơ cấu riêng của mỗi dân tộc hay nhóm dân tộc, chứ không thể chấp nhận những khái niệm lý hội qua tình trạng Tây Âu rồi đem khoáng triển ra khắp thế giới, nhất là khu vực hậu tiến. Không thể dễ dãi thế được nếu người ta không muốn làm môi trường để thử thách những phát kiến của Tây Âu giàu tưởng tượng. Người ta đã dùng làm môi trường để thử thách giá trị những phát kiến và dự phóng thì người ta cũng dùng được để thử thách hiệu lực của những phát minh khoa học, như võ khí.

Nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác, chúng tôi tự hỏi sự tương đồng cơ cấu văn chương với cơ cấu xã hội trong những văn phẩm Malraux giai đoạn sau: Nathalie Sarraute, A. Robbe-Grillet có phải là cái làm cho những tác phẩm ấy có giá trị không?

Những tác phẩm ấy làm cho người đời ý thức được hoàn cảnh của con người tan rã, đồ vật hiện ra như chúa tể thế gian. Đó là một cách đánh dấu chấm vào chữ i, làm cho vấn đề hiện ra quan trọng và khẩn thiết hơn bao giờ. Vậy thì giá trị của những văn phẩm ấy không ở chỗ “tương đồng cơ cấu” mà ở chỗ biết đánh dấu chấm vào chữ i. Biết đánh được dấu chấm này là cả một câu chuyện lớn và hầu như là tất cả nghệ thuật. Người ta có thể đánh dấu chấm vào chữ i mà chẳng có ý niệm gì về sự tương đồng cơ cấu cả. Vả chăng nếu chỉ có sự tương đồng cơ cấu suông, dù tương đồng đến cao độ để trở nên một tác phẩm lớn, thì tác phẩm ấy chỉ tác động đến quần chúng để duy trì cái “vô ý thức tập thể”, cái “inconscience collective”, chứ không phải là làm nổi bật “conscience collective”, ý thức tập thể nữa. Dấu chấm chữ i cần để làm ló mặt ý thức tập thể.

A. Robbe-Grillet đã nói rằng: “Tôi viết để hiểu tại sao tôi viết”. Ấy chính cái ông đang tìm hiểu tại sao ông viết làm nên giá trị bức thông điệp của ông.

Nathalie Sarraute trong cuốn sách mới đây (Les fruits d’or) còn nhấn mạnh vào cái hàm hồ, cái tính a-dua của dư luận, một thứ dư luận chung quy là ý kiến của một người tìm được cách nói bóng bẩy, hũ nút nhất để diễn một ý tưởng khó lòng kiểm soát. Ta có thể tìm thấy dễ dàng những sự việc xã hội trả lời vào tình ý cuốn truyện nhưng giá trị của nó không ở cái bảng giá trị tương đồng lập ra mà ở cách tác giả sử dụng dụng cụ ngôn ngữ cách nào để những tình ý đó nói lên điều muốn nói được hay hơn người.

Vả chăng, nếu nói đến sự tương đồng giữa cơ cấu văn chương và cơ cấu xã hội thì những tác phẩm của nhóm RAPP và Liên hiệp các Nhà văn Liên Sô, không những tương đồng mà khít khịt như cầm côm-phản ánh mà quay hai cái vòng tròn. Sự ăn khít như thế có làm thành giá trị văn chương không? Trái lại, một tác phẩm lớn như Bác sĩ Jivago của Pasternak lại chỉ tìm cách xé rào giậu như cung đàn lỗi nhịp đối với bản hòa tấu chung. Sự việc ngoài đời có bóng dáng trong tác phẩm thật nhưng đã sắp xếp lại cách xé rào giậu như cung đàn lỗi nhịp đối với bản hòa tấu chung. Sự việc ngoài đời có bóng dáng trong tác phẩm thật nhưng đã sắp xếp lại cách nào để hiện ra ý nghĩa khác rồi.

Trong một bài báo ngắn chúng tôi chỉ bàn về đại thể mà không tỉa tách chi tiết cuốn sách của Goldmann (Pour une sociologie du roman).

Cũng trong phạm vi bàn về đại thể, xin nói thêm rằng tinh thần của phương pháp cơ cấu khởi nguyên bắt nguồn từ một giả thuyết cho rằng loài người hoạt động theo chiều hướng giải quyết những mâu thuẫn tạo ra thế quân bình. Thế quân bình chỉ có tính cách tạm thời, người ta lại hành động để tạo ra thế quân bình khác, cứ thế mà tiến mãi. Thực thể nhân loại xuất hiện như một tiến trình có hai mặt: phá hủy những cơ cấu cũ và tạo ra những cơ cấu mới khiến ta thoả mãn được những nhu cầu mới. Tư tưởng của ông nằm trong một phạm trù ông gọi là totalité. Khái niệm totalité chi phối toàn diện hệ thống tư tưởng của ông, triết lý, xã hội học, văn chương. Vấn đề có tính cách triết lý, liên hệ đến những vấn đề khai mở (trong bài Hài hước trong văn nghệ), vấn đề Sinh khí và Nhịp điệu, đã trình bày trong các số báo trước. Xin để bàn trong một bài khác.
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tam tam cá nguyệt 1967, tập 3, trích từ trang 33 đến trang 45. Chi phiếu, bÆ°u phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng. ThÆ° từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trá»±c tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. K.D. số 1194 ngày 26-6-1967. Giá 30 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.