trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
28.12.2007
Điền Trung Hoà
Thử bàn về sự giấu giếm và lừa gạt ở đất nước lễ nghĩa
Dương Quốc Anh dịch
 
Người dám tự vạch vết sẹo của mình ra, nhất định là người mạnh khoẻ

Tôi không tin là Montesquieu có thành kiến với người Trung Quốc chúng ta, chưa biết chừng ông đã bị lừa, hoặc là gặp một số việc không thích thú ở Trung Quốc. Vậy thì người Trung Quốc nào đã làm mếch lòng vị học giả Pháp ở thế kỷ 18 đó vậy? Ðể ông phải nói là, người Trung Quốc: “trong cuộc sống hoàn toàn lấy lễ làm kim chỉ nam, nhưng họ lại là dân tộc biết lừa gạt người nhất trên thế giới.” Có thể nói đây là một tiêu chuẩn ma quỉ hoá Trung Quốc. Lại còn Kant nữa, ông đã đến Trung Quốc chưa? Nếu như chưa đến, sao lại biết người Trung Quốc bán gà thường nhét thêm sỏi cát vào diều gà, làm trò giả dối khi cân? Ông có chứng cứ gì? Nếu không có chứng cứ và nếu ông còn sống, tôi hoàn toàn có thể nói, ông đã xâm phạm quyền danh dự. Rồi ngay cả Hegel cũng nói người Trung Quốc thích gạt người. Người Trung Quốc chúng ta rất tôn trọng ông, học phép biện chứng của ông, học cả mỹ học của ông, chúng ta có trêu chọc gì ông đâu?

Thực ra, nói khoác, nói dối, vốn là đức tính khôi hài, lãng mạn của dân tộc ta. Năm 1958 thời “Nhẩy vọt lớn”, vệ tinh lúa mì bị công xã X. ở tỉnh Hà Nam phóng lên với năng suất là 58,365 tấn/ ha. Còn vệ tinh lúa nước được công xã Y. ở miền Nam phóng lên với năng suất hơn 90 tấn/ ha. Các báo đăng ảnh một em bé đứng trên đỉnh ngọn lúa, các bông lúa dầy đến mức chú bé không bị tụt xuống dưới. Tin này làm Chủ tịch Mao Trạch Ðông kích động đến nỗi suốt đêm không ngủ. Chủ tịch vốn xuất thân từ nhà nông, không phải là người ngoài nghề đối với việc cấy trồng, người chắc là biết mỗi ha nhiều nhất chỉ có thể có sản luợng là bao nhiêu tấn, nhưng người không giống như người phương Tây coi trọng sự thật giả của các con số, thật giả của các con số không quan trọng. Nhà thơ lãng mạn tiếp thu được tinh tuý văn hoá truyền thống Trung Hoa nhiều nhất ấy tin tưởng vào tình cảm sôi động và sức sáng tạo của những nguyện vọng tốt đẹp của quần chúng nhân dân. “Người có đảm lượng lớn bao nhiêu thì đất có sản lượng cao bấy nhiêu”. Nhiệt tình hừng hực so với việc có làm ra lương thực hay không còn quan trọng hơn.

Lỗ Tấn đã nói từ lâu, triệt để thì được nhưng triệt để quá lại không tốt. Quan niệm của người phương Tây so với chúng ta là siêu hình, điều này có liên quan tới truyền thống coi trọng chứng cớ thực của họ. Họ chỉ tin vào chứng minh khoa học, không tin những mơ mộng xinh đẹp, thiếu tinh thần lãng mạn. Nếu bọn họ chịu khó nghiên cứu về truyện thần thoại của Trung Quốc, chắc chắn là họ sẽ có sự hiểu biết nhiều hơn về chủ nghĩa lãng mạn của chúng ta, và sẽ không đến nỗi coi những lời nói hùng hồn của chúng ta là nói dối lừa gạt người.

Người phương Tây nếu chịu nghiêm túc nghiên cứu tôn giáo chính thống nhất của Trung Quốc, Ðạo giáo, họ sẽ hiểu rõ người Trung Quốc trọng khí, trọng ý, không trọng thực tế; một khi trọng thực tế, con người sẽ biến thành vật tầm thường. Trong những kiến thức về luyện đan thì dùng củi, dùng lò, dùng đá..., luyện đan chỉ luyện được những loại đan để ăn, là loại ngoại đan, là sự tu luyện ở cấp thấp nhất. Sự tu luyện chân chính là tinh, khí, thần. Loại khí phách đó, ranh giới đó, liệu người phương Tây có tưởng tượng được không?

Năm 610, lần đầu tiên Trung Quốc mở cửa đối ngoại, mời khách nước ngoài đến Lạc Dương. Các thương nhân, cư dân trong thành mặc quần áo kiểu người Hoa, khách thương phương Tây được ăn uống miễn phí, no say mới thôi. Nhìn thấy gấm, đoạn treo trên cây, họ không minh bạch, hỏi: “Chẳng phải là các vị còn có nhiều người không có đủ quần áo mặc ư? Vì sao lại treo gấm, đoạn trên cây mà không lấy những thứ đó may quần áo cho người ta?” Bọn họ không biết lễ của người Trung Quốc chúng ta là coi trọng phô trương hình thức bên ngoài, mình dù có khổ đến mấy cũng không thể không giữ thể diện. Chúng ta tính món nợ tinh thần chứ không tính món nợ kinh tế. Nếu bọn họ coi những nhiệt tình, hiếu khách đó là sự lừa gạt thì là sự hiểu lầm vô cùng to lớn.

Báo tin vui mà không báo tin buồn, ca tụng nhiều, bộc lộ ít (tốt nhất là chỉ ca tụng không bộc lộ) không phải là giấu giếm và lừa gạt như lão phu tử Lỗ Tấn từng nói. Lỗ Tấn đã giúp người nước ngoài trong việc ma quỉ hoá Trung Quốc, bởi vì ông đọc nhiều sách nước ngoài quá. Ông phải biết rằng che giấu điều xấu, biểu dương cái đẹp là mỹ đức truyền thống của người Trung Quốc. Người Trung Quốc chúng ta chú ý giúp người ta vui vẻ, thường nói những lời cát lợi, ghét những câu ác khẩu làm mất vui. Người nước ngoài khi khám bệnh biết là gặp chứng hiểm nghèo, bản thân người đó có quyền được biết tình hình, và thầy thuốc phải nói cho họ biết. Còn người Trung Quốc khi mắc chứng hiểm nghèo, nói chung người ta không nói cho người đó biết mà chỉ nói với người nhà, còn người nhà nếu còn giấu giếm được thì sẽ che giấu tới cùng, cho đến khi người bệnh chết cũng chẳng muốn nói ra chân tướng. Giấu bệnh không chữa, không phạm kiêng kỵ là nguyên tắc yên thân giữ phận của người Trung Quốc.

Những người nho nhã thường ưa thích nhân nhượng cho khỏi phiền, cố chấp gàn dở không phải là có tu dưỡng. Chỉ khi trưởng thành rồi mới hiểu điển cố “chỉ hươu làm ngựa” mới minh bạch: không nói toạc sự thực ra, ngoài việc là phép lịch sự giữ gìn sĩ diện của bậc thánh nhân, còn có sự lợi hại ở tầng nấc sâu xa. Tất nhiên Triệu Cao biết rõ đó là con hươu nhưng hắn đã cố ý nói là con ngựa. Kẻ nào ngây thơ cho là hắn ta không biết đâu là con hươu, đâu là con ngựa đứng ra uốn nắn, nếu không bị coi là phản nghịch thì cũng bị coi là ngu dốt, làm sao không bị giết. Ðó là âm mưu chứ không phải là mưu kế chính đáng.

Người nước ngoài tranh cử Tổng thống, Thống đốc Bang, nghị sĩ,... không cần úp mở mà nói thẳng ra là phải cạnh tranh, công khai lôi kéo phiếu bầu, không tiếc tiêu tiền. Cách làm không để ý tới liêm sỉ đó không hợp với đất nướcc lễ nghĩa chúng ta. Theo lễ nghĩa của Trung Quốc, hễ muốn cái gì thường không nói ra mồm. Tào Tháo, Tư Mã Siêu đều muốn làm vua nhưng cuối cùng lại để cho con mình thực hiện nguyện vọng đó. Thạch Kính Ðường, Triệu Khuông Dẫn, Viên Thế Khải trong lòng cũng rất muốn làm hoàng đế, nhưng trên miệng luôn chối từ, khiến lũ quan quân phải năm, bẩy lần dâng biểu, thậm chí phải khoác áo hoàng bào lên người, lúc đó mới chịu ngồi vào ngôi báu. (Ðiều này chẳng khác gì mấy kẻ ngày nay trong bụng rất thích làm quan, chạy vạy khắp nơi vận động nhưng lại làm ra bộ lợi, danhkhông màng.) Cái văn hoá đế vương khanh tướng rộng khắp và sâu xa như vậy làm sao Montesquieu hiểu thấu được.

Cuốn Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu xuất bản năm 1748 đúng vào năm Càn Long thứ 13, đó là thời Khang, Càn thịnh thế, bốn biển thanh bình, quốc thái dân an, khoan dung tôn giáo, văn hoá phương Tây, đối xử lịch sự với người phương Tây, đạo Cơ đốc, đạo Thiên chúa được phép truyền giáo ở Trung Quốc. Thế mà Montesquieu lại không hiểu được sự thực đó để nói, “Trung Quốc là một quốc gia chuyên chế, nguyên tắc của họ là khủng bố.”

May mà việc 254 năm trước chúng ta bị Montesquieu ma quỉ hoá đó chỉ xẩy ra một lần. Hơn hai trăm năm đã nhanh chóng trôi qua, dân tộc Trung Hoa đã có những thay đổi trời long đất lở, bây giờ xin mời mấy vị do chửi người Trung Quốc mà thành danh ấy đến thăm Trung Quốc, xin mời cả Kant, cả Hegel nữa, (cũng xin ông già Lỗ Tấn tỉnh lại) đi thăm các nơi để xem trình độ văn minh của Trung Quốc bây giờ so với hơn hai trăm năm trước tiến bộ được bao nhiêu? Hình thức và nội dung giấu giếm và lừa gạt, liệu đã thực hiện được hiện đại hoá chưa?


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Tạp chí Cách ngôn Trung Quốc, số 4.2004