trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
17.5.2007
Hà Sĩ Phu
Tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội
(Mạn đàm cùng các ông Lê Hồng Hà, Bùi Tín, Võ Văn Kiệt)
 1   2   3 
 
Phần III: Mác-Lênin là cái nền móng không dùng được nữa

Trong bài phát biểu ngày 10-3-2007 ông Lê Hồng Hà nói: “Cuộc đấu tranh này cũng không phải là cuộc đấu tranh để chống chủ nghĩa Mác-Lênin, mà chỉ là chống lại việc quốc đạo hoá chủ nghĩa Mác-Lênin” “phải tạm gác lại vấn đề phê phán ông Hồ”. Trong ý nghĩa một cuộc vận động chính trị-xã hội, thì chủ trương như vậy là hợp lý, là khôn ngoan, là rất “chính trị”, ít nhất là ở giai đoạn đầu, vì không ít người còn giữ niềm tin đẹp đẽ của quá khứ như một quán tính, một hoài niệm.

Nhưng, một khi đã thấy rõ vai trò nền tảng rất quan trọng của một triết lý đối với sự phát triển xã hội thì trong lĩnh vực nhận thức-lý luận không thể không phê phán những triết lý cũ đã “hết date” để xây dựng một triết lý mới. Vấn đề là phải tách thành hai lĩnh vực như đã nói trong phần đầu: lĩnh vực nhận thức-lý luận và lĩnh vực hoạt động chính trị. Hãy cứ nhận thức cho thấu triệt, ứng xử đến đâu để đạt kết quả lại là chuyện khác. Nói là bộc lộ nhận thức của cá nhân, làm là việc liên quan đến nhiều người, vậy từ nói sang làm phải có điều chỉnh.

Nhiều trí thức không trực tiếp hoạt động chính trị, chỉ diễn đạt nhận thức như các ông Phan Đình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Lữ Phương, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Ngọc Uyển… vân vân, và chính ông Lê Hồng Hà cũng như chúng tôi (HSP) và một số người khác trong bản danh sách “khu vực 2” (khu vực phi chính thống) mà ông Lê Hồng Hà thống[1] đều không thể không phê phán một phần hay toàn bộ chủ nghĩa Mác-Lênin và vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này không thể tránh được, nhưng đặt vấn đề nghiên cứu một cách khoa học, trầm tĩnh, khách quan không hề đồng nghĩa với việc mạt sát, nói xấu, nói cho thỏa…

Nếu những người tôn thờ chủ nghĩa Mác coi chủ nghĩa ấy như một niềm tin, như niềm tin tôn giáo, thì đúng như ý kiến ông Lê Hồng Hà, tôn giáo ấy cũng bình đẳng với các tôn giáo khác, chỉ cần chống việc biến tôn giáo ấy thành quốc giáo. Nhưng là một tôn giáo thì không được tham chính, không thể lãnh đạo toàn xã hội! (Đây cũng là ý kiến của ông Đặng Văn Việt, một đảng viên cộng sản lão thành). Trong trường hợp ấy ta không cần bàn luận hay phê phán giáo lý Mác-Lênin làm gì.

Nhưng nếu những tín đồ Mác-xít không coi đó là tôn giáo mà lại coi đó chân lý khoa học tuyệt đối đúng, mà hiến định và luật hoá nó, đem nó trùm lên toàn xã hội, ai chống lại là phạm tội, thì tất nhiên chân lý ấy phải chịu sự sàng lọc của trí tuệ trước đã, lý thuyết ấy phải đương đầu với sự phản biện của toàn dân tộc và toàn nhân loại! Chẳng hạn, ít nhất lý thuyết cộng sản phải chứng tỏ khả năng tự biện hộ một cách đứng đắn và thành công trước những kết luận có tính quốc tế của Nghị quyết 1481 của Hội đồng Nghị viện châu Âu ngày 25-1-2006. Rất tiếc phía Việt Nam cũng đã có một vài phản ứng, nhưng chỉ là những phản ứng chống đỡ về mặt chính trị một cách rất công thức và sáo mòn, không có nội dung tư tưởng hay khoa học gì thuyết phục. Một cuộc tranh luận khoa học nếu được tiến hành nghiêm túc sẽ thu hút sự tham gia của rất nhiều trí thức trong ngoài nước và trên thế giới, và trong một không khí thật sự khoa học thì tính chất ảo tưởng, phi khoa học của học thuyết Mác-Lênin nhất định sẽ được phơi bày.

Nếu không thắng được trong những cuộc phản biện trí tuệ này thì lý thuyết ấy chưa có tư cách khoa học để đứng trong Hiến pháp như điều 4 Hiến pháp xác quyết: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghia Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực luợng lãnh đạo nhà nuớc và xã hội”. Điều 4 chẳng những mặc nhiên xác định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của một yếu tố chính trị là Đảng Cộng sản, mà còn mặc nhiên áp đặt một yếu tố thuộc pham vi khoa học-tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin. Phần khoa học phải chịu sự rà soát của khoa học! Đã là khoa học thì làm gì có ranh giới quốc gia? Ví dụ chẳng ai có thể nhân danh quốc gia để nói: Nước tôi cứ khẳng định thuyết “Mặt trời quay quanh trái đất”, hàng ngày người lao động nước tôi đều nhìn thấy như thế, các anh ở bên ngoài phê phán nhận thức này là “can thiệp vào công việc nội bộ” của chúng tôi!

Nhiều lúc nghĩ đến điều 4 Hiến pháp tôi lại thấy ở đó một tính chất khôi hài, không hiểu sao ta lại làm một việc vô duyên đến thế: một đảng đang cầm quyền dài dài mà vẫn lo mất chỗ, đến nỗi phải tự đặt ra luật để giữ chỗ vĩnh viễn cho mình! Đã thế lại sợ thiên hạ chê cười nên nói thác ra rằng đấy là nhân dân họ muốn tôn vinh tôi như vậy, trong khi đội ngũ từ những người dự thảo luật đến những thông qua luật thì quanh đi quẩn lại toàn là đảng viên, chứ có được mấy người là “nhân dân”? Càng lo xa, càng giành phần thì càng bộc lộ tâm lý tham lam, lo lắng, thiếu tự tin. Cái lôgic tự nhiên ấy không thể che giấu được, mặc dù vẫn cứ hô ta là nhà “vô địch muôn năm!”. Tôi dám đánh cuộc rằng nước Việt Nam mình còn thì trước sau gì mình cũng phải bỏ cái điều 4 này, vì nó ấu trĩ, nó vô duyên, nó lạc lõng trong thế giới hiện đại. Nhưng bỏ sớm thì đẹp hơn!

Đại loại toàn những chuyện sơ đẳng như thế.

Tôi đồng ý với một nhận xét của ông Nguyễn Gia Kiểng: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ làm mất thì giờ của cả dân tộc. Vì tất cả những cuộc tranh luận rất gay go, rất phiền toái, rất nghiêm trọng, phải đối phó từng giờ từng phút với nhau và rất dễ bị còng tay vào tù… thực ra chỉ để tranh cãi toàn những kiến thức ở tầm abc, những điều lý luận mà nhân loại đã vượt qua từ lâu, và những thực tế “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Hiện nay, trong bối cảnh như thế, thiết nghĩ việc bàn về chủ nghĩa Mác-Lênin cũng chẳng cần tầm chương trích cú nhiều quá làm gì. Hãy cứ nói với nhau theo cách đơn giản, dễ hiểu.

Thật vậy, lịch sử đã chứng kiến cả một làn sóng người hăm hở vác cuốc xẻng đi “đào mồ chôn” chủ nghĩa tư bản để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, thế mà giữa lúc đang hứng khởi, tưởng như đã đi gần hết giai đoạn quá độ để tiến vào thiên đường cộng sản thì đùng một cái húc phải cái thực tế sừng sững như núi Thái Sơn, đành lũ lượt quay lại học tư bản từ abc, học làm kinh tế thị trường, học ca ngợi doanh nhân…, và chỉ mong được thế giới tư bản cho mình hội nhập. Định đi chôn người ta mà giờ chỉ mong được nằm cạnh người ta thôi đã sướng rơn người! Thế mà vẫn bảo đường đi của mình là đúng thì lạ thật. (Tôi mà là “người đẹp” tư bản thì dứt khoát tôi phải bắt cái anh cầm xẻng kia xin lỗi một câu rồi mới cho nằm cạnh, đằng này chẳng xin lỗi thì chớ, được nằm cạnh rồi thỉnh thoảng lại còn lầm bầm chửi xéo người ta!)

Lúc đầu một số nước theo trào lưu Mác-xít thành công trong việc cướp chính quyền và giữ chính quyền. (Có một tư tưởng quả là một điểm tựa rất mạnh để tập hợp quần chúng!) Nhưng tiếp theo là thất bại. Nguyên nhân vẫn từ tư tưởng chứ không gì khác: Tư tưởng ấy bản chất chỉ là một ảo tưởng phi khoa học, chống lại thực tiễn nên hết cơn ảo tưởng phải trở lại thực tế, những điều phi lý cứ lộ dần ra, cái sức mạnh đã liên kết được ban đầu nay lại tan rã. “Sợi chỉ đỏ” đã đứt thì chuỗi hành động rời ra từng khúc, đầu Ngô mình Sở không khớp được với nhau nữa.

Đảng Cộng sản trước đây định cầm tay dẫn dắt kinh tế, dẫn dắt xã hội như dắt trẻ con, nhưng đi loanh quanh mãi không biết ra lối nào, bụng thì đói, đành thả kinh tế ra cho nó tự đi kiếm miếng ăn, nhưng lại thòng vào cổ mỗi đứa một sợi dây “định hướng xã hội chủ nghĩa” (để giật mạnh một cái là phải quay về!). Nắm chắc sợi dây thòng lọng về chính trị-tư tưởng ấy là để Đảng nắm đằng chuôi. Đày tớ tiếp tục dắt ông chủ đi như dắt trâu bò.

Thừa nhận sợi dây thòng lọng về chính trị-tư tưởng ấy, thì dân hoàn toàn bị động với Đảng đã đành một nhẽ, nhưng đối với cả dân tộc thì điều đó hoàn toàn bất lợi, bởi cái nền vẫn không ra cái nền. Cái gọi là hệ tư tưởng bây giờ, trong đó có chủ nghĩa Mác cộng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chẳng qua là dùng ngụy biện làm chất xi măng để gắn kết một cách lộn xộn những chất liệu xưa cũ với những chất liệu hiện đại vay mượn, thành một thứ vôi vữa để hàn gắn lại cái nền cũ Mác-Lê đã rạn nứt hơn cầu Văn Thánh. Cái triết lý chính trị đã bị khoa học và thực tiễn bẻ gẫy, càng cố chống chế càng nhạt nhẽo, người dạy không muốn dạy, người học không muốn học, đã đến lúc không nên áp đặt một môn học nặng nề vô bổ như vậy trong các nhà trường.

Ngôi nhà đã sụt móng, tu sửa hào nhoáng cũng chẳng bền được. Để thoát khỏi tình trạng “thày bói dọn cưới” hiện nay chỉ có một cách duy nhất là dũng cảm làm lại cái nền tư tưởng. Chuyện lớn, chuyện thời đại, không thể khôn vặt.

Cái nền Mác-Lê chỉ còn lại một “ưu điểm” rất tiện dùng là để quản lý dân cho dễ, dẫn dắt dân cho dễ và sử dụng dân cho dễ, vì chủ nghĩa ấy chẳng qua là một quy trình thiết kế, áp đặt và điều khiển xã hội, coi xã hội loài người sinh động cũng chỉ như một cỗ máy công nghiệp để mình vận hành. Người điều hành cứ bấm đốt ngón tay, xem “kế hoạch 5 năm” lần thứ nhất thì làm gì, lần thứ hai thì làm gì, sau mấy “kế hoạch 5 năm” thì vào chủ nghĩa cộng sản… Ý muốn điều khiển xã hội răm rắp như điều khiển một cỗ máy chẳng qua là một thứ bệnh công nghiệp, một thứ mốt công nghiệp, một bệnh ấu trĩ xuất hiện thuở cách mạng công nghiệp đang bắt đầu thịnh hành (cái ấu trĩ bao giờ cũng cực đoan!). Chủ nghĩa kỹ trị cực đoan đã hóa thân nhuần nhuyễn thành triết học và đạo đức, đó chính là thực chất của chủ nghĩa Mác về xây dựng và điều khiển xã hội. Vì thế mà tuy mục đích rất nhân bản là muốn điều khiển cỗ máy xã hội cho nó chạy thật tốt theo thiết kế của mình, đem lại của cải nhiều nhất cho xã hội, đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho con người, nhưng không biết rằng một quan niệm cơ giới hoá xã hội như thế là rất phản nhân tính. (Trong bài “Chia tay ý thức hệ”, tôi dẫn câu “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” để nói cái ý ấy).

Xã hội nói chung cũng như mỗi con người nói riêng về bản tính nó chống lại chủ trương điều khiển cơ giới của Mác, vì thế muốn đưa con người vào guồng máy điều khiển, các chính quyền Mác-xít trước hết phải dứt đứt tất cả những mối liên hệ tự nhiên của con người, rời bỏ tư hữu để công hữu hoá, tập thể hoá, đoạn tuyệt với quá khứ một cách triệt để nhất…, thế là con người biến thành những đinh ốc trong một cỗ máy.

Đó là một xã hội phi tự nhiên, hoàn toàn nhân tạo.

Tuy Mác có nhắc lại câu nói của Térence (190-159 trước CN) “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”, nhưng thực ra Mác không hiểu kỹ con người lắm đâu, nhất là không hiểu cái mặt trái, cái mặt bản bất thiện của con người, đằng sau cái tính bản thiện.

Nếu ví cả cái xã hội Mác-xít như một cỗ máy tự quản đã thiết kế xong, mỗi phần tử đã hoạt động răm rắp như những bánh xe, như những đinh ốc, thì xin thưa những bánh xe chủ chốt, những đinh ốc chủ chốt, với bản chất sinh vật của chúng, chúng sẽ trở lại bản năng đấu tranh sinh tồn mà nảy nở sinh sôi, mọc sừng mọc mỏ, mọc vuốt mọc nanh. Chúng trở thành những ông chủ mới để gõ búa vào cỗ máy của Marx, để bóc lột nó, bóc lột những đồng loại còn cam phận bánh xe-đinh ốc, nhưng tai quái hơn những ông chủ cũ rất nhiều.

Nhưng đấy mới là pha thứ nhất trong cuộc hồi sinh của cỗ máy xã hội, là pha trỗi dậy của tính bất thiện trong con người. Pha thứ hai quan trọng hơn nhiều, là pha trỗi dạy của bản chất sinh học trong hàng ngàn hàng vạn bánh xe-đinh ốc nhỏ xíu trong cỗ máy Mác-xít, đó là sự hồi sinh của tính bản thiện. Và thế là cuộc nội chiến giữa hai mặt của bản chất con người diễn ra: bản thiện và bản bất thiện. Cuộc nội chiến bao giờ cũng day dứt, lo âu không thừa, nhưng chẳng có lý do gì để bi quan mãi vì dù chẳng bao giờ diệt hết được những điều bất thiện nhưng toàn xã hội thì đã dần dần kéo nhau ra khỏi được cái cỗ máy Mác-xít cơ giới, ấu trĩ, cực đoan mà trước đây hằng khao khát. Thực tiễn cho thấy trong tất cả những cỗ máy Mác-xít chết cứng, xã hội dân sự đã dần dần hồi sinh. Cuối cùng nhất định “loài người sẽ từ giã quá khứ của mình một cách vui vẻ”, cảm hứng này của Marx thì thật là tuyệt. Bi kịch đã xen kẽ và chuyển dần thành hài kịch rồi, dẫu cho nhiều hài kịch vẫn còn cười ra nước mắt.

Như thế, chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là phần duy vật lịch sử, về triết học thì là hiện thân của bệnh công nghiệp, của chủ nghĩa cơ giới, còn về chính trị thì đó là sự kéo dài chủ nghĩa phong kiến với màu sắc công nghiệp hóa.

Thời Các Mác, nền văn minh công nghiệp (mà ta gọi là chủ nghĩa tư bản) đang ở giai đoạn tăng tốc, như chiếc máy bay đang cất cánh, nên nó gây sốc. Những tiến bộ ghê gớm quá, hiệu quả quá, làm thay đổi hẳn cuộc sống nhân loại. Xã hội mất đồng bộ, nhân loại bị xáo động nặng nề, bị kéo giãn ra, cách biệt về năng lực giữa con người với con người, giữa dân tộc với dân tộc trở nên quá lớn, tạo tiền đề cho sự chiếm đoạt nhau, xéo lên nhau để bành trướng. Bóc lột và bất công dữ dội. Sợi dây xích phong kiến ràng buộc xã hội theo tôn ti cũ đứt tung ra, xã hội như con ngựa dữ đứt cương. Đấy là cơn sốt vàng da của đứa trẻ để nó lớn lên, nó trưởng thành, thì Mác tưởng đấy là căn bệnh nan y của ông già sắp chết, nên đặt chương trình đào mồ để chôn nó đi.

Đáng lẽ phải mở đường cho nó tiến về phía trước, thiết lập kỷ cương mới cho xã hội, sao cho vừa nuôi dưỡng sự phát triển, vừa có dân chủ, bình đẳng cho mọi người, khống chế được sự bất công tàn bạo giữa người với người mà còn liên kết được với nhau để phát triển. Kỷ cương phong kiến thì đã hoàn toàn bất lực. Kỷ cương mới không có gì khác hơn là một nền kinh tế thị trường đi đôi với một nền dân chủ pháp trị, một nhà nước pháp quyền, khống chế quyền lực bằng tam quyền phân lập kết hợp với thể chế đa đảng, đa nguyên. Đại bộ phận thế giới tiến bộ ngày nay tuân theo dòng chảy tự nhiên ấy, dòng chảy mà những J. J. Rousseau, Montesquieu, J. Lock… đã khơi nguồn.

Nhưng Các Mác và đồng đội của ông đã chống lại dòng chảy đó.

Vì đọc nhầm tín hiệu của thời đại (nhìn đứa trẻ đang lớn như thổi thành ông già sắp chết), nhìn phía trước của nhân loại thành cái hố sâu bế tắc, nên đi tìm lối thoát ở phía đối diện, tức phía sau lưng. Những tư tưởng dân chủ là yếu tố tiên tiến đang hé mở thì Mác coi đó là cái dân chủ của kẻ đang “giãy chết” nên cũng vứt đi luôn. Cho nên mọi sáng kiến của Mác-Lênin để vạch đường lên phía trước thực chất là tìm về quá khứ: bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để công hữu hóa, đáng lẽ phải dân chủ hoá bằng cách phân quyền ra thì lại chuyên chính hoá bằng cách tập trung quyền lực lại, cố xây dựng một đảng lãnh đạo ưu tú thì hệt như một đấng minh quân, Đảng Cộng sản lo “từng mũi kim sợi chỉ” cho dân như mẹ hiền thì thực chất là chủ nghĩa thần dân của phong kiến, xa lạ với kinh tế thị trường. Những đợt chỉnh huấn “chống chủ nghĩa cá nhân” là hình bóng của “tu thân, trị quốc, bình thiên hạ”. Tất cả những điều ấy là biến tướng của phong kiến chứ không gì khác. Chỉ khác một điều là nền kinh tế thì kế hoạch hóa, mà như trên đã phân tích, đó là bệnh công nghiệp.

Vậy đấy là chủ nghĩa phong kiến mang màu sắc công nghiệp, vừa mắc bệnh phong kiến vừa mắc bệnh công nghiệp, hai thứ bệnh quá tả ấy kết với nhau thì làm gì mà không thành phát xít, nhưng một thứ phát xít rất “chân thành”, lúc đầu rất dễ thương, thánh thiện như một tôn giáo. Con người làm những việc phản khoa học, phản nhân văn mà cứ nghĩ mình biết sống có lý tưởng, tự hào là mình biết “tử vì đạo”, coi việc giày xéo lên người khác là sứ mạng tất yếu trên đường dắt cả loài người đến thiên đường cộng sản, kẻ nào vướng chân mình đều là địch cả. Trào lưu cộng sản là trào lưu chống phong kiến cũ nhưng lại sa vào phong kiến mới, chống vua cũ nhưng lại lập ra vua mới, chống phát xít cũ nhưng lại sa vào phát xít mới, chống “quá khứ cũ” nhưng để tiến vào “quá khứ mới” mà thôi, nên không thể có tương lai. Sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa là sự uốn nắn tất yếu của quy luật.

Đến đây, tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi mà nhà báo Bùi Tín đặt ra cho cuộc thảo luận “Việt Nam đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc chưa mà đã muốn tiến sang cách mạng xã hội chủ nghĩa?”. Tất nhiên ông Bùi Tín nhại lại luận điểm của những người cộng sản để chứng minh tính bất toàn của nó, chứ ông đâu còn tin là có chủ nghĩa cộng sản. Cuộc Cách mạng dân tộc đã diễn ra chỉ là cuộc đánh ngoại xâm giành độc lập như đã làm nhiều lần trong lịch sử. Còn về cuộc cách mạng dân chủ thì chẳng những ta chưa làm mà còn làm ngược, làm một bước lùi, thay cái phi dân chủ cũ bằng cái phi dân chủ mới tai hại và khó trị hơn nhiều.

Dù những người cộng sản có hết lời ca ngợi tính dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa, dù có đàn áp hay bịt miệng những ai bảo chế độ ấy là thiếu dân chủ, thì cũng không sao tẩy xóa được nụ cười nhạo báng trên môi thiên hạ mỗi khi có ai nhắc lại lời của Lênin đánh giá nền chuyên chính vô sản “dân chủ gấp triệu lần” dân chủ tư sản! Nhắc lại câu ấy ai cũng buồn cười. Chỉ một nét cười ấy thôi, đủ thay cho tất cả những lý luận thiên kinh vạn quyển. Nhân loại bỏ phiếu bằng nụ cười.

Lại một nghịch lý rất lớn nữa: Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản là chống sự chênh lệch, tôn thờ sự công bằng, thậm chí nhiều khi còn san bằng nữa, nhưng thử so sánh sự chênh lệch hiện nay giữa con người với con người về những mặt tiền bạc, quyền thế, đạo đức, sự ăn chơi, nỗi nhọc nhằn… ở xã hội Việt Nam thì thấy cái niềm hãnh diện về sự công bằng kia đã thành chuyện mỉa mai khôi hài ra nước mắt.

Chủ nghĩa ấy trước đây là sức mạnh để kết mọi người lại bao nhiêu thì nay lại thành nguyên nhân làm người ta cách xa nhau nhau bấy nhiêu, lòng người ly tán bấy nhiêu. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều công sức hô hào đoàn kết, nhưng thiện ý ấy, cũng như thiện ý của nhiều người cộng sản hiện nay, luôn bị nghi ngờ (ít nhất là nghi ngờ về tính khả thi) chính vì chưa chạm đến cái nền tảng, cái nguyên nhân gốc rễ ấy.


*


Tóm lại, một quốc gia, một dân tộc muốn phát triển bền vững không thể không có một nền tảng tư tưởng, dù viết thành văn một cách hệ thống, hay thấm nhuần trong toàn bộ nền văn hoá của dân tộc ấy, làm nên dân trí của quốc gia-dân tộc ấy. Giới trí thức là tinh hoa của nhân dân, trong đó các tư tưởng gia có một vị trí đặc biệt. Trong thế kỷ 19-20, những dân tộc văn minh hàng đầu đều không bị cuốn vào trào lưu cộng sản (mặc dù phong trào tranh đấu của công nhân cũng thúc đẩy hình thành những đảng cộng sản) là bởi đã có một nền dân trí cao. Nhân dân nào thì chính quyền ấy, dân tộc nào thì tai hoạ ấy, suy cho cùng đều do cái nền tảng tư tưởng và dân trí mà ra.

Dân trí nước ta, trong tình cảnh nô lệ của ta, dẫn ta đến trào lưu cộng sản lúc ấy phải chăng cũng là tất yếu? Phải chăng Việt Nam mới chính là mảnh đất màu mỡ nhất để gieo mầm Mác-Lê khiến khiến nó bám rễ rất sâu? Việt Nam liệu có là “anh hề” cuối cùng rút khỏi sân khấu?

Dù cho một số người cộng sản vẫn kiên quyết giữ cái vỏ Mác-Lê nhưng bên trong cũng đã thay đổi những quan điểm xương cốt nhất của chủ nghĩa ấy. “Đổi mới hay là chết!”. Vâng cái tư tưởng chuyên chính trong chủ nghĩa Mác-Lê có thể còn ích lợi cho một tầng lớp nào đó, chứ đối với dân tộc và thời đại thì chủ nghĩa ấy đã thành cái nền móng tư tưởng không dùng được nữa!

(Còn tiếp một kì)

© 2007 talawas



[1]Tài liệu đã dẫn: Lê Hồng Hà, “Thư gửi… của ông Lê Hồng Hà”
(http://doi-thoai.com /baimoi0407_244.html)