trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt NamĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
1.4.2006
Nguyên Trường
Đọc Nguyễn Hoà nhớ Erich Fromm và vài việc khác
 
1. Nguyễn Hoà nói đến ở đây là tác giả bài: “Ða nguyên, đa đảng" có phải là "chiếc đũa thần" để chấn hưng và phát triển đất nước?” đăng trên báo Nhân dân ngày 28 tháng 3.2006.

Còn Erich Fromm là tác giả cuốn Tâm phân học và tôn giáo do Trí Hải dịch, Tu thư Đại học ấn hành năm 1968, năm 2002 được Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin [1] in lại trong cuốn Phân tâm học và văn hoá tâm linh (từ trang 161 đến trang 288).

Hẳn độc giả sẽ hỏi: “Hai người này thì liên can gì với nhau?”

Đúng, về danh nghĩa thì họ chẳng liên can gì với nhau. Ông Erich Fromm người Đức, sinh năm 1900, tốt nghiệp Đại học Heidelberg, di cư sang Mĩ rồi trở về Thụy Sĩ và làm việc ở đấy cho đến cuối đời. Ông mất năm 1980. Còn ông Nguyễn Hoà là công dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã viết nhiều bài phê bình văn học khá sắc sảo, là cộng tác viên báo Nhân dân.

Nhưng xin được trình bày theo thứ tự.

Trong tác phẩm nêu trên, Erich Fromm đưa ra định nghĩa tôn giáo là “bất cứ tư tưởng hệ hay hành vi nào được chia sẻ bởi một nhóm người, đem lại cho cá nhân một khuôn khổ định hướng và một đối tượng tôn sùng” (trang 44 - xuất bản năm 1968). Rồi ông viết tiếp:

“Có một sự sùng bái vật tổ trong nền văn hoá của chúng ta hay không? Thưa, rất nhiều, mặc dù những người mắc chứng ấy thường không tự xem mình cần phải đi đến một nhà tâm phân học. Một người mà sự chú tâm duy nhất của họ là quốc gia hay đảng chính trị của mình, mà tiêu chuẩn giá trị và chân lí độc nhất của họ là lợi ích quốc gia hay đảng phái, một người mà đối với họ lá cờ tượng trưng cho phe phái mình là một đối tượng thiêng liêng, con người ấy có một tôn giáo về thị tộc và sự sùng bái vật tổ mặc dù dưới mắt y, đấy hoàn toàn là một hệ thống hợp lí (điều này dĩ nhiên là mọi tín đồ của bất cứ loại tôn giáo sơ khai nào cũng đều tin tưởng). Nếu muốn hiểu làm sao những hệ thống như Mác-xít hay Xit-ta-lin-nit lại có thể có hàng triệu người theo, sẵn sàng hy sinh lí trí và nguyên tính của mình cho nguyên tắc “dù đúng hay sai thì đấy vẫn cứ là xứ sở của tôi”, chúng ta bắt buộc phải xét đến tính chất tôn giáo vật tổ trong định hướng của chúng” [2] (trang 60-61).

“Ở tôn giáo thần quyền, Thượng đế trở thành người chủ sở hữu độc nhất đối với những gì vốn là của con người: Lí trí và tình yêu. Con người phóng chiếu những gì tốt đẹp nhất của y cho Thượng đế và như thế y tự làm cho mình nghèo nàn đi. Bây giờ Thượng đế có tất cả tình yêu, tất cả trí tuệ, tất cả công bằng – và con người thì bị mất hết những đức tính ấy, trống rỗng và nghèo nàn. Con người bắt đầu với cảm thức về sự bé bỏng, nhưng bây giờ y lại trở nên hoàn toàn vô năng và không có một sức mạnh nào; tất cả những năng lực của y đã bị qui vào cho Thượng đế. Cơ chế của sự phóng chiếu này cũng chính là cơ chế ta có thể quan sát thấy trong những tương quan giữa người với người của một cá tính ưa tự hành hạ mình và phục tùng, sợ hãi người khác, qui tất cả những năng lực ước vọng của riêng mình cho người khác. Đây cũng chính là cơ chế đã làm cho người ta tặng cho những lãnh tụ, ngay cả của những chế độ phi nhân nhất, những đức tính siêu phàm, bác ái” (trang 87-88).

“Quả thế, năng lực hợp lí hoá – lí trí giả mạo ấy – là một trong những hiện tượng oái oăm nhất của con người. Nếu ta đã quá quen thuộc với nó, ta sẽ thấy cố gắng hợp lí hoá của con người rõ ràng giống như một chứng loạn thần kinh vọng tưởng: Người mắc chứng này có thể rất thông minh, biết sử dụng lí trí mình một cách tuyệt diệu trong mọi địa hạt sinh hoạt, trừ ra trong lĩnh vực đặc biệt mà y bị chứng thác loạn. Con người hợp lí hoá cũng hành động y hệt. Chúng ta nói chuyện với một người thông minh theo chủ nghĩa Staline, một người chứng tỏ một khả năng lỗi lạc để sử dụng lí trí trong nhiều lĩnh vực tư tưởng. Tuy nhiên khi bàn đến thuyết Staline với y, bỗng chốc ta chạm phải một ý hệ khép kín, nhiệm vụ chính của nó nhằm chứng minh rằng việc y theo thuyết Staline là hợp lí chứ không mâu thuẫn với lí trí. Y sẽ phủ nhận một vài sự kiện hiển nhiên, xuyên tạc những sự kiện khác hoặc khi không tán đồng một vài sự kiện nào đó, một vài lời nói nào, thì y sẽ giải thích thái độ đó của mình là hợp lí và không có gì mâu thuẫn. Đồng thời y cũng tuyên bố rằng sự thờ phụng lãnh tụ của chủ nghĩa phát-xít là một trong những bộ mặt xấu nhất của chế độ độc tài, và cho rằng sự tôn thờ lãnh tụ theo thuyết Staline là một điều hoàn toàn khác biệt, đấy là biểu hiện chân thành tình yêu của dân chúng đối với Staline [3] . Khi bạn bảo anh ta rằng Đức Quốc xã cũng tuyên bố tương tự như thế, thì y sẽ mỉm cười một cách độ lượng về sự thiếu am tường của bạn, hoặc lên án bạn là tay sai của tư bản. Anh ta sẽ tìm ra một ngàn lẻ một lí do vì sao chủ nghĩa quốc gia của Nga không phải là chủ nghĩa quốc gia, vì sao chế độ độc tài ở đây chính là dân chủ, vì sao cưỡng bách lao động là cốt để giáo hoá và cải thiện những phần tử phản xã hội” (trang 99-100).

Cám ơn bạn đã đọc đến đây, và bây giờ xin mời bạn lấy cái lăng kính của Erich Fromm chiếu vào bài viết của Nguyễn Hoà, thí dụ, những đoạn sau đây:

“Cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình đấu tranh giữa mới và cũ, giữa tiên tiến với lạc hậu, giữa lợi ích cá nhân vị kỷ với lợi ích chân chính của xã hội, giữa lí tưởng mà Ðảng và Bác Hồ đã lựa chọn, được nhân dân đồng tình và nỗ lực phấn đấu biến thành hiện thực với các thủ đoạn tuyên truyền bôi đen, xuyên tạc... đang diễn ra hằng ngày hằng giờ từ các lĩnh vực hoạt động của xã hội đến từng con người. Ðiều này cho thấy cuộc đấu tranh tư tưởng - lí luận đang trở nên phức tạp và hơn lúc nào hết, ngoài việc cần thiết phải tỉnh táo bảo vệ tính đúng đắn của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, chúng ta càng phải nỗ lực hiện thực hoá tính đúng đắn đó trong hoạt động thực tiễn, thông qua những thành tựu ngày càng to lớn hơn.

Ðối với chúng ta, tinh thần đổi mới của Ðảng chính là chiếc "chìa khoá vàng" của quá trình hoạch định và triển khai chiến lược phát triển vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội - con người, vừa phù hợp hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Thành tựu đã đạt được và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa không chỉ là khát vọng của toàn dân tộc mà còn là sự khẳng định một cách chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, bằng trí tuệ và lao động sáng tạo của mình, nhân dân ta nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước không cần vào các nhà "dân chủ" cóp nhặt kiểu dáng "đa nguyên, đa đảng" của người, lòe loẹt bề ngoài nhưng mục ruỗng bên trong, mang về áp đặt chúng ta.

"Ða nguyên, đa đảng" không phải là "chiếc đũa thần" mà là chiếc đũa mốc, hoàn toàn không có khả năng giải quyết những vấn đề của quá trình chấn hưng và phát triển đất nước. Thậm chí nó còn làm cho đất nước mất ổn định, xã hội rối loạn, kéo lùi sự phát triển mà nhỡn tiền là tình hình đang diễn ra ở một số nước Ðông Âu, ở  không gian hậu Xô Viết và ở một vài nơi khác trong khu vực gần với chúng ta. Ngoài một số ít người đánh võ mồm hòng chiếm vũ đài chính trị, tuyệt đại đa số nhân dân ta không cần đến và kiên quyết bác bỏ cái gọi là "đa nguyên, đa đảng".

Bạn có thấy thấp thoáng bóng hình một đệ tử của đủ thứ tôn giáo từ Marxism-Leninism-Stalinism đến Độc-đảng-ism không?

Nếu bạn đã thấy thì xin cùng tôi đành ngả nón cúi chào và đứng từ xa “kính nhi viễn chi”, mọi ngôn từ ở đây đều là thừa, là vô ích hết. Việt Phương gần 40 năm trước đã nhận thấy bản chất của cái tôn giáo đó rồi:

Tất cả những gì xấu xa của tao đều thuộc về mày
Tất cả những gì tốt đẹp của mày đều thuộc về tao.

Chỉ có điều Erich Fromm còn viết như sau: “Sự phân lìa giữa bản chất cừu và bản chất người của chúng ta là căn bản cho hai loại định hướng: định hướng bằng sự tiếp cận với đàn cừu và định hướng bằng lí trí. Sự hợp lí hoá là sự dung hoà giữa bản chất cừu và khả năng suy nghĩ của chúng ta. Khả năng này buộc ta phải làm ra vẻ mọi sự ta làm đều có thể đương đầu với sự kiểm chứng của lí trí, và chính vì thế mà chúng ta cố gắng làm ra vẻ những quan niệm và những quyết định phi lí của chúng ta là hợp lí. Nhưng chừng nào chúng ta còn là cừu, thì lí trí không thể là nguyên tắc hướng đạo cho chúng ta, chúng ta bị hướng dẫn bởi một nguyên tắc hoàn toàn khác hẳn, nguyên tắc trung thành với đàn cừu” (trang 102).

Vâng, thành cừu hay thành người là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, không ai có thể can thiệp được. Hình như trên thế giới chưa có nước nào, cả độc đảng lẫn đa đảng, có luật cấm người ta an trú mãi trong/thoái hoá xuống tình trạng súc vật thì phải?


2. Trước đây tôi có viết một bài trong đó có nói đến hai cuộc xâm lăng văn hoá của Tàu và của Tây, bây giờ nhớ lại thấy như thế là chưa đủ. Còn cần phải nói đến một cuộc xâm lăng văn hoá thứ ba nữa. Đấy là cuộc xâm lăng của nền văn hoá vô sản. Động đến chuyện này là y như rằng các chiến sĩ trên mặt trận văn hoá văn nghệ lại giãy nảy lên mà rằng: Đừng có bắn vào quá khứ bằng súng lục… Nhưng các chiến sĩ ấy là những người ít trí nhớ hay có trí nhớ rất ngắn. Họ không chịu nhớ rằng các cai đội của họ là Trường Chinh, Tố Hữu, đã “phóng tay phát động” quần chúng tàn sát trong một thời gian rất dài nền văn hoá cổ truyền cả vật thể và phi vật thể của dân tộc. Nền văn hoá cổ truyền và phong tục tập quán của cha ông ngàn đời để lại đã bị tấn công bằng đại bác, bằng bom napal, thậm chí có thể nói bằng bom nguyên tử nữa. Để các chiến sĩ ấy không qui kết là phóng đại, chỉ xin hỏi: Lịch sử Việt Nam đã có chuyện con đấu cha, vợ tố chồng bao giờ chưa? Đã bao giờ có chuyện hàng xóm gí hạ bộ vào mặt nhau không những giữa thanh thiên bạch nhật mà còn được đám đông vỗ tay hoan hô chưa? Nếu có cuốn sách lịch sử nào nói rằng đã từng có những chuyện như thế thì hẳn là đó những cuốn sách viết về giai đoạn sau năm 1950.

Họ tàn phá không chỉ đình chùa miếu mạo trên khắp miền Bắc mà còn đang tâm phá cả Đàn Nam Giao ở Huế, những đình chùa miều mạo còn sót lại thì được dùng làm nơi chứa phân hay chứa thóc của hợp tác xã. Nhà thơ Nguyễn Duy viết:

Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đền chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Đức tin trôi dạt
Thiện ác nhập nhằng
Công lí nổi lênh phênh

Nhưng thật may là nền văn hoá dân tộc vốn được sinh ra và lớn lên một cách tự nhiên nên dù có bị bom cày, đạn sới, nó như cỏ dại ẩn mình khi gặp gió bão, nắng hạn, và sẽ tiếp trục trỗi dậy khi mưa thuận gió hoà. Đình chùa miếu mạo đã được dựng lại rồi, các ngày lễ hội cũng đã trở lại rồi và cái gọi là văn hoá Đảng, văn hoá vô sản đã bị người đời quay lưng, đã bị người đời đưa về đúng vị trí của nó, bằng chứng là từ “đồng chí” đã trở thành trò cười và báo Nhân dân thì chẳng có ma nào mua. Nhớ lại cách đây chừng 20 năm, đăng được một bài trên báo Đảng là cả một niềm tự hào, ngày nay thì tác giả của những bài báo đó chẳng thể mặt dày mày dạn photocopy gửi cho bạn bè và nếu có ai hỏi thì cũng giả bộ cười ruồi chống chế: “Cũng là một cách kiếm cơm ấy mà!”

Thế chẳng đáng vui mừng sao?


3. Nhớ lại kì bầu cử Quốc hội lần trước, giáo sư Nguyễn Lân Dũng được Đảng cử về làm đại biểu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến lần bầu cử này giáo sư lại được cử về làm đại biểu của tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông gì đó còn bà Tôn Nữ Thị Ninh (không thấy nói có học hàm gì) thì được cử về Bà Rịa – Vũng Tàu thay cho ông giáo sư kia. Đảng đã cử thì dân nhất định sẽ bầu, chẳng bầu cũng chẳng được! Nhưng nếu hỏi một ông nông dân, thí dụ, của huyện Xuyên Mộc hay một già làng trưởng bản nào đó ở Đắc Lắc, Đắc Nông về những đại biểu đó thì câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Đù má, mấy ông bà ấy thì biết gì dân tôi mà đòi làm đại biểu?”

Lại nhớ đến những cú ăn bẩn của Mai Văn Dâu, Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng… Nếu có ai đó đưa mấy người này đến trước mặt các cô công nhân may quần áo xuất khẩu ở Đồng Nai hay công nhân lục lộ trên các con đường ở Phú Thọ và bảo đây là các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân chúng ta đấy thì tôi tin rằng các cô công nhân ấy sẽ nói: “Các ông ăn hết cả tiền mua băng vệ sinh của chúng tôi như thế mà không thấy ghê à?”. Rồi có lẽ họ sẽ quay mặt đi chứ chẳng đủ sức, cũng chẳng đủ nước bọt để nhổ vào những chiếc mặt người dạ thú đó.

Ghê quá!

Thế mà có kẻ viết: “Về lí luận và thực tiễn Việt Nam, một Ðảng Cộng sản và một Nhà nước lấy lợi ích của toàn dân làm mục đích cho hành động thì hiển nhiên mọi bước đi trong chiến lược phát triển, mọi hoạt động điều hành kinh tế - chính trị đều hướng tới phúc lợi của toàn dân. Ðiều đó đã được chứng minh qua 20 năm đổi mới. Dựa trên nền tảng của đổi mới tư duy kinh tế, từng bước đổi mới tư duy chính trị và mở cửa, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá với thế giới... chúng ta đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, làm thay đổi diện mạo của đất nước, đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, vị thế của đất nước trong các quan hệ quốc tế ngày càng được nâng cao, khẳng định... Ðối với Việt Nam ngày nay, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một thành tố quan trọng tạo ra tiền đề để thực hiện dân chủ thông qua việc giáo dục, nâng cao nhận thức về dân chủ cho mọi người dân”.

Thật là ghê hơn!

Nhớ lại một câu ngạn ngữ Nga: “Điều gì đã được viết bằng mực thì chẳng thể lấy búa mà đẽo đi được”. Đúng thế, chẳng thể đẽo gọt, cắt cúp gì được hết. Dù cái thời buổi nhố nhăng như bây giờ thì rồi sau đây, có thể sau năm năm, có thể sau mười năm, nhất định người ta sẽ chỉ đích danh kẻ nào đã viết cái gì, đã viết vì ai. Cho nên thiết nghĩ những kẻ có chữ trước khi phơi lòng mình cho thiên hạ thưởng lãm rất nên đặt tay lên ngực mà tự hỏi rằng: “Ta đứng về phe nào? Ta đứng về phe nước mắt hay ta đang bợ đít cho những thằng mặt phẳng như những cái mông đít, chỉ đáng làm bồn cầu trong toilet nhà bà Dương Thu Hương?”. Nếu mù mờ cảm thấy mình thuộc loại thứ hai thì nên nhanh chóng quay về nhà thắp mấy nén nhang tạ tội với tổ tiên: “Từ nay xin chừa” kẻo mà con cháu sau này có mua tất cả P/S, Dove, Listerin từ khắp năm châu bốn biển, cả hàng thật lẫn hàng mã, bày lên bàn thờ thì cũng chẳng thể nào tẩy hết mùi xú uế mà cha ông chúng đã tự rước vào.

© 2006 talawas



[1]Nhà xuất bản này đã làm một việc “hơi bị đểu” là cắt đi một số đoạn mà không thoả thuận với dịch giả. Ông Đỗ Lai Thúy biện hộ rằng: “Có sửa chữa đôi chút cho phù hợp với độc giả hiện nay”.
[2]Đoạn in nghiêng này không có trong lần xuất bản năm 2002 tại Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin.
[3]Chữ Stalin trong đoạn in nghiêng này trong lần xuất bản năm 2002 tại Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin được thay bằng từ lãnh tụ hay thuyết lãnh tụ.