trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
2.7.2008
Brook Larmer
Khổ thuỷ
(Dòng nước đắng)
Khiêm dịch
 
Mấy tháng trời chẳng có một giọt mưa rơi, và những đám mây duy nhất đến từ những trận bão cát thổi thốc qua sa mạc. Nhưng khi Hoàng Hà uốn mình qua cảnh vật cằn cỗi của miền trung châu Hoa Bắc, một quang cảnh sửng sốt lung linh ở chân trời: những đồng lúa xanh, những mẫu hướng dương, những vạt bắp, lúa mì, cẩu kỷ tươi tốt – mọi thứ đều phát triển mạnh dưới bầu trời nghiệt ngã.

Đây không phải là ảo ảnh. Cái ốc đảo rộng lớn ở phía bắc Ninh Hạ (Ningxia), gần trung điểm của hành trình 3400 dặm của dòng Hoàng Hà từ bình nguyên Tây Tạng tới biển Bắc Hải, đã sống sót suốt hai ngàn năm qua, từ hồi hoàng đế nhà Tần xuất một đạo nông binh đi đào các con kênh và trồng lương thực cho binh lính đóng ở Trường Thành. Ngày nay Shen Xuexiang đang cố theo đuổi truyền thống đó. Bị thu hút tới đây ba thập niên trước bởi nguồn cung ứng nước dường như bất tận, người nông dân 55 tuổi này vun trồng những cánh đồng bắp nằm giữa những di tích của Trường Thành và dòng nước trĩu phù sa của Hoàng Hà. Từ trên bờ kênh dẫn thủy nhập điền, Shen nhìn chằm chằm ra cánh đồng xanh mênh mông và khâm phục quyền năng của dòng sông: “Tôi luôn cho đây là nơi đẹp nhất dưới vòm trời này.”



Nhưng thiên đường hạ giới này đang biến mất nhanh. Sự nhân nhanh các nhà máy, nông trại, và thành phố - mọi thứ đều là sản phẩm của sự bùng phát kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc – đang hút kiệt Hoàng Hà. Lượng nước còn lại đang bị nhiễm độc. Từ trên bờ kinh, ông Shen chỉ vô một chớp màu siêu thực khác: hóa chất phế thải đỏ như máu tuôn ra từ cống, làm nước kênh tím rực lên. Con kênh này, vốn trút vào Hoàng Hà, đã từng có hàng đàn cá và rùa, ông ta nói. Giờ nước của nó độc đến mức không thể dùng ngay cả để tưới ruộng; hai con dê của ông Shen chết trong vòng vài tiếng sau khi uống nước kênh.

Sự ô nhiễm chết người đến từ đội ngũ các nhà máy hóa chất và dược phẩm phía trên những cánh đồng của ông Shen, ở Shizuishan, giờ bị coi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ông Shen, dáng người vững chắc với mái tóc muối tiêu cắt ngắn, đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan môi trường để ngăn chặn việc tống tháo hóa chất vô luật lệ. Viên chức địa phương có trách nhiệm thi hành phản hồi bằng cách coi tài sản của ông Shen là “không thể sinh sống ở nơi đó được.” (uninhabitable) Tuyên bố không thể làm được gì khác, viên chức đó bèn rời nhiệm sở cho cái công việc mới là thăng tiến chính cái khu công nghiệp hắn ta có trách nhiệm giám sát. “Chúng tôi đang chậm rãi đầu độc chính mình”, ông Shen nói, run lên vì giận dữ. “Sao họ lại có thể để cái chuyện này xảy ra cho Sông Cái của mình?”

Chỉ có vài dòng sông nắm bắt được hồn nước sâu sắc hơn Hoàng Hà. Nó đối với Trung Hoa giống như sông Nile đối với Ai Cập: cái nôi của văn minh, biểu tượng của vinh quang trường cửu, sức mạnh thiên nhiên bị sợ hãi lẫn được tôn thờ. Từ nguồn nước huyền hoặc trên cao nguyên Tây Tạng cao 14000 bộ, dòng sông chảy qua những đồng bằng Hoa Bắc nơi những cư dân nguyên thủy của Trung Hoa học cày cấy và làm dẫn thủy nhập điền, làm đồ sứ và chế thuốc súng, xây đắp và chôn vùi những triều đại đế vương. Nhưng hôm nay, cái mà người Trung Hoa gọi là Sông Cái đang chết. Bẩn vì ô nhiễm, ô uế vì nước cống, đông nghẹt vì những con đập dự trù tệ hại, nó teo nhỏ lại ở cửa biển thành một dải nước vô hồn. Có nhiều ngày trong suốt thập niên 1990 dòng sông không chảy nỗi ra tới biển.

Cái chết của con sông huyền thoại là một thảm kịch có hậu quả lan rộng hơn cả 150 triệu người nó nuôi dưỡng. Cảnh ngộ khốn cùng của Hoàng Hà cũng soi tỏ mặt tối của phép màu kinh tế Trung Quốc, một cuộc khủng hoảng môi trường vốn đã dẫn tới sự thiếu hụt cái tài nguyên không quốc gia nào sống mà không cần tới: nước.

Nước lúc nào cũng quý giá ở Trung Hoa, một quốc gia có lượng nước xấp xỉ Hoa Kỳ nhưng có dân số cao gấp năm lần. Sự thiếu hụt đặc biệt nghiêm trọng ở miền Bắc khô hạn, nơi có gần một nữa dân số Trung Quốc sống dựa trên chỉ 15 phần trăm lượng nước của nó. Những tai nạn lịch sử và địa lý này khiến Trung Quốc dễ bị thương tổn; một chuỗi những cú sốc do con người tạo ra giờ đang đẩy nó tới bờ vực. Hiện tượng nóng ấm toàn cầu đang tăng tốc sự thoái trào của băng hà vốn tiếp nước cho nhiều con sông chính của Trung Hoa, cùng lúc nó thúc đẩy sự lan rộng của sa mạc giờ đang nuốt chửng tới một triệu mẫu đất thảo nguyên mỗi năm.

Tuy nhiên, không có gì đẩy nhanh cuộc khủng hoảng nước hơn ba thập niên phát triển công nghiệp nhanh đến độ nguy hiểm. Sự bùng phát kinh tế của Trung Quốc, trong sự cân xứng nghiệt ngã, đã tiếp nhiên liệu cho một cuộc sụp đổ môi trường trong chiều hướng đối nghịch lại và tương đương với cỡ đó. Trong cuộc đua của nó để trở thành siêu cường kế tiếp của thế giới, Trung Quốc không chỉ vô tư hút kiệt các con sông và túi nước ngầm của mình; nó còn làm ô nhiễm những gì còn sót lại tới mức không thể đảo ngược được nữa đến nỗi Ngân hàng Thế giới phải cảnh cáo về “những hậu quả thảm khốc đối với các thế hệ tương lai.”

Nếu điều đó nghe có vẻ cường điệu, hãy nghĩ đến những gì đã xảy ra trong châu thổ Hoàng Hà. Sự lan rộng của sa mạc đang tạo nên một miền khô hạn mà có lẽ làm cho cái nạn đó ở miền Tây nước Mỹ trong thập niên 1930 thành nhỏ bé, đẩy sản xuất lương thực xuống và đẩy hàng triệu “người tị nạn môi trường” ra khỏi miền đất đó. Các chất độc hại làm ngạt dòng nước – 50 phần trăm của Hoàng Hà được coi là miền chết về mặt sinh học – đã dẫn đến sự tăng đột biến những ca ung thư, quái thai, và các bệnh có mầm từ nước dọc theo đôi bờ của chúng. Các cuộc phản kháng liên hệ tới ô nhiễm đã nhảy vọt lên – có 51000 vụ trên toàn Trung Quốc chỉ trong năm 2005 – và có thể lan ra thành bất ổn xã hội. Bất kỳ thứ nào trong những triệu chứng này, nếu không được kiểm soát, có thể cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc và dội ra trên các thị trường thế giới. Gom lại với nhau, tác động lâu dài có thể còn thê thảm hơn. Như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói, sự thiếu hụt nước sạch đe dọa “sự sống còn của dân tộc Trung Hoa.”

Hành trình sử thi của Hoàng Hà qua miền Hoa Bắc là cái lăng kính qua đó để thấy cuộc khủng hoảng nước đang phơi bày ra ở đất nước này. Từ những người du mục Tây Tạng đang rời bỏ đất tổ của mình gần đầu nguồn tới những “làng ung thư” mòn mỏi trong câm lặng gần cửa sông, Sông Cái đặt khuôn mặt người lên cái giá của sự tàn phá môi trường. Nhưng nó cũng cho thấy tình trạng khẩn cấp này đang làm chính quyền bị sốc – và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động môi trường – buộc phải ra tay hành động ra sao. Số phận của Hoàng Hà vẫn còn treo trên bàn cân.

Ngồi trên cái sống lưng đồi ở độ cao ba dặm trên mặt biển, một người chăn gia súc Tây Tạng má hồng có hai cái răng vàng nhìn ra toàn miền cao nguyên gia đình bà ta đã ngang dọc suốt nhiều thế hệ. Đó là một cảnh đẹp bình dị: những ngọn đồi uốn lượn bị bao phủ dưới lớp mầm cỏ mùa hè, những đàn bò Tây Tạng và cừu gặm cỏ trên những triền dốc xa; và trong nền đất ngay trước mặt một dòng suối cạn, trong vắt vốn là khởi nguồn của Hoàng Hà. “Đây là miền đất thiêng,” Erla Zhuoma, người đàn bà 39 tuổi mẹ của bốn đứa con nói, nhớ lại cái gia đình du mục của mình đã luân phiên qua đây để chăn 600 con cừu và một 150 con bò Tây Tạng của mình ra sao. Hết rồi, thiếu phụ nói, lắc đầu chán nản. “Hạn hán đã thay đổi hết mọi thứ.”

Những dấu hiệu phiền toái đầu tiên nổi lên nhiều năm trước đây, khi ao hồ và sông suối trong vùng bắt đầu khô cạn và thảo nguyên bắt đầu khô héo đi, biến việc tìm kiếm cỏ và nước cho đàn gia súc thành những cuộc thám hiểm dài hơi. Các nhà khoa học Trung Quốc nói hạn hán là triệu chứng của sự ấm nóng toàn cầu và sự gặm láng hết cỏ. Nhưng Zhuoma nguyền rủa sự khốn khó lên người ngoài – các thành viên của chủng tộc Hán đa số - vốn đã làm cho thần linh tức giận vì khai mỏ vàng trong một ngọn núi thiêng gần đó và đánh bắt cá trong những hồ thiêng ở đầu nguồn của Hoàng Hà. Còn gì khác nữa bà có thể cắt nghĩa được cho cái chết của hàng trăm gia súc do đói khát? Lo ngại những mất mát nhiều hơn nữa trong tương lai, Zhuoma và chồng mình chấp nhận đề nghị của chính quyền bán đứt hết đàn gia súc còn lại để lấy khoản trợ cấp hàng năm 3000 đô la và một căn nhà khối bê tông ở một trại định cư gần thị trấn Madoi. Người chăn gia súc giờ thành kẻ bị chăn, những người du mục chẳng còn chổ để đi.

Khủng hoảng nước của Trung Quốc bắt đầu từ trên mái nhà của thế giới, nơi ba con sông có tiếng của quốc gia này (Hoàng Hà, Dương Tử, và Mekong) khởi nguồn. Băng hà và các con suối ngầm rộng lớn của bình nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, được biết đến như “tháp nước” của Trung Quốc, cung cấp gần 50 phần trăm dung tích nước của Hoàng Hà. Nhưng khí hậu khô hơn, nóng hơn đang đẩy hệ sinh thái nhạy cảm này vào một cơn sốc. Nhiệt độ trung bình trong vùng đang tăng lên, theo cơ quan khí tượng Trung Quốc, và có thể tăng nhiều từ 3 tới 5 độ C vào cuối thế kỷ này. Đã xảy ra rồi, hơn 3000 trong số 4077 hồ ở huyện Madoi của tỉnh Thanh Hải đã biến mất, và các đụn cát của sa mạc cao nguyên đang bao vây một cách hăm dọa những cái còn lại. Băng hà, trong khi đó, đang co lại ở mức 7 phần trăm một năm. Nước băng tan có thể cung thêm nước cho dòng sông trong ngắn hạn, nhưng các nhà khoa học nói rằng hậu quả dài hạn có thể chết chóc cho Hoàng Hà.

Để cứu những con sông lớn của mình, Bắc Kinh đang trình diễn một màn múa cầu mưa kỹ thuật, bằng một chương trình cấy mây tham vọng nhất thế giới. Suốt những tháng hè, đại bác và máy bay tập kích những đám mây trên khu vực đầu nguồn của Hoàng Hà bằng các tinh thể i ốt bạc, mà quanh nó hơi ẩm kết tụ được và trở nên đủ nặng để rớt xuống thành mưa. Ở Madoi, nơi những tiếng nổ rền như sấm cứ làm cho gia đình Zhuoma thức giấc trong đêm, các nhà khí tượng đóng ở trạm thời tiết nói đồ án “đại bác” đang làm tăng lượng mưa rơi và giúp bồi đầy băng hà gần đầu nguồn của Hoàng Hà. Tuy nhiên, người Tây Tạng ở địa phương tin rằng những trái hỏa tiễn, do làm thần linh nổi giận thêm lần nữa, đang kéo dài cơn hạn.

Như hàng ngàn người tị nạn Tây Tạng được tái định cư trên toàn Thanh Hải, Zhuoma để tang cho hồi kết của một lối sống cổ xưa. Của cải của gia đình, từng được đo bằng cỡ của đàn gia súc, đã teo tóp lại chỉ còn vài món trang sức bà ta đang đeo: ba cái nhẫn bạc, một cái còng đá, và hai cái răng vàng. Zhuoma không có việc làm, và chồng bà, mướn một cỗ xe kéo để đi giao hàng quanh vùng, ngày nào khá thì kiếm được ba đô la. Không lâu trước đây, gia đình bà ăn thịt mỗi ngày, giờ họ sống sót bằng mì và bánh bột chiên. “Chúng tôi chẳng còn chọn lựa nào khác nữa ngoại trừ phải điều chỉnh thôi,” bà nói. “Chúng tôi biết làm gì khác được?” Từ ngôi nhà bê tông của mình, Zhuoma vẫn có thể nhìn thấy những nguồn nước bạc của Hoàng Hà, nhưng mối liên hệ với thủy thổ - di sản của bà – đã mất đi vĩnh viễn.

“Bà đang làm gì đó?”, viên bảo vệ hạch hỏi. “Không làm gì hết,” người đàn bà dềnh dàng đang lẩn ra khỏi cổng của nhà máy giấy đáp, nhét cái vũ khí bí mật của mình - một dụng cụ định vị toàn cầu cầm tay (GPS) – vào dưới áo ấm. Tay bảo vệ dòm chừng bà ta suốt một phút, và người đàn bà, một công nhân nhà máy 51 tuổi bị cho nghỉ việc tên Jiang Lin, nín thở. Khi hắn quay đi, bà móc cái GPS ra và nhanh chóng khóa lại tọa độ của nhà máy giấy.

Trong vai trò nhân viên của Lục Lạc Chung, một nhóm môi trường trong thành phố Lanzhou ở tây vực, Jiang đang theo một lời mách rằng nhà máy đang đổ hóa chất phế thải không qua xử lý xuống một phụ lưu của Hoàng Hà. Có hàng trăm nhà máy như vậy chung quanh Lanzhou, một trạm giao thương trên con đường tơ lụa trước đây giờ vốn đã hóa thân thành một tụ điểm sản xuất hóa chất. Trong năm 2006, ba vụ đổ tràn ngập hóa chất công nghiệp ở đây khiến Hoàng Hà đỏ ối. Một vụ đổ tràn khác biến nó thành màu trắng. Cái nhà máy này đang làm bẩn cái phụ lưu với chất độc sắc đỏ sậm. Khi Jiang trở lại văn phòng, dữ liệu từ GPS sẽ được email về Bắc Kinh và tải lên một “bản đồ ô nhiễm” đặt trên mạng để toàn thế giới thấy.

Đối với tất cả tự hào của Lanzhou ở chỗ là thành phố đầu tiên và lớn nhất dọc theo Hoàng Hà, nó lại được biết đến nhiều hơn vì sự đổ tháo chất thải công nghiệp và người với số lượng khổng lồ. Nhưng ngay cả ở đây cũng có một tia hy vọng: những hạt giống đầu tiên của ý thức hành động vì môi trường, mà có lẽ là cơ may duy nhất cho sự cứu sống dòng sông. Giữa thập niên 1990 chỉ có vài nhóm môi trường ít ỏi tồn tại ở Trung Quốc. Hôm nay có hàng ngàn, kể cả Lục Lạc Chung. Zhao Zhong, người con trai 25 tuổi của Jiang Lin, sáng lập nhóm này năm 2004 để giúp làm sạch thành phố và bảo vệ Hoàng Hà. Với chỉ năm nhân viêng hưởng lương, Lục Lạc Chung là một tác vụ kiểu nhà nghèo được giữ ngoi ngóp bằng những trợ cấp từ Môi trường Thái bình, một NGO (tổ chức phi chính phủ) ở Mỹ. Cái tên họ chọn, theo tiếng chuông trấn an đeo trên những con lạc đà trong những đoàn lữ hành dọc theo Con đường Tơ lụa, có nghĩa là “dấu hiệu của sự sống,” Jiang nói. “Tiếng chuông có trách nhiệm mang hy vọng tới cho người nghe được nó.”

Cuối cùng Bắc Kinh tỏ ra muốn lắng nghe. Sau ba thập niên mù quáng theo đuổi tăng trưởng, chính quyền bắt đầu vật lộn khổ sở với chi phí môi trường. Tác động không chỉ đơn giản là vấn đề tiền bạc, dù Ngân h0àng Thế giới tính rằng tổn hại môi trường cướp Trung Quốc mất 5.8 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của nó mỗi năm. Nó còn là vấn đề xã hội: Những công dân giận dữ năm ngoái tràn ngập chính quyền với hàng trăm ngàn vụ khiếu nại chính thức về môi trường. Hoặc để cứu môi trường hoặc để ngăn ngừa bất ổn xã hội, Bắc Kinh đã chấp thuận các mục tiêu đầy tham vọng, hướng tới giảm tiêu thụ nước 30 phần trăm và giảm những vụ xả chất ô nhiễm 10 phần trăm vào 2010.

Dù có thiện ý, cuộc khủng hoảng chỉ đang tệ hơn mà thôi, phản ánh sự mất kiểm soát của Bắc Kinh trên những tỉnh háu tăng trưởng của đất nước này. Luật sư môi trường hàng đầu Wang Canfa ước lượng rằng “chỉ 10 phần trăm của luật môi trường được thực thi.” Không thể tin tưởng ở bộ máy quan liêu của chính nó, Bắc Kinh đã ngần ngại chấp nhận báo chí và các nhà hoạt động quần chúng để giúp gây áp lực lên công nghiệp địa phương. Nhưng thật tội nghiệp cho kẻ thập tự chinh sinh thái nào phát biểu nhiều quá. Anh ta có thể có một kết cục như Wu Lihong, một nhà hoạt động môi trường bị bỏ tù và tra tấn hồi năm ngoái vì công bố sự sinh sôi nảy nở của loài tảo độc trong Thái Hồ ở Trung Nguyên.

Trở về với văn phòng Lục Lạc Chung, Jiang nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết của nhóm với thẩm quyền địa phương. “Chính quyền đã làm việc cực khổ để ngăn chặn các nhà máy khỏi đổ bừa chất thải,” bà nói. Tuy thế, dọc bức tường văn phòng của bà là những chai nhựa đựng nước xả ra bởi các nhà máy có màu từ vàng tới tím - tất cả đều không được phân tích do thiếu ngân quỹ. Ngay cả với nguồn lực khiêm tốn của nó, Lục Lạc Chung đã huy động được nhiều tình nguyện viên giúp khảo sát sinh thái của đoạn sông Hoàng Hà dài 24 dặm chảy qua Lanzhou. Công việc quan trọng nhất, và bí mật nhất, của họ là phô bày công khai những kẻ gây ô nhiễm quá quắt nhất. Công việc này đủ để một công nhân bị cho nghỉ việc cái cảm thức quyền năng và mục đích. “Tôi cảm thấy mình như là thám tử,” Jiang nói, cười giễu vụ thoát được trong gang tấc ở nhà máy giấy. “Nhưng những người bình thường như tôi phải nhập cuộc. Ô nhiễm là một vấn đề ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.”

Hai trăm dặm về phía đông bắc của Lanzhou, Hoàng Hà trổ một đường băng qua vùng đất mênh mông quạnh vắng của Ninh Hạ, bày ra một vấn đề với hậu quả còn thê thảm hơn ô nhiễm nữa: sự khan nước. Trung Quốc khởi sự với một bất lợi, hỗ trợ 20 phần trăm dân số thế giới với chỉ 7 phần trăm lượng nước ngọt toàn cầu. Nhưng nó tệ hại hơn nhiều ở Ninh Hạ này, một miền khô cằn đang chịu cơn hạn tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi chép lại. Trong nhiều thiên kỷ Hoàng Hà là đấng cứu thế của Ninh Hạ; hôm nay dòng nước đang bị phí phạm. Gần thành phố Yinchuan, dòng nước từng cuồn cuộn của con sông giờ teo lại thành một một con kinh hẹp. Người địa phương kết tội thiếu mưa làm cạn kiệt con sông. Nhưng thủ phạm lớn nhất là sự sử dụng nước hoang phí bởi những nông trại, nhà máy, và thành phố đang bành trướng nhanh chóng.

Có lẽ mỗi cuộc cách mạng, ngay cả cuộc cách mạng tư bản, ăn thịt những đứa con của mình. Nhưng nhịp độ mà Trung Quốc đang hoang phí tài nguyên quý nhất của nó làm ai cũng sửng sốt. Những đợt xả nước sáng suốt từ các hồ chứa đã giúp tránh được sự khó khăn trong những năm gần đây, khi Hoàng Hà hoàn toàn khô cạn. Nhưng lưu lượng nước sông chỉ còn bằng 10 phần trăm mức bốn mươi năm trước đây. Nước đi đâu hết rồi? Nông nghiệp bơm rút mất hơn 65 phần trăm, một nửa số đó mất mát trong các ống dẫn và các con mương bị rò rỉ. Công nghiệp nặng và các thành phố đang tăng trưởng nhanh nuốt hết phần còn lại. Nước ở Trung Quốc, không tốn tiền cho đến 1985, vẫn còn được trợ giá nặng nề nên bảo tồn và hiệu quả là những khái niệm phần lớn xa lạ. Cuộc vây hãm Hoàng Hà vẫn chưa thấy ngừng: Trong năm 2007, chính quyền chấp thuận chi 53 tỉ đô la cho công nghiệp khai thác than và hóa chất được lắp đặt dọc theo đoạn sông dài 500 dặm phía bắc của Yinchuan.

Sự tăng trưởng điên cuồng đó có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành nạn nhân của chính cuộc khủng hoảng nước mà nó đã góp phần tạo ra. Trong số 660 thành phố ở Trung Quốc, hơn 400 thiếu nước, với hơn một trăm trong số này chịu nạn thiếu hụt trầm trọng. Bắc Kinh cũng thiếu nước dai dẳng, nhưng nó sẽ được tha suốt mùa Olympics, nhờ ở kỳ công kỹ thuật đổi hướng nước khỏi Hoàng Hà. Trong một xã hội mà sự phân cách giữa thành thị và nông thôn, giàu và nghèo đang tăng lên, miền quê rộng lớn của Trung Quốc – và 738 triệu nông dân của nó - sẽ chịu áp lực chính của sự thiếu hụt nước.

Thiếu nước đã khiến sản xuất lương thực của Trung Quốc khó khăn hơn, tiếp nhiên liệu cho những quan ngại về các cú sốc tương lai đối với thị trường lương thực thế giới, nơi mà ngay cả một sự tăng giá khiêm tốn có thể gây nên một tác động thê thảm lên người nghèo. Wang Shucheng, Bộ trưởng Tài nguyên nước trước đây của Trung Quốc, nói về tình trạng một cách kịch tính: “Chiến đấu cho mỗi giọt nước hoặc chết, đó là cái thách thức đối mặt với Trung Quốc.”

Đối với Sun Baocheng, một nông dân 37 tuổi vời làn da rám nắng từ làng Yanghe ở miền trung Ninh Hạ, thách thức này không chỉ là sự quá đáng về mặt tuyên truyền. Hai năm trước, sau khi giếng và hồ hứng nước mưa của họ khô cạn vì hạn hán, tất cả 36 gia đình ở Yanghe bỏ rơi ngôi làng họ cho sa mạc đang dần tiến tới. Họ tới một thung lũng có tên Hongsipu, nơi hơn 400000 người tị nạn môi trường định cư vì một lý do: Ở đó có nước, được đưa về từ Hoàng Hà, 20 dặm về hướng bắc, theo một hệ thống cầu dẫn do Kuwait tài trợ uốn lượn qua hoang mạc cây cỏ lúp xúp. Dân làng Yanghe định cư trong một dãy nhà gạch gồm những căn nhà một buồng gần cầu dẫn nước bê tông, chăm sóc những mảnh đất được chính quyền Trung Quốc cấp (cùng với chừng 25 đô la mỗi đầu người) như một phần của chương trình giảm nghèo và sa mạc hóa.

Cho dù Sun chỉ có thể chăm chút được vài thân bắp từ nền đất cát, anh ta hứng thú với mùa màng tươi tốt - và của cải đang tăng - của những người tị nạn đã ổn định hơn. “Nếu không rời làng cũ tới đây,” anh ta nói, “chúng tôi sẽ không sống sót được.” Sông Cái, lần nữa, đang cho sự sống. Nhưng với mọi áp lực trên dòng nước đang teo tóp của nó, một người sẽ thắc mắc: tạo nên một ốc đảo khác trong sa mạc sẽ gây ra điều gì cho những cơ hội sống sót của chính dòng sông?

Phương châm của Mao Trạch Đông – “Hy sinh một gia đình, cứu vạn gia đình” - vẫn còn khắc sâu trong ký ức của Wang Yanxi. Như những hoàng đế Trung Hoa trước mình, Mao Chủ tịch ám ảnh với việc thuần hóa Hoàng Hà, lực mang lại sự sống mà sự đổi dòng của nó cũng tháo cương cho những trận lụt tàn phá, đem cho nó cái hỗn danh “Nỗi buồn Trung Hoa”. Năm 1957, khi xây dựng bắt đầu trên con đập khổng lồ ở Sanmenxia, trên phần giữa của con sông, 400000 người - kể cả Wang - mất nhà cửa. Khẩu hiệu của Mao thuyết phục họ đó là một sự hy sinh cao cả. “Chúng tôi tự hào đã giúp được cho đất nước,” Wang giờ 83 tuổi nói. “Chúng tôi chẳng được gì ngoài sự khốn khổ không nguôi từ dạo đó.”

Ý tưởng chinh phục đã thúc đẩy lối tiếp cận thiên nhiên của Trung Hoa từ thời Đại Vũ, vua đầu của nhà Hạ, được cho là đã tuyên bố hồi 4000 năm về trước: “Ai kềm giữ được Hoàng Hà sẽ kiểm soát được Trung Hoa.” Mao đẩy điều này, như nhiều điều khác, tới mức cực đoan. Đài tưởng niệm lớn nhất của ông ta cho quyền lực của con người đối với thiên nhiên - đập Sanmenxia cao 350 bộ - là một ca nghiên cứu về hiểm nguy của những hậu quả không lường trước. Con đập đã thuần hóa phần hạ lưu của Hoàng Hà bằng cách biến nó thành cái mà một nhà bình luận gọi là “con mương dẫn thủy nhập điền lớn nhất quốc gia.” Nhưng tác động phía thượng nguồn thì thảm khốc, do sự thiếu tầm nhìn đáng kinh ngạc. Các kỹ sư đã không tính toán được khối lượng phù sa hoàng thổ khổng lồ (hơn gấp ba lần lượng phóng xuất trầm tích của Mississippi), vốn mang lại cho nó tên Hoàng Hà. Do không quản nổi lượng phù sa, Sanmenxia đã gây ra nhiều trận lụt ngang với số trận lụt nó ngăn chặn được, tàn phá nhiều cuộc đời ngang với số nó cứu, và thúc hối việc xây dựng một con đập khổng lồ khác chỉ để sửa chữa sai lầm. Một trong số những kỹ sư gốc của Sanmenxia ngay cả đề nghị cho nổ tung cái đập.

Wang có lẽ đã là người đầu tiên tình nguyện cho sứ mệnh đó. Ngồi tước vỏ bông trên bậc cửa ở làng Taolingzhai, chừng 30 dặm về phía tây của Sanmenxia, người đàn ông tóc bàn chải trước đây là thầy giáo nhớ lại một cuộc đời mà mỗi thảm kịch của nó đã được định hình bởi con đập. Sau khi Wang và gia đình bị tống khỏi mảnh đất màu mỡ này trong thời kỳ xây dựng đập, họ bị đày tới một vùng sa mạc cách đó năm trăm dặm. Gần một phần ba người tị nạn chết đói trong suốt Đại Nhảy vọt của Mao, ông nói. Kết cục, một nửa trong số người sống sót luồn lách về nhà. Wang giờ làm ruộng gần ngã ba sông Vệ và sông Hoàng. Nhưng ngay cả ở đây, ông ta cũng không an toàn. Khi có mưa to, hồ chứa nước Sanmenxia đầy lên, đẩy các chất ô nhiễm qua khỏi bờ. Ba trận lụt trong vòng năm năm đã tiêu diệt các vụ thu hoạch bông vải của ông và làm nhiễm độc nguồn nước của làng. “Tất cả những người trẻ đã bỏ đi,” Wang nói. “Không có tương lai ở đây.”

Không như quyển sổ đỏ của Mao, đập Sanmenxia khó có thể là di tích của quá khứ. Trung Quốc giờ khoe khoang có gần một nửa trong số 50000 đập lớn của thế giới – ba lần nhiều hơn Hoa Kỳ - và sự xây dựng đập vẫn tiếp tục. Một chuỗi 20 con đập lớn đã chặn đứng Hoàng Hà và 18 cái khác được dự trù sẽ xây xong vào năm 2030. Sự phản kháng sâu rộng đối với xây dựng đập đã nổi lên, phần lớn nổi tiếng quanh việc tái định cư ép buộc hơn một triệu người do xây đập Tam Hợp trên sông Dương Tử, nhưng chỉ có tác động nhỏ nhoi. Ma Jun, nhà môi trường nổi tiếng, nói các con đập trên Hoàng Hà đặc biệt nguy hại, vì chúng làm trầm trọng hơn các đe dọa song sinh của ô nhiễm và khan hiếm nước. Lưu lượng nước giảm đã tiêu diệt khả năng xối sạch các chất ô nhiễm nặng của dòng sông, ngay cả các hồ chứa nước hiện có cũng làm cho dòng sông đã bị sử dụng quá mức một cách tệ hại bị hút mất nước nhiều hơn nữa. “Tại sao con người không thể từ bỏ tham vọng thuần phục và kiểm soát thiên nhiên tàn nhẫn của mình,” Ma hỏi, “và thay vào đó chọn sống hài hòa với nó?”

Câu trả lời đơn giản: Bắc Kinh vẫn còn nghiện tăng trưởng. Sự bùng phát kinh tế đã nâng hàng trăm triệu người Trung Hoa khỏi nghèo khó, và tính chính thống của Đảng Cộng sản, có lẽ cả sự sống còn của nó, tùy thuộc vô sự bành trướng kinh tế tiếp tục. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói chuyện đầu môi chót lưỡi về bảo tồn và hiệu quả như một giải pháp cho sự thiếu hụt nước triền miên của miền Bắc. Nhưng thay vì nâng giá nước theo đúng mức thị trường - một động thái chắc chắn sẽ khiến quảng đại quần chúng và đại công nghiệp xa lánh - họ đã chọn một kỳ công kỹ thuật khổng lồ khác thay vô đó: Kế hoạch “Chuyển nước từ Nam ra Bắc”. Hệ thống kênh mương trị giá 62 tỉ đô la này, vốn được thiết kế để làm nhẹ bớt áp lực lên Hoàng Hà, sẽ bơm 50 tỉ lít nước một năm từ châu thổ sông Dương Tử và dẫn qua 700 dặm lên miền Bắc, băng qua bên dưới Hoàng Hà ở hai nơi. Không ngạc nhiên chút nào, theo tầm cỡ Olympic của đồ án đó, rằng nó – như Sanmenxia – có gốc từ một trong những giấc mơ về đường ống dẫn của Mao.

Ngay cả khi các phần khác của Trung Quốc bước chệnh choạng qua các vụ hạn và lụt trong những thập niên vừa qua, làng Xiaojiadien vui hưởng một nguồn cung cấp nước ngọt đều đặn do chính cái vị trí của nó trên một phụ lưu của Hoàng Hà, không đầy hai trăm dặm trước khi nó đổ ra biển. Nhưng nước, từng là nguồn sống, đã biến thành chết chóc. Không ai ở đây thích nói về cái tai ương giáng xuống làng, nhưng vết sẹo chạy xổ xuống trên ngực của một người nông dân gầy giơ xương tên Xiao Sizhu có sự hùng biện của riêng nó. Nó chỉ ra chính xác nơi mà các bác sĩ cố cắt đi bướu ung thư đang gặm đứt cuống họng của anh ta. Giữa những lần cắn bánh ướt - một trong những thứ thực phẩm duy nhất ông ta ăn được – Xiao, 55 tuổi, thì thầm về ngày xưa khi gia đình ông thấy mình may mắn được sống ở cái góc đầy tràn nước của châu thổ sông, ở miền đông tỉnh Sơn Đông. Trong hai thập niên vừa qua, tuy nhiên, một cuộc diễn hành của các nhà máy giấy, nhuộm, và các nhà máy khác đến trên thượng lưu, đổ chất thải thẳng xuống sông. Xiao từng bơi và câu cá trong cái vũng xoáy gần giếng làng. Giờ đây, ông nói, “Tôi không bao giờ đến gần bờ nước vì nó có mùi kinh khủng và có bọt bên trên.”

Một nơi khác ông ta cũng tránh là khu rừng dương phía ngoài làng, với những nấm mộ kéo dài tới bờ sông. Trong năm năm qua, hơn 70 người trong ngôi làng 1300 người này chết vì ung thư bao tử hoặc cuống họng. Hơn một ngàn người khác ở 16 ngôi làng lân cận cũng bị chết. Yu Baopha, nhà ung bướu hàng đầu ở Sơn Đông - người đã nghiên cứu các ngôi làng ở huyện Dongping, gọi nó “thủ đô ung thư của thế giới.” Ông ta nói mức độ ung thư cuống họng trong vùng cao hơn mức trung bình của quốc gia tới 25 lần.

Hơn bốn tỉ tấn nước thải hàng năm đổ xuống Hoàng Hà, chiếm tới 10 phần trăm thể tích của nó, đã đẩy một phần ba các loài cá bản địa đến diệt vong và khiến cho nhiều đoạn sông dài không còn thích hợp cho tưới ruộng. Giờ thì đến cái giá phải trả của con người. Trong một bản tường trình năm 2007 Bộ trưởng Y tế Trung Quốc kết tội ô nhiễm nước và không khí cho mức tăng đáng báo động ở tỉ suất ung thư trên toàn cõi Trung Quốc tính từ năm 2005 – 19 phần trăm ở đô thị và 23 phần trăm ở nông thôn. Gần hai phần ba dân số nông thôn Trung Quốc, hơn 500 triệu người, sử dụng nước bị nhiễm bẫn bởi chất thải công nghiệp hoặc của người. Chẳng thắc mắc chút nào, ung thư ruột và bao tử giờ đây là kẻ giết người số một ở miền quê.

Sự nhan nhản của các bệnh liên quan tới ô nhiễm là sự an ủi lạnh lùng cho dân làng Xiaojiadian, vốn sống trong lo âu và tủi hổ. Nỗi lo âu thì có thể hiểu được: thêm 16 ca ung thư nữa trong làng được chẩn đoán hồi năm ngoái. Sự tủi hổ, tuy nhiên, có gốc rễ sâu xa hơn. Cho dù các quan chức bảo người làng rằng cơn dịch dường như có mầm từ giếng nước uống do dòng sông bị nhiễm độc, nhiều người dân địa phương tin rằng ung thư đến từ sự mất cân bằng khí huyết, vốn được nói xảy ra thường xuyên hơn với những người dễ nóng giận hoặc có tính xấu.

Như phần lớn các nạn nhân, Xiao đau khổ trong im lặng trong ngôi nhà mình gần một năm, dấu những triệu chứng ngay cả với bác sĩ địa phương. Hóa đơn y tế đã quét sạch tiền dành dụm của ông ta từ đó, và cục u đã làm giảm giọng nói của ông ta xuống thành tiếng thì thầm. Ngay cả vậy, Xiao vẫn là một trong số hiếm muốn nói to lên. “Nếu chúng tôi không nói, sẽ không có gì được làm,” ông ta hắng cổ, nhổ ra đờm mủ vào trong cái ly nhựa. Chính quyền gần đây xây một cái giếng mới cách đó 11 dặm và gởi tới một nhóm bác sĩ. Nhưng Xiao nói các quan chức có lẽ không chú ý tới Xiaojiadian nếu một người trong làng không chỉ cho một phóng viên ở một đài truyền hình Trung Quốc hai năm trước. Giờ Xiao chỉ có một sự hối tiếc: ông ta đã không la lên sớm hơn. “Điều có có lẽ sẽ cứu được tôi,” ông ta nói.

Vài tháng trôi qua, và một nấm mộ đất còn tươi xuất hiện trong rừng dương bên bờ sông. Nấm mộ không có bia, chỉ có vài thanh tre và vài miếng giấy nhôm rung lên trong gió. Xiao đã đến nơi ông ta cố tránh lâu nay, nhập với bạn bè và hàng xóm vốn bị rình rập bởi cùng tên sát nhân đường nước đó. Đó là một sự mỉa mai tàn độc hay chỉ là sự sắp đặt tự nhiên mà nơi an nghỉ cuối cùng của họ nhìn ra chính con sông có lẽ đã giết họ?

Đã quá trễ để có thể cứu được Xiao Sizhu, nhưng vẫn còn lại một đốm hy vọng nhấp nháy rằng Hoàng Hà có thể được cứu cấp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tỉnh táo về cái hiểm họa mà đất nước họ đối mặt, giờ nguyện “xây dựng một nền văn minh sinh thái,” dành hẳn 200 tỉ đô la một năm cho môi trường. Nhưng tương lai cũng tùy thuộc ngang vậy vào những công dân bình thường như các nhà hoạt động Zhao Zhong và bà mẹ, Jiang Lin gan góc. Có nhớ nhà máy giấy Lanzhou mà Jiang khóa tọa độ lại bằng cái GPS của mình? Không lâu sau khi thông tin đưa lên internet, chính quyền đóng cửa nhà máy, cùng với 30 nhà máy khác đổ chất độc xuống các phụ lưu của Hoàng Hà.

“Có lẽ tác động của một người đơn độc thì nhỏ,” Zhao nói. “Nhưng khi nó được kết hợp với những người khác, quyền năng có thể rất lớn.”


Bản tiếng Việt © 2008 talawas