trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
20.6.2008
Nguyễn Cát Phương
Ðọc “Mưa trên cây sầu đông”của Nhã Ca
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Cát Phương, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Mưa trên cây sầu đông
Tên tác giả: Nhã Ca
Nhà xuất bản: Sống Mới
Năm xuất bản: 1979
Số trang: 334
Ðịa điểm: Thành phố Huế
Thời gian: Mùa hè kéo dài đến mùa đông năm sau. Không rõ năm.


Các nhân vật chính

Đông Nghi – nữ sinh trung học, con nhà khá giả, mơ mộng và đa cảm.
Bà Phúc Lợi – mẹ Đông Nghi, trên danh nghĩa là một mệnh phụ, một người nghiêm khắc, lạnh lùng.
Ông Bồ Đào – trên danh nghĩa là người cộng tác làm ăn với mẹ Đông Nghi, thật ra là cha ruột của Đông Nghi.
Vũ Tuấn: người lính pháo binh phục vụ trong miền Nam, quen Đông Nghi qua mục tìm bạn trên báo và sau này trở thành người yêu của cô.


Các nhân vật phụ

Tỷ Muội: bạn thân của Đông Nghi.
Thằng Rọm: người làm trong nhà Đông Nghi.
O Cau: người gánh nước thuê.
Bà Ấm Cả: bà ngoại Đông Nghi.
Trà: bạn cùng bàn với Đông Nghi, em bà con cô cậu với Vinh.
Mỹ Chánh: bạn cùng bàn với Đông Nghi.
Vinh: anh em cô cậu của Trà, người ban đầu đeo đuổi Đông Nghi.
Chị Nại: người phụ bà Phúc Lợi trông coi cửa hàng.
Bác Đậu: bác chạy xích lô.
Chị Mừng: cháu gái bà Phúc Lợi, được bà đón về nhà ở để xem chừng Đông Nghi.
Kim Bông: em chồng chị Mừng.
Khanh: chàng sinh viên con nhà giàu học Hán ngữ thầm yêu Đông Nghi, sau này trở thành vị hôn phu của Đông Nghi.


Mở đầu truyện

Đông Nghi và Tỷ Muội rủ nhau học bài chung trong vườn nhà Đông Nghi. Thấy mình không thể tập trung được, Đông Nghi nói bạn bãi bỏ buổi học chung và đi vào nhà. Mẹ cô, bà Phúc Lợi, gọi Đông Nghi ra ngoài sân để ông Bồ Đào, người trên danh nghĩa là bạn làm ăn của bà, có thể tặng cô xấp vải. Vốn không có thiện cảm đối với ông Bồ Đào, Đông Nghi miễn cưỡng nhận xấp vải và lui vào trong nhà.


Nội dung truyện

Một buổi sáng, bà Phúc Lợi nhờ Đông Nghi sang trông cửa hàng cho bà đi công chuyện. Trước khi đi, Đông Nghi có hỏi chuyện bà Ấm Cả, bà ngoại cô, về ba của mình cũng như những người bên nhà nội cô. Theo lời mẹ cô kể, ba Đông Nghi “đi làm chính trị, rồi trốn Tây trốn Tàu” mà biệt tích đến bây giờ, không biết sống chết ra sao. Đông Nghi dù biết vậy nhưng trong lòng vẫn còn nhiều hoài nghi. Cô luôn muốn tìm hiểu sự thật về cha cô cũng như lý do tại sao người bên nhà nội đối xử lạnh nhạt với cô và mẹ cô.

Trên đường từ cửa hàng về, Đông Nghi gặp Vinh, người đã theo đuổi cô từ lâu nhưng vẫn chưa công khai thổ lộ tình cảm của mình. Sự gặp gỡ này, trước những cái nhìn của người qua đường, làm Đông Nghi cảm thấy không thoải mái vì lo sợ người quen bắt gặp.

Mùa hè trôi qua, Đông Nghi và Tỷ Muội trở lại trường học với niềm vui được gặp lại bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên niềm vui đó không đọng lại lâu khi một buổi tối Đông Nghi về nhà và bắt gặp mẹ cô và ông Bồ Đào đang bàn chuyện gì có vẻ nghiêm trọng. Ngay lúc đó, Tỷ Muội đến tìm và kể Đông Nghi nghe về chuyện có người thấy bà Phúc Lợi và ông Bồ Đào cùng ngồi trong quán bánh bèo trên núi Ngự Bình. Đông Nghi nghe bạn kể mà trong lòng cảm thấy tức giận vì nghĩ mẹ cô không biết giữ gìn phẩm giá của mình. Cô đồng thời lo sợ nếu chuyện vỡ lở, bản thân Đông Nghi sẽ không thể gặp mặt bạn bè vì xấu hổ. Sau khi ông Bồ Đào ra về, bà Phúc Lợi gọi Đông Nghi ra tra hỏi về chuyện Đông Nghi tham gia vào một buổi họp văn nghệ mà theo bà là không nên. Đang trong cơn giận, lại bị tra hỏi, Đông Nghi trả lời mẹ bằng những câu nói cộc lốc. Sự lì lợm của cô phải trả giá bằng một trận đòn đau đớn từ bà Phúc Lợi. Trong giây phút tủi thân vì sự bất công và tàn nhẫn của mẹ, Đông Nghi tình cờ thấy lời nhắn tìm bạn trên báo của một người lính trẻ tên Vũ Tuấn đang đóng quân trong miền Nam. Cô quyết định viết thư cho Vũ Tuấn tâm sự về nỗi cô đơn và thiếu thốn tình cảm của mình. Khoảng hơn một tuần lễ sau, Đông Nghi nhận được thư hồi âm từ Vũ Tuấn. Trong thư, Vũ Tuấn tự giới thiệu mình là một người lính pháo binh cô đơn vì anh di cư cùng người chú ruột vào Nam trong khi gia đình còn ở ngoài Bắc. Vũ Tuấn nhanh chóng trở thành chỗ dựa tinh thần cho Đông Nghi. Trong khi đó, một bầu không khí nặng nề đang bao trùm lên gia đình cô: bà ngoại cô yếu dần, mẹ cô ít về nhà hơn, và tin đồn về mối quan hệ giữa mẹ cô và ông Bồ Đào đang lan ra.

Một buổi trưa, bà Phúc Lợi lại muốn Đông Nghi ra trông cửa hàng. Đông Nghi vì đang giận mẹ nên đã bỏ qua nhà Trà, bạn cùng lớp với cô và cũng là em bà con cô cậu với Vinh. Gặp Vinh ở nhà Trà, Đông Nghi đã định về, nhưng vì bạn nài nỉ, cô đã ở lại trò chuyện với hai người. Khi Đông Nghi ra về, Vinh đề nghị được đưa cô về và rồi rủ cô đi ăn bánh bèo trên núi Ngự. Đông Nghi đồng ý với hy vọng sẽ bắt gặp mẹ và ông Bồ Đào trên núi. Trong lúc đi chơi với Vinh, Đông Nghi thỉnh thoảng nghĩ đến Tuấn và thầm so sánh hai người. Sau khi hai người leo lên đến đỉnh núi, Đông Nghi bỗng cảm thấy bất an về việc đi chơi với Vinh ở một nơi vắng vẻ. Cô cho là mình đã hành động quá liều lĩnh nên đòi về.

Sau khi về nhà, Đông Nghi nghe tin bà ngoại cô trở ốm nặng và đã được mẹ và ông Bồ Đào đưa vô bệnh viện. Mùa đông năm ấy vừa đến thì bà ngoại cô qua đời. Đông Nghi rất đau buồn và chỉ còn biết bày tỏ hết nỗi lòng mình với Tuấn qua những lá thư. Cô kể với Tuấn về nỗi cô đơn của mình khi không còn bà bên cạnh và khi mẹ cô càng ít ở nhà hơn trước. Cô tâm sự với anh về sự tù túng, khổ sở của mình khi phải sống với một người mẹ lạnh lùng như bà Phúc Lợi và trong một thành phố Huế cay nghiệt. Tuấn cũng viết thư cho Đông Nghi đều và dài hơn trước, chủ yếu là an ủi cô và động viên cô sống mạnh mẽ hơn. Cũng trong khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần này của Đông Nghi, ông Bồ Đào tỏ ra quan tâm đến cô nhiều hơn. Ông mua tặng cô áo mưa, và đích thân đi đón cô từ trường về nhà vào một ngày mưa. Ông tỏ ý muốn được xem cô như con ruột của mình, một lời đề nghị làm Đông Nghi vừa thương hại vừa khó chịu. Đêm hôm ấy, Đông Nghi đọc thư Tuấn gửi và rất hân hoan vì Tuấn báo tin anh sẽ về thăm cô trong mùa đông.

Cuối mùa đông năm ấy, Tuấn về thăm Đông Nghi mà không hề báo trước. Dù rất vui mừng được gặp Tuấn, Đông Nghi không tránh khỏi cảm giác lo sợ về phản ứng của bà Phúc Lợi khi bà biết chuyện hai người. Cô phải nói dối thằng Rọm, người làm trong nhà, để thuyết phục hắn không kể lại với mẹ cô về sự xuất hiện của Tuấn và để cô có thể đến với những cuộn hẹn của hai người. Những buổi gặp gỡ đầu tiên còn chứa đầy sự ngượng ngập và lo sợ về phía Đông Nghi, trong khi Tuấn thì tỏ ra rất điềm tĩnh và tự nhiên. Niềm hạnh phúc, sự mê đắm trong tình yêu dần dần làm cho Đông Nghi đủ can đảm vượt qua những trở ngại ban đầu. Tuấn bắt đầu đưa đón Đông Nghi đi học và hai người rủ nhau đi chơi xa để tránh những cặp mắt tò mò, soi mói. Tuấn nhiều lần đề nghị để anh gặp mẹ Đông Nghi thưa chuyện hai người nhưng Đông Nghi đều ngăn cản. Hai người cũng bàn tính đến chuyện tương lai là Tuấn sẽ cưới Đông Nghi và mang cô ra khỏi thành phố Huế này để cô có cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn.

Đông Nghi và Tuấn trải qua được gần một tuần hạnh phúc bên nhau thì bà Phúc Lợi biết chuyện và nổi cơn thịnh nộ. Bà đánh đập Đông Nghi tàn nhẫn. Ông Bồ Đào sang thăm và tỏ ra rất lo lắng cho tình trạng của Đông Nghi. Cô bị giam lỏng trong nhà, không được đi gặp Tuấn. Đông Nghi có cảm giác sự chịu đựng của cô đã bị vượt quá giới hạn cho phép và cô có ý định từ bỏ tất cả để trốn theo Tuấn. Trong khoảng thời gian này, mẹ Đông Nghi và ông Bồ Đào còn có vẻ thân mật hơn trước. Điều này càng làm Đông Nghi có động cơ để ra đi.

Như đã hẹn, Đông Nghi trốn mọi người ra ga gặp Tuấn để đi theo anh. Tuấn, dù rất yêu Đông Nghi, vẫn khuyên cô suy nghĩ kĩ vì đi theo anh, cô cũng sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Đến giờ tàu gần chạy thì bà Phúc Lợi, ông Bồ Đào và thằng Rọm đã tìm được Đông Nghi trên tàu. Sau những giằng co ban đầu, Đông Nghi bật lên khóc nức nở. Bà Phúc Lợi lôi kéo Đông Nghi về phía mình và cũng khóc. Tuấn lúc đầu còn giữ chặt Đông Nghi, sau cũng đành buông cô ra và để gia đình dẫn cô về nhà. Lòng chất chứa bao nhiêu thù hận, oán hờn đối với mẹ cô, Đông Nghi buông lời xúc phạm mẹ và chửi rủa ông Bồ Đào. Trước tình cảnh này, bà Phúc Lợi mới tiết lộ cho Đông Nghi biết ông Bồ Đào chính là cha cô.


Kết thúc truyện

Mùa xuân đến, chiều theo ý của mẹ, Đông Nghi quyết định nghỉ học và làm đám cưới với Khanh, chàng sinh viên học hán ngữ ở nhà đối diện.

Cây sầu đông là hình ảnh tượng trưng cho cuộc tình giữa Đông Nghi và Tuấn. Chuyện tình ấy xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi, với đỉnh cao là 1 tuần lễ cuối mùa đông khi Tuấn về phép thăm Đông Nghi. Như tên gọi, loại cây này “sầu” vào mùa “đông”, vì đây là thời điểm cây trở nên “khô trơ trụi với những chùm hột khô vật vã đập nhau” (tr. 142). Cuộc tình giữa hai người, dù đánh dấu bằng nhiều kỷ niệm đẹp trong vòng một tuần lễ cuối đông ấy, nhìn chung chỉ đem lại nỗi sầu khổ cho cả hai vì cuối cùng hai người cũng không vượt qua được hàng rào định kiến của xã hội để đến với nhau. Trước khi về thăm Đông Nghi, Tuấn có nói trong thư là anh yêu cô “tới muốn bật khóc”, và anh muốn “gửi những giọt nước mắt đó làm mưa rơi trên cây sầu đông..” (tr. 166). Nhiệm vụ của một người lính đòi hỏi anh phải đi nhiều nơi, nên có lẽ Tuấn muốn gửi một phần hồn của mình lại với cây sầu đông để có thể ở gần Đông Nghi. Mưa rơi trên cây, đối với Đông Nghi, là những giọt nước mắt của Tuấn nhỏ xuống cho cuộc tình buồn của hai người. Khi mùa xuân tới, cây sầu đông không còn mang cái vẻ sầu thảm của mùa đông, cũng như cuộc tình của hai người đã chấm dứt và không ai phải nhỏ lệ vì nó nữa. Những giọt nước mắt đã chảy ngược vào trong, vì một nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng Đông Nghi.

Mặt khác, cây sầu đông, như nhà văn có nói trong lời đề tựa, là một loại cây đặc biệt ở Huế, nên có lẽ đối với Nhã Ca, đây là một biểu tượng của Huế. Thời điểm Nhã Ca viết câu truyện này có thể là khoảng năm 1968, năm của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân dữ dội và ác liệt, hình ảnh “mưa trên cây sầu đông” có lẽ được tác giả dùng để ám chỉ một thành phố Huế tang thương, thảm hại sau cuộc chiến?

Bối cảnh câu truyện này là ở thành phố Huế, thời gian không được xác định cụ thể. Nhưng theo lời đề tựa của tác giả thì câu truyện xảy ra trước năm 1968, khi thành phố Huế vẫn còn “êm đềm thơ mộng”. Dưới con mắt của Đông Nghi, Huế là một thành phố chật hẹp, cổ kính và đầy thành kiến. Trong cái xã hội cô đang sống, chuyện ở lại ăn cơm ở nhà bạn được xem là ăn cơm chực (tr.32), chuyện đi với bạn trai ở ngoài phố cũng có thể là chuyện động trời. Một trong những nạn nhân của cái xã hội lạnh lùng, áp đặt đó chính là bà Phúc Lợi, mẹ Đông Nghi. Bà không thể cho con nhận cha vì sợ bị người ta chê cười. Sự cố gắng gìn giữ danh giá cho bản thân và gia đình mình biến bà thành một con người cay nghiệt. Bà không đem đến một tình mẫu tử dịu dàng, trìu mến mà Đông Nghi mong đợi. Cái bà dành cho cô là thái độ nghiêm khắc, cái nhìn lạnh lùng, và cả những trận đòn thừa sống thiếu chết. Đông Nghi bị điểm xấu kỉ luật thì bà không thèm “ngó ngàng đến cô” trong cả tháng trời (tr. 32, 33). Bà không muốn mua xe đạp cho Đông Nghi vì nghĩ cô sẽ có nhiều tự do hơn.

Sự phân tích trên nhằm mục đích cho thấy phần nào sự khắc nghiệt đến mức khó tin của thực trạng xã hội thời điểm Đông Nghi đang sống. Các nhân vật trong truyện hầu như không hề nhắc đến chiến tranh, cũng như họ rất mơ hồ về cuộc sống người lính. Bằng chứng là khi Tỷ Muội hỏi: “Hành quân chi hành quân hoài rứa?”, Đông Nghi chỉ biết trả lời: “Tao biết mô” (tr. 180). Tuy nhiên, chiến tranh đang lẩn quất và đè nặng lên tinh thần những người dân của một thành phố Huế tưởng như rất thanh bình. Có nhiều chi tiết trong truyện ám chỉ một tình trạng thiếu tự do, bị giam lỏng hay bị gò bó dưới một khuôn khổ nhất định, ví dụ như “ Thành phố với những đôi mắt xoắn chặt vào nhau làm người ta có cảm tưởng chính chiếc bóng đằng sau lưng mình cũng rình mò mình nữa” (tr.124), hoặc “Thành phố này không dung dưỡng những người hiền lành, không dung dưỡng cả những người dám lựa chọn đời sống khác sự sắp xếp chung” (tr. 122).Tác động của nền nếp đạo đức, lễ giáo lên cuộc sống con người là không thể phủ nhận, nhưng liệu có đến mức sâu sắc như những gì Đông Nghi và những người khác đang phải hứng chịu nếu như không có chiến tranh? Từ đầu đến gần cuối quyển sách, thái độ bất mãn, muốn nổi loạn, muốn làm nổ tung Huế của Đông Nghi được thể hiện với mật độ dày đặc. Điều này dường như không bình thường với một cô gái vốn bản tính hiền lành và có điều kiện sống khá đầy đủ như Đông Nghi. Có lẽ nếu đó là một xã hội thời bình, Đông Nghi sẽ không cảm thấy ngột ngạt đến khó thở như vậy. Chiến tranh không tác động trực tiếp lên cuộc sống thành thị, nhưng ta cảm nhận được sự bất an, nỗi lo sợ lẩn khuất trong tâm hồn họ. Họ mong chờ một sự thay đổi nhưng lại hoàn toàn bất lực.

Không khí chiến tranh được phản ánh rõ ràng hơn qua hình ảnh của Tuấn, một người lính pháo binh phục vụ trong miền Nam. Anh tự giới thiệu về anh trong lời nhắn tìm bạn: “xa nhà, cô đơn, thích âm nhạc, thi văn…” Trong thư gửi Đông Nghi, anh không kể nhiều về đời lính của anh, ngoài chuyện anh thường thấy cô đơn, buồn tẻ. Sự dữ dội của chiến tranh cũng phần nào được phản ánh qua lời tâm sự của Tuấn là anh phải “kề cận với cái chết quá nhiều, nhìn thấy xác chết như nhìn thấy bữa cơm hàng ngày” (tr. 138). Dù vậy, cuộc chiến trong khoảng thời gian này có lẽ vẫn chưa đến mức độ ác liệt nhất vì Tuấn vẫn sắp xếp được thời gian viết thư cho Đông Nghi cũng như thu xếp về thăm cô vào mùa đông như đã hẹn. Ta không biết Tuấn là người như thế nào trước khi gia nhập quân ngũ, nhưng qua Tuấn, hình ảnh người lính hiện lên thật đẹp đẽ. Những hành động của Tuấn toát lên vẻ từng trải, sự tự tin mà những anh chàng sinh viên như Vinh, như Khanh không hề có được. Ngoài ra, họ là những con người rất lãng mạn, thể hiện rõ qua những dòng thư Tuấn viết cho Đông Nghi. Họ cũng rất giàu tình thương. Bằng chứng là Tuấn vẫn thường khuyên Đông Nghi “chịu khó nghe lời mẹ và thương yêu hết mọi người” (tr. 144).

Tình yêu giữa Tuấn và Đông Nghi mang ý nghĩa tượng trưng về vai trò của người lính trong chiến tranh. Đông Nghi tìm đến Tuấn như một chỗ dựa tinh thần cũng như những người hậu phương trông mong vào người lính, người đấu tranh cho hòa bình. Anh là người Đông Nghi hy vọng có thể mang cô ra khỏi thành phố đầy thành kiến này để hai người có thể sống hạnh phúc với nhau. Điều này cũng tương đồng với việc Tuấn, với tư cách một người lính, góp phần chấm dứt chiến tranh, mang đến cuộc sống thanh bình cho mọi người trên cả vật chất lẫn tinh thần.

Tình yêu của Tuấn và Đông Nghi nhen nhóm tia hy vọng về một nền hòa bình có thể đem đến cho con người cuộc sống tự do hơn, không còn bị gò bó như trước. Tình yêu đôi lứa từ đó cũng có cơ hội được vun đắp trọn vẹn hơn, được bày tỏ một cách tự nhiên hơn. Tuy nhiên, kết thúc của truyện lại như cơn gió làm tắt ngấm tia hy vọng ấy. Đông Nghi cuối cùng quay trở lại làm một cô con gái ngoan hiền, cam chịu dù trước kia cô đã từng phản ứng dữ dội đến mức nào. Tuấn cũng không đủ quyết tâm giành cô lại vì anh mặc cảm về cuộc đời người lính nghèo, nay đây mai đó, không có điều kiện đem lại hạnh phúc cho cô. Xây dựng một kết thúc như vậy, Nhã Ca thể hiện một sự bi quan về kết quả cuộc chiến. Dưới sự nhìn nhận của nhà văn, có lẽ chiến tranh sẽ vẫn còn kéo dài và một khi đã như vậy, những mối tình như mối tình giữa Tuấn và Đông Nghi khó có một kết thúc tốt đẹp. Hơn nữa, như đã nói ở trên, nhà văn có thể viết truyện này vào năm 1968; giữa không khí chiến tranh ác liệt của trận chiến Tết Mậu Thân, độc giả có thể hiểu được cái nhìn bi quan và một giọng văn ẩn chứa sự đau thương, nỗi sầu khổ, và bất mãn thể hiện qua câu chuyện. Bối cảnh của câu truyện có thể là nhiều năm trước khi trận chiến xảy ra, cuộc sống của người dân thành phố Huế dù chưa bị ảnh hưởng, nhưng đã có sự xáo trộn.

© 2008 talawas