trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
3.5.2008
Mai Thảo
Nghệ thuật, sự báo động khẩn thiết và thường trực của ý thức
 
Trong bài tiểu luận “Con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật” đăng trong số Sáng tạo trước đây, tôi có nhận định con đường trở thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay như một con đường gai lửa, con đường của những viễn tượng rực rỡ, con đường đó cũng là con đường của những khó khăn mênh mông và những trở lực trùng điệp.

Lấy khoảng thời gian sáu bảy năm trở lại đây, tôi muốn nói từ ngày có Hiệp định Genève, làm dấu mốc đo lường những thực hiện đã đạt ở phía những người đã dũng cảm kéo lên ngọn cờ tiền phong cách mạng của nghệ thuật, tôi không ngần ngại khẳng định như phía nắm giữ trọn vẹn tương lai văn học nghệ thuật Việt Nam – sự khẳng định không có ý nghĩa xác nhận một vinh dự, mà chỉ là ý thức một trách nhiệm – điều chúng ta phải thành thực công nhận là những thành tích thâu lượm được mới chỉ là những nền tảng khởi đầu, những dấu chân thứ nhất.

Trước một sự nghiệp văn học vĩ đại, người ta đã thấy dựng lên, như một định luật tất yếu, những trở lực vĩ đại. Hoàn cảnh xã hội hiện hữu, tình trạng hiện hữu của nghệ thuật nói chung, trình độ của một lớp người thưởng ngoạn đến nay còn tù túng trong những quan niệm sơ đẳng ấu trĩ bởi sự thâm nhập độc hại của hơn một hình thức nghệ thuật thương mại, giải trí, chơi chữ, thù tạc, diễm tình còn sinh năm nở bề bộn như nấm dại cỏ độc, thái độ xuyên tạc ngoan cố của bọn bảo thủ phản tiến hóa, những hiểm họa thường trực đe dọa đời sống, một mặt, một mặt khác, trạng thái đau thương của người làm nghệ thuật phản tính một sớm một chiều đứng trước những đòi hỏi cấp bách lớn thường vượt khỏi khả năng và tầm sức của mình, những yếu tố ngoại cảnh và nội giới ấy, tổng hợp lại, đã đúc kết thành những điều kiện tinh thần và vật chất, chủ quan và khách quan có thể nói là hết sức bất lợi cho mọi cố gắng phát huy và kiến tạo một nền văn học nghệ thuật chính thống, nền văn học nghệ thuật đó vừa phải đánh đổ những tàn tích di hưởng độc hại của những dòng nghệ thuật quá khứ, đồng thời phác định một hướng đi cho lớp người làm văn học nghệ thuật mai sau.

Đặt vấn đề trên bình diện quốc tế, thế giới, hoặc thu hẹp trong phạm vi hoàn cảnh một dân tộc, với nghệ thuật, sự thực vẫn chỉ là một. Nếu một nhà xã hội học một thời đại chỉ tìm thấy những chứng tích tiêu biểu điển hình xác thực và trung thành nhất của một thế hệ về trước (nghĩa là không phải dòng sinh hoạt tĩnh chết, tuần tự qua năm tháng, mà ý thức và tâm trạng chủ yếu của thế hệ, qua ánh sáng chiếu tỏa từ những tác phẩm, những công trình sáng tạo văn học nghệ thuật của thế hệ đó, mà không phải ở trong những tài liệu lịch sử, mọi sinh hoạt giáo dục, kinh tế, chính trị chỉ phản ánh được thực chất một cơ cấu tổ chức xã hội, nền tảng một chế độ; ý thức thế hệ, khát vọng thời đại lại thường được cấu thành từ những trạng thái đối nghịch, mâu thuẫn với những cơ cấu và nền tảng hiện hữu đó, trạng thái đối nghịch mâu thuẫn chính là nguyên nhân của tiến bộ cách mạng, động lực của lịch sử tiến hóa) là vì văn học nghệ thuật một thời đại – tôi nói bởi có những thời đại không có văn học nghệ thuật – không chỉ ghi nhận mọi thực trạng cố định, sẵn có, - công việc đó là của những sử gia – bằng một thái độ nhân chứng khách quan, thái độ này đã biến thành, ở nghệ thuật, nguyên tắc sáng tác và nhìn ngắm đời sống của các nhà văn trường phái tả chân cổ điển, ở đó người làm nghệ thuật chỉ còn đóng vai trò một cá nhân đứng ngoài mọi thảm kịch, mọi biến động, tóm lại vai trò một người viết lịch sử bằng nghệ thuật. Trong một tương quan muôn phần quyết định hơn, do đó vai trò cũng hàm chứa tất cả tính chất quyết định của nó, nghệ thuật thiết yếu phải là một động lực cách mạng với chính nó. Với tương quan xã hội, nó phải bao gồm mọi khuynh hướng, mọi hành động cách mạng của một thế hệ sinh thành trong khuôn khổ trật tự một tổ chức xã hội, không phải để thoả thuận và tuân theo, mà trái lại, để phá vỡ cái trật tự hiện hữu đó, đưa tới hình thành một trật tự xã hội mới, và như thế mãi mãi không ngừng. Nói một cách khác, nghệ thuật thường trực tạo nên một thế xung khắc, đối nghịch với mọi trật tự xã hội cố định, bất cứ là một trật tự xã hội nào. Dòng vận động và trở thành của nó đối với bất luận một trật tự xã hội nào, thiết yếu là một dòng vận động xung khắc đối nghịch. Tính chất cách mạng xã hội này, nếu đi đến tận cùng lý luận về lịch sử tiến hóa, sẽ không còn nữa, nghĩa là chừng nào xã hội hoàn toàn tốt đẹp, đã trở nên một thứ thiên đường thế gian, bởi khi đó không còn vấn đề gì đặt ra, và nghệ thuật cũng không còn lý do tồn tại vì hoàn toàn vô ích. Nhưng đến nay, và đến bao giờ, có ai dám quyết đoán đến bao giờ, đã có ở quốc gia nào, một lục địa nào, một xã hội hoàn toàn tốt đẹp? Đặt câu hỏi đó tức là đã tìm được giải đáp cho vai trò xã hội của nghệ thuật, đồng thời làm sáng tỏ vị trí, chỗ đứng, trách vụ của người làm nghệ thuật trong một tương quan xã hội. Và cũng ở điểm căn bản chủ yếu này mà người làm nghệ thuật không thể bao giờ đóng vai trò một nhân chứng khách quan một kẻ xem kịch, hắn đóng vai chính trong vở kịch lớn, hắn là một kẻ nhập cuộc, hắn có một thái độ, một trách vụ minh bạch, hắn không chỉ ghi chép, thu lượm cho một viện bảo tàng hậu thế những biến động lịch sử một thời. Nghệ thuật không còn là một hình thức diễn tả tiêu cực, nghệ thuật là một hành động tích cực trong cái ý nghĩ toàn vẹn, cách mạng nhất của danh từ, người làm nghệ thuật không viết lịch sử, hắn làm lịch sử và sống chết với nó.

Bởi vậy mà người làm nghệ thuật là một con người chân thân cách mạng, không có sự lựa chọn và con đường nào khác. Bởi vậy mà tác động và hiệu lực của nghệ thuật là một tác động hiệu lực cách mạng. Không có hiệu lực và tác động nào khác. Bởi vậy mà nghệ thuật là sáng tạo, người làm nghệ thuật sáng tạo ngôn ngữ, danh từ, âm thanh, màu sắc thành những hành động, những hành động cách mạng. Đó cũng là cái ý nghĩa đích thực và duy nhất của sáng tạo ở nghệ thuật.

Bởi nhận định kể trên, mà vấn đề đặt ra cho bản thân người làm nghệ thuật, trước thiên bẩm, trước năng khiếu, trước khả năng và trước những tâm sự riêng tây, phải là vấn đề ý thức được vai trò của nghệ thuật, do đó ý thức được vai trò của bản thân mình trong đời sống xã hội.

Từ trước đến nay, nếu người ta vẫn thường nói đến tinh thần độc lập tự do trong tư tưởng, sự minh bạch trí thức, thái độ dũng cảm được biểu hiện bằng những hành động chống đối cự tuyệt trước mọi bất công, bạo hành, áp bức của đời sống, tóm lại những độc ác và xấu xa hiện hình giữa đời sống dưới mọi hình thức, nếu người ta vẫn nói đến cái tác phong dũng cảm không khiếp nhược, không đầu hang, không run sợ trước áp lực, đe dọa, quyền thế, như những điều kiện tiên thiên chủ yếu của một người làm nghệ thuật chân chính, những đặc tính đó cần phải được thấu hiểu chân xác như sự trở thành chói sáng của một ý thức cách mạng, sự giác ngộ đúng đắn về một vai trò, một bổn phận, một quyền hạn đặc biệt hơn là những bản tính tự nhiên sẵn có, tinh thần độc lập tự do vô ý thức vô trách nhiệm, lòng can đảm mù quáng không đối tượng chỉ tạo nên những mẫu anh hùng cá nhân không tưởng, người làm nghệ thuật cách mạng không phải là một anh hùng cá nhân, nghệ thuật hắn hàm chứa tính chất và giá trị một hành động cá nhân sáng suốt hình thành từ sự thấm nhuần và triệt thấu sáng suốt một ý thức tote.

Cho nên những danh từ cá nhân, độc đáo, bản chất và tư năng ở nghệ thuật cũng mang nặng một ý nghĩa khác biệt với ý nghĩa thông thường phổ biến của danh từ. Tôi hoàn toàn đồng ý với ai đã đả kích và chế giễu cái quan niệm thông thường hẹp hòi người ta vẫn gán cho tác giả Đoạn trường tân thanh, tâm trạng của Nguyễn Du không phải là cái tâm trạng giản đơn tầm thường một cá nhân bất mãn trước thời thế, dù cá nhân là một thiên tài, tâm trạng đó không bao giờ được những kích thước hình thành tác phẩm. Đoạn trường tân thanh trên từng dòng chữ, từng câu thơ không bao giờ mang kích thước nhỏ hẹp một tâm sự cá nhân bất mãn, Đoạn trường tân thanh rực rỡ một ý thức toàn thể kết tinh bằng ý thức Nguyễn Du, cái ý thức đó bao trùm bàng bạc một thời đại, có điều khác biệt là cái ý thức nơi tài năng Nguyễn Du mới có đủ cường độ hút lấy và biểu hiện lên bằng tác phẩm. Và người ta đã thấy người làm nghệ thuật không phải là một siêu nhân, một bậc á thánh xuất chúng, người làm nghệ thuật có những vóc dáng thông thường, phổ biến của đường lối, nhưng khi được chói sáng dưới một ý thức cách mạng, cái vóc dáng ấy đã nguy nga vĩ đại ngần nào.

Phủ nhận quan niệm thần thánh, siêu nhân, xuất chúng, á thánh, nòi thơ, nòi tình, thiên chức, ngụy cảnh ngộ, ngụy thời thế, đầu thai lầm thế kỷ, mang nặng một màu sắc cá nhân duy tâm, những quan niệm cổ điển lỗi thời và hủ hóa qua đó, người làm nghệ thuật xuất hiện giữa đời sống như một cá thể đặc biệt, ý thức cách mạng của nghệ thuật và một tương quan cách mạng giữa nghệ thuật đã kéo hắn trở về với kích thước phổ biến của đời sống, của đồng loại. Người ta sẽ hỏi, vậy nghệ thuật không bao hàm một sự kiện gì khác biệt với mọi sự kiện của đời sống sao? Trả lời: Có. Nhưng sự khác biệt không nằm trong lĩnh vực một cá nhân, một con người đơn độc hiểu theo nghĩa hẹp vì đã bị chặt đứt mọi tương quan giữa cá nhân với toàn thể – như vậy lại rơi vào quan điểm Tháp Ngà – sự khác biệt nằm trong vai trò, trong tương quan xã hội của người làm nghệ thuật, tương quan ấy cũng đồng thời của chính nghệ thuật, với đời sống. Đó là một tương quan tiến bộ. Một tương quan cách mạng. Tương quan của một ý thức tiến bộ cách mạng.

Từ trước đến nay, nhất là ở xã hội chúng ta, một xã hội đắm chìm trong một trạng thái phân hóa và dao động trầm trọng bởi sự va chạm quay cuồng của nhiều dòng ý thức tư tưởng đối nghịch dị biệt, (một trạng thái xã hội chưa hình thành trọn vẹn thì những giá trị cũng chưa được xác định những vai trò cũng chưa được sáng tạo) người ta đã có những định kiến rất sai lầm, những ngộ nhận rất nguy hiểm về tác dụng của nghệ thuật cách mạng tiến bộ, về vai trò của người làm nghệ thuật cách mạng tiến bộ.

Những sai lầm và ngộ nhận ấy, phải nhận chúng như những dấu hiệu tố cáo một khía cạnh sơ đẳng non kém nhất, đen tối nhất của sinh hoạt nghệ thuật hiện đại, có bởi rất nhiều nguyên nhân. Tinh thần tự ti mặc cảm, sự ngu tối thảm thương của những đầu óc mà ý thức thời đại đã bỏ xa hàng năm bảy thế kỷ còn nô lệ trong những mớ thành kiến lạc hậu hoặc vẩn đục bởi những dụng tâm độc hiểm, trình độ thấp kém một lớp người đến nay chưa nhận được những kiến thức chết tối thiểu (người ta thấu triệt được ở đây tất cả trọng tội của những loại nghệ thuật hạ cấp, rẻ tiền và ảnh hưởng độc hại của chúng), sự tù túng trong cái quá khứ sâu thẳm, tinh thần lạc hậu phản cách mạng, sự thiếu vắng hoàn toàn một ý thức tự do dân chủ, một sự lẫn lộn về tất cả mọi vấn đề, sự chênh lệch đến độ hãi hùng giữa khả năng một cá nhân với vấn đề hắn lên tiếng phê phán, khiến lĩnh vực nghệ thuật thường trực diễn ra những cảnh tượng tiêu bạc giả, khỉ hút thuốc lá, những chuyện tiếm vị, lộn sòng, đó là những nguyên nhân chính. Tôi miễn dẫn chứng. Những thí dụ thật nhiều vô kể.

Không cần bị xô đẩy bởi một nhiệt tình, một đam mê nào – mọi tình cảm, mọi thái độ quá khích nếu không giải đáp được gì hết, nhưng thư thái và bình tĩnh mà nói, một xã hội sẽ là một xã hội khốn nạn, một tập thể sẽ là một tập thể khốn nạn, một cá nhân sẽ là một cá nhân khốn nạn nếu xã hội, nếu tập thể, nếu cá nhân đó, trong cuộc đấu tranh dành quyền sống còn và thúc đẩy lịch sử tiến hóa, không được đốt cháy bởi một ý thức cách mạng tiến bộ, không thấm nhuần được nhu cầu thiết yếu của tiến tới và đổi mới, trong khi thực trạng hiện hữu phơi bày một trạng thái trì trệ bất động, trạng thái mệt mỏi lười biếng đang manh nha cho một khuynh hướng tiêu cực thoả hiệp, mở đường cho sự trốn chạy ẩn náu vào những giới tuyến quá khứ, vào ước lệ, vào tập quán cũ.

Chưa từng bao giờ bằng ở những giờ phút này lại thấy bỏng cháy sự cần thiết lớn lao cho nghệ thuật (hiện đang nằm trong vực thẳm, ngõ cụt) như sự hình thành một vận động cách mạng, một ý thức cách mạng vậy. Nghệ thuật hôm nay thiết yếu phải là một dòng nghệ thuật cách mạng. Cho sự hiện hữu và lý do tồn tại của chính nó. Cho đời sống. Cho lịch sử. Cũng bởi nhu yếu có tính chất bao trùm và toàn diện đó mà danh từ “nghệ thuật cách mạng” hôm nay không còn được phép nhận định đơn giản và hẹp hòi như đặc tính riêng biệt của một trường phái, một tập đoàn, một cá nhân, người ta vẫn có thói quen nghĩ đến nghệ thuật cách mạng như độc quyền của một lớp người có tinh thần tiền phong, cấp tiến – tuy sự thực có như vậy – nhưng một dòng nghệ thuật cách mạng đã đến lúc phải được thấm nhuần và thực hiện cùng khắp, như một dòng nghệ thuật chính thống, phổ biến, để trở nên một ý thức đồng nhất cho tất cả những người làm nghệ thuật chúng ta, để trở nên một đặc tính tự thân, bắt buộc, nội tại của nghệ thuật nói chung.

Nhưng thế nào là nghệ thuật cách mạng? Và thế nào là vai trò người làm nghệ thuật cách mạng?

Hãy gạt sang một bên không nói đến những phần tử bảo thủ phản tiến hóa (nghệ thuật với họ chỉ là những mớ tàn tích, khuôn sáo, ước lệ cũ, cái thế giới nặng chĩu một không khí hoài cổ, thương tiếc quá khứ, cái thế giới dày đặc những dấu quen, những nẻo mòn, ngõ cụt, cái thế giới của những giá trị và thần tượng lỗi thời, những khuôn thước không bao giờ đổi thay, cái thế giới đứng biệt lập trong một vũ trụ buồn nản quẩn quanh khép kín, cái thế giới tĩnh chết xa lạ, ở ngoài, thù nghịch mọi biến động, vai trò và tương quan xã hội ở đó bị tuyệt đối phủ nhận, nghệ thuật nghèo nàn khô cạn đi dần đến tiêu khiển, đến thù tạc, thứ nghệ thuật của tâm sự và tình cảm riêng tây không có vấn đề gì đặt ra giữa nó và đời sống, thứ nghệ thuật được mệnh danh là thuần túy chỉ duy trì được sự hiện hữu với chính nó) những người Mác-xít và những tín đồ chủ nghĩa vị lai không tưởng cũng tự nhận là đại diện của dòng nghệ thuật cách mạng, sự thực ở họ và với họ, nghệ thuật chỉ có cái vỏ ngoài, cái hình thức, cái lý thuyết cách mạng.

Khởi đi từ sự hòa hợp và hiện tượng vận động song hành với một cuộc đấu tranh vô sản mà tính chất cách mạng đã đứng lại cùng với sự thiết lập một chế độ thống trị mới nhằm hủy diệt và khống chế mọi khuynh hướng dị biệt mọi tư tưởng chống đối, nghệ thuật Mác-xít (phản cách mạng từ đó) bị tước đoạt mọi tính chất độc lập, tự do, đối kháng, tự đẩy nó và những người làm nghệ thuật Mác-xít cùng với nó xuống vị trí thoả thuận, chấp nhận, thuần phục vô điều kiện chế độ thừa hành, chỉ còn là công cụ tuyên truyền phục vụ một chế độ một giai cấp mới. Nó không còn là một động lực cách mạng đối kháng với một trật tự cố định hiện hữu nữa (là chế độ), ngược lại nó thường trực chịu đựng sự kiểm thảo của chế độ và thừa hành những chỉ thị của chế độ ban bố xuống, để biến thành một thứ nghệ thuật vụ giai đoạn, vụ khẩu hiệu, tiếng nói “chính thức” của một chế độ duy trì bằng bạo lực, nghệ thuật Mác-xít phản cách mạng khi không còn độc lập không còn tự do.

Phơi bày một sắc thái đối nghịch hoàn toàn với dòng nghệ thuật bảo thủ luôn luôn trở lui về quá khứ, nghệ thuật của những người không tưởng viễn kiến hình thành trên những nền tảng giả định, trên một hy vọng, một niềm tin, một giả thuyết, một ước đoán về một xã hội tương lai lý tưởng, nghệ thuật vị lại viễn kiến là một chủ quan cách mạng không tưởng, bảo vệ tác động của nghệ thuật, bởi vậy tác động của nghệ thuật viễn kiến đơn thuần là tác động của lý thuyết (có thể rất quyến rũ) một hệ thống lý luận không được thể nghiệm và áp dụng vào đời sống, người ta nghĩ đến vai trò một nhà truyền giáo với những viễn tượng rực rỡ về một thiên đường với một thế giới đại đồng mai sau, nghệ thuật viễn kiến không duy trì được sự kiện hiện hữu giữa đời sống, bởi nó không bao giờ có mặt cùng đời sống, bởi nó đã đi trước đời sống và vĩnh viễn ở ngoài đời sống.

Tóm lại, vị lai viễn kiến là một khuynh hướng nghệ thuật đẫm màu lý tưởng, hiến thân và hậu thân của chủ nghĩa không tưởng cấu thành từ một nền tảng gia đình, dòng nghệ thuật đó giao động từ một trạng thái của nhiệt tình quá độ, khi hãy còn, đến một trạng thái thất vọng cay đắng, khi đã mất đối tượng là niềm tin, nó xa rời thực tế và phản lại đời sống, vì sống ý thức (không phải là tin tưởng) những người không chịu đặt nền tảng đời sống trên một niềm tin vô bằng là những người sống mãnh liệt toàn vẹn nhất, kẻ quan niệm sống trước hết là ý thức là kẻ sống tự do.

Khác biệt hoàn toàn với dòng nghệ thuật bảo thủ phản tiến hóa và vị lai viễn kiến không tưởng, nghệ thuật ý thức cách mạng duy trì sự hiện hữu thường trực giữa hiện tại, giữa đời sống, quá khứ chỉ là một kinh nghiệm, tương lai chỉ là một hướng tới, nghệ thuật ý thức cách mạng chính là đời sống của một ý thức kết tinh thành hành động, ý thức đó nhập vào dòng sống và tác động trở lại nó. Trong và ở giữa đời sống, nền nghệ thuật đó đóng giữ một vị trí chủ động và hoàn toàn tự do. Nó không tuân theo một ước lệ, một trật tự nào, ngoài những quy luật tự thân cách mạng của nghệ thuật, ngoài một ý thức đúc kết thành hành động của con người trong tương quan và ý hướng thúc đẩy đời sống tiến lên. Thường trực một thế xung khắc đối nghịch với mọi hình thái của xã hội và đời sống khi đã có những triệu chứng cố định, đứng lại, để biến thành những trở lực phản động và đối nghịch với tiến bộ và tiến hóa, nó dành quyền cứu xét phân tích, truy tìm, phê phán từ nguyên lý đến trở thành, mọi biến thái, mọi nguyên ủy của sự vật. Nó không tự thoả mãn với những biểu hiện bề ngoài, dung dị, đơn phương của sự vật. Nó đào sâu vào nguồn gốc, chân tướng, những khía cạnh tiềm ẩn chứa dấu của sự vật, đặt sự vật và đời sống trần truồng, toàn vẹn trước ý thức. Nó trình bày những yếu tố, những dữ kiện đầy đủ, đưa tới sự am hiểu thấu suốt và tận cùng mọi hiện tượng mọi vấn đề, bởi đó sẽ được cấu thành những hành động thích ứng không mơ hồ không nhầm lẫn. Hoàn toàn đối nghịch với chủ trương lãng mạn hóa, siêu thoát hóa, thi vị hóa đời sống, nghệ thuật cách mạng ý thức quan niệm và nhận định đời sống như một thực thể luôn luôn đổi khác, và tiến hóa không ngừng, thực thể đó lại luôn luôn đứng trước nguy cơ khống chế, uy hiếp, hủy diệt của bạo hành, bất công, tội ác, cho nên vai trò của nó cũng là một hành động thường trực động viên ý thức và năng lực con người tới những thái độ và hành động đấu tranh đối kháng thích ứng trước mọi hiểm họa đe dọa đời sống và bản thân. Nghệ thuật chiếu sáng vào ý thức con người và nhận lại sự chía của ý thức con người trở lại với nó, bởi đó mà trước đối tượng là đời sống, nghệ thuật và con người đã bắt gặp được nhau trong điểm đồng nhất là sự triệt thấu được vị trí, hoàn cảnh và vai trò của mình trước toàn thể, vai trò đó không hề bị lệ thuộc vào một ràng buộc nào ngoài ý hướng tìm kiếm và tạo một động lực cách mạng cho đời sống tiến tới một bình diện cao hơn. Cũng phải hiểu rằng sự xác định về vai trò không có nghĩa là nghệ thuật đã tự chôn chết mình trên một vị trí nhất định, cố hữu. Người làm nghệ thuật đứng trên một vị trí bất động của đời sống chỉ tạo được cho mình một chủ quan hẹp hòi và thiên lệch, nghệ thuật cách mạng ý thức không như vậy, nó là hình ảnh một vận động di chuyển luân lưu không ngừng trên khắp mọi chiều sâu mọi bình diện của đời sống, nó cũng không có ý định kiến trúc một đời sống khác cho đời sống hiện hữu (như vậy lại rơi vào không tưởng chủ nghĩa), nó tạo nên ở một xã hội chưa thể đổi thay trên cơ cấu sinh hoạt, những con người đã đổi khác, của một xã hội chưa tự do những con người đã tự do, của một xã hội còn mê muội của những người đã sáng suốt, của một xã hội có thể còn đầy dẫy áp lực, bất công, áp lực, bạo hành đó. Nghệ thuật cách mạng ý thức tạo nên trong phạm vi một trật tự hiện hữu, những mầm sống những điều kiện cách mạng. Nó không nhất thiết phải hoàn thành một cuộc cách mạng cải tạo và giải phóng xã hội, nhưng nó là một động lực khởi điểm cho mọi hành động cách mạng cải tạo và giải phóng xã hội của con người. Tất cả sự tế nhị của vấn đề là ở đó. Đối tượng của nghệ thuật không phải là một hình thức sinh hoạt nhất thiết phải đạp đổ, một thế giới nhất thiết phải tạo đựng, đối tượng của nghệ thuật không phải là một thực thể đã trở thành, đối tượng của nghệ thuật là một tương quan cách mạng giữa cá nhân và toàn thể với xã hội, xã hội với lịch sử. Chủ đích của nghệ thuật không hề là sự tìm kiếm và đề nghị cho đời sống một vóc dáng lý tưởng bất biến (những nhân vật của một tác phẩm nghệ thuật ý thức không là những mẫu người lý tưởng điển hình như quan điểm sáng tác của nghệ thuật Mác-xít và trường phái được mệnh danh là lãng mạn cách mạng, ở đấy là nhân vật là những mẫu người hoặc mang đầy những đức tính tốt đẹp cao quý cho người đời bắt chước sống theo, hoặc xấu xa kinh tởm cho người đời ghê hãi lảng tránh, mà trái lại: nhân vật hiện hình trong thế giới tiểu thuyết mới như một đối tượng phản chiếu để trở lại ý thức được bản thân mình và tìm được một thái độ, một giải đáp cho mọi vấn đề của đời sống bản thân. Nói một cách khác người đọc không đứng lại với nhân vật, ở nhân vật, mà vượt qua và đi xa hơn nhân vật), tóm lại, trước và sau, nghệ thuật vẫn chỉ là một động lực thúc đẩy, tạo thành một ý thức cách mạng cho con người trước sự vật và đứng lại ở đó, để từ ý thức đó, con người sẽ đi tới những hành động phù hợp thích ứng trước một sự kiện, một vấn đề nhất định.

Một trong những ngộ nhận lớn lao tố cáo tất cả sự thực thảm thương của một trình độ hiểu biết sơ đẳng hiện diện hỗn xược và ngạo nghễ trên diễn đàn văn học nghệ thuật hiện tại là sự nhận định hoàn toàn sai lầm, bằng những điểm đồng nhất và trùng hợp giả ngụy của bọn “ngự sử” dốt nát về một vài tư trào nghệ thuật và triết học Tây phương với những khởi điểm đã hình thành của dòng nghệ thuật cách mạng ý thức ở đây, những đầu óc thiếu vắng một liêm khiết trí thức tối thiểu không bao giờ dám tìm hiểu những khởi điểm tiến bộ ấy trong một tương quan xã hội hiện hữu, những kẻ bất tài không tìm được luận điệu nào hơn là gán ghép một số danh từ công thức máy móc (vô thần, hiện sinh, nổi loạn) lên sự hình thành tất yếu của một dòng nghệ thuật chính thống đã trở lại duy trì sự có mặt rạng rỡ của nó giữa đời sống, sự có mặt không do một phiêu lưu, một ngẫu hứng, một tình cờ nào hết, sự có mặt chỉ là kết quả một giác ngộ và trưởng thành nơi người làm nghệ thuật đã nhận thức được vai trò cách mạng của nghệ thuật và khởi hành từ nhận thức đó.

Nếu vượt bỏ tất cả mọi thời kỳ về trước, kể cả thời kỳ văn học Phục hưng, thế hệ hiện đại đã được chứng nghiệm như thế hệ của sự đắc thắng vẻ vang và tận cùng của trí thức, trí tuệ trước mê muội dốt nát – sự đắc thắng của ánh sáng trước bóng tối –nghệ thuật cách mạng cũng đã vượt bỏ mọi giới hạn trường phái (nghệ thuật hiện đại không còn là một vấn đề trường phái) để trở nên một ý thức bao trùm, phổ biến kết tinh thành một ý thức hệ hoàn toàn. Từ sự đồng nhất này mà, phá vỡ những vĩ tuyến và san phẳng những biên thùy, dòng nghệ thuật ý thức đã mặc nhiên là dòng nghệ thuật chính thống của con người, của thế hệ của đời sống. Ngoài nó và khác nó, tất cả đều là giả ngụy, đội lốt. Ngoài nó và khác nó, tất cả đều là vô ích. Ngoài nó và khác nó, tất cả đều hình thức tiểu xảo, tất cả đều là giấy bạc giả, tất cả đều là phiến diện, là danh từ. Nó là đời sống. Và bất tử bất diệt với đời sống.

Nói vậy không có nghĩa là lúc nào đó cũng được biểu hiện rõ ràng trên đường lớn, ở trung tâm, trên ngọn đỉnh chói lòa của đời sống và sinh hoạt nghệ thuật. Trái lại, vì tiến bộ, nó luôn luôn bị những phần tử phản cách mạng kết tội, lên án. Vì ý thức, nó luôn luôn bị những khuynh hướng mê muội, những tâm hồn hèn đớn kình chống và coi như kẻ thù. Trên những trang lịch sử nhân loại đen tối, dòng nghệ thuật ý thức cách mạng hiện lên như một lịch sử đấu tranh quyết liệt, hơn một lần được nuôi dưỡng bằng máu huyết và sinh mệnh những kẻ đại diện đã anh dũng ngã xuống trước tù đày, bạo hành, đàn áp, khủng bố, nhưng không vì thế mà nó diệt vong, nó vẫn còn đó như một thực thể trường tồn hiện hữu cùng đời sống, như đời sống. Nó chính là ánh sáng của đời sống đó, giữa những trào lưu nghệ thuật đớn hèn mê muội, nó chính là tiếng nói đó, cái tiếng nói rực rỡ của nghệ thuật mặt trời. Phản ánh đời sống linh động, uyển chuyển, nó cũng uyển chuyển linh động như đời sống vậy. Sáng chói trong ý thức thiên tài cô đơn khi thời đại thấp kém không bắt kịp được ý thức mình như trường hợp và thời đại của Nguyễn Du), rút lui xuống chiến hào để biến thành một hình thái nghệ thuật bí mật, bất hợp pháp – littérature clandestine (như nghệ thuật Pháp dưới thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã) – hoặc ẩn mình thành một hành động đối kháng tiêu cực là sự im lặng khi xã hội hấp hối dưới một bao trùm toàn diện của bạo hành và khủng bố (như trường hợp các xã hội bên kia bức màn sắt) hoặc bị xuyên tạc, vu khóng như một dòng nghệ thuật điên loạn, phản luân lý, phản đạo đức, tóm lại được tôn trọng, công nhận hay bị hắt hủi xua đuổi (tùy nơi xã hội trực thuộc tiến bộ, cách mạng hay sa đọa hủ hóa, tùy nơi chế độ trực thuộc dân chủ tự do hay độc tài áp bức), hoặc tiềm tàng ẩn giấu, hoặc phơi mở lộ liễu, dòng nghệ thuật cách mạng vẫn tồn tại, cái khối mặt trời có thể bị sương mù che lấp, nhưng sương mù và bóng tối không bao giờ hủy diệt được cái khối mặt trời.

Người ta sẽ hỏi: đã khẳng định tính chất chính thống trường cửu, bất diệt và phổ biến của nghệ thuật ý thức cách mạng như vậy, tại sao còn cần thiết phải đặt vấn đề nhận thức và đấu tranh thực hiện một sự thực đã có, vẫn có? Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi: Chính là để nhận thức và đấu tranh thực hiện dòng nghệ thuật cách mạng ý thức đó má vấn đề đã đặt ra.

Đến đây, nảy ra một yếu tố quyết định: vốn sống của người làm nghệ thuật. Hiện tượng hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt – bởi đã chiếu sáng cho cả một quan điểm nhận thức – thường thấy trong sinh hoạt nghệ thuật chúng ta là sự chê trách ở phía những người làm nghệ thuật lớp trước về sự thiếu thốn một vốn sống tối thiểu của thế hệ những người viết trẻ. Vốn sống theo nhận thức cổ điển là sự tích lũy theo thời gian những kinh nghiệm bản thân, sự từng trải lão luyện, sự lăn lộn ngụp lặn vào những thăng trầm biến động của đời sống, người làm nghệ thuật phải đích thân đắm mình trong không khí, bối cảnh, thời gian và không gian đề tài, nhận thức này cấu thành lề lối “sống để và cho sáng tác” rất máy móc ấu trĩ, một nhà văn luôn luôn tâm tâm niệm niệm sống để ghi nhớ và tìm kiếm những chứng liệu cho sáng tác, sẽ không sống được gì trên thực tế, hoặc sẽ sống rất mực kiểu cách giả tạo, những điều ghi nhận được chỉ là những chi tiết tỉ mỉ, vụn vặt, vô nghĩa, sự vận dụng óc đời sống theo nhận thức cổ điển biến người sáng tác thành cái máy chụp hình, hắn không bao giờ thấu triệt được chân tướng và bản thể sự vật, tới khi thể hiện vào sáng tác, vẫn chỉ là những chi tiết đơn độc nguyên hình hiện lên. Mặt khác, sự tích lũy những kỷ niệm, những rung động theo nhận thức cổ điển đã đưa tới trạng thái đãl àm dáng, tự soi ngắm, người làm nghệ thuật trở về tù túng trong cái thế giới cá nhân (những chi tiết tiền chiến slũy giàu có không ai bằng Nguyễn Tuân, nhưng nghệ thuật Nguyễn Tuân là một thế giới hết sức cá nhân, chính Nguyễn Tuân cũng đã thú nhận có những nhà văn rất phong phú trong đời sống lại rất nghèo nàn trong sáng tác), nghệ thuật chỉ còn là sự vận chuyển nguyên vẹn đời tư vào sáng tác, và dừng lại ở đó, sáng tác bưng bít kín hẹp không mở được vào một thế giới nào khác ngoài cái thế giới đời sống thường nhật của tác giả, sáng tác chỉ còn là cái “tôi” của tác giả, cái tôi trong ý nghĩa nhỏ hẹp và tầm thường nhất của danh từ.

Trái với nhận thức cổ điển mang nặng một màu sắc hưởng thụ nói trên, ở đó phát sinh thái độ kiêu hãnh về thành tích về “thâm niên” rất dễ nhận thấy ở những nhà văn nhà thơ tiền chiến, nghệ thuật Mác-xít quy định vốn sống như sự giác ngộ quyền lợi giai cấp, sự thấm nhuần chủ nghĩa và những công tác lao động cộng lại, cả hai nhận thức này đều bắt gặp nhau trong điểm sai lầm chung là sự phủ nhận tính chất sáng tạo của nghệ thuật (phải trụy lạc trác táng mới “nắm” được những vấn đề trụy lạc trác táng, phải đi cày mới viết được về đời sống nông dân, phải làm thợ riết mới viết được về đời sống công nhân v.v…), vốn sống theo nhận thức nghệ thuật tiến bộ cách mạng không phải như vậy. Vốn sống là sự trưởng thành của ý thức. Nó nằm trong chủ quan mãnh liệt của người làm nghệ thuật mà ý thức đã trưởng thành là ngọn lửa tỏa chiếu và bao trùm thấu suốt mọi hiện tượng đời sống. Chính ngọn lửa đó tỏa đi, mở rộng và phóng lớn của ý thức mới là điều kiện thiết yếu khiến người làm nghệ thuật đi tới được những tầng đáy những chiều dày của vấn đề, sáng tỏ được trọng tâm, nguyên ủy, nghĩa là sự thật của sự vật và đời sống, chính cái ngọn lửa đó tỏa đi, mở rộng và phóng lớn của ý thức đã khiến cho người làm nghệ thuật thực hiện được sự có mặt thường trực ở bất cứ nơi nào của đời sống, chính cái ngọn lửa đó tỏa đi, mở rộng và phóng lớn của ý thức đã thu trọn đời sống trong nó, đời sống không còn những đề tài tách biệt, đời sống là một đề tài vĩ đại duy nhất mà chỉ có sự trưởng thành của ý thức mới tạo được sự quân bình của chủ quan cá nhân người làm nghệ thuật với nó mà thôi.

Phải có một vốn sống phong phú mãnh liệt, phải có một vốn sống trước đã, vốn sống là điều kiện căn bản, nó phải được nuôi dưỡng bồi đắp không ngừng bởi những tiếp xúc thường trực với mọi khía cạnh của đời sống phức biệt đa dạng, đó là một sự thực không thể chối cãi. Nhưng nhận thức cũng không thể ngừng lại đó mà phải hiểu được sâu và xa hơn rằng: vốn sống thiết yếu phải được cấu thành từ một ý thức cách mạng, một vốn sống không được cấu thành bởi một ý thức cách mạng là vốn sống chết, vô giá trị, nó không bao giờ được là nguyên liệu quý giá tạo thành tác phẩm, nó chỉ là cái khối nặng chồng chất vô ích của tác phẩm.

Vấn đề đặt ra do đó không phải là sống nhiều, đi nhiều, biết nhiều, lăn lộn từng trải nhiều, rung động đau khổ nhiều mà là sống như thế nào, biết như thế nào, đi như thế nào, lăn lộn từng trải như thế nào, rung động đau khổ như thế nào. Những sản phẩm văn nghệ tiền chiến đã hơn một lần phơi bày cho chúng ta thấy rõ thực chất và giá trị của “vốn sống tiền chiến” khi chuyển vận vào tác phẩm, những tác giả tiêu biểu, có tên tuổi thành tích của dòng nghệ thuật tiền chiến đều có thể coi là những người đã sống nhiều biết nhiều từng trải nhiều (họ thường kiêu hãnh và xếp đặt thứ bậc trên dưới căn cứ theo đó) nhưng những công trình sáng tác của họ đều là những thế giới nghèo nàn, cá nhân, khép kín, cái vốn sống mà họ tiếp nhận được của đời sống, vận chuyển vào tác phẩm, chỉ là những tình cảm tâm sự riêng tây, cái vốn sống đó không có một hiệu lực, một tác động nào với đời sống bởi nó không bao giờ được thu nhận từ một ý thức phóng lớn ngang bằng với những kích thước đích thực của đời sống, nó chỉ là cái vỏ ngoài vô nghĩa, những biểu tỏ phiến diện và không chứng tỏ được gì của đời sống. Vốn sống theo nhận thức cổ điển, và phản ánh bằng những sản phẩm thuộc dòng nghệ thuật tiền chiến, đưa tới thực chất biện chứng và tất yếu người ta đã thấy của dòng nghệ thuật đó: một dòng nghệ thuật lặn chìm mau chóng vào quá khứ tịch mịch trong khi đời sống đã bỏ lại và đi qua.

Bởi đó mà đã sai lầm và lỗi thời tất cả những định kiến đo lường vốn sống của một người làm nghệ thuật bằng tuổi tác, bằng thâm niên, bằng từng trải, kinh nghiệm, một nhà văn thiếu vắng một trưởng thành tối thiểu của ý thức rất có thể có một thời gian sống lâu dài đến chừng nào vẫn chưa bao giờ bắt gặp và gia nhập được vào dòng sống đích thực, hắn không bao giờ duy trì được sự hiện hữu giữa trọng tâm bản thể đời sống, hắn vĩnh viễn đứng trên cái đường viền của đời sống, hắn vĩnh viễn lạc lõng, mù tối trước mọi vận động tiến hóa của đời sống, trạng thái lạc lõng, mù tối ấy, đầy dẫy trong sinh hoạt nghệ thuật chúng ta, nơi những nhà văn, nhà thơ, tiểu thuyết gia không nhận thức được rằng sống ở nghệ thuật, không phải là tiếp nhận, thụ hưởng, mà là ý thức, là phản tỉnh, là giác ngộ, sống không phải là sự đắm chìm buông thả vô thái độ, sự thoả thuận, sự thụ động trước đời sống mà là sự phản ứng quyết liệt của ý thức con người trước sức xô đẩy, đàn áp, khống chế của chính sự vật và đời sống, ở nghệ thuật và bằng nghệ thuật, là sự tranh thủ thường trực quyết liệt của con người với sự vật và ngoại cảnh luôn luôn kìm hãm, hạn chế, hủy diệt bản thể và sự hiện hữu của nó qua cái hiện tượng chồng chất tích lũy của sự vật và ngoại cảnh tự nghìn đời đè nặng xuống thân phận con người.

Trong phạm vi và ý hướng một cuộc hành trình của một dòng nghệ thuật ý thức chuyên chở trên dòng vận động của nó cả một tâm trạng thế hệ đòi quyền chủ động đời sống, nghệ thuật đã được hình thành như một đấu tranh tự giải phóng của thân phận con người khỏi cái thân phận hiện hữu của nó giữa một xã hội mà nó không thoả thuận và chấp nhận, khuynh hướng đối kháng đã trở nên của những người làm nghệ thuật cách mạng. Sự đối kháng đó tự nhiên, bắt buộc và thường trực. Cho nên cái thái độ của người làm nghệ thuật chỉ có thể là một thái độ duy nhất: thái độ đó là sự báo động thường trực của ý thức. Và đặt câu hỏi nghệ thuật là gì để chúng ta trả lời rằng: nghệ thuật là sự báo động thường trực của ý thức, sự đối kháng thường trực và vĩnh viễn của thân phận con người trước sự vật trước đời sống, sự đối kháng không phải là một hành động phá hoại, nó chính là hình thái xây dựng đích thực, duy nhất của nghệ thuật giữa đời sống, lý do đích thực và duy nhất cắt nghĩa sự có mặt và vai trò của nghệ thuật giữa đời sống.

Tất cả vấn đề đặt ra cho những người làm nghệ thuật hôm nay, cho những nhà phê bình, cho lớp người thưởng ngoạn hôm nay, cho tất cả những phần tử có thẩm quyền có trách nhiệm trước sinh mệnh và tiền đồ nghệ thuật hôm nay là sự thấu nhận được chính xác tính chất đối kháng và sự báo động thường trực của ý thức ở nghệ thuật như những điều kiện cấu thành bắt buộc phải có của nghệ thuật, của những người làm nghệ thuật, mà không nhầm lẫn và ngộ nhận như một thái độ cực đoan, quá khích, vô chính phủ, vô trách nhiệm. Đã đến lúc con người ta phải vượt khỏi cái trình độ sơ đẳng ấu trĩ thảm thương nằm trong những ngộ nhận và nhầm lẫn khủng khiếp đó, đã đến lúc người ta phải hổ thẹn và hãi hùng trước mọi khuynh hướng bạc nhược, hèn đớn (dù được ngụy trang dưới một hình thức nào, che giấu dưới một luận điệu nào) đã tạo nên cái tình trạng băng hoại bi đát của nghệ thuật nói chung. Đã đến lúc người ta phải trả lại địa vị chính thống của dòng nghệ thuật cách mạng, tạo những điều kiện phát triển thuận lợi cho mọi khuynh hướng tiến bộ cách mạng, xác nhận sự hiện hữu thiết yếu và tất yếu của những người làm nghệ thuật ý thức cách mạng. Đã đến lúc tất cả những hình thức nghệ thuật ru ngủ, giải trí, thù tạc, lỗi thời, ấu trĩ, phản tiến hóa phải được hủy diệt đến tận gốc rễ, để chặn đứng mọi ngõ ngách phát triển mọi hình thái tác động, ảnh hưởng của chúng trong sinh hoạt nghệ thuật hiện tại. Đã đến lúc những người làm nghệ thuật phải đặt thành vấn đề kiểm thảo trước một ý thức chân thành và sáng suốt, về quan niệm, khuynh hướng, bản ngã, quá khứ, để nhận thức được vai trò của nghệ thuật và của bản thân mình trong đời sống, trong quá trình sinh thành và tiến tới của nghệ thuật hôm nay. Đã đến lúc mọi người phải biết đặt câu hỏi (và chính bản thân người làm nghệ thuật cũng vậy, đã đến lúc hắn phải biết đặt câu hỏi) về vai trò, ý hướng, tính chất, lý do hiện hữu của nghệ thuật, tương quan giữa nghệ thuật và đời sống, và tìm được câu trả lời.

Hiện tượng nghệ thuật hôm nay không thể còn là những giả vấn đề được đếm ra tranh luận bàn cãi vô ích, sự xung đột của những trường phái mới cũ, sự cách mạng bề ngoài của một hệ thống diễn tả như người ta vẫn lầm tưởng. Sau những kinh nghiệm những khám phá mang một triển vọng tốt đẹp về những chân trời những thế giới mới, đã đến lúc của một bước trở lui cần thiết nằm trong sự minh định chính xác, sự thấu triệt về vai trò, về đối tượng của nghệ thuật, nói một cách khác, đã đến lúc trở lại một thái độ nhận đường.

Nếu cùng một lúc, và trên một chiều hướng đối nghịch, là sự rút lui của những thần tượng mất ngôi về những lăng tẩm quá khứ, những đại diện cuối cùng của dòng nghệ thuật tiền chiến sau khi đã lạc lõng thoi thóp giữa dòng sống, hơi thở và không khí mới, không tìm được phương pháp tự cứu nào hơn là trở lại trung thành với cốt điệu và vóc dáng cũ, sự rút lui đã tập hợp họ thành cái thành phần bảo thủ phản tiến bộ của nghệ thuật, ở đó chỉ còn là một thế giới điêu tàn và tịch mịch không có gì đáng lưu ý tới) sự xuất hiện của những người viết trẻ và cuộc hành trình đã khởi sự của họ là một hiện tượng đặc biệt xứng đáng được quan tâm theo dõi. Bởi hiện tượng đó, nếu bao hàm ý nghĩa một mầm mống, một hé lộ, một triển vọng, một hứa hẹn, thì mầm mống, triển vọng, hứa hẹn đó cũng phải được nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo, một mặt để trường tồn và phát triển, một mặt để phòng ngừa sự rơi ngã vào những lỗi lầm của thế hệ trước, do đó mà sự thấu triệt về vai trò và đối tượng của nghệ thuật đã đến lúc phải được coi như biện pháp điều chỉnh và củng cố cần thiết cho một trạng thái dẫu sao vẫn còn nhiều bấp bênh, giao động. Kinh nghiệm cho thấy rằng: thiếu một ý thức sáng suốt hướng dẫn, những khám phá táo bạo nhất rất dễ dàng băng hoại để chỉ còn là cái mới đơn thuần hình thức, thiếu một ý thức điều động hướng dẫn, một cuộc khởi hành tốt đẹp nhất rất dễ biến thành một cuộc phiêu lưu mông lung vô ích, người làm nghệ thuật đi vào cái thế giới mới khám phá thấy để rồi rợn ngợp trong đó và không tìm thấy hướng thoát ra.

Tôi thuộc về những người đặt tất cả hy vọng tin tưởng vào thế hệ của những người viết trẻ, tôi gọi những ngôi sao mới mọc trên vòm trời nghệ thuật ấy là niềm hy vọng cuối cùng và lớn lao nhất của nghệ thuật chúng ta, nhưng điểm trọng yếu, theo tôi mà bất cứ một người viết trẻ nào cũng phải đặt thành vấn đề suy tưởng thực hiện là sự đạt tới một ý thức đầy đủ – ý thức trước đã – về vai trò và nguyên nhân hiện hữu của nghệ thuật ở một xã hội, một đời sống mà nghệ thuật, nếu không được quyền khinh mạn và hạ thấp xuống thành phương tiện giải trí, cũng không thể được là một cuộc phiêu lưu vô trách nhiệm, nghệ thuật phải được đặt vào vai trò lịch sử và cách mạng của nó, người làm nghệ thuật trước hết phải nhìn thấy cái tương quan mật thiết của nghệ thuật với đời sống, tương quan đó chính là lý do hình thành của một dòng nghệ thuật ý thức cách mạng không nói trống không nữa mà phải xác định rõ rệt: một dòng nghệ thuật ý thức cách mạng Việt Nam. Những thí nghiệm những khám phá là những biểu tượng tất nhiên của một nghệ thuật trẻ và những người viết trẻ, nhưng thí nghiệm và khám phá không thể coi là những thực thể xong xuôi trọn vẹn, cuối cùng, để người ta tự bằng lòng với chúng, đứng lại với chúng. Nói một cách khác, thí nghiệm và khám phá chỉ có ý nghĩa ở nghệ thuật khi nó đưa dẫn tới một kết quả, nói một cách khác nữa nghệ thuật không thể vĩnh viễn nằm trong một trạng thái khởi đầu, nó cách mạng không phải vì nó mới lạ hình thức, nó cách mạng vì nó ý thức, nó cách mạng vì nó hành động.

Xác định thái độ nhận đường trong ý nghĩa một trở lui cần thiết cho toàn thể, nhất là cho hệ thống những người viết trẻ trong khi đã khẳng định tính chất chính thống của dòng nghệ thuật ý thức cách mạng và sự hình thành tất yếu của nó không phải là thú nhận một lỗi lầm, nghi ngờ những dấu chân, những đoạn đường đã để lại, mà chỉ là sáng tỏ đúng tầm mức tính chất cách mạng thường trực của nttn. Mặt khác, nhận đường tự nó đã bao hàm một hành động cách mạng của người làm nghệ thuật với chính bản thân mình. Chính nhờ những bước trở lui cần thiết mà người làm nghệ thuật trên quá trình tiến tới luôn luôn tạo được cơ hội suy ngẫm nhận định, đối chiếu, điều chỉnh, bổ khuyết, quan sát, luôn luôn tạo được một thái độ chủ động thích ứng trước mọi biến chuyển đột ngột, bất ngờ của đời sống, do đó nhận đường đã trở nên một tác phong cách mạng không thể thiếu sót và coi thường trong tư tưởng, trong nếp sinh hoạt của người làm nghệ thuật hôm nay.

Ném một cái nhìn tổng quát vào một thực trạng nghệ thuật, để nhìn thấy ở đó một biến đổi căn bản và lớn lao đã khởi diễn, để nhìn thấy ở đó, nơi nào một thế giới cũ đã tàn lụi cho một thế giới mới đã thành hình, nơi nào cái gốc cũ đã thối nát, cái hạt mới đã nảy mầm, nơi nào những nếp rung động cảm nghĩ cũ chỉ còn là những tiếng vang chìm xuống đáy mồ quá khứ, nơi nào một nếp rung động cảm nghĩ mới đã truyền đi bát ngát vòm trời thế hệ, nơi nào nghệ thuật đã chết đi, nơi nào đó đã phục sinh, đã về cùng đời sống, chúng ta đã có thể đi đến một kết luận: mặc dầu trên bề mặt còn bày ra một trạng thái phân hóa hỗn loạn, nhưng trong bản thể, trong chiều sâu, nghệ thuật chúng ta đã chuyển mình tiến tới một chu kỳ mới, một bình diện mới, một trật tự mới, một hướng đi mới, một khuynh hướng với những người đại diện mới; những tiếng nói khác biệt nhưng có chung một khuynh hướng cách mạng, tiến bộ đã kết tinh dần dần nghệ thuật thành một dòng chảy, dòng chảy đó đã quy định được dần dần trong thể chất ý hướng, thể chất đó càng ngày càng cô đọng phát triển, ý hướng đó càng ngày càng phóng lớn chói sáng. Nghệ thuật hôm nay không mê muội, hèn đớn, sơ đẳng ấu trĩ nữa, nó cũng không siêu thoát, hoài cổ, tiền chiến, cá nhân, tình cảm, nó cũng không giải trí, thù tạc, chơi chữ, diễm tình, hình thức nữa, nghệ thuật hôm nay chính là hiện thân một ý thức bị phẫn đớn đau không còn im lặng nép chịu. Nó là phản ảnh của một thế hệ dũng cảm đấu tranh đòi quyền chủ động đời sống, nghệ thuật hôm nay là một vận động cách mạng thường trực, nó bao hàm và biểu hiện cuộc chiến đấu của thân phận tự giải phóng tự thực hiện, nghệ thuật hôm nay là phương tiện hành động, phản kháng trước mọi khống chế, đàn áp của đời sống để thực hiện và giải phóng cho thế hệ, cho con người. Nghệ thuật hôm nay khôi phục lại vai trò cách mạng của nó giữa đời sống. Nó như vậy và chỉ có thể là như vậy mà thôi.

Nhận thức được trọn vẹn tầm quan trọng của vấn đề, chúng ta sẽ nhận thấy nghệ thuật hôm nay chưa phải là một thực trạng đã đạt được để có thể tự mãn, kiêu hãnh, đứng lại, do đó mà họ đã chết trong một thế giới đã chết. Một tác phong cách mạng nào cũng nhuốm một màu sắc quyết liệt, khổ hạnh. Nghệ thuật hôm nay, trước những đối tượng phải thực hiện, phải hủy phá của nó, đòi hỏi ở mỗi người làm nghệ thuật có ý thức trách nhiệm một sự khổ hạnh của tư tưởng và tâm hồn. Một trong những thảm kịch lớn nhất của nghệ thuật hôm nay – như tôi đã nói ở trên – là trạng thái đau thương của người làm nghệ thuật phản tỉnh một sớm một chiều đứng trước những đòi hỏi lớn thường vượt khỏi khả năng và tầm sức của mình. Chúng ta phải đặt thành vấn đề thanh toán, chấm dứt trạng thái đó. Bằng những chặng đường tranh đấu và thực hiện bản thân tiến tới một trưởng thành ý thức. Cho nên trước hiện thực, trước tác phẩm, nghệ thuật hôm nay vẫn bắt buộc khởi đầu từ một thái độ chủ yếu của người làm nghệ thuật: sự báo động thường trực của ý thức trước bản thân và trước đời sống.
Nguồn: Tạp chí Sáng tạo, bá»™ má»›i, số 7, ra tháng 9-1961, trích từ trang 1 đến 16. Chủ nhiệm: Mai Thảo. Quản lý: Đặng Lê Kim. Trình bày: Duy Thanh. Toà soạn và trị sá»±: 133B Ký Con, Sài Gòn. Giá: 15Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.