trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
9.4.2008
Trần Bình
Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tiềm năng và hiện thực
 
Mức phát triển kinh tế khá cao trong hơn một thập niên qua, và các cam kết rộng mở cửa mậu dịch và nền kinh tế, thông qua các hiệp ước song biên (bilateral) và đa biên (multilateral) mà quan trọng hơn cả là việc gia nhập WTO là những nhân tố chính khiến vốn đăng ký FDI tăng mạnh trong hai năm qua. Tuy nhiên, nếu FDI đăng ký (registered FDI) thể hiện sức hấp dẫn của đầu tư, dựa trên sự thẩm định tiềm năng và viễn cảnh phát triển của một nền kinh tế, thì vốn [đã] thực hiện (implemented FDI) mới là con số thực. Vốn FDI thực hiện phản ảnh tính khả thi của các dự án, độ thông thoáng của môi trường đầu tư, và hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Chính vì thế, các tài liệu nghiên cứu về FDI trên thế giới thường sử dụng FDI thực hiện trong các phân tích và so sánh.

Việc thẩm định tiềm năng và thành quả thực hiện FDI của Việt Nam cũng cần được đặt trong mối tương quan với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là với các nước có điều kiện phát triển tương tự, các quốc gia đang cạnh tranh FDI với Việt Nam, và các nền kinh tế phát triển thành công. Thứ nữa, hiểu rõ hơn các khái niệm về FDI và, rộng hơn, những chuyển biến của nguồn đầu tư này trên bình diện thế giới có thể giúp nắm bắt dễ dàng hơn xu hướng phát triển của FDI, hiện là nguồn tài chính quan trọng nhất cho sự phát triển của các quốc gia đang phát triển.

Quá trình phát triển của các quốc gia đang phát triển cũng cho thấy hai mặt của nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguồn FDI dồi dào không nhất thiết sẽ dẫn đến sự phát triển và phồn vinh. Cho đến nay, chỉ có một số rất ít quốc gia đã phát huy được những lợi thế của nguồn đầu tư quan trọng này vào công cuộc phát triển xứ sở một cách thành công. Ở hầu hết các nước đang phát triển, hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đạt hiệu quả cạnh tranh cao, lợi nhuận lớn, nhờ tận dụng được nguồn nhân lực và nguyên vật liệu rẻ, thành công đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thị trường nội điạ. Trong khi đó, người dân bản xứ tuy có thêm công ăn việc làm và cuộc sống có phần cải thiện, song về cơ bản, thì nghèo vẫn hoàn nghèo và nền công nghiệp quốc gia vẫn lạc hậu.

Là một quốc gia đang phát triển, cần nguồn FDI để phát triển xứ sở, lẽ dĩ nhiên Việt Nam phải biết trân trọng động lực và mục tiêu kinh doanh rất chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng không thể mãi là một xưởng chế tạo hàng rẻ tiền cho thế giới, mà sẽ phải vươn tới để có được một vị trí xứng đáng trong cộng đồng kinh tế toàn cầu.

Báo cáo Đầu tư Thế giới hàng năm (WIR) do Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD) ấn hành tháng 10/2007 phân tích và đánh giá tiềm năng và thành quả thực hiện FDI của 144 quốc gia trên thế giới là nguồn tài liệu rất quí báu để tìm hiểu về các hoạt động đầu tư [1] . Ngoài ra, các thẩm định và khuyến nghị của các chuyên gia Harvard về chiến lược phát triển của Việt Nam 2010–2020 qua tài liệu Lựa chọn Thành công [2] được phổ biến gần đây, phần liên quan đến các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, là một trong những nguồn tài liệu tham khảo quan trọng khác.


I. Tổng quan:

FDI thực hiện của Việt Nam thường được đề cập trong các báo cáo với các số liệu khác biệt, gây không ít khó khăn cho người theo dõi và nghiên cứu. Theo phân tích của Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2006 do Ngân hàng Thế giới (WB) ấn hành thì vốn FDI thực hiện do UNCTAD cung cấp thấp hơn các số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vì đã loại trừ vốn vay, và do đó, sát với nguồn vốn cổ phần đầu tư (equity inflows) nhất. FDI do TCTK cung cấp bao gồm cả vốn vay trong nước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính cả vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp FDI [3] , trong khi đó, WIR (UNCTAD) tính vốn vay nước ngoài là một phần của FDI chỉ khi nào nguồn vốn này được vay từ công ty mẹ (intra-company loan).

FDI thực hiện hàng năm do UNCTAD và TCTK cung cấp chênh lệch khá lớn (Bảng 1), tuy nhiên, tổng số FDI thực hiện tích lũy (FDI stock) từ hai nguồn số liệu này không khác biệt đáng kể (xem phần những biến động của nguồn FDI).

Nguồn 1990-2000 (trung bình năm) 2003 2004 2005 2006 Tổng số vốn thực hiện
UNCTAD 1.322 1.450 1.610 2.021 2.315 33.451
TCTK 1.946 2650 2853 3309 3.956 37.272
Bảng 1. Nguồn: tác giả tự lập theo số liệu cuả UNCTAD [4] và Tổng cục Thống kê [5] .

Khu vực FDI được WIR phân thành ba nhóm: các quốc gia phát triển, các quốc gia đang phát triển, và các quốc gia có nền kinh tế chuyển tiếp. Nhóm các quốc gia phát triển bao gồm cả một số nước châu Á và châu Đại dương (Oceania) như Nhật, Úc, New Zealand. Tuy nhiên, các quốc gia công nghiệp mới (newly industrialized countries, NICs) như Singapore, Nam Hàn, Hong Kong, Đài Loan vẫn được phân vào nhóm quốc gia đang phát triển. Khu vực các quốc gia chuyển tiếp gồm 19 nước Đông Nam châu Âu và khối CIS (Cộng đồng Các quốc gia Độc lập, Commonwealth of Independent States), như Liên bang Nga, Romania, Bulgaria. Mặc dù các quốc gia này cũng là các quốc gia đang phát triển và chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ FDI trên thế giới, song do tính đặc thù của nền kinh tế, được phân thành nhóm riêng. Nguồn FDI tiếp nhận của khối kinh tế chuyển tiếp rất khiêm tốn (5.2%) khi so sánh với nhóm các quốc gia đang phát triển (29%) và các quốc phát triển (66%). Liên hiệp Âu châu (EU) chiếm tỷ trọng FDI lớn nhất trong nhóm các quốc gia phát triển, và châu Á đang giữ ưu thế trong các hoạt động FDI tại các quốc gia đang phát triển.

FDI nhận và xuất là hai hình thái hoạt động đầu tư giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia đều vừa tiếp nhận vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI inflows), và xuất vốn đầu tư ra nước ngoài (FDI outflows). Tuy nhiên, vì Việt Nam hiện vẫn là quốc gia nghèo, vốn FDI-xuất không đáng kể – 356 triệu USD tính đến cuối năm 2006 [6] , nên từ FDI thường được dùng đồng nghĩa với FDI-nhận. FDI của các quốc gia phát triển chiếm tỷ trọng áp đảo cả hai đầu vào và đầu ra: 66% FDI-nhận so với 34% của các nước đang phát triển, và 84% FDI-xuất so với 16%. Tuy nhiên, tỷ trọng FDI của các quốc gia đang phát triển tiếp tục gia tăng, ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế trên thế giới. Mặt khác, trong khi phần lớn các hoạt động đầu tư tại các nước phát triển diễn ra dưới hình thức mua lại hay sáp nhập, thì thành lập doanh nghiệp mới là dạng đầu quan trọng của các quốc gia đang phát triển. Trong bài viết này, từ “nguồn” FDI được sử dụng đồng nghĩa với FDI nhận (FDI inflows).

Thành phần FDI được cấu tạo dựa theo phương thức mà nhà đầu tư thụ đắc doanh nghiệp: FDI M&A (merge & acquisition FDI) – nhận được từ mua hoặc sáp nhập các doanh nghiệp đang hoạt động, và FDI “xanh” (green field FDI) – nhận khi thành lập doanh nghiệp mới. FDI thực hiện dưới hình thức M&A chiếm tỷ trọng khống chế, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, trong khi FDI xanh chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, song lại rất quan trọng tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế chuyển tiếp. Đầu tư thông qua M&A tuy không trực tiếp tăng gia năng lực sản xuất trong ngắn hạn, nhưng những cải thiện về mặt tổ chức và quản trị doanh nghiệp nhập từ nước ngoài thường dẫn đến sư gia tăng các dự án mới FDI xanh trong dài hạn [WIR, p. 9] [7] . Cuộc điều tra do WB thực hiện năm 2002 cho giai đoạn 1987–1999 tại 21 nước phát triển và 61 nước đang phát triển cũng dẫn đến một kết luận tương tự [8] .

Năm 2006, trị giá các giao dịch M&A lên tới 880 tỷ USD, chiếm tỷ trọng quan trọng trong tổng số FDI-nhận (1306 tỷ USD) và FDI-xuất (1023 tỷ USD). Nhóm các quốc gia phát triển chiếm đến gần 90% giá trị các hoạt động M&A. Tuy nhiên, tầm quan trọng của hình thức đầu tư này đang tăng dần tại các quốc gia đang phát triển, khi các nền kinh tế mới nổi như Trung quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga và các quốc gia công nghiệp mới châu Á mua lại ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn của các quốc gia phát triển: 65 tỷ USD năm 2006, tăng 50% so với năm trước. FDI M&A cũng chiếm tỷ trọng quan trọng tại các quốc gia đang phát triển vào cao điểm thực hiện tiến trình tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước, như đã xãy ra khu vực Châu Mỹ La tinh vào thập niên 90 [9] . Tại Việt Nam, FDI thực hiện dưới dạng thức M&A chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng tăng dần theo xu hướng chung, năm 2006 đạt 245 triệu USD, từ 61 triệu USD năm 2005 [10] . Từ một góc độ khác, thành phần FDI dựa trên ba nguồn tài chính: vốn cổ phần (equity capital), lợi nhuận tái đầu tư (reinvested earnings), và vốn vay từ công ty mẹ (intra-company loan) [WIR, p. 245].

Các lĩnh vực đầu tư gồm có cơ bản (primary / natural resouces), chế tạo (secondary/manufacturing), và dịch vụ (sevices). Ngành dịch vụ cung cấp các sản phẩm phi vật thể (intangible products) như các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, địa ốc, giao thông, truyền thông, tiện ích công cộng (điện, nước...). Dịch vụ là lĩnh vực quan trọng nhất: FDI-nhận tích lũy (stock) tăng từ 49% năm 1990 lên 61% năm 2005, trong đó, các ngành công nghệ liên quan đến hạ tầng tăng trưởng mạnh nhất. Chế tạo là lĩnh vực lớn thứ hai, nhưng tỷ trọng giảm dần từ 41% năm 1990 xuống 30% năm 2005. Tuy nhiên, sự chênh lệch về tỷ trọng FDI-nhận trong mỗi lĩnh vực dịch vụ và chế tạo giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển không lớn như thường nghĩ: dịch vụ (62% - 59%), và chế tạo (29% - 31%). [WIR, XVI, p. 22]. Lĩnh vực cơ bản bao gồm các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, như lâm - nông nghiệp và khai khoáng, chiếm khoảng 10% trên tổng số FDI, trong đó, dầu và khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hoạt động khai thác dầu và khoáng sản tăng mạnh trong khoảng thời gian gần đây vì giá cả tăng cao và do một số quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ muốn bảo toàn nguồn nguyên liệu chiến lược này.

Các công ty đa quốc gia (transnational corporations, TNCs) đóng vai trò rất trọng yếu, thực hiện các hoạt động đầu tư trên thế giới. Các hoạt động của TNC hiện chiếm 10% GDP và 1/3 xuất khẩu toàn cầu [WIR, XVI], với 78 nghìn công ty mẹ và 780 nghìn công ty chi nhánh ở nước ngoài đang hoạt động trên thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều công ty chi nhánh ở nước ngoài nhất, kế đến là Đức và Nhật. Các công ty chi nhánh, trong đó vốn đầu tư của Hoa Kỳ chiếm cổ phần đa số, đang sử dụng 9 triệu lao động. Trung Quốc là nước có nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số công ty nước ngoài với lực lượng 24 triệu lao động. Tuy nhiên, sự kiện các công ty nước ngoài tại Trung quốc chỉ chiếm 2% FDI-nhập cho thấy rằng hầu hết các công ty hoặc là rất nhỏ hoặc là công ty liên doanh. Một đặc điểm đáng chú ý khác là với mức gia tăng lao động của các công ty nước ngoài trên thế giới tăng chậm hơn FDI, cho thấy khuynh hướng đầu tư đang nghiêng dần về các công nghệ đòi hỏi nhiều vốn và kỹ năng cao. Các quốc đang phát triển và các nền kinh tế chuyển tiếp hiện chỉ chiếm 20 nghìn trên tổng số 78 nghìn công ty mẹ, nhưng lại là địa bàn hoạt động của phần lớn các công ty chi nhánh nước ngoài: 518 trên 780 ngàn. Một chuyển biến đáng lưu ý là TNC của các quốc gia đang phát triển và chuyển tiếp phát triển nhanh hơn các quốc gia phát triển (biểu đồ I.6). Sự kiện này giải thích sự gia tăng hoạt động đầu tư trong vùng giữa các quốc gia đang phát triển (south-south FDI) và các giao dịch đầu tư M&A của các quốc này đang đổ vào nước phát triển ngày một nhiều. [WIR, XVI, p. 10]. Theo Báo cáo phát triển năm 2006 (WB), vào cuối năm 2005, 80 trong số 500 TNC lớn nhất thế giới hiện đang đầu tư tại Việt Nam, so với 400 tại Trung Quốc [11] . Qui mô trung bình của các dự án cũng biến thiên theo từng thời kỳ: 23 triệu USD năm 1996; 5 triệu USD năm 2000; 2,5 triệu USD năm 2003 [12] và 11 triệu USD theo số liệu năm 2007 [13] .

Các biến động của nguồn FDI: nguyên nhân của những biến động của nguồn FDI hàng năm hay tổng số tích lũy (stock) của một quốc gia không chỉ đơn thuần là số vốn các nhà đầu tư nước bỏ ra để xây dựng doanh nghiệp mới hay mua lại hoặc sáp nhập doanh nghiệp đang hoạt động. Những biến động của FDI trong năm 2006 có thể giúp hiểu rõ hơn những yếu tố quan trọng tác động đến nguồn vốn đầu tư này. Tái đầu tư từ lợi nhuận kinh doanh (reinvested earnings) ước tính chiếm 30% FDI thế giới và 50% tại các nước đang phát triển, và 201 tỷ USD trong tổng số vốn 217 tỷ FDI của Hoa Kỳ [WIR XV, p. 70]. Giá cổ phiếu chứng khoán tăng không những làm tăng giá trị các giao dịch M&A, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động, mà còn tăng mãi lực và động lực cho nhà đầu tư mở rộng hoạt động đầu tư [WIR XV, p. 5]. Cắt giảm hoạt động đầu tư (divestment/disinvestment) dưới hình thức bán hay đóng cửa doanh nghiệp đang hoạt động là nguyên nhân chính khiến nguồn FDI tại Nhật Bản [WIR, p. 69] và Hàn Quốc giảm mạnh [WIR, p. 42]. Ngoài ra, nguồn FDI có thể giảm xuống khi các doanh nghiệp FDI trả nợ vay của công ty mẹ như Vương quốc Liên hiệp Anh, hay tăng lên do vay thêm vốn của công ty mẹ để mở rộng hoạt động kinh doanh như trường hợp của Thụy Điển [WIR, p. 68].


II. Bức tranh FDI thế giới năm 2006:

FDI-nhận tăng 38%, đạt 1306 tỷ USD, là mức kỷ lục cao thứ nhì từ trước đến nay. Hai yếu tố quan trọng tác động đến mức tăng trưởng kỷ lục này là cổ phiếu thị trường chứng khoán được giá và lợi nhuận kinh doanh cao.

FDI-nhận của khu vực các quốc gia phát triển đạt 857 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2005, hơn hai lần FDI năm 2004, và chiếm 66% FDI thế giới [WIR, p. 66]. Hoa kỳ tái chiếm vị trí số một (175 tỷ USD), kế đến là Vương quốc Liên hiệp Anh (140 tỷ USD), Pháp (81 tỷ USD). Khối EU nhận 531 tỷ USD, 44% FDI thế giới. FDI thực hiện dưới hình thức M&A đạt 728 tỷ USD; 90% trong số đó diễn ra giữa các quốc gia phát triển, và 65 tỷ USD đến từ các quốc gia đang phát triển. FDI xanh cũng có xu hướng gia tăng, từ 4662 dự án năm 2005 lên 5197 dự án năm 2006.

FDI-nhận khu vực các quốc gia đang phát triển tăng 21%, 379 tỷ USD, chiếm 29% FDI thế giới, là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Châu Á vẫn duy trì thế mạnh trong việc thu hút FDI, tiếp nhận 260 tỷ USD, hơn 2/3 tổng số FDI của các quốc gia đang phát triển, với các nước đứng đầu bảng: Trung quốc (69 tỷ USD), Hong Kong (43 tỷ USD), Singapore (24 tỷ USD), và Ấn Độ (17 tỷ USD) [WIR, XVIII]. Châu Mỹ Latin và vùng Caribbean là khu vực tiếp nhận lớn thứ hai, 84 tỷ USD; Mexico (19 tỷ USD) và Brazil (19 tỷ USD) đang dẫn đầu khu vực [WIR, p. 54]. Châu Phi có vị trí yếu thế nhất, với con số khiêm tốn FDI-nhận 36 tỷ USD, với Ai Cập là quốc gia dẫn đầu châu lục: 10 tỷ USD.

FDI-nhận Khu vực các quốc gia chuyển tiếp tăng 69%, đạt 69 tỷ USD, 5% FDI thế giới . Năm quốc gia dẫn đầu FDI gồm theo thứ tự: Liên bang Nga (28,7 tỷ USD), Romania (11,4 tỷ USD), Kazakhstan (6 tỷ USD), Ukraine (5,2 tỷ USD) và Bulgaria (5,2 tỷ USD) [WIR, pp. 61, 90]. Các quốc gia chuyển tiếp nhận nguồn đầu tư khá lớn trong lĩnh vực cơ bản, chiếm gần ¼ FDI trên thế giới của riêng lĩnh vực này [WIR, p. 22].

FDI-xuất đạt 1216 tỷ USD: FDI của các quốc gia phát triển tăng 45% so với năm 2005, chiếm 84% FDI toàn cầu. Xu hướng FDI-xuất vượt trội FDI-nhận của khu vực các nước phát triển vẫn tiếp tục năm 2006, với FDI-xuất cao hơn FDI-nhận 165 tỷ USD. Hoa Kỳ tái chiếm vị trí hàng đầu FDI-xuất, 217 tỷ USD, phần lớn do nguồn vốn tái đầu tư từ lợi nhuận kinh doanh. FDI khối EU giảm nhẹ, 572 tỷ USD, chiếm gần phân nửa tổng số FDI-xuất thế giới, và 7 trong số 10 nước có FDI-xuất lớn nhất thuộc khối này: Pháp (115 tỷ USD), Tây Ban Nha (90 tỷ USD), Thụy Điển (82 tỷ USD), Vương quốc Liên hiệp Anh (79 tỷ USD), Đức (79 tỷ USD), Bỉ (63 tỷ USD), và Ý (37 tỷ USD). FDI-xuất của Nhật Bản đạt 50 tỷ USD: đầu tư vào châu Á gia tăng với tỷ trọng 35%, vượt qua FDI đầu tư vào Bắc Mỹ (19%), và xấp xỉ với FDI vào khu vực tây Âu (36%) [WIR, XIV, p. 69].

Tỷ trọng FDI-xuất của các nước đang phát triển và chuyển tiếp có vị thế khiêm tốn; tuy nhiên, liên tục gia tăng từ 2003, đạt 193 tỷ USD năm 2006, chiếm 16% FDI thế giới. Châu Á không những chiếm hơn 2/3 FDI-nhận của các quốc gia đang phát triển, mà còn giữ ưu thế trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, chiếm 61% (117 tỷ USD) FDI-xuất của khu vực các nước đang phát triển và chuyển tiếp.


III. Khu vực Đông, Nam và Đông Nam Á:

Châu Á được phân thành 4 khu vực: Tây Á, Đông Á, Nam Á, và Đông Nam Á. Năm 2006, FDI Tây Á tăng 44%, đạt 60 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong ba nước: Turkey, Saudi Arabia và the United Arab Emirates. Do mối quan hệ đặc biệt, các khu vực Đông, Nam, và Đông Nam Á được WIR phân tích như một tiểu nhóm. Các nền kinh tế lớn của Đông Á gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan; Nam Á: Ấn Độ; Đông Nam Á: Singapore. Vì mối tương quan yếu giữa Việt Nam và các quốc gia trong vùng, nội dung phần kế tiếp sẽ đi sâu hơn về các chuyển biến và xu hướng phát triển FDI của khu vực Đông - Nam - Đông Nam Á.

Những nét chính của bức tranh FDI khu vực năm 2006: Biểu đồ II.6. cho thấy vốn FDI đổ vào khu vực trong giai đoạn 1995–2006 không ngừng gia tăng, với Đông Á và Đông Nam Á chiếm tỷ trọng khống chế. Tuy khu vực Đông Á vẫn tiếp tục nhận phần lớn nguồn FDI, nhưng xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang nghiêng dần về Nam Á và Đông Nam Á. Tại Đông Á, FDI đang chuyển hướng vào các ngành công nghệ đòi hỏi kỷ năng và gia tăng giá trị cao. Về phương thức đầu tư, FDI thực hiện dưới hình thức M&A của khu vực tăng 19%, đạt 54 tỷ USD; trong khi đó, FDI xanh cũng tăng cùng tốc độ, 19%, với con số kỷ lục 3515 dự án. Các hoạt động đầu tư (outflows) của khu vực tăng đáng kể, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ, và đồng thời các hoạt động FDI giữa các quốc gia trong vùng cũng tăng mạnh trong hai năm 2005–2006. Một nguyên do quan trọng khác giải thích sự gia tăng hoạt động đầu tư trong vùng là sự lớn mạnh của các công ty đa quốc gia (TNC) trong khu vực. Trong số bảy TNC lớn nhất thế giới hiện nay là của các nước đang phát triển, thì sáu TNC thuộc khu vực Đông - Nam - Đông Nam Á. Khu vực cũng chiếm 78 trên tổng số 100 TNC lớn nhất của các nước đang phát triển, trong đó Hong Kong có 25 TNC, Đài Loan 18, Singapore 11 và Trung Quốc 10 (WIR, XVI, p. 25).

FDI-nhận (inflows) năm 2006 của khu vực tăng 19%, đạt 200 tỷ USD, chiếm 77% FDI của các quốc gia đang phát triển Châu Á, và 53% của các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Trung Quốc, Hồng Kông là hai quốc gia dẫn đầu FDI khu vực và các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Singapore, Ấn Độ giữ vị trí thứ 3, 4 trong khu vực.

Đông Á tiếp tục là khu vực nhận FDI nhiều nhất của châu Á, tăng nhẹ (8%) năm 2006. Trung quốc dẫn đầu (69 tỷ USD), kế đến là Hồng Kông (43 tỷ USD), Đài Loan (7 tỷ USD), và Nam Hàn (5 tỷ USD). Sự kiện FDI Trung Quốc giảm nhẹ (4%) lần đầu tiên sau 7 năm tăng liên tục được giải thích do nguồn đầu tư vào lĩnh vực tài chính sút giảm, phí tổn sản xuất tăng, nguồn lao động vùng duyên hải thiếu hụt, và chính sách khuyến khích đầu tư vào các tỉnh nội địa, dành ưu tiên đầu tư công nghệ có giá trị gia tăng cao cho các tỉnh phát triển. Mức tăng trưởng FDI cao của Hồng Kong (28%) và Đài Loan (360%) chủ yếu do các giao dịch M&A tăng mạnh, trong khi FDI của Hàn Quốc lại giảm nhiều vì các hoạt động M&A sụt giảm đáng kể và một số doanh nghiệp FDI giải thể. Tuy nhiên, FDI thuộc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao rót vào Hàn Quốc lại gia tăng.

FDI Đông Nam Á tăng đáng kể (25%), với con số kỷ lục 51 tỷ USD. FDI đổ vào Singapore, trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, tăng 65% (24 tỷ USD), chiếm gần một nửa FDI của cả vùng, phần lớn từ các hoạt động M&A ở lĩnh vực dịch vụ. FDI Thái Lan tăng 9% (9 tỷ USD), trong đó, nguồn đầu tư M&A từ Singapore chiếm tỷ trọng quan trọng. FDI Malaysia tăng 53% (6 tỷ USD) và Philippines 26% (2,3 tỷ USD), là con số kỷ lục của mỗi nước, với một phần quan trọng FDI của Philippines đến từ Hoa Kỳ qua M&A. FDI Indonesia giảm 33%, còn 5,6 tỷ USD, và Việt Nam tăng 15%, đạt 2,3 tỷ USD.

FDI Nam Á tăng vọt (125%), với con số kỷ lục 22 tỷ USD, trong đó, FDI của Ấn Độ chiếm phần lớn FDI khu vực, 17 tỷ USD, tăng 153%, và bằng FDI của 3 năm truớc (2003–2005) gộp lại. Nền kinh tế đạt mức phát triển cao, và lợi tức người dân tăng khiến thị trường tiêu thụ nội địa tăng phần hấp dẫn là hai nguyên nhân của mức tăng vọt này. Pakistan là nước tiếp nhận FDI cao thứ nhì của Nam Á, FDI năm 2006 tăng mạnh (4,3 tỷ USD) nhờ mức tăng trưởng kinh tế khá cao và việc đẫy mạnh chính sách tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.

FDI-xuất (outflows) khu vực tăng 60%, đạt 103 tỷ USD, dàn trải trên cả ba khu vực Đông - Nam - Đông Nam Á. Trong số các quốc gia công nghiệp mới châu Á, nguồn FDI từ Hong Kong có lớn nhất, tăng 60% lên 43 tỷ USD. FDI-xuất của Singapore tăng trở lại (8,6 tỷ USD), phần lớn dưới dạng M&A, trong khi đó đầu tư của Nam Hàn (5 tỷ USD) chủ yếu đổ vào FDI xanh.

Tỷ trọng nguồn FDI từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh, từ 10% năm 2004 tăng lên 25% trên tổng số FDI-xuất của cả khu vực năm 2006, thách thức sự khống chế truyền thống các hoạt động đầu tư của các quốc gia công nghiệp mới châu Á. Những hoạt động đầu tư vươn ra nước ngoài của hai quốc gia này nhắm tới nguồn nhiên liệu chiến lược dầu khí, xây dựng thương hiệu, tiếp thu kỷ thuật, mở rộng dịch vụ tài chính. Mặc dù phải đối đầu với nhiêu trở lực, như từ phía Hoa Kỳ chẳng hạn, tài sản ngân hàng nhà nước của Trung Quốc ở nước ngoài cũng đã lên 28 tỷ USD [WIR, p. 47]. Hoạt động đầu tư từ hai quốc gia này, cùng với các giao dịch M&A của các nước công nghiệp mới châu Á, đặc biệt Singapore, góp phần quan trọng cho sự nở rộ các giao dịch M&A tại Âu châu, nhất là năm 2006 [WIR, p. 44].

FDI-xuất của Trung Quốc tăng 32%, 16 tỷ USD, và FDI-xuất tích lũy đạt 72 tỷ USD. Một phần quan trọng của FDI này đổ vào các quốc gia đang phát triển và chuyển tiếp. Gần đây, Trung Quốc thiết lập quỹ đầu tư quốc doanh 200 tỷ USD trích từ nguồn dự trữ khổng lồ hơn 1000 tỷ. Đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ năm 2006 tăng 4 lần, đạt 9,7 tỷ USD. Nhưng khác với Trung Quốc, hoạt động đầu tư của Ấn Độ chủ yếu được thực hiện bởi các tập đoàn tư nhân.

Những hoạt động đầu tư lớn nhất trong khu vực: Bức tranh các hoạt động đầu tư của khu vực hiện rõ nét hơn qua các dữ kiện đúc kết trong bản II.5 WIR, liệt kê 15 hoạt động đầu tư lớn nhất giữa hai quốc gia (bilateral flows and stock) năm 2005 của Đông-Nam-Đông Nam Á, cao nhất từ Hong Kong đổ vào Trung Quốc (19 tỷ USD), và thấp nhất (289 triệu) do Ấn Độ đầu tư Singapore. Bảng II.5 được chúng tôi tổng họp, nhóm lại theo quốc gia đầu tư để thấy rõ hơn tiềm năng các nguồn đầu tư cũng như khả năng thu hút đầu tư của các nước trong khu vực. Một vài sự kiện đáng chú ý từ các số liệu này:


  • Nguồn FDI tích lũy từ Hong Kong đổ vào Trung Quốc (242 tỷ USD) lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau FDI của Vương quốc Liên hiệp Anh đầu tư vào Hoa Kỳ (282 tỷ USD), và FDI ngược dòng từ Trung Quốc vào Hong Kong, 164 tỷ USD, là lượng FDI lớn thứ 8 thế giới.
  • Ngoài nguồn vốn truyền thống đến từ các quốc gia công nghiệp mới (Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore), FDI từ các nền kinh tế mới nổi trong vùng đang lớn dần. Các nước này vừa là đối thủ cạnh tranh FDI với Việt Nam, vừa trở nên nguồn đầu tư ngày một quan trọng.
  • Việt Nam không nằm trong danh sách các nước trong khu vực nhận FDI từ 15 giao dịch đầu tư lớn nhất từ khu vực năm 2005; số liệu FDI tích lũy của Việt Nam do chúng tôi bổ túc để so sánh nguồn FDI tích lũy của Việt Nam với các nước trong vùng.
Bảng “FDI Đăng ký và thực hiện 1988–2006 ” cũng do chúng tôi tổng hợp nhầm cung cấp một hình ảnh bao quát và đầy đủ hơn về nguồn FDI tại Việt Nam, bao gồm 17 nước có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD [14] và 17 quốc gia có vốn thực hiện lớn nhất. Các số liệu này cho thấy các quốc gia trong khu vực chiếm tỷ trọng khống chế trên cả nguồn FDI đăng ký lẫn FDI thực hiện:



Bảng 3 và 4 sau đây cho thấy rõ hơn nữa khả năng thu hút nguồn FDI hàng năm (inflows) và tổng số tích lũy (stock) của Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh nguồn vốn FDI.


Bảng 3 - Nguồn: bảng do tác giả tự lập dựa theo số liệu UNCTAD [15]


Bảng 4 - Nguồn: bảng do tác giả tự lập dựa theo số liệu UNCTAD [16]


IV. FDI – Tiềm năng và thành quả thực hiện:

Cuộc điều tra thẩm định tiềm năng và thành quả thực hiện nguồn FDI được UNCTAD (WIR) thực hiện hàng năm, dựa trên số liệu trong 3 năm liên tiếp của 144 quốc gia. Chỉ số tiềm năng được đánh giá căn cứ trên các 12 chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, là những yếu tố ảnh hưởng đến sức thu hút nguồn FDI: lợi tức cá nhân, mức tăng trưởng GDP, tỷ trọng xuất khẩu/GDP, xuất khẩu dịch vụ, FDI thực hiện, thị phần nhập cảng phụ tùng điện tử và auto, tài nguyên thiên nhiên, tỷ trọng học sinh đại học/dân số, chi phí sử dụng nghiên cứu và phát triển, mức sử dụng các tiện ích truyền thông hiện đại (telephone bàn, di động), mức tiêu thụ điện/đầu người, và độ rủi ro đối với nhà đầu tư [17] . Chỉ số đo lường thành quả thực hiện FDI là tỷ số giữa tỷ trọng nguồn FDI quốc gia/thế giới và tỷ trọng GDP quốc gia/thế giới. Tỷ số lớn hơn 1 cho thấy thành quả thực hiện FDI của quốc gia này cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của tổng sản lượng quốc gia, và ngược lại [18] .

Hai chỉ số trên đây được WIR tổng hợp vào bảng (ma trận) I.8, xếp thành 4 nhóm: các nước dẫn đầu (chỉ số tiềm năng cao và thực hiện cao), nhóm thực hiện trên tiềm năng (tiềm năng thấp, thực hiện cao), nhóm thực hiện dưới tiềm năng (tiềm năng cao, thực hiện thấp), và nhóm các quốc gia yếu kém nhất (cả hai chỉ tiêu đều thấp). Đối chiếu với WIR năm trước, kết quả các nhóm quốc gia không mấy thay đổi; tuy nhiên, tính từ thập niên qua, thứ hạng của Thái Lan được cải thiện đáng kể, trong khi vị trí của Indonesia tụt từ nhóm dẫn đầu xuống nhóm thấp nhất.



Với chỉ số tiềm năng thấp (80/144) và chỉ số thực hiện FDI trên 1 (1,343), Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thực hiện trên tiềm năng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện FDI thấp bao gồm cả Hàn Quốc, Đài Loan và phần lớn các nước công nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Canada, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Australia... vì mức tăng trưởng GDP của các nền kinh tế phát triển thường chậm lại và tỷ lệ đầu tư FDI trên GDP cũng thấp hơn các quốc gia đang phát triển. Chỉ có vài nước công nghiệp, cùng với Hong Kong và Singapore, thuộc nhóm có chỉ số thực hiện cao như Vương quốc Liên hiệp Anh và Hòa Lan.

Mặc khác, tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam lại được đánh giá cao qua cuộc Điều tra Đầu tư Thế giới giai đoạn 2007–2009, bản I.13. [WIR, p. 30]. Những đúc kết sau đây phản ảnh ý kiến của 192 công ty đa quốc gia tham gia cuộc điều tra:
  • Đông - Nam - Đông Nam Á vẫn dẫn đầu là khu vực hấp dẫn FDI nhất, kế đến Bắc Mỹ, EU.
  • Trung Quốc và Ấn độ dẫn đầu bản, được 52% và 41% công ty chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất, do qui mô quốc gia, sự tăng trưởng thị trường nội địa, và công nhân rẽ. Trung Quốc đang nỗ lực thu hút đầu tư công nghệ cao, Ấn độ có tiềm lực lớn về thị trường trong nước, nhưng đồng thời cũng đang đương với nhiều khó khăn.
  • Việt Nam đứng hạng thứ 6, được chọn bởi 11% công ty tham gia, với triển vọng thu hút mạnh FDI lĩnh vực chế tạo, trong khi Thái Lan đang hấp dẫn FDI các ngành công nghiệp gia tăng giá trị cao. Theo một cuộc điều tra khác thực hiện năm 2006 (JBIC), bốn nước này (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam) cũng đứng đầu trong số năm nước được các công ty đa quốc gia của Nhật Bản chọn là địa điểm ưu tiên đầu tư cao nhất.


V. Phần kết:

Những dữ kiện và phân tích của Báo cáo Đầu tư Thế giới (WIR) năm 2007 và các nguồn tài liệu khác đã cho thấy toàn cảnh và xu hướng của các hoạt động đầu tư trên thế giới, đặc biệt khu vực láng giềng của Việt Nam – vùng Đông - Nam - Đông Nam Á:

  1. Liên hiệp Âu Châu, Bắc mỹ và Nhật Bản vẫn tiếp tục chi phối các hoạt động đầu tư trên thế giới, đặc biệt về nguồn (inflows) FDI. Tuy nhiên, bộ mặt của các hoạt động đầu tư trong thập niên qua đã trở nên đa dạng hơn, với sự tham gia ngày một gia tăng của các nước đang phát triển, đặc biệt khu vực châu Á: các nước công nghiệp mới và các nền kinh tế mới nổi. Một xu hướng khác không kém phần quan trọng đã góp phần tạo nên bộ mặt đa dạng này là sự lớn mạnh của các công ty đa quốc gia khu vực Đông - Nam - Đông Nam Á và sự gia tăng các giao dịch đầu tư giữa các quốc gia trong vùng. Hai xu hướng trên đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vì nguồn đầu tư đến từ các quốc gia trong khu vực – Nhật Bản và các nước công nghiệp mới – chiếm tỷ lệ vượt trội, và đồng thời, nguồn đầu tư từ các nước mới nổi, đặc biệt Trung Quốc và Ấn Độ, đang tăng dần.
  2. Thành quả thực hiện FDI của Việt Nam tính theo tỷ lệ tương ứng với sản lương quốc gia (GDP) giai đoạn 2004–2006 được WIR đánh giá trên tiềm năng, với 1,343 điểm, thứ hạng 78/144, cao hơn Indonesia (0,908), Phillipines (0,747), Ấn Độ (0,568), và thấp hơn Trung quốc (1,472), Malaysia (1,693), và Thailand (2,075). Tuy nhiên, với nguồn FDI thực hiện khiêm tốn 2,3 tỷ USD vào năm 2006, Việt Nam không (hay chưa) được WIR đề cập đến như một trong những quốc gia đang phát triển có nguồn FDI quan trọng của vùng Đông - Nam - Đông Nam Á. Việt Nam không nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu FDI trong vùng năm 2006 (Bảng II.9), và mặc dù các nước trong khu vực hiện là nguồn đầu tư lớn nhất của Việt Nam, song Việt Nam lại không có trong danh sách của 15 giao dịch đầu tư lớn nhất giữa hai quốc gia trong vùng năm 2005 (Bảng II.5, WIR). Mặt khác, với mức phát triển khá cao và ổn định trong gần hai thập niên qua, FDI tích lũy của Việt Nam đã vượt qua Philippines và Indonesia (Bảng 4). Và điều này cũng không đáng ngạc nhiên, khi cả hai nước này đều có thứ hạng cao hơn cả Việt Nam về tham nhũng và thấp hơn về môi truờng đầu tư, qua các tường trình của Transparency International và WB năm 2007.
  3. FDI đăng ký của Việt Nam vượt nhanh trong hai năm 2006 (10,2 tỷ USD) và 2007 (20,3 tỷ), chủ yếu là do tác động từ sự kiện Việt Nam vừa trở thành thành viên của WTO, do đó cũng cần có thời gia để đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư mới, các cam kết khi gia nhập WTO và hiệu ứng của những thực hiện này. Tuy nhiên, số liệu Bảng 1 từ nguồn UNCTAD cho thấy mức tăng trưởng FDI thực hiện của Việt Nam tăng tương đối chậm, từ 1,5 tỷ USD năm 2003 lên 2,3 tỷ năm 2006, với mức tăng bình quân năm là 17%.
  4. Với chỉ số tiềm năng FDI giai đoạn 2003–2005 đạt 0,166, hạng thứ 80/144, Việt Nam được WIR đánh giá có tiềm năng FDI thấp – thấp hơn Philippines, Malaysia, TháiLan, Trung Quốc, và cao hơn Ấn Độ, Indonesia. Song, trong cuộc Điều tra Quốc gia [có tiềm năng FDI] Đứng đầu Thế giới giai đoạn 2007–2009, Việt Nam lại được các công ty đa quốc gia đánh giá cao với thứ hạng 6 trên thế giới, và trong khu vực, chỉ thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ. Việc đánh giá tiềm năng FDI của Việt Nam không đồng nhất này (hạng thứ thấp khi dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường kinh doanh về mặt lý thuyết, và hạng thứ cao hơn nếu dựa theo các phản ảnh từ thực tế của các nhà đầu tư) phù hợp với kết quả điều tra trên Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2006 (WB). Các chuyên gia thực hiện báo cáo WB giải thích có thể vì các nhà đầu tư đã trở nên quen thuộc với tham nhũng (tuy lan tràn nhưng tổn phí không đáng kể khi so sánh với các nước cùng trình độ phát triển), và với các giao dịch dựa trên sự tín nhiệm hơn là các ràng buộc pháp lý trong bối cảnh của hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập. Một số luận điểm khác nhấn mạnh đến ưu thế của nguồn lao động rẽ, cần mẫn, năng động và vị trí địa lý thuận lợi – vừa kề cận Trung Quốc trong khi các nhà đầu tư đang có xu hướng phân tán nguồn FDI để giảm bớt rủi ro vì nguồn vốn hiện đang tập trung quá lớn vào quốc gia này, vừa nối kết Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, là khu vực đang thu hút mạnh nguồn FDI. Phong trào bài Nhật nổi lên tại Trung Quốc trong những năm gần đây cũng khiến Nhật Bản e dè hơn với Trung Quốc và nhích lại gần hơn với Việt Nam trong hoạt động đầu tư.
  5. Cũng như Trung Quốc, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đóng góp một tỷ lệ quan trọng về kim ngạch xuất khẩu. Vấn đề là: theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, UN, và JETRO do Giáo sư Trần Văn Thọ từ Đại học Waseda (Tokyo) thực hiện, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi từ 2004–2006, trong đó nông thủy sản, thực phẩm và các mặt hàng giá trị gia tăng thấp như dệt, may, và tạp phẩm chiếm đến 49,4% so với tỷ lệ 14,5% của các quốc gia Đông Á và Ấn Độ. Và ngược lại, đối với các ngành chế tạo đòi hỏi công nghệ cao hơn như máy móc các loại, máy phát điện, máy công cụ, xe hơi và bộ phận xe hơi, đồ điện tử và IT thì Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 7,5% so với 54,6% của Đông Á và Ấn Độ. Những phân tích của WIR cũng cho thấy xu hướng FDI ngày càng nghiêng về các ngành thậm dụng kỹ thuật và vốn, và Trung Quốc, Thái Lan đang có ưu thế thu hút đầu tư các ngành có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, điều mà Giáo sư Thọ quan ngại là trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập hậu WTO, cánh cửa cạnh tranh buộc phải từng bước mở rộng, trong khi năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu kém và những qui định của WTO không cho các biện pháp phép hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, do đó, nếu không kịp thời chấn chỉnh, rất có thể Việt Nam sẽ bị cố định hóa trong cơ cấu xuất khẩu bất lợi hiện nay [19] .
  6. Phải làm gì để thay đổi xu hướng này cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được nhóm chuyên gia Harvard phân tích qua phần liên quan đến các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong tài liệu Lựa chọn thành công:

    • Trong khi dòng FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, chứng tỏ rằng quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam thực sự sâu sắc và ngày một nhiều hơn thì cũng nên nhớ rằng sự bùng nổ FDI cũng đã từng xảy ra và chấm dứt ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á [Phần 4, V.2] [20] .
    • Những lĩnh vực hiện nay Việt Nam đang có tính cạnh tranh nhất là hàng nông sản thô như cà phê, hạt điều, cao su, gạo hay hàng thâm dụng lao động như giày dép và dệt may. Đặc trưng chung của những ngành này là chúng tạo ra rất ít giá trị gia tăng, đem lại lợi nhuận rất mỏng, và tốc độ tăng trưởng rất thấp. Thách thức cho tương lai của Việt Nam là một mặt tiếp tục duy trì tính cạnh tranh trong những ngành này vì dù sao chúng cũng là thế mạnh của Việt Nam, mặt khác chủ động tiến tới sản xuất các sản phẩm và dịch vụ thâm dụng tri thức, lợi nhuận lớn và tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam có thể học được nhiều điều từ bí quyết thành công của các nước Đông Á, vì các nước này đều tập trung vào những sản phẩm mà nhu cầu co giãn cao đối với thu nhập, nghĩa là khi giàu lên người ta tiêu thụ nhiều hơn như hàng điện tử tiêu dùng chẳng hạn [Phần 3, IV.41].
    • Việt Nam đã thành công trong việc thu hút được một số nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel (Hoa Kỳ), Canon, Nidec (Nhật Bản), và Foxconn (Đài Loan). Đây là một cơ hội ngàn vàng để Việt Nam chuyển đổi và vượt lên chiếm lĩnh những ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Để có thể tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam cần đào tạo một số lượng lớn lao động có kiến thức và công nhân có kỹ năng để cung cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước. Nếu không thì có lẽ Việt Nam sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự như Malaysia – chịu thua trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia có lao động tay nghề cao hơn với chi phí thấp hơn hơn [Phần 5, VII.1]. Việt Nam cũng cần rất tỉnh táo trước những điều kiện cần thiết để duy trì FDI, hiện nay, ở cả hai lĩnh vực quan trọng – cung cấp điện và lao động kỹ năng – Việt Nam đều đang thất bại [Phần 4, V.2].
    • FDI sẽ đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển tiếp tục của Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tận dụng cao nhất hiệu ứng lan toả của FDI thì những khoản đầu tư này phải được gắn kết một cách hữu cơ với nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam chỉ có một số ít doanh nghiệp dân doanh có khả năng phát triển thành những doanh nghiệp lớn. Nếu các doanh nghiệp dân doanh không sớm trở thành những nhà cung ứng đáng tin cậy cho các doanh nghiệp FDI thì hệ quả có thể là tốc độ tăng trưởng của cả hai khu vực này đều bị suy giảm. Việc trở thành các nhà cung ứng tại chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp dân doanh nối kết được vào mạng lưới cung ứng toàn cầu, đồng thời có cơ hội được làm việc với những tiêu chuẩn chất lượng và môi trường kinh doanh quốc tế. Sự tồn tại của một mạng lưới dầy đặc các nhà cung ứng địa phương cũng là một nhân tố thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phàn nàn rằng các nhà cung ứng trong nước còn quá nhỏ và công nghệ quá lạc hậu để có thể thực hiện được vai trò rất quan trọng này [Phần 4, V.2].

*

FDI chiếm 51% nguồn tài chính nước ngoài của các nước đang phát triển năm 2006 và là nguồn tài chính nước ngoài lớn nhất kể từ năm 1994 cho công cuộc phát triển của các quốc gia này [WIR, p. 33]. Tại Việt Nam, FDI đã đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế: tỷ lệ vốn đầu tư hiện chiếm khoảng 20% tổng số vốn đầu tư quốc gia hàng năm, gần ¼ tổng doanh thu với mức tăng trưởng trung bình năm 30% [Phần 4, V.2], và 60% kim ngạch xuất khẩu.

Từ hai thập niên qua, FDI là một trong những nhân tố hàng đầu đã đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kinh tế suy thoái – hệ quả của thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Ngày nay, đại bộ phận dân chúng tuy đã không còn phải lo cái ăn, cái mặc, song, vẫn canh cánh với những âu lo, khi các chi phí thiết thực cho đời sống hàng ngày, từ học phí cho con em, đến thuốc men, chữa bệnh, đất đai, nhà cửa, vật liệu, thực phẩm mỗi ngày mỗi tăng.

Trong viễn cảnh của thập niên 2010–2020, giai đoạn quyết định cho định hướng phát triển của Việt Nam, FDI còn có thể sẽ góp phần quan trọng hơn nữa, nếu như nguồn đầu tư quan trọng này phát huy được tác dụng tích cực của nó trong vai trò nối kết với thị trường thế giới, du nhập và chuyễn giao công nghệ hiện đại, và liên kết hoạt động các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước. Quan hệ gắn kết hữu cơ này có thể giúp cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước từng bước cải tiến công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, tiến tới sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và cung ứng các phụ kiện cho các doanh nghiệp FDI với giá thành thấp, làm gia tăng sức cạnh tranh của thành phẩm, và do đó, sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI, mà hệ quả là dòng chãy FDI sẽ tiếp tục đỗ vào Việt Nam. Khi nguồn FDI phát huy được hiệu ứng lan toả vào khu vực nội địa, thì năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp sẽ được nâng cao, và thực lực của nền kinh tế quốc gia sẽ ngày càng vững mạnh.

Như thế, tiềm năng của FDI là rất lớn – không những chỉ ở lượng vốn sẽ đổ vào Việt Nam, mang lại cơm no áo ấm cho người dân, mà nó còn có thể là nguồn trợ lực thiết yếu cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Song, từ góc độ này, hiện trạng của nền kinh tế lại cho thấy khả năng hiện thực của FDI là một ẩn số đầy biến động và tiềm ẩn nhiều bất trắc, khi các rào cản đang làm chậm đà phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và duy trì ưu thế cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn tồn tại, khi các nhóm đặc quyền, đặc lợi vẫn có ảnh hưởng chi phối việc hoạch định và thực thi các quốc sách, tiếp tục đục khoét tài sản đất nước, và khi chủ trương “doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ đạo” vẫn là kim chỉ nam của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.

Tháng 4 năm 2008

© 2008 talawas



[1]UNCTAD, World Investment Report 2007 (WIR).
[2]Nhóm chuyên gia Đại học Harvard, Lựa chọn Thành công – Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai Việt Nam, www.diendan.org ; bản tóm lược do Trần Bình thực hiện, nhan đề “Lựa chọn thành công – Những luận điểm quan trọng về chiến lược phát triển Việt Nam”, được đăng trên talawas ngày 5.3.2008. [3]World Bank, Vietnam Development Report 2006 (WB Development), p. 12. [4]UNCTAD, Country fact sheets. [5]Tổng cục Thống kê, Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép 1988–2006. [6]Tổng cục Thống kê, Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được cấp giấy phép năm 1989–2006. [7]Nguồn trích dẫn được tham chiếu từ tài liệu WIR của UNCTAD. [8]World Bank, FDI in old vs new assets: Does the distinction matter? (WB assets), p. 17. [9]WB assets, p. 4. [10] Anh Thư, “Nói rõ thêm về những con số thu hút FDI”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 3-2008. [11]WB Development, p. 12.
[12]WB Development, p. 12.
[13]Dương Ngọc, “Đầu tư nước ngoài: Đạt kỷ lục vẫn lo”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 28/12/2007. [14]Tổng cục Thống kê, Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép năm 1988–2006 phân theo đối tác đầu tư chủ yếu.
[15]UNCTAD, Major FDI indicators. [16]UNCTAD, Major FDI indicators. [17]UNCTAD, Inward FDI Perfomance Index – Results for 2004–2006. [18]UNCTAD, Inward FDI Potential Index – Results for 2003–2005. [19]Trần Văn Thọ, “Việt Nam trước cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 1-2008. [20]Nguồn trích dẫn được tham chiếu đến tiểu đoạn nhỏ nhất được đánh số của tài liệu Lựa chọn thành công đăng trên báo mạng Diễn đàn.