trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
29.11.2007
Phan Lương Hùng
Thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai nhìn từ góc độ đồng đại và lịch đại
 
1. Khi nghiên cứu các ngôn ngữ châu Á nói chung và các ngôn ngữ Đông Nam Á nói riêng, nhiều nhà nghiên cứu đã dành cho thanh điệu một sự quan tâm đặc biệt với những vấn đề liên quan đến loại hình học, ngữ âm – âm vị học, ngôn ngữ học lịch sử… Năm 1912, H. Maspero dựa vào hệ thống thanh điệu tiếng Việt để khẳng định mối quan hệ nguồn gốc giữa hai ngôn ngữ Việt – Thái. Năm 1991, A.G. Haudricourt đã dựa vào sự tương ứng giữa các đặc trưng ngữ âm học của hệ thống thanh điệu tiếng Việt với hệ thống âm đầu và âm cuối trong các ngôn ngữ Môn – Khơme để khẳng định về nguồn gốc Nam Á của tiếng Việt. Cũng tương tự như vậy, năm 1977, Lí Phương Quế đã dựa vào hệ thống thanh điệu và phụ âm đầu để phân loại mối quan hệ cội nguồn giữa các ngôn ngữ Thái [10].

Bài viết này sẽ tiến hành mô tả hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai [1] với một số mục tiêu cụ thể như sau:

Thứ nhất, cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát về hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai trên bình diện đồng đại.

Thứ hai, cung cấp cho người đọc quá trình biến đổi của hệ thống thanh điệu từ Proto-Tai đến tiếng Thái Vạn Mai.

Thứ ba, cung cấp thêm tư liệu góp phần giải quyết vấn đề “Có hay không sự tồn tại của ngành Thái Đỏ bên cạnh hai ngành Thái Đen và Thái Trắng” ở Việt Nam [2] .

Tư liệu phục vụ cho bài viết là bảng 3000 từ ghi âm tiếng Thái tại xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình vào tháng 8/2006 do cộng tác viên chính là Khà Văn Chiên, 46 tuổi, trú tại xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cung cấp.

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết là phân tích, miêu tả hệ thống thanh điệu bằng cảm nhận thính giác, kết hợp với phân tích, mô tả thực nghiệm bằng các phần mềm chuyên dụng như Win Cecil và Speech Analyzer 1.06a. Ngoài ra, bài viết cũng sử dụng một số thủ pháp của ngành ngôn ngữ học lịch sử.


2. Trước hết, về mặt đồng đại, thông qua các thao tác phân tích, so sánh và đối lập các hiện tượng thanh điệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy tiếng Thái Vạn Mai có 05 âm vị thanh điệu (hay còn gọi là thanh vị - tonemes) khác nhau, ví dụ: X(n42 (trả lại), X(n35 (ngái), X(n33 (lùi lại), X(n225 (lên), măj32 (gỗ)… Dưới đây là phần mô tả về cao độ, đường nét và chất giọng của 5 thanh vị này:


2.1. Về cao độ (pitch) và đường nét (contour) của thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai:

Trước hết, về cảm nhận thính giác, chúng tôi nhận thấy các thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai có một số đặc điểm về cao độ như sau:

Thanh thứ nhất: Có đường nét bằng phẳng ở cao độ trung bình. Thanh này có thể được ghi là 33 (theo cách ghi của Triệu Nguyên Nhiệm). Ví dụ: na33 (ruộng), saj33 (cát), ta(33 (đường đi)…

Thanh thứ hai: Có đường nét đi xuống, xuất phát từ cao độ cao sau đó đi xuống và kêt thúc ở cao độ thấp. Thanh này có thể được ghi là 42. Ví dụ: puo42 (vua), huo42 (đầu), din42 (đất)…

Thanh thứ ba: Có đường nét đi lên, xuất phát từ cao độ trung bình và kết thúc ở cao độ cao. Thanh này có thể được ghi là 35. Ví dụ: pi35 (anh), p(t35 (8), b(k35 (hoa)…

Thanh thứ tư: Có đường nét tương đối giống với thanh thứ ba. Xuất phát ở cao độ hơi thấp (thấp hơn so với điểm xuất phát của thanh thứ ba). Cao độ giữ nguyên (hoặc tăng từ từ) ở nửa đầu của âm tiết, thực sự tăng nhanh ở nửa cuối âm tiết và kết thúc ở cao độ cao. Thanh này có thể được ghi là 224. Ví dụ: l((t224 (máu), luk224 (con), săj225 (trứng)…

Thanh thứ năm: Có đường nét bằng phẳng và hơi đi xuống ở cuối, xuất phát từ cao độ trung bình và kết thúc ở cao độ thấp. Thanh này có thể được ghi là 32. Ví dụ: măj32 (gỗ), fa32 (trời), na32 (cậu)…

Như chúng ta đã biết, cao độ của thanh điệu được xác định bằng tần số rung của dây thanh (Fo) trên 1 giây trong quá trình phát âm âm tiết. Chương trình Speech Analyzer cho phép chúng ta xác định được thanh điệu của âm tiết với đơn vị là Hertz (Hz) trong khi chương trình Wincecil cho phép xác định thanh điệu của âm tiết với đơn vị là Semitone (St). Đơn vị Hertz phản ánh độ cao tuyệt đối của thanh điệu trong khi đơn vị Semitone phản ánh độ cao tương đối của thanh điệu. Mối quan hệ giữa hai đại lượng này được xác định theo công thức sau:

Fo (st) = 39,86.log (10) F(hz)/19,35

Năm 1948, Pike Kennth L. đã khẳng định rằng khi nghiên cứu các ngôn ngữ có thanh điệu, nên dựa vào đại lượng semitone hơn là đại lượng Hertz [7]. Tuy nhiên, trong bài viết này, để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi đưa cả hai đại lượng nêu trên trong phần trình bày kết quả phân tích thực nghiệm.

Mỗi thanh điệu sẽ được chúng tôi khảo sát giá trị Fo trên 5 âm tiết khác nhau. Để xác định đường nét thanh điệu, chúng tôi xác định giá trị Fo tại 4 điểm phân bố đều nhau trên suốt chiều dài của mỗi âm tiết: một điểm đầu âm tiết, một điểm cuối âm tiết và hai điểm ở giữa âm tiết. Giá trị tương đối của Fo của mỗi thanh điệu được xác định trên cơ sở giá trị Fo trung bình trên 5 âm tiết tương ứng. Do khuôn khổ có hạn của bài viết, nên dưới đây chúng tôi chỉ trình bày bảng tổng hợp giá trị F0 trung bình của 5 thanh điệu trong tiếng Thái Vạn Mai:

 Điểm đầu
Điểm giữa 1
Điểm giữa 2
Điểm cuối
Thanh thứ nhất
37,5 st (143,2 Hz)
39,3 st (159,4 Hz)
39,7 st (163,2 Hz)
39,4 st (160,3 Hz)
Thanh thứ hai
39,9 st (165,5 Hz)
43,2 st (200,6 Hz)
41,1 st (177,3 Hz)
33,5 st (114,8 Hz)
Thanh thứ ba
36,7 st (139,2 Hz)
38,9 st (158,4 Hz)
42,8 st (197,4 Hz)
44,6 st (215,6 Hz)
Thanh thứ tư
33,6 st (114,4 Hz)
34 st (117,2 Hz)
37,5 st (142,6 Hz)
42,7 st (193,9 Hz)
Thanh thứ năm
35,2 st (127,1 Hz)
37 st (139,8 Hz)
38,6 st (142,6 Hz)
36,5 st (136,1 Hz)


Ở thanh thứ nhất, các số liệu nêu trên cho thấy về mặt cao độ, đây là một thanh trung bình (toàn bộ thanh nằm trong khoảng từ 37,5 st đến 39,7 st). Đường nét của thanh này nhìn chung là bằng phẳng (chênh lệch lớn nhất giữa các điểm là 2,2 st). Các số liệu cụ thể cũng cho thấy rằng điểm đầu của thanh điệu trong âm tiêt có phụ âm đầu vô thanh có cao độ lớn hơn điểm đầu của thanh điệu trong âm tiết có phụ âm đầu hữu thanh. Điều này cũng đúng với 4 thanh còn lại.

Ở thanh thứ hai, các số liệu cho thấy thanh này xuất phát từ cao độ trung bình (39,9 st). Sau đó, cao độ tăng và đạt độ cao lớn nhất ở điểm giữa 1(chênh lệch giữa điểm xuất phát và điểm giữa 1 đạt 4st) rồi dần dần đi xuống ở khoảng giữa âm tiết (khoảng cách giữa điểm giữa 1 và điểm giữa 2 là 2 st ở điểm giữa 2). Cuối cùng, cao độ giảm mạnh ở cuối âm tiết và xuống điểm nhất trong toàn âm tiết (33,5 st - 114,8 Hz). Chênh lệch giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất ở thanh này lên tới hơn 8st. Như vậy, thanh này có 2 hướng khác nhau: đi lên ở đầu âm tiết và đi xuống ở cuối âm tiết.

Có thể thấy thanh thứ ba xuất phát từ cao độ trung bình (36,7 st – 139,2 Hz). Sau đó, cao độ được tăng rất nhanh (từ điểm đầu đến điểm cuối tăng đều đặn từ 2 st – khoảng 20 Hz đến 3 st – khoảng 30 Hz và đạt tới điểm cao nhất ở cuối âm tiết (44,6 st – 215,6 Hz). Như vậy, chênh lệch giữa điểm thấp nhất và điểm cao nhất của thanh này lên tới 8 st. Khác với các thanh khác, các số liệu phân tích thực nghiệm cho thấy thanh này chỉ có một hướng duy nhất.

Nhìn chung, thanh thứ tư tương đối giống với thanh thứ 3 về xu hướng tăng dần về cao độ. Tuy nhiên, thanh này có điểm khởi đầu (33,6 st – 114,4 Hz) và điểm kết thúc (42,7 st – 193,9 Hz) thấp hơn. Ở nửa đầu của thanh điệu, mức tăng cao độ nhìn chung rất thấp. Chênh lệch giữa điểm đầu và điểm giữa 1 chưa đến 1 st, có trường hợp giữ nguyên hoặc thậm chí giảm cao độ. Đường nét đi lên chỉ thực sự rõ nét từ khoảng giữa âm tiết (chênh lệch giữa điểm giữa 1 và điểm giữa 2 là gần 3 st) và đạt đến điểm cao nhất ở cuối âm tiết (42,7 st – 193,9 Hz).

Các số liệu ở bảng trên cho thấy thanh thứ năm có cao độ xuất phát trung bình (35,2 st – 127,1 Hz). Fo tăng chậm ở nửa đầu của âm tiết (chênh lệch giữa điểm đầu và điểm giữa 1 là 1,8 st) và đạt đến cao độ lớn nhất ở giữa âm tiết (chênh lệch giữa điểm đầu 1 và điểm đầu 2 là 1,6 st) rồi giảm cao độ xuống điểm thấp nhất ở cuối âm tiết (chênh lệch giữa điểm giữa 2 và điểm cuối là 2,1 st). Nhìn chung, thanh này có xu hướng đi lên chậm ở nửa đầu của thanh và đi xuống nhanh hơn ở nửa cuối của thanh.

Tổng hợp lại, ta có thể biểu diễn hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai trên đồ thị sau:


Một vài nhận xét:

Thứ nhất, có thể chia hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai ra làm hai dựa trên tiêu chí về âm vực: âm vực cao gồm thanh thứ hai, thanh thứ ba và thanh thứ tư. Âm vực thấp gồm thanh thứ nhất và thanh thứ năm.

Thứ hai, không có sự thống nhất hoàn toàn giữa cảm nhận thính giác và kết quả phân tích thực nghiệm cao độ và đường nét của hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai. Trên cảm nhận thính giác, thanh 1 là thanh ngang nhưng thực tế phần đầu của thanh này lại đi lên (đi lên nhiều hay ít là phụ thuộc vào thanh tính của phụ âm đầu) và nó chỉ thực sự đi ngang ở phần còn lại của thanh điệu. Tương tự, thanh 2 được cảm nhận như là một thanh đi xuống nhưng thực tế phần đầu của nó cũng đi lên. Thanh 5 được cảm nhận giống như thanh nặng trong tiếng Việt, tức là đi xuống gấp nhưng trên thực tế nó lại đi lên ở 2/3 chiều dài thanh điệu và chỉ đi xuống ở 1/3 cuối của thanh điệu. Như vậy, có thể khẳng định rằng thính giác của chúng ta chủ yếu chỉ cảm nhận sự thay đổi về cao độ và đường nét ở nửa cuối của thanh điệu. Hệ quả được suy ra là nửa cuối của thanh điệu có vai trò quan trọng nhất trong việc xác định thanh điệu. Cũng chính vì lý do này mà có tác giả đã gọi nửa cuối của thanh điệu là phần cố định còn phần đầu của thanh điệu là phần động [14].

Thứ ba, kết quả phân tích thực nghiệm (được thể hiện bằng đồ thị ở trên) cũng như quan niệm truyền thống đã cho phép khẳng định rằng về cơ bản, chúng ta có thể dựa trên cao độ và đường nét để phân biệt các thanh vị (tonemes) trong tiếng Thái Vạn Mai. Sở dĩ chúng tôi dùng từ “về cơ bản” là vì gần đây có quan niệm cho rằng các tiêu chí về chất giọng (voice quality) hay kiểu tạo thanh (phonation types) mới đóng vai trò quyết định trong việc phân biệt các thanh điệu. Ở phần dưới đây, khi trình bày về các đặc điểm về chất giọng (voice quality) trong thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai, chúng tôi sẽ thảo luận kỹ hơn về vấn đề này.

2.2. Về chất giọng (voice quality) của thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai:

Theo tác giả Nguyễn Văn Lợi, chất giọng (voice quality) hiểu theo nghĩa hẹp, là kết quả của sự điều hợp dây thanh của các cơ thanh hầu trong quá trình dây thanh rung động. Sự khác nhau về phương thức dao động của dây thanh sẽ tạo ra chất giọng khác nhau. Với cách hiểu như vậy, thuật ngữ chất giọng đồng nghĩa với thuật ngữ kiểu tạo thanh (phonation type) mà nhiều tác giả vẫn thường dùng [7]. Chúng tôi cho rằng thuật ngữ kiểu tạo thanh (phonation type) thuộc ngữ âm học cấu âm (articulated phonetics), trong khi thuật ngữ chất giọng (voice quality) thuộc ngữ âm học thính giác (acoustic phonetics). Peter Ladefoged trong phần trình bày về phonation type cũng cho rằng trạng thái của thanh môn (glottis) sẽ tạo nên các hiệu ứng âm học là các âm vô thanh (voiceless), âm hữu thanh (voiced) , âm hữu thanh với giọng thở (murmur/breathy), âm hữu thanh với giọng kẹt (creaky/laryngealied) [5]. Như vậy, nội dung chính trình bày trong phần phonation type của tác giả phải là các trạng thái của thanh môn (state of the glottis). Các chất giọng thở, kẹt… chỉ là cái nhãn cho hiệu quả âm học đặc biệt từ các trạng thái này. Do vậy, ở bài viết này, chúng tôi dùng thuật ngữ chất giọng (voice quality) để mô tả cảm nhận thính giác của chúng tôi về kiểu tạo thanh (phonation [3] type) của các thanh.
Đối với hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai, chúng tôi thấy có một số đặc điểm về chất giọng như sau:

Thứ nhất, nửa đầu của thanh thứ tư (được ký hiệu là 225) có chất giọng kẹt (creaky voice). Chất giọng này được Ladefoged mô tả như sau: trong khi tham gia tạo thanh ở nửa đầu âm tiết, sụn phễu siết chặt vào nhau. Do vậy, dây thanh chỉ có thể rung ở một đầu [5]. Chất giọng kẹt có một số biểu hiện trên dạng sóng âm, ảnh phổ và đồ thị Fo như sau: Các formant rõ rệt, dải tần của các formant hẹp hơn so với chất giọng thường, F1 có xu hướng cao hơn, các formant ở tần số cao có xu hướng biểu hiện rõ hơn, Các đường sọc (xung thanh môn) trên ảnh phổ phân bố với khoảng cách không đều, cường độ giảm [7], Fo thấp [4]. Dưới đây là dạng sóng âm, ảnh phổ, đồ thị F0 và phổ đồ của âm tiết /ban225/ (làng):



Trên đồ thị Fo, có thể thấy sự suy giảm Fo ở nửa đầu của âm tiết. Trên ảnh phổ, các forman tương đối rõ rệt. Các formant ở tần số cao được biểu hiện khá rõ. Trên dạng sóng âm, cường độ giảm rõ rệt.

Peter Ladefoged cũng cho rằng số lượng chu kỳ dao động trong một giây của chất giọng kẹt cũng ít hơn so với chất giọng thường [6]. Điều này cũng được thể hiện qua hai đồ thị sóng âm sau:



Nhìn chung, những biểu hiện trên ảnh phổ, dạng sóng âm, đồ thị Fo và phổ đồ đã khẳng định phần nào cho những nhận xét của chúng tôi về chất giọng kẹt của thanh thứ 4.

Thứ hai, ở cuối thanh thứ năm có hiện tượng thanh môn hoá (glottalized). Đây là hiện tượng dây thanh đột ngột bị chập lại, hình thành chỗ tắc ở thanh môn và gây nên tiếng nổ ở thanh môn. Hiện tượng này được thể hiện ở trường độ ngắn và tính chất dừng đột ngột của âm tiết cũng như thanh điệu. Trên ảnh phổ được thể hiện bằng sự tăng cường của các formant tần số cao ở nửa cuối âm tiết [7]. Ta hãy xem dạng sóng âm, đồ thị Fo, sự biến đổi chất âm và ảnh phổ của /na32/ (cậu) dưới đây:



Một vài nhận xét:

Thứ nhất, ngoài thanh thứ tư và thanh thứ năm có chất giọng đặc biệt như vừa nêu ở trên thì ba thanh còn lại, theo chúng tôi đều có chất giọng thường (modal voice). Nếu lấy chất giọng làm tiêu chí khu biệt âm vị học khu biệt các thanh vị trong tiếng Thái Vạn Mai thì chúng ta chỉ xác lập được 03 thanh vị (trong khi thực tế có 5 thanh vị). Do đó, có thể cho rằng chất giọng không thể là tiêu chí âm vị học khu biệt các thanh vị trong hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai.

Thứ hai, cao độ và đường nét của thanh điệu có thể giúp chúng ta cơ bản nhận diện được các thanh vị trong tiếng Thái Vạn Mai. Tuy nhiên, đặc điểm nổi trội của thanh thứ 5 lại là hiện tượng thanh môn hoá ở cuối. Sở dĩ chúng ta dễ dàng phân biệt thanh thứ năm với thanh thứ nhất là nhờ qua hiện tượng tắc thanh môn này hơn là thông qua cao độ. Cũng như vậy, diện mạo của thanh thứ tư phải là đường nét + chất giọng kẹt.

Tóm lại, đối với hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai, về cơ bản, cao độ và đường nét là hai tiêu chí âm vị học khu biệt hệ thống thanh vị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đặc điểm về chất giọng cũng không thể bị bỏ qua khi mô tả về hệ thống thanh điệu này.


3. Hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai xét từ góc độ lịch đại:

Như chúng ta đã biết, dựa trên một thực tế là tất cả các ngôn ngữ Tai đều có thanh điệu, các nhà Tai học đã đi đến một giả định rằng ngôn ngữ Proto – Tai cũng có thanh điệu. Từ sự tương ứng giữa thanh điệu và sự phân bố của chúng, các nhà Tai học đã đi tới giả định rằng ngôn ngữ Proto-Tai có 04 phạm trù thanh điệu *A, *B, *C, *D khác nhau. Các thanh *A, *B, *C kết thúc bằng các phụ âm xát, nguyên âm hoặc phụ âm mũi. Thanh *D chỉ xuất hiện trong các âm tiết kết thúc bằng các phụ âm tắc [10]. Thông qua việc nghiên cứu so sánh thanh điệu giữa các ngôn ngữ Thái hiện đại, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng đối lập vô thanh – hữu thanh ảnh hưởng tới tất cả các thanh điệu trong tất cả các ngôn ngữ Tai, qua đó, các phạm trù thanh Proto-Tai được chia làm hai loạt: *A1, *B1, *C1, *D1 và *A2, *B2, *C2, *D2. Phạm trù thanh *D cũng được chia ra làm 2: *DS và *DL dựa trên trường độ của nguyên âm. *DS là thanh xuất hiện trong âm tiết khép có nguyên âm ngắn. *DL là thanh xuất hiện trong âm tiết khép có nguyên âm dài.

Đến năm 1972, trên cơ sở bảng thanh điệu Proto-Tai 10 ô của Lí Phương Quế, William J. Gedney đã chi tiết hoá thành 4 loạt phụ âm: vô thanh bật hơi, vô thanh không bật hơi, tiền tắc họng và hữu thanh (thay vì hai loạt hữu thanh và vô thanh như trước) và kết quả là sự ra đời của bảng thanh điệu Proto – Tai 20 ô mà chúng ta thường dùng ngày nay [11]:

Các phụ âm Proto- Tai
*A
*B
*C
*DS
*DL
phụ âm xát vô thanh, phụ âm tiền xát, phụ âm vô thanh bật hơi
     
phụ âm tắc vô thanh không bật hơi
     
phụ âm tiền tắc họng
     
phụ âm hữu thanh thở
     

Phương pháp tìm sự biến đổi thanh điệu từ Proto – Tai cho đến các ngôn ngữ Tai hiện đại thường được các nhà Tai học sử dụng là sự lắp ghép các từ của các ngôn ngữ Tai hiện đại vào các ô nói trên và tìm ra quy luật tương ứng. Trong bài viết này, chúng tôi cũng sử dụng phương pháp này khi tìm hiểu quá trình biến đổi từ Proto-Tai đến tiếng Thái Vạn Mai. Dưới đây là kết quả cụ thể:

Các phụ âm Proto- Tai
*A
*B
*C
*DS
*DL
phụ âm xát vô thanh, tiền xát, phụ âm vô thanh bật hơi
42
35
225
32
35
phụ âm tắc vô thanh không bật hơi
42
35
225
32
35
phụ âm tiền tắc họng
42
35
225
32
35
phụ âm hữu thanh thở
33
225
32
32
225

Từ bảng trên, chúng ta có thể thấy quá trình biến đổi thanh điệu từ Proto-Tai đến tiếng Thái Vạn Mai có một số điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, quá trình biến đổi thanh điệu từ Proto-Tai đến tiếng Thái Vạn Mai diễn ra theo quy luật: ở mỗi phạm trù thanh *A, *B, *C, *DL các từ có phụ âm đầu Proto-Tai là xát vô thanh, tiền xát, vô thanh bật hơi, tắc vô thanh không bật hơi, tiền tắc họng đều mang cùng một thanh điệu. Ta có thể mô hình hoá quy luật này từ bảng thanh điệu trên như sau:

*A1= *A2 = *A3
*B1 = *B2 = *B3
*C1 = *C2 = *C3

Thứ hai, ở mỗi phạm trù thanh *A, *B, *C, *DL, các từ có phụ âm đầu Proto-Tai là xát vô thanh, tiền xát, vô thanh bật hơi, tắc vô thanh không bật hơi, tiền tắc họng hiện đều mang thanh điệu với âm vực cao hơn thanh điệu trong các từ vốn có phụ âm đầu Proto-Tai là hữu thanh thở. Quy luật này tuơng đối phổ biến trong các ngôn ngữ Tai.

Thứ ba, sự biến đổi thanh điệu trong hai pham trù thanh Proto-Tai *B và *DL giống hệt nhau. Hiện tượng này cũng xuất hiện trong các ngôn ngữ Thái Đen, Shan, Lự, Lào, Wu-ming [10]. Như vậy, nếu xét trong bối cảnh các ngôn ngữ Thái ở Việt Nam thì quá trình biến đổi thanh điệu của tiếng Thái Vạn Mai gần với quá trình biến đổi thanh điệu của tiếng Thái đen hơn là Thái Trắng. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra của TS. Vi Văn An (Viện Dân tộc học) về ý thức tự giác tộc người của nhóm Tày Đeng ở Thanh Hoá. Theo đó, đồng bào thuộc nhóm Tày Đeng vẫn tự nhận thuộc ngành Thái Đen (Tày Đăm) [1].

Thứ tư, quá trình biến đổi thanh điệu trong tiếng Thái Mai Châu khá đáng chú ý với hiện tượng ở phạm trù thanh *DS, tất cả các từ mang 1 trong 4 loại phụ âm đầu Proto – Tai trong bảng trên đều cùng mang một thanh điệu (thanh 32). Hiện tượng này rất hiếm xảy ra trong các ngôn ngữ Thái ở Việt Nam nói riêng và trong các ngôn ngữ Tai nói chung.


4. Kết luận

Thứ nhất, hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai khá đơn giản với 5 thanh điệu chia làm hai âm vực. Hệ thống này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm thanh điệu của vùng phương ngữ Thái thứ 4 (bao gồm Mộc Châu, Phù Yên, Mai Châu, Đà Bắc…) theo cách phân loại của Nguyễn Khắc Toàn (1972).

Thứ hai, giữa cảm nhận thính giác và kết quả phân tích thực nghiệm về thanh điệu có những sự chênh lệch nhất định. Qua sự chênh lệch này, chúng ta phát hiện ra rằng đường nét ở cuối thanh điệu sẽ quyết định ấn tượng của chúng ta về thanh điệu đó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng trong việc nhận diện hệ thống thanh điệu của một ngôn ngữ, cảm nhận thính giác đóng vai trò quan trọng nhất. Phân tích thực nghiệm chỉ có vai trò chứng minh và kiểm nghiệm.

Thứ ba, chất giọng có vai trò không như nhau trong các hệ thống thanh điệu khác nhau ở các ngôn ngữ khác nhau. Nếu như ở trong tiếng Việt, Andrea Phạm Hoà đã khẳng định chất giọng là tiêu chí âm vị học khu biệt các thanh vị (chứ không phải là cao độ và đường nét) thì trong tiếng Thái (ít nhất là tiếng Thái Vạn Mai), cao độ chỉ là tiêu chí ngữ âm đi kèm giúp chúng ta nhận diện rõ hơn các thanh vị.

Thứ tư, quá trình biến đổi của hệ thống thanh điệu tiếng Thái Vạn Mai nằm trong xu thế chung của các ngôn ngữ Tai. Bên cạnh đó, sự gần gũi về quá trình biến đổi giữa tiếng Thái Vạn Mai (một phương ngữ của tiếng Tày Đeng) với tiếng Thái đen cộng với kết quả nghiên cứu của TS. Vi Văn An có thể đưa chúng ta đến một kết luận rằng Tày Đeng chỉ là một nhóm địa phương của ngành Thái Đen. Trên thực tế, năm 2006 chúng tôi cũng đã có dịp đến Lang Chánh (Thanh Hoá) và được biết rằng tên gọi Tày Đeng (Thái Đỏ) được xuất phát từ cách tự gọi của người Thái ở dọc con suối Nậm Léng (nước đỏ - xã Yên Khương, Yên Thắng) để phân biệt với người Thái ở các vùng khác. Tuy nhiên, để đi tới một kết luận chính xác chúng ta cần phải có căn cứ đầy đủ hơn với cả 3 tiêu chí: văn hoá, ngôn ngữ và ý thức tự giác tộc người.


Tài liệu tham khảo
  1. Vi Văn An, Góp phần tìm hiểu về tên gọi Thái đỏ ở Việt Nam, Thái học 2002
  2. James R.Chamberlain, A new look at the history and classification of the Tai languges, 1975.
  3. Koichi Honda, Fo and phonation types in Nghe Tinh Vietnamese tones, Australian National University, 2006.
  4. Andrea Phạm Hoà, Vietnamese tonal system in Nghi Loc: A preliminary report, Toronto Working papers in Linguistics, 2005
  5. Peter Ladefoged, A course in Phonetics, USA, 1975
  6. Nguyễn Văn Lợi, Thanh điệu một vài thổ ngữ Nghệ An từ góc nhìn đồng đại và lịch đại, NN 3/2002.
  7. Nguyễn Văn Lợi, Thanh điệu tiếng Việt trong âm tiết vô thanh: đặc trưng âm học và sự thụ cảm, tài liệu chưa công bố, 2006.
  8. Shimizu Masaaki, An acoustic analysis on the Vietnamese tone (Hanoi dialect) –its voice quality-, annual report, 1997
  9. Lí Phương Quế, A Hand book of comparative Tai, The Univ. Press of Hawaii, 1977.
  10. Graham Thurgood, A comment on Gedney’s proposal for another series of voiced initials in Proto-Tai revisited, Studies in Southeast Asian Languages, 2002
  11. Nguyễn Khắc Toàn, “Về hệ thống ngữ âm tiếng Thái ở Miền Bắc Việt Nam”, trong Tìm hiểu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, HN 1972.
  12. Vũ Bá Hùng, Tiếng Việt và một số ngôn ngữ dân tộc trên bình diện ngữ âm, Nxb KHXH.2000
(Tác giả hiện đang làm việc tại Viện Ngôn ngữ, Hà Nội.)



[1]Theo số liệu thống kê năm 1999, dân tộc Thái có dân số 1.328.725 người, cư trú chủ yếu tại các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái…
[2]Hiện nay, nhiều nhà Thái học nước ngoài khẳng định sự tồn tại của ngành Thái đỏ (Tày đeng) ở Việt Nam mà tiếng Thái Mai Châu là một thổ ngữ . Trong khi đó, các nhà Thái học Việt Nam lại phủ nhận sự tồn tại của ngành này.
[3]Như chúng ta đã biết, bản thân thuật ngữ phonation đã phản ánh một trong ba giai đoạn cấu tạo nên âm thanh lời nói: respiration, phonation, articulation [Vũ Bá Hùng, Tiếng Việt và một số ngôn ngữ dân tộc trên bình diện ngữ âm, Nxb KHXH. 2000].
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, tháng 9.2007